Chi cục Thi hành án dân sự huyện bị tố ‘đòi nợ’ kiểu xã hội đen
Đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) để được hỗ trợ tư pháp, một công dân bị tạm giữ xe máy để phục vụ thi hành án dù chiếc xe đó là đồ đi mượn.
Báo điện tử VTC News nhận được phản ánh của chị Đào Thị Hiền (trú xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) về việc chị bị Chi cục Thi hành án dân sự huyện Triệu Sơn tạm giữ chiếc xe máy khi đến cơ quan này làm việc.
Theo thông tin chị Hiền cung cấp, ngày 16/10, chị Hiền đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện Triệu Sơn để nhờ đơn vị này trợ giúp pháp lý trong việc thực hiện nghĩa vụ nuôi con sau ly hôn.
Tuy nhiên, khi chị Hiền vừa đến cơ quan Thi hành án dân sự huyện Triệu Sơn thì bị đơn vị này lập biên bản tạm giữ chiếc xe máy, là phương tiện mà chị Hiền đang sử dụng.
Trụ sở Chi cục Thi hành án dân sự huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa). (Ảnh: Hoàng Dũng)
Chị Hiền cho biết: “Tôi thua kiện trong một vụ án và chưa có điều kiện thi hành án khoản tiền mà tòa án phán quyết. Chính vì vậy, cơ quan Thi hành án dân sự huyện Triệu Sơn tạm giữ xe máy tôi đang dùng để buộc tôi nộp tiền thi hành án.
Lúc bị tạm giữ xe tôi có trình bày việc chiếc xe máy không thuộc sở hữu của tôi mà là đồ tôi đi mượn, tôi cũng xuất trình giấy tờ xe chứng minh việc tôi không sở hữu chiếc xe máy nhưng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Triệu Sơn vẫn tạm giữ xe”.
Theo chị Hiền, cách thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Triệu Sơn như kiểu “đòi nợ” của xã hội đen, gây khó khăn cho chị cũng như người chủ xe đã cho chị mượn xe máy.
Video đang HOT
Trao đổi với PV VTC News về sự việc trên, bà Nguyễn Thị Thủy – Chi cục Trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Triệu Sơn cho biết, việc cơ quan Thi hành án dân sự huyện Triệu Sơn tạm giữ phương tiện của chị Hiền là đúng pháp luật.
“Theo các quy định của pháp luật thì cơ quan thi hành án có quyền tạm giữ tài sản liên quan đến việc thi hành án mà đương sự đang quản lý, sử dụng. Sau quá trình xác minh, nếu tài sản mà đương sự đang quản lý không thuộc sở hữu của đương sự thì cơ quan thi hành án sẽ trả lại tài sản cho đương sự” – bà Thủy khẳng định.
Văn bản Viện kiểm sát tỉnh Thanh Hóa gửi Chi cục Thi hành án dân sự huyện Triệu Sơn yêu cầu giải quyết đơn thư của chị Hiền.
Tuy nhiên, chị Hiền cho biết việc Chi cục Thi hành án dân sự huyện Triệu Sơn tạm giữ chiếc xe máy chị đang sử dụng, lấy lí do “để xác minh chủ sở hữu” chỉ là cái cớ đưa ra, gây áp lực để buộc chị Hiền phải nộp tiền thi hành án.
“Ngay khi Chi cục Thi hành án dân sự huyện Triệu Sơn lập biên bản tạm giữ xe, tôi đã xuất trình giấy đăng ký chứng minh xe thuộc sở hữu của người khác chứ không phải của tôi nhưng Thi hành án dân sự huyện Triệu Sơn vẫn nhất quyết tạm giữ xe.
Biên bản tạm giữ xe vào chiều 16/10 yêu cầu tôi vào chiều 17/10 mang tiền đến cơ quan Thi hành án dân sự huyện Triệu Sơn nộp để nhận lại xe. Rõ ràng Thi hành án dân sự huyện Triệu Sơn đã biết rõ chiếc xe không thuộc sở hữu của tôi nhưng vẫn tạm giữ để tạo áp lực buộc tôi nộp tiền thi hành án” – chị Hiền bức xúc.
