Chị gái mất nhưng tôi vẫn sợ mang tiếng giật chồng chị
Tôi vui khi anh vui, tôi buồn khi anh buồn; tôi chẳng làm được việc gì nếu chưa gọi điện, nhắn tin cho anh dù chỉ là để nói những điều vu vơ…
Ba tôi có hai đời vợ. Tôi là con dòng thứ. Năm tôi 9 tuổi, mẹ tôi qua đời, ba đem tôi về sống chung với mẹ lớn và các anh chị em bên đó. Tuy cuộc sống đủ đầy nhưng lúc nào tôi cũng có cảm giác mình ăn nhờ ở đậu. Thêm vào đó, thỉnh thoảng mẹ lớn lại xa gần: “Cái thứ giật chồng người ta rồi sau này con cái cũng không ra gì”.
Chính vì điều này mà tôi không ưa mẹ lớn và tất cả những người con dòng lớn của ba, trong đó có chị Lan, con gái út của mẹ lớn, hơn tôi 4 tuổi. Chị Lan rất hiền. Trong khi các anh chị khác lúc nào cũng kỳ thị, ăn hiếp tôi thì chị Lan luôn che chở, bênh vực. Dù vậy, do định kiến đối với cả nhà nên tôi ghét lây sang chị.
Chị Lan rất hiền. Trong khi các anh chị khác lúc nào cũng kỳ thị, ăn hiếp tôi thì chị Lan luôn che chở, bênh vực. Dù vậy, do định kiến đối với cả nhà nên tôi ghét lây sang chị.
Ba tôi đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới về. Có lần nhân lúc không có ai, tôi hỏi ba: “ Sao ba có mẹ lớn rồi mà còn có mẹ con nữa? Con ghét đàn ông ngoại tình”. Ba nghiêm mặt: “Nói lung tung. Con nít biết gì”. Ba không trả lời thẳng không biết vì tính ba ít nói hay vì ba không muốn tôi khơi gợi lại những lỗi lầm? Năm đó tôi đã 16 tuổi.
Ký ức về mẹ của tôi rất lan man. Mẹ tôi là cô giáo. Mẹ đẹp, mắt to, tóc dài. Khi mẹ bệnh sắp mất, mẹ bảo tôi phải ráng học để sau này trả hiếu cho ba. Lúc đó tôi nghĩ, ba tôi giàu có, con cái đông đúc, chắc không đến lượt tôi. Trong thâm tâm, thậm chí tôi còn thấy ghét ba vì người ta nói “con gái nhờ đức cha”, trong khi ba tôi vợ bé, vợ mọn như vậy thì mong gì tôi được hưởng cái đức của ông mà thành người đàng hoàng?
Video đang HOT
Khi tôi vào năm nhất đại học, chị Lan đã đi làm. Rồi chị quen một anh đồng nghiệp và dẫn về ra mắt gia đình. Lần đầu tiên trông thấy Minh, tôi giật mình thấy tim mình nhói lên. Rồi khi ngồi chung trên bàn ăn, tôi lại có cảm giác ấy khi bắt gặp ánh mắt anh nhìn mình chăm chú. Có lẽ anh đã nghe chị Lan kể về tôi nên mới có ánh nhìn như vậy. Dường như anh thương hại tôi. Điều đó khiến tôi thấy bực mình.
Chị Lan quen anh hơn 3 năm thì chuẩn bị cưới. Nhưng thật không ngờ, chị bị tai nạn trong một lần đi công tác xã hội ở miền Trung. Ba tức tốc bay raBệnh viện Đà Nẵng với chị, sau đó ba gọi tôi: “Chị Lan muốn gặp con. Nhanh lên con…”. Giọng ba nghèn nghẹn.
Tôi thu xếp ra ngay. Chị yếu lắm rồi nhưng vẫn nhận ra tôi. Môi chị mấp máy điều gì đó mà tôi không nghe rõ. Tôi nắm chặt tay chị: “Chị ơi, đừng làm em sợ. Có ba và em ở đây, chị sẽ không sao đâu…”. Có lẽ đó là lần đầu tiên trong đời, tôi nói mà không tin vào điều mình nói. Chị đã ra đi.
Chưa bao giờ tôi thấy ba tôi yếu đuối như lúc đó. Ông gục xuống ngực chị, khóc không thành tiếng, đôi vai ông rung bần bật. Tôi cảm nhận rất rõ nỗi đau đầu bạc khóc đầu xanh khi nhìn cảnh ấy. Bất giác, trong lòng tôi trào dâng một cảm xúc thật khó tả. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy thương ba tôi hơn bao giờ hết.
Minh đi công tác ở Hà Nội, khi anh hay tin về đến thì chỉ còn kịp nhìn mặt chị lần cuối. Tôi thấy mặt anh tái xanh. Anh rung rung đeo vào tay chị chiếc nhẫn cưới mà anh chị chưa kịp trao cho nhau. Từ đó đến khi đưa chị đi, anh gần như câm lặng.
Buổi chiều sau khi lo hậu sự cho chị xong, cả nhà quây quần bên mâm cơm, ba tôi nói với Minh: “Từ nay, coi như con là người trong nhà. Lúc nào rảnh rỗi thì tới thăm ba mẹ và các anh chị em”.
… Thời gian lặng lẽ trôi qua. Mới đó mà chị Lan mất đã 5 năm. Trong suốt thời gian ấy, Minh đã xem gia đình tôi như gia đình anh, xem ba và mẹ lớn của tôi như ba mẹ mình. Có lần anh bảo tôi: “Anh ở vậy luôn, không cưới vợ nữa”. “Sao vậy?”- tôi hỏi anh. “Trăng sao gì? Anh không thích thì không cưới…”- anh phì cười.
Tôi không nghĩ là anh nói thật bởi anh còn rất trẻ. Và trong thâm tâm, tôi cũng không muốn như thế. Tôi không biết từ bao giờ, anh đã trở thành một phần trong suy nghĩ cũng như tình cảm của tôi. Tôi vui khi anh vui, tôi buồn khi anh buồn; tôi chẳng làm được việc gì nếu chưa gọi điện, nhắn tin cho anh dù chỉ là để nói những điều vu vơ… Và những ngày anh đi công tác xa, tôi nhẩm tính từng ngày…
Cho đến một hôm, các anh chị đi vắng, chỉ có tôi và ba mẹ ở nhà. Lúc ăn cơm, ba tôi đột ngột nói: “Có chuyện này, ba đắn đo mãi không biết có nên nói cho con biết không…”. Tôi buông đũa nhìn ba: “Chuyện gì vậy ba?”. Giọng ba tôi trầm hẳn: “Năm nay hai mươi bảy tuổi ta rồi phải không con? Nhanh thật, quay đi, quay lại đã mấy chục năm… Chuyện ba muốn nói với con liên quan tới chị Lan. Con nhớ hồi đó ba kêu con ra Đà Nẵng gấp không? Lúc đó chị con còn tỉnh, nó trăn trối với ba… nhờ con thay nó chăm sóc thằng Minh… “.
Tôi ngớ người ra. Cả mẹ lớn cũng ngạc nhiên. Đến khi hiểu ra, bà dằn mạnh đôi đũa xuống bàn: “Hết mẹ rồi tới con. Sao tôi gặp toàn thứ gì đâu không vầy nè trời! Ở đâu ra cái thứ lúc nào cũng muốn giành giật chồng người ta…”. Bà còn nói rất nhiều. Trong lúc đó, ba tôi im lặng. Dường như ông cố tình để bà nói cho hả cơn giận.
Cả mẹ lớn cũng ngạc nhiên. Đến khi hiểu ra, bà dằn mạnh đôi đũa xuống bàn: “Hết mẹ rồi tới con. Sao tôi gặp toàn thứ gì đâu không vầy nè trời! Ở đâu ra cái thứ lúc nào cũng muốn giành giật chồng người ta…”
“Bà nói xong chưa? Bây giờ tới lượt tôi nói. Thứ nhất, mẹ con Phượng không có giật chồng của bà. Cha của nó là bạn tôi. Anh ta theo gia đình vượt biên ra nước ngoài và không hề biết mẹ nó có bầu. Tôi nhận đại cho nó có cha. Sau này cha nó về nhưng tôi thấy ở bên kia anh ta đã có vợ con đùm đề nên giấu luôn. Bây giờ, nếu tôi gả con Phượng thì phải cho cha nó biết…”.
Tôi không ngờ sự thể lại như vậy. Mẹ lớn của tôi càng bất ngờ. Nhưng bà vẫn kiên quyết: “Tôi không đồng ý cho thằng Minh lấy con Phượng vì dù sao thì nó với con Lan cũng đã là vợ chồng, nó đã đeo nhẫn cưới cho con Lan…”. Ba tôi quắc mắc: “Ai nói vợ chồng? Đeo nhẫn thì đã sao? Con Lan có sống lại được đâu, bà đừng có làm khó người ta. Đúng là…”. Ba tôi bỏ lửng câu nói. Còn mẹ lớn của tôi thì giận dỗi bỏ vào phòng.
Tôi nói vói ba: “Con thấy như vậy kỳ lắm ba à. Với lại, anh Minh… ảnh nói sẽ ở vậy suốt đời…”. Ba tôi cười. Rất ít khi tôi thấy ông cười vui vẻ như vậy. “Hơi đâu mà tin nó? Ba đã dò hỏi ý nó trước khi nói chuyện với con. Chờ nó đi công tác về, ba bảo nó đưa cha mẹ sang đây thưa chuyện… Còn mẹ con, đừng để ý làm gì. Bả già cả rồi nên lẩm cẩm”- ông xoa đầu như để trấn an tôi.
Nhưng tôi vẫn thấy bứt rứt trong lòng. Tôi sợ mang tiếng giật chồng của chị, sợ mẹ lớn không vui, sợ các anh chị phản đối…
Và tôi sợ phải đối diện với Minh.
Thật ra thì anh có yêu tôi không, tôi cũng không biết chính xác. Chỉ thấy đôi khi anh nhìn tôi thật ấm áp. Có lần cùng anh đi thăm mộ chị Lan, trên đường về thì trời đổ mưa. Anh tấp vào một căn nhà ven đường để trú mưa. Cái mái hiên thì ngắn, mà gió thì mạnh. Anh đứng chắn trước mặt để che mưa cho tôi. Hôm đó về, tôi cứ trằn trọc vì mùi mồ hôi trên lưng áo anh.
Rồi có lần tôi làm việc quá sức bị ngất ở công ty, cô bạn thân gọi điện báo tin, anh tức tốc đến ngay và suýt nữa thì cãi nhau với trưởng phòng của tôi vì cho rằng, trưởng phòng là thủ phạm làm cho tôi kiệt sức. Đám giỗ mẹ tôi, năm nào anh cũng mua hương hoa, trái cây rồi chở tôi đi viếng mộ mẹ ở tận Mỹ Tho… Nếu thống kê ra giấy thì không biết có bao nhiêu chuyện như thế. Nhưng như thế có phải tình yêu hay không thì tôi không biết…
Có ai làm ơn nói cho tôi biết, như thế có phải là yêu hay không?
Theo NLĐ