Chị em sau phẫu thuật nâng ngực đi máy bay có lo bung, vỡ?
Sau khi nâng ngực, trong thời gian khoảng 10 ngày đầu, bệnh nhân vẫn có nguy cơ chảy máu, cần cẩn trọng một số động tác.
Chuyến bay VN 1262 của Vietnam Airlines khởi hành từ TP.HCM đi Vinh ngày 26/7 vừa qua đã phải hạ cánh khẩn cấp tại Đà Nẵng do nữ hành khách ngồi ghế 18B chảy máu tại vết thương ở ngực, phải nhập viện cấp cứu.
Một số thông tin ban đầu cho rằng nữ hành khách bị vỡ túi ngực, tuy nhiên tối cùng ngày, BV tại Đà Nẵng xác nhận, bệnh nhân bị chảy máu do mới phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực. Nguyên nhân chảy máu có thể do bệnh nhân vận động nhiều hoặc va chạm mạnh.
Nếu mới nâng ngực, nguy cơ chảy máu vẫn xảy ra nếu bệnh nhân không kiêng cữ cẩn thận. Ảnh minh hoạ
TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Khoa Phẫu thuật tạo hình và Thẩm mỹ, BV Xanh Pôn cho biết, với các trường hợp đặt túi ngực, nếu mới mổ trong vòng 1 tuần hay thậm chí 10 ngày, nguy cơ chảy máu ồ ạt ra ngoài vết mổ vẫn xảy ra, thường do bật các đốt cầm máu ở các mạch máu lớn của tuyến vú hay dưới da.
Trong những trường hợp này, bắt buộc phải cầm máu. Nếu trên máy bay không có người đủ chuyên môn và phương tiện cấp cứu cầm máu, việc phải hạ cánh khẩn cấp là cách xử lý đúng và kịp thời.
Theo TS Dung, thông thường sau khoảng 10 ngày đặt túi ngực, bệnh nhân sẽ được xuất viện. Để hạn chế chảy máu sau nâng ngực, bệnh nhân cần tuyệt đối tránh kéo nặng, bê vác nặng, thường xuyên làm các động tác giơ tay cao.
Video đang HOT
Đặc biệt, cần duy trì mặc áo ổn định phom dáng ít nhất trong 3 tuần để giúp bầu ngực ít xê dịch khi di chuyển, giảm nguy cơ chảy máu.
Về lo lắng nguy cơ vỡ túi ngực trên máy bay do áp suất, TS Dung nhấn mạnh, điều này rất khó xảy ra.
Theo TS Dung, khi lên cao, áp suất chỉ thay đổi bên ngoài máy bay còn áp suất trong khoang máy bay hoàn toàn ổn định, tương đương áp suất ở mặt đất. Nếu thay đổi áp suất đến vỡ túi ngực thì những hành khách trong máy bay cũng bị tổn thương các bộ phận cơ thể.
Trong những trường hợp máy bay đi vào vùng thời tiết xấu, nếu máy bay có rơi tự do, áp suất trong khoang cũng chỉ thay đổi nhẹ khiến hành khách cảm thấy khó thở.
TS Dung phân tích thêm, hiện vỏ các loại túi độn ngực đều có cấu tạo là chất liệu tổng hợp dẻo, dai và bền, bên trong chứa silicon dạng gel đặc, rất bền với áp suất.
Ngay cả trường hợp bị vỡ, bên trong túi ngực là gel đặc nên rất khó rò ra ồ ạt
“Bình thường túi độn ngực có thể để ô tô chèn qua mà không vỡ. Nếu không có lỗi kỹ thuật thì túi chỉ vỡ khi có áp lực mạnh do bị vật sắc nhọn đâm thủng trong quá trình thao tác kỹ thuật, do tai nạn, hoặc do thời gian mài mòn ở những chỗ gấp của vỏ túi”, TS Dung thông tin.
Ngoài ra, do bên trong túi ngực là dạng silicone gel nên ngay cả trường hợp bị vỡ, gel sẽ rò ra rất chậm quanh túi chứ không có hiện tượng nổ tung và xé toạc da gây chảy máu như nhiều người tưởng tượng.
Do đó, kể cả túi độn có thủng, vỡ thật cũng không phải là trường hợp tối cấp cứu phải hạ cánh máy bay.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet.vn
Bác sĩ nói gì về khả năng vỡ túi ngực khi đi máy bay?
Sáng 26/7, một máy bay của Vietnam Airlines phải hạ cánh khẩn cấp để cấp cứu cho một nữ hành khách bị chảy máu ở ngực trái, nhiều nguồn tin cho rằng do vỡ túi ngực. Bác sĩ nói gì về nguy cơ này?