Chị Đào Thị Hiền cho biết, chị đã có đơn gửi Viện Kiểm sát tỉnh Thanh Hóa tố cáo Chi cục Thi hành án dân sự huyện Triệu Sơn tạm giữ tài sản trong quá trình giải quyết vụ việc thi hành án.
HOÀNG DŨNG
Theo VTC
Đề xuất phạm nhân được trả thù lao, được ký hợp đồng lao động
Quy định mới về lao động và tổ chức dạy nghề ngoài trại giam cho phạm nhân được các đại biểu tranh luận khá sôi nổi khi thảo luận tại Quốc hội về dự luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) hôm nay, 19.11.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa ẢNH GIA HÂN
Cụ thể, tại điểm b khoản 4 điều 17 dự Luật sửa đổi có nội dung: "Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động dạy nghề ngoài trại giam".
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, thực tiễn cho thấy nhiều trại giam đã tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân khá tốt. Tuy nhiên, việc tổ chức lao động sản xuất thường ở ngay trong trại giam, chủ yếu gia công, sản xuất những sản phẩm có giá trị không cao, làm những công việc đơn giản, việc học nghề cũng đạt kết quả chừng mực.
"Nếu các trại giam biết cách tổ chức sản xuất, bảo đảm được vấn đề an ninh, an toàn thì việc tổ chức cho phạm nhân được lao động, sản xuất bên ngoài trại giam trong thời điểm hiện nay là có thể thực hiện được", nữ đại biểu nêu quan điểm.
Lý do, theo đại biểu này, thứ nhất, khi phạm nhân có điều kiện làm quen với công việc lao động, sản xuất gần với môi trường ở ngoài xã hội, thì sau khi ra tù họ sẽ nhanh chóng hơn trong việc tiếp cận việc làm. Đây là điều kiện rất quan trọng để họ có thể sớm hòa nhập cộng đồng, giảm bớt sự mặc cảm, tự ti.
Thứ hai, định mức chi chế độ giam giữ, ăn ở, lao động, học tập cho người chấp hành án phạt tù hiện chỉ ở mức tối thiểu, vì vậy, phạm nhân được lao động sản xuất, nhất là sản xuất ở bên ngoài trại giam, sản xuất được những mặt hàng đem lại hiệu quả kinh tế cao sẽ góp phần cải thiện cuộc sống cho chính phạm nhân, giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các trại giam.
"Việc tổ chức cho phạm nhân lao động, sản xuất bên ngoài trại giam sẽ giúp họ có thêm quyết tâm cải tạo tốt hơn để có thể sớm được về với gia đình, xã hội. Trong một số trường hợp, phạm nhân có thể có cơ hội có việc làm ngay tại chính doanh nghiệp đó sau khi được ra tù", bà Hoa nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị đại biểu là Ủy viên thường trực Ủy ban tư pháp cũng lưu ý, để thực hiện tốt chế định mới này, không nên áp dụng đại trà, chỉ nên áp dụng với những phạm nhân sắp mãn hạn tù, có ý thức cải tạo tốt, còn trong độ tuổi lao động, sức khỏe bảo đảm. Đặc biệt là không áp dụng đối với những phạm nhân phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và thuộc những loại tội như buôn bán ma túy, giết người, cướp tài sản, hay những phạm nhân có ý thức cải tạo kém.
Cùng với đó, cơ sở giam giữ phải chịu trách nhiệm trong việc tổ chức, phối hợp với doanh nghiệp khi đưa phạm nhân lao động bên ngoài. Nếu không đảm bảo các điều kiện, không đủ khả năng kiểm soát phạm nhân thì không được tổ chức cho phạm nhân ra ngoài lao động.
"Phạm nhân được trả thù lao, được ký hợp đồng lao động, bảo đảm an toàn lao động, phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cán bộ quản giáo... theo quy định các công ước quốc tế về lao động mà Việt Nam là thành viên, và làm ở khu lao động tập trung, dành riêng cho phạm nhân. Bên