“Chỉ huy” hàng vạn con cá “quý tộc” không xương, nông dân 9X tỉnh Lai Châu thu cả tỷ đồng
Ngay dưới chân đèo Hoàng Liên Sơn, có một trại nuôi cá tầm – loài cá “quý tộc” khủng nhất Lai Châu. Mỗi năm, trại nuôi cá tầm này bán ra thị trường vài chục tấn cá thương phẩm, chủ trại thu về cả tỷ đồng.
Chủ trại nuôi loài cá “quý tộc” không xương này là một thanh niên khá trẻ, thuộc thế hệ 9X, đó là anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1991). Trại nuôi cá tầm của anh Tuấn nằm bên cạnh Quốc lộ 4D, dưới chân đèo Hoàng Liên Sơn, thuộc bản Chu Va 12 (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Khi chúng tôi đến, anh Tuấn đang giao dịch với khách đến mua cá.
Theo quan sát của phóng viên Dân Việt, trại nuôi cá tầm của anh Tuấn được xây dựng khá bài bản. Đó là những dãy bể xây kiên cố, được thiết kế theo kiểu bậc thang. Khác với dãy bể to nuôi cá thương phẩm để lộ thiên, khu bể nhỏ ương cá giống được anh Tuấn lợp mái che chắn cẩn thận.
Mỗi năm, anh Tuấn bán ra thị trường khoảng 50 tấn cá tầm thương phẩm.
Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, anh Tuấn cho hay: “Trại nuôi cá tầm này được xây dựng và đi vào hoạt động cách đây hơn 5 năm. Tận dụng nguồn nước dồi dào từ suối Chu Va, gia đình tôi đã chọn địa điểm này để xây dựng bể nuôi cá tầm với quy mô lớn. Kinh phí xây dựng trại cá lên đến cả tỷ đồng. Trang trại này gồm 37 bể nuôi cá thương phẩm và 20 bể nhỏ dành để ương cá giống. Nước được dẫn từ suối về các bể, từ bể trên chảy xuống bể dưới, rồi lại chảy ra suối. Việc để nước chảy vào bể rồi lại chảy ra suốt ngày đêm như vậy rất quan trọng. Nó không chỉ giúp cho các bể cá luôn có lượng nước trong mát, mà còn tạo ô xy cho đàn cá sinh trưởng và phát triển”.
Theo anh Tuấn, nuôi cá tầm khá vất vả, nhất là thời kỳ cá còn bé.
Theo anh Tuấn, nuôi cá tầm quan trọng nhất là phải luôn giữ cho bể sạch sẽ, nguồn nước phải trong. Anh thuê 5 lao động chỉ để vệ sinh bể cá và cho cá ăn mỗi ngày. “Việc vệ sinh bể nuôi cá tầm rất quan trọng. Khi thấy bể bẩn là phải vệ sinh ngay, chứ không phải là ngày thực hiện mấy lần. Đối với bể ương cá giống thì càng phải chú tâm hơn vấn đề vệ sinh. Bởi lẽ, cá càng nhỏ thì sức đề kháng càng yếu. Nếu bể nuôi không sạch, cá con dễ bị mắc bệnh. Khi cá tầm con nhiễm bệnh thì rất khó chữa trị” – anh Tuấn lý giải.
Được cho ăn đủ dinh dưỡng, đàn cá tầm của anh Tuấn sinh trưởng, phát triển nhanh.
Thu tiền tỷ mỗi năm
Chia sẻ với Dân Việt về kỹ thuật chăm sóc cá tầm, anh Tuấn cho biết: “Khâu cho cá ăn rất quan trọng, nhất là ở thời kỳ cá còn nhỏ. Với cá nuôi trong bể ương, tôi cho chúng ăn 8 bữa mỗi ngày. Cứ cách 3 tiếng, tôi lại cho đàn cá ăn một lần. Cho ăn như vậy, đàn cá mới có đủ dinh dưỡng để phát triển. Chăm cá con còn cực hơn cả chăm em bé. Người nuôi phải thức đêm, thức hôm lọ mọ cho cá ăn. Khi cá tầm có trọng lượng từ 5 lạng đến 7 lạng/con trở lên thì bữa ăn cho chúng giảm dần. Lúc này, việc chăm sóc đàn cá cũng đỡ vất vả hơn. Nuôi trong bể ương tầm 4 tháng thì tôi cho đàn cá ra bể to để chăm sóc. Lúc này, cá mới đạt từ 1 lạng – 1,5 lạng”.
