Chỉ huy phe ly khai Ukraine lần đầu thừa nhận có tên lửa BUK
Viên chỉ huy đầy quyền lực của một nhóm quân thuộc phe ly khai miền đông Ukraine xác nhận phe ly khai có trong tay tên lửa phòng không mà Mỹ cáo buộc đã được dùng để bắn hạ máy bay MH17.
Ông Alexander Khodakovsky, chỉ huy Tiểu đoàn Vostok, một đơn vị thuộc phe ly khai ở miền đông Ukraine, trả lời phỏng vấn Reuters tại một địa điểm ở vùng Donetsk hôm 8.7
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Reuters, Alexander Khodakovsky, chỉ huy Tiểu đoàn Vostok, thừa nhận phe ly khai có sở hữu hệ thống tên lửa BUK, đồng thời cho biết hệ thống này sau đó có thể đã được gửi trả nhằm xóa giấu vết về sự hiện diện của nó.
Đây là lần đầu tiên có một chỉ huy thuộc phe ly khai thừa nhận điều này kể từ sau khi MH17 bị rơi ở miền đông Ukraine vào giữa tuần trước, theo Reuters.
Trước khi máy bay Malaysia bị rơi, phe ly khai đã từng công khai tuyên bố đoạt được BUK, vốn là loại tên lửa có khả năng bắn hạ máy bay đang bay ở tầm cao.
Tuy nhiên, kể từ sau khi thảm họa xảy ra, lực lượng chủ chốt của phe ly khai ở miền đông Ukraine – Cộng hòa Nhân dân Donetsk – đã liên tục cho rằng mình không sở hữu tên lửa BUK.
Điều đang gây tranh cãi nhất hiện nay là ai đã phóng tên lửa bắn hạ chiếc máy bay dân sự chở theo 298 người.
Ông Khodakovsky tố cáo chính quyền Ukraine đã khiêu khích để phe ly khai phóng tên lửa bằng cách cố tình phát động các cuộc không kích trong khu vực dù biết có tên lửa tại đó.
“Tôi đã biết rằng có một tên lửa BUK được chở từ Luhansk. Lúc đó tôi được cho biết rằng tên lửa này sẽ đến dưới danh nghĩa thuộc LNR”, ông này cho biết, trong đó có đề cập đến Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LNR), lực lượng ly khai chủ chốt đang hoạt động tại vùng Luhansk.
Cùng với Donetsk, Luhansk là một trong hai vùng nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai và Donetsk chính là nơi máy bay Malaysia rơi xuống.
Video đang HOT
“Tôi có biết về tên lửa BUK đó. Tôi có nghe về nó. Tôi nghĩ họ đã gửi trả nó lại. Vì tôi đã biết về nó ngay tại thời điểm tôi biết về thảm kịch này (vụ rơi máy bay MH17). Có lẽ họ đã gửi trả nó lại nhằm xóa giấu vết về sự hiện diện của tên lửa này”, ông Khodakovsky tiết lộ hôm 23.7.
“Ukraine đã kịp thời có bằng chứng rằng lực lượng ly khai đã có loại vũ khí này do sơ xuất của phía Nga. Nhưng họ chẳng những không làm gì để đảm bảo an ninh, mà còn khiêu khích để phe ly khai dùng đến tên lửa này để bắn hạ một chiếc máy bay đang chở theo những thường dân vô tội”, ông này tố cáo.
“Họ biết về sự tồn tại của tên lửa BUK này, biết rằng tên lửa BUK được chở tới Snezhnoye”, chỉ huy phe ly khai đề cập đến ngôi làng nằm cách hiện trường máy bay rơi khoảng 10 km. “Họ đã biết nó sẽ được triển khai đến đó và họ đã cố tình khiêu khích để phe ly khai dùng đến tên lửa này bằng cách phát động một cuộc không kích vào một mục tiêu mà họ không cố tình muốn tấn công, mục tiêu mà máy bay Ukraine đã không màng đến cả tuần lễ”.
“Và trong ngày hôm đó, họ đã bay ào ạt và chính xác ngay thời điểm chiếc máy dân sự (Malaysia) bay qua, họ đã tiến hành không kích … Ukraine đã làm mọi cách để chắc chắn rằng chiếc máy bay dân sự sẽ bị bắn rơi”, theo ông Khodakovsky.
Tên lửa phòng không BUK
Ông Khodakovsky từng là chỉ huy của đơn vị chống khủng bố “Alpha” thuộc cơ quan an ninh vùng Donetsk và là một trong số ít các chỉ huy chủ chốt của phe ly khai tại Donetsk thực sự là người gốc Ukraine, chứ không phải người Nga, Reuters cho hay.
Ông cũng từng có xích mích với các thủ lĩnh khác, chẳng hạn như với ông Igor Strelkov, người tự xưng là chỉ huy toàn bộ các lực lượng ly khai trong vùng Donetsk.
Khodakovsky nói rằng ai cũng biết đến việc phe ly khai trước đó đã chiếm được các tên lửa BUK từ quân đội chinh phu, bao gồm 3 tên lửa tịch thu tại một chốt kiểm soát hồi tháng 4.2014 và một tên lửa gần sân bay ở Donetsk.
Tuy nhiên, ông khẳng định không có tên lửa nào tịch thu từ quân đội chinh phu có thể dùng được.
Và mặc dù cũng thừa nhận không thể cho biết nguồn gốc chính xác của tên lửa BUK tại thời điểm máy bay MH17 bị rơi, nhưng ông phỏng đoán có thể nó đến từ Nga.
“Tôi sẽ không đưa ra kết luận rằng Nga đã có cho hay không cho những thứ này cho họ. Nga có thể đã cung cấp tên lửa BUK hoàn toàn cho mục đích trong nước. Tôi cũng muốn có một tên lửa BUK và nếu có ai đó cho tôi 1 chiếc tên lửa, tôi sẽ không từ chối. Nhưng tôi sẽ không dùng nó để chống lại những thứ không đe dọa đến tôi. Tôi sẽ chỉ dùng nó trong tình huống có một vụ không kích nhằm vào vị trí của tôi để bảo vệ mạng sống mọi người”, ông này trần tình.
Ông này cũng nói thêm rằng trong bất kỳ trường hợp nào, ông cũng đều được yêu cầu phải đứng về phía của mình, thậm chí ngay cả khi ông “nghĩ điều ngược lại, nói ra điều ngược lại hay có cái nhìn trái ngược”.
“Điều này khiến linh hồn tôi cảm thấy rất khó chịu”, Khodakovsky thừa nhận.
Theo Thanh Niên
MH17: Lãnh đạo nổi dậy của Ukraine thừa nhận có tên lửa Buk
Một lãnh đạo nổi dậy ở Ukraien đã xác nhận lực lượng này có loại tên lửa phòng không mà Washington cho rằng đã được dùng để bắn hạ máy bay Malaysia MH17, khiến 298 người thiệt mạng vào 17/7.
Một binh sỹ nổi dậy kheo ảnh chụp trước hệ thống tên lửa Buk trên mạng xã hội. Ảnh này đã bị rút sau thảm họa MH17.
Lần đầu tiên kể từ khi MH17 rơi ở miền đông Ukraine, Alexander Khodakovsky, chỉ huy lữ đoàn Vostok, thừa nhận rằng quân nổi dậy có sở hữu tên lửa Buk.
Khodakovsky cũng ám chỉ tên lửa này có xuất xứ từ Nga và có thể đã được đưa trở lại Nga để xóa dấu vết về sự hiện diện của nó ở đông Ukraine.
Trước khi MH17 bị bắn hạ quân nổi dậy đã khoe khoang về việc sở hữu tên lửa Buk, có thể bắn hạ được máy bay dân dụng đang bay trên độ cao 10.000m.
Nhưng kể từ khi xảy ra thảm họa, Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng liên tục phủ nhận việc sở hữu loại vũ khí này.
Và cũng kể từ khi MH17 bị bắn hạ làm 298 người thiệt mạng, vấn đề nan giải nhất là xác định ai đã là người bắn tên lửa.
Khodakovsky đổ lỗi cho giới chức Kiev đã khiêu khích cho một vụ tấn công nhằm vào máy bay MH17. Lãnh đạo lực lượng nổi dậy cũng cho rằng Kiev rõ ràng là đã tiến hành các cuộc không kích ở khu vực xảy ra thảm họa MH17 và tên lửa của quân đội Ukraine luôn sẵn sàng.
"Tôi biết đã có một quả tên lửa Buk đến từ Luhansk. Vào thời điểm đó tôi được thông báo một tên lửa Buk từ Luhansk, dưới lá cờ của LNR", Khodakovsky ám chỉ đến Cộng hòa nhân dân Luhansk tự xưng, nhóm nổi dậy kiểm soát Luhansk, một trong 2 tỉnh quân nổi dậy kiểm soát. Tỉnh còn lại là Donetsk, nơi máy bay MH17 rơi.
"Đó là tên lửa Buk mà tôi biết, tôi nghe nói đến. Tôi nghĩ họ đã gửi trả nó. Bởi tôi đã tìm ra về nó đúng vào thời điểm tôi biết thảm họa này (MH17)."
"Họ có thể đã gửi trả lại nó để xóa bỏ bằng chứng về sự hiện diện của nó", Khodakovsky nói thêm.
Trong khi đó giới chức tình báo Mỹ cho rằng Nga phải "chịu trách nhiệm cho việc bắn hạ MH17" mặc dù Mỹ thừa nhận không có bằng chứng về sự liên quan trực tiếp của Tổng thống Putin với vụ việc.
Lý do cho việc quy trách nhiệm của Mỹ là bởi Mỹ cáo buộc Nga hỗ trợ vũ khí, huấn luyện cho lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraine.
Tình báo Mỹ cũng cho rằng MH17 có thể bị trúng tên lửa đất đối không SA-11 hay Buk. Và sau khi phân tích các cuộc nói chuyện điện thoại của các binh sỹ nổi dậy, tình báo Mỹ kết luận thủ phạm đã không nhận ra rằng mục tiêu của họ là một máy bay dân dụng.
Ngoài ra, giới tình báo còn phân tích ảnh vệ tinh, tài khoản mạng xã hội của quân nổi dậy.
Tuy nhiên, giới chức tình báo Mỹ cho đến nay vẫn chưa biết ai bắn tên lửa hay liệu có người Nga nào có mặt ở địa điểm vụ phóng tên lửa hay không.
Trung Anh
Theo Dantri/ Daily Mail