Chỉ lấy mẫu xét nghiệm H7N9 với người bệnh bị nghi ngờ
Sáng 5-4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Sở Y tế Hà Nội đã họp khẩn cấp để hoàn tất và sớm thông qua Dự thảo Kế hoạch phòng chống dịch bệnh H7N9 trên người. Tính đến hết ngày 5-4, tại Trung Quốc đã có 14 ca mắc, 6 ca tử vong do bệnh này.
Kiểm tra công tác kiểm dịch phòng bệnh H7N9 tại sân bay Nội Bài
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho biết, đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa rõ về cơ chế lây truyền bệnh H7N9, có thể từ gia cầm, từ chim hoặc từ lợn. Virus này cũng chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Theo ông Cảm, ngành y tế Hà Nội đã có kinh nghiệm trong phòng chống các dịch cúm gia cầm nên nếu dịch H7N9 xuất hiện thì hoàn toàn có thể ứng phó được.
Trước mắt, Sở Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm người mang virus H7N9 giống như quy trình lấy mẫu xét nghiệm cúm A/ H5N1, chuyển thẳng mẫu tới Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm xét nghiệm. Tuy nhiên việc lấy mẫu chỉ tiến hành với những đối tượng nghi ngờ mắc bệnh bởi xét nghiệm mẫu khá đắt, khoảng 2 triệu đồng/mẫu, nếu làm rộng không những gây lãng phí mà còn khiến dân chúng hoang mang. Trong tuần tới, TTYTDP sẽ triển khai tập huấn phòng, chống bệnh này đến tất cả 29 quận, huyện.
Liên quan đến công tác kiểm dịch quốc tế tại cửa khẩu Nội Bài, ông Phạm Xuân Thu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế – Sở Y tế Hà Nội cho biết, Trung tâm đã tổ chức 5 cán bộ trực 24/24 giờ tại sân bay làm nhiệm vụ đo thân nhiệt, khám nhanh để sàng lọc khách quốc tế xuống sân bay, đặc biệt với các trường hợp có biểu hiện sốt, đến hoặc về từ vùng có dịch.
Video đang HOT
Cũng tại cuộc họp, TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, chủng cúm H7N9 xuất hiện tại Trung Quốc gần đây là chủng đầu tiên gây bệnh trên người. Việc điều trị loại cúm này vẫn có thể dùng thuốc Tamiflu và Zanamivir- dạng xịt, khí dung, siro. Cũng theo ông Kính, hiện nay cúm H7N9 có độc lực ghê gớm như H5N1 nhưng người dân không nên quá hoang mang, lo lắng bởi các bác sĩ ở Trung Quốc đã khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy bệnh lây từ người sang người và cả thế giới cũng mới chỉ có Trung Quốc công bố ca bệnh. Dự kiến trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ ban hành phác đồ điều trị với loại cúm này.
Theo ANTD
Nguy cơ lây lan và biện pháp phòng tránh H7N9
Cho đến thời điểm này vẫn chưa có những kết quả nghiên cứu xác định rõ các trường hợp nhiễm chủng cúm H7N9 xuất phát từ đâu, cơ chế lây truyền như thế nào? Do đó, chúng ta cần chủ động đối phó với dịch bệnh, nếu lơ là chủ quan, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam và bùng phát dịch là rất lớn.
Trung Quốc đã ghi nhận 14 trường hợp bị nhiễm virus cúm H7N9 trong đó có 6 người thiệt mạng. Thông tin này đã khiến không ít người lo ngại về nguy cơ dịch bệnh lây lan sang nước ta, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta chưa kiểm soát được gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc.
Tất cả 14 trường hợp nhiễm virus cúm H7N9 ghi nhận tại Trung Quốc đều có triệu chứng viêm đường hô hấp tiến tới viêm phổi và suy hô hấp. Bộ Y tế nhận định, chủng cúm H7N9 có khả năng biến đổi rất cao, có độc lực mạnh. Đây là lần đầu tiên việc nhiễm chủng cúm H7N9 gây bệnh nặng trên người. Tuy nhiên đáng lo ngại, hiện nay chưa có vacxin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho chủng virus cúm mới này.
Nước ta hiện nay chưa kiểm soát được gia cầm nhập lậu
Ông Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết: "Mặc dù chưa có biểu hiện lây truyền từ người sang người, nhưng có cảnh báo về việc biến chủng cúm gia cầm. Đây chính là điều lo ngại nhất hiện nay, vì tính biến chủng, biến dị ở gia cầm và người là đặc tính phổ biến của các chủng virus. Chúng ta phải tăng cường giám sát các trường hợp viêm phổi và suy hô hấp không rõ nguyên nhân để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp cúm H7N9 trên người".
Cũng theo các chuyên gia y tế, nếu như chủng H5N1 thường gây dịch phổ biến ở gia cầm thì chủng H7N9 ít phổ biến hơn, ít có khả năng gây bệnh và cho đến thời điểm này vẫn chưa có bằng chứng lây lan từ người sang người. Nhưng tính chất lây nhiễm ở chủng cúm này vẫn có thể thay đổi theo thời gian. Việc quan trọng lúc này, là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đặc biệt là Y tế và thú y để kiểm soát việc tiêu thụ gia cầm mang chủng cúm vào Việt Nam.
Ông Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nói: "Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là Y tế và thú y là hết sức quan trọng vì Vius H7N9 là virus có độc lực cao, lây truyền từ gia cầm sang người. Trong lúc này chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ, ngăn không cho dịch lây lan từ Trung Quốc vào. Đồng thời tăng cường giám sát, phát hiện xem tại Việt Nam đã xuất hiện ổ dịch chưa. Nhất là đối với người dân, không nên hoang mang nhưng phải có hiểu biết, liên quan đến việc chăn nuôi, giết mổ và sử dụng thực phẩm theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế".
Người dân cần chủ động phòng tránh H7N9
Sau 10 năm khi dịch cúm A/H5N1 xuất hiện, có đến 50% người nhiễm chủng cúm này đã tử vong. Và với việc chủng cúm mới H7N9 xuất hiện và gây tử vong 6 trường hợp ở Trung Quốc là điều đáng lo ngại, khi tình trạng buôn bán gia cầm qua biên giới hiện nay vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi, những kinh nghiệm điều trị loại cúm này ở nước ta còn hạn chế và chưa có vắc-xin phòng chống loại cúm này.
Đến thời điểm này, vẫn chưa thể xác định rõ, các trường hợp nhiễm chủng cúm H7N9 xuất phát từ đâu, cơ chế lây truyền như thế nào, do đó, cần một nghiên cứu cụ thể hơn từ phía các cơ quan chức năng để có thể chủ động phòng chống dịch cúm lây lan.
Trước mắt, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo đối với người dân một số yêu cầu sau:
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, an toàn thực phẩm, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, thường xuyên rửa tay với xà phòng;
- Không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc;
- Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn;
- Khi có các biểu hiện cúm ho, đau ngực, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn khám, điều trị kịp thời;
- Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.
Theo ANTD
Xuất hiện bệnh tai xanh, cúm H5N1 ở Nha Trang Tính từ đầu tháng 10 đến nay, toàn TP Nha Trang có 8 xã, phường xuất hiện bệnh tai xanh 3 xã, phường xuất hiện cúm H5N1 ở gia cầm, tổ chức tiêu hủy hơn 1.400 con gà và 323 con lợn. Ngày 17-10, UBND xã Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) tổ chức tiêu hủy 25 con lợn mắc bệnh tai...