Video đang HOT
Đối với bể nuôi cá thương phẩm, ngoài vệ sinh bể mỗi ngày, cứ cách 1 tháng anh Tuấn lại cho đàn cá “tắm thuốc” một lần để phòng bệnh. Cách làm của anh Tuấn khá đơn giản. Anh Tuấn hòa muối vào một chậu nước rồi tạt vào các bể nuôi cá tầm thương phẩm. Trước khi “tắm thuốc” cho đàn cá, anh Tuấn ngừng xả nước và tháo bớt nước trong bể, chỉ để còn chừng 40cm nước.
Bể nuôi cá tầm được anh Tuấn xây dựng kiên cố, bài bản.
“Khi tạt nước muối vào bể, tôi để chừng 30 phút rồi mới xả nước như bình thường. Làm theo cách này sẽ phòng được các bệnh về nấm cho đàn cá. Những con cá tầm bị xước sát mình cũng sẽ sớm khỏi khi được ngâm trong nước muối” – anh Tuấn chia sẻ.
Anh Tuấn thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của đàn cá tầm ở từng bể nuôi. Khi phát hiện con cá nào còi cọc, chậm lớn hay có biểu hiện không bình thường là anh lọc ra, cho sang bể khác và có chế độ chăm sóc riêng.
Được cho ăn đủ dinh dưỡng lại sống trong môi trường sạch sẽ, đàn cá tầm của anh Tuấn cứ lớn dần theo ngày tháng. Anh Tuấn cho đàn cá tầm ăn một loại cám công nghiệp, với các kích cỡ hạt khác nhau. Tùy theo trong lượng của đàn cá mà anh cho chúng ăn loại cám phù hợp.
Để lúc nào cũng có cá tầm thịt bán ra thị trường, anh Tuấn nuôi theo kiểu gối đầu. Cứ cách từ 3- 4 tháng, anh lại nhập cá giống về nuôi một lần. Một năm, anh Tuấn nuôi khoảng 3 vạn con cá tầm. Mỗi năm, bán ra thị trường trên dưới 50 tấn cá thương phẩm, với giá dao động từ 180.000 – 200.000 đồng/kg, anh thu gần chục tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí con giống, nhân công, thức ăn, anh Tuấn lãi hơn 1 tỷ đồng.
Bí quyết của 9X tỉnh Lai Châu trồng chanh leo hữu cơ quả sai lúc lỉu vạn người mê
Chỉ với bí quyết đơn giản, 9X Hoàng Văn Dũng, tỉnh Lai Châu đã ngăn chặn thành công côn trùng xâm nhập, phá hoại vườn chanh leo của mình.
Vườn chanh leo của anh không chỉ cho quả sai lúc lỉu, mà quả nào, quả nấy đều sáng bóng, ai nhìn cũng mê.
Thành lập hợp tác xã trồng chanh leo
Đó là anh Hoàng Văn Dũng (SN 1991) ở bản Đông (xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu). Qua câu chuyện với anh Dũng, được biết, anh từng theo học ngành Nông học, khoa Nông - Lâm, Trường Đại Học Tây Bắc.
Sau khi tốt nghiệp, anh Dũng xin vào làm việc tại Công ty CP Nafoods Tây Bắc, đóng ở huyện Mộc Châu (Sơn La). Cuối năm 2018, anh Dũng quyết định xin nghỉ việc ở công ty, về quê khởi nghiệp trồng chanh leo.
Cây chanh leo là cây trồng mới ở huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) nói chung, xã Mường Than nói riêng.
Trở về quê, anh Dũng đã vận động thêm một số người dân trong bản cùng tham gia thành lập Hợp tác xã nông nghiệp sạch và dịch vụ nông nghiệp Than Uyên.
Cuối năm 2019, anh Dũng cùng các thành viên Hợp tác xã bắt tay vào thực hiện mô hình trồng chanh leo. Từng làm cán bộ kĩ thuật của Công ty CP Nafoods Tây Bắc, nên anh Dũng hiểu rõ hiểu khá rõ về đặc tính của cây chanh leo.
Sẵn kiến thức và kinh nghiệm trong tay, anh Dũng vừa làm vừa chỉ bảo tận tình cho các thành viên hợp tác xã.
Được chăm sóc theo đúng quy trình kĩ thuật, 4 vườn chanh leo với tổng diện tích hơn 4ha của hợp tác xã sinh trưởng, phát triển tốt. Khoảng 6 tháng sau khi trồng, vườn chanh leo đã bắt đầu cho quả.
Anh Hoàng Văn Dũng, xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu sử dụng tinh dầu xả để xua đuổi côn trùng tấn công vườn chanh leo.
