Chị em mê nghiên cứu quên… cả đói
Các nhóm phụ nữ người dân tộc thiểu số (DTTS) cùng nhau nghiên cứu, xác định vấn đề của địa phương, sau đó chính họ trình bày kết quả, vận động các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội giải quyết vấn đề của họ.
Đây là cách tiếp cận mới của Dự án “Tăng cường sự tham gia và tiếng nói của phụ nữ DTTS” được thực hiện tại xã Phúc Lộc, Ba Bể (Bắc Kạn).
Mê nghiên cứu
Lâu nay, các chị em người Tày, Mông, Dao ở xã Phúc Lộc đều cho rằng nuôi lợn lai nhanh được bán hơn, chỉ mất 4 tháng và cho thu nhập cao hơn giống lợn đen bản địa. Do vậy, rất ít hộ nuôi lợn đen, có nuôi cũng chỉ để dùng trong gia đình, mặc dù giống lợn này bán được giá, dễ nuôi và ít dịch bệnh.
Nhóm nghiên cứu ở thôn Khuổi Tẩu và Khuổi Trà (xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể) diễn giải hoạt động trong những bức ảnh của mình. Ảnh: L.S
Nhận thấy đây là một vấn đề hay, nhóm nghiên cứu gồm các chị em ở xã Phúc Lộc đã cùng nhau đi thu thập thông tin từ các hộ dân, phỏng vấn các chủ sạp bán thịt ở chợ để so sánh xem nuôi lợn đen và lợn lai, mô hình nào hiệu quả hơn. Chị em được cấp mỗi người một máy ảnh, máy ghi âm. Họ đã phỏng vấn 20 người ở các thôn Khuổi Luội, Lủng Piều, Nà Khao, Bản Luộc, Thiêng Điểm và Nà Hòi.
Chị Dương Thị Hội ở thôn Bản Luộc, thành viên nhóm nghiên cứu nói: “Qua nghiên cứu, mình mới vỡ lẽ nuôi lợn đen hiệu quả hơn nhiều so với lợn lai. Lợn đen 8 tháng xuất chuồng một lứa, nuôi đúng cách có thể nặng tới 1 tạ, thức ăn chỉ cần nấu một nồi ngô là đàn lợn ăn cả ngày. Nó ăn tạp và ít bệnh. Trong khi nuôi lợn lai 8 tháng được 2 lứa nhưng chi phí cám, ngô nhiều hơn, lại không được thị trường chuộng như lợn đen. Đến nay, sau một năm nghiên cứu, các chị em ở xã Phúc Lộc đều nhận ra điều đó và chuyển sang nuôi lợn đen”.
Quan trọng hơn, chị em nhận ra mình có thể tự tin chia sẻ, biết cách nhìn nhận các vấn đề tồn tại trong cộng đồng và cách làm rõ vấn đề đó. “Lúc mới tham gia cũng lo lắng lắm, nhưng được cán bộ dự án, Hội Phụ nữ tập huấn, đi làm được mọi người ủng hộ, ai cũng cảm thấy rất vui. Nhiều hôm đi phỏng vấn quá trưa, quên cả đói vì chị em đi với nhau, cười đùa trò chuyện suốt buổi” – chị Hội chia sẻ.
Tiếng nói được ghi nhận
Nghiên cứu giống lợn đen chỉ là 1 trong 5 lĩnh vực mà các nhóm nghiên cứu ở xã Phúc Lộc đang thực hiện gồm: Ô nhiễm nguồn nước; rác thải sinh hoạt; chăn nuôi lợn đen; trẻ em bỏ học và trang phục truyền thống của dân tộc Tày, Dao. Theo chị Hà Thị Liễu – Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn, 32 nghiên cứu viên cộng đồng là phụ nữ DTTS xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể đã tham gia khoá tập huấn về đa dạng văn hoá, phương pháp kể chuyện bằng hình ảnh và phương pháp nghiên cứu có sự tham gia của cộng đồng, do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, các tổ chức CARE Việt Nam, ISEE và Hội Phụ nữ Bắc Kạn phối hợp thực hiện từ tháng 7.2015- 6.2018.
“Mới chỉ 1 năm, đã có rất nhiều chuyển biến, thay đổi trong nhận thức. Các chị em đã chụp và kể những câu chuyện với những bức ảnh của mình. Sau khi tập hợp những bức ảnh do nhóm nghiên cứu tự chụp, những kỹ năng phân tích, tổng hợp thông tin, chia sẻ, học hỏi và kết nối sẽ được vận dụng. Chị em đã đủ tự tin để trình bày kết quả nghiên cứu tại các diễn đàn, với những nhà quản lý, hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô” – chị Liễu cho hay.
Theo Danviet