Theo nhiều nguồn tin, vết thương của nạn nhân do bị vỡ túi độn nâng ngực vì chênh lệch áp suất trên máy bay. Tuy nhiên, nhận định về trường hợp này, TS.BS Nguyễn Huy Thọ, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật - Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật - Hàm mặt - Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trả lời trên Zing, khẳng định trường hợp của nữ bệnh nhân trên không thể là nổ túi ngực do chênh lệch áp suất.
Áp suất khí quyển bình thường và trong khoang hành khách luôn tương đương ở mặt đất, dù khi thay đổi độ cao đột ngột, áp suất bên ngoài thay đổi nhưng áp suất trong máy bay sẽ giữ nguyên, do đó, không thể xảy ra hiện tượng "nổ" túi ngực. "Ngoài ra, độ bền của túi rất cao, có thể đặt chúng dưới đất để ôtô đi qua không hề vỡ", TS.BS Nguyễn Huy Thọ khẳng định.
Bác sĩ cho biết túi độn ngực có thể bị rách trong trường hợp để lâu trong ngực, có thể do co bao xơ của cơ thể bóp và làm biến dạng, tạo ra các nếp gấp. Sau đó, các nếp gấp sẽ bị hằn sâu và có thể rách, gây thoát dịch gel silicone từ trong túi ra ngoài. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị rách túi nâng do vật nhọn đâm hoặc sinh thiết ngực.
Nói về khả năng vỡ túi ngực do áp suất máy bay, bác sĩ thẩm mỹ Phan Hiệp Lợi (Giám đốc bệnh viện Hiệp Lợi, TP.HCM) cũng khẳng định vỡ túi ngực có rất nhiều nguyên nhân và chuyện vỡ túi ngực do áp suất máy bay như bệnh nhân nói có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
"Chúng tôi vẫn không thể khẳng định là do áp suất trên máy bay làm vỡ túi ngực vì hiện vẫn chưa có báo cáo nào rõ ràng cho thấy điều đó. Tôi cũng khẳng định, túi ngực không bị nổ mà chỉ vỡ. Có nhiều trường hợp đến bệnh viện chúng tôi phẫu thuật nhưng họ cho biết không đi máy bay nhưng vẫn bị vỡ túi ngực. Như vậy, có thể nhận thấy nguyên nhân vỡ túi ngực là do chất lượng sản phẩm kém", bác sĩ Lợi thông tin thêm.
Với kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ Lợi cũng cho rằng nếu sử dụng túi ngực đạt chuẩn, sản xuất theo đúng quy trình từ 7-8 lớp thì vấn đề rò rỉ hay vỡ không bao giờ xảy ra. Khi sử dụng túi ngực không đạt chuẩn trong thời gian dài sẽ biến đổi chất lượng, dẫn đến dễ vỡ hơn, có thể dùng tay bóp cũng vỡ.
Về kết cấu túi ngực, phần ngoài cùng được bao bọc bằng lớp vỏ trơ, ngăn chặn không cho gel silicon bên trong lọt ra ngoài tiếp xúc trực tiếp với mô, tránh tình trạng nhiễm trùng. Sau khi hoàn thành việc nâng ngực, sẽ có một lớp võ tự nhiên do cơ thể người tạo ra để bao bọc túi ngực, giống như một lớp bảo vệ cuối cùng, tránh để gel silicon chạm đến mô ngực.
Các bác sĩ cũng cho rằng trường hợp chảy máu có thể do bệnh nhân mới nâng ngực, đang theo dõi nhưng đã làm những thao tác nặng, khiến viết thương bị ảnh hưởng, đau nhói, thậm chí 2 tháng sau "dao kéo" nhiều người vẫn có cảm giác này. Vì vậy, bệnh nhân mới nâng ngực khi đi máy bay cần có người đi cùng để xách giúp hành lý nặng. Khi thao tác giơ tay lên cất hành lý có thể ảnh hưởng tới vết thương.
An Lê
Theo kienthuc.net.vn
Giải đáp thắc mắc phổ biến: Làm ngực xong sau bao lâu mới về dáng đẹp tự nhiên nhất? Nâng ngực xong, các nàng phải mất một khoảng thời gian để lành, và một khoảng thời gian nữa để ngực trông tự nhiên. Nâng ngực là một trong số những liệu pháp thay đổi hình thể ở phần ngực được chị em quan tâm, và một trong số những nỗi lo khi nâng ngực đó chính là không biết bao lâu mới...