"Sở dĩ chúng tôi lựa chọn trồng chanh leo là vì giống cây này khá phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Hơn nữa, chúng tôi không phải lo lắng về đầu ra cho quả chanh leo tươi. Trước khi thực hiện mô hình, hợp tác xã đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Beefoods, trụ sở tại thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu)...", anh Dũng cho hay.
Hợp tác xã trồng và chăm sóc chanh leo theo hướng hữu cơ, nên quả chanh leo tươi luôn đảm bảo chất lượng.
Bí quyết giúp vườn chanh leo trĩu quả
Theo chân anh Lò Văn Vượng - Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sạch và Dịch vụ nông nghiệp Than Uyên ra khu vườn bên cạnh nhà anh Dũng, chúng tôi được "mục sở thị" vườn chanh leo quả sai trĩu trịt.
Quả chanh leo tươi của Hợp tác xã Nông nghiệp sạch và Dịch vụ nông nghiệp Than Uyên, xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu không chỉ đẹp mã mà còn rất thơm và ngọt.
Chỉ tay vào những chiếc chai nhựa lủng lẳng trên giàn chanh leo, anh Vượng phấn khởi nói: "Đây chính là bí quyết giúp vườn chanh leo của hợp tác xã ra quả sai lúc lỉu. Chính anh Dũng là người đã nghĩ ra cách này. Cách làm này cũng rất đơn giản. Chúng tôi cho vào chai nhựa ít tinh dầu xả và treo lên giàn chanh leo theo một khoảng cách nhất định. Tinh dầu xả có tác dụng xua đuổi côn trùng".
Theo anh Dũng, khi vườn chanh leo bắt đầu ra quả non cũng là lúc các loài côn trùng chích hút kéo đến, trong đó phổ biến là ruồi vàng. Quả chanh nào bị ruồi vàng chích hút, quả đó sẽ bị rụng hoặc kém chất lượng.
Bằng vào kinh nghiệm của mình, anh Dũng đã nghĩ đến và sử dụng tinh dầu xả để xua đuổi loài côn trùng này, không cho chúng kéo đến phá hoại vườn chanh leo.
Thời điểm vườn chanh leo ra hoa, kết trái, anh Dũng hướng dẫn các thành viên hợp tác xã treo chai nhựa đựng tinh dầu xả lên giàn.
Cứ cách một tuần, anh Dũng lại đổ tinh dầu xả vào chai nhựa một lần. Không bị ruồi vàng tấn công, vườn chanh leo của hợp tác xã luôn cho quả sai lúc lỉu. Quả nào, quả nấy cũng sáng bóng, bắt mắt.
Anh Hoàng Văn Dũng, xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu trồng chanh leo theo hướng hữu cơ.
Với cách làm đơn giản đó, anh Dũng không còn lo lắng côn trùng xâm nhập, phá hoại vườn chanh leo. Anh cùng các thành viên hợp tác xã toàn tâm, toàn ý vào chăm sóc vườn chanh leo.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt về kĩ thuật trồng và chăm sóc chanh leo, anh Dũng vui vẻ cho biết: "Trồng chanh leo vất vả nhất là khâu đào hố, chôn cột, chăng dây tạo giàn. Khâu bón lót rất quan trọng. Sau khi đào hố xong, chúng tôi cho phần lớn phân chuồng cộng với ít phân lân xuống hố rồi chộn với đất tơi xốp rồi để đó...".
Theo anh Dũng, khoảng 15 ngày sau bón phân mới bắt đầu đưa cây giống vào trồng. Ngoài làm cỏ trong vườn, chúng tôi thường xuyên tiến hành tỉa cành, tỉa lá, không để xảy ra tình trạng vườn chanh leo bị cớm nắng. Có đủ ánh sáng, vườn chanh leo sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, ra nhiều quả...".
Từ đầu tháng 7 đến nay, cứ cách 3 ngày, anh Dũng và các xã viên lại thu quả chanh leo tươi 1 lần, mỗi lần vài tạ quả. Đến thời điểm nay, anh Dũng đã thu hơn 5 tấn quả chanh leo tươi. Bán cho công ty với giá bình quân 10.000 đồng/kg, hợp tác xã của anh Dũng thu hơn 50 triệu đồng.
Theo anh Dũng, thời tiết năm nay không thuận lợi, mưa nắng thất thường nên vườn chanh leo của anh nhiễm bệnh loang dầu. Anh và các xã viên đã phải cắt bỏ hàng tấn quả chanh leo...
Lai Châu: Xe đầu kéo tông vào taluy bên đường, 2 người tử vong Xe đầu kéo đang lưu thông trên Quốc lộ 4D thì không may mất phanh lao vào taluy bên đường khiến 2 người tử vong. Chiều 11-9, lãnh đạo UBND xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 2 người tử vong. Hiện trường vụ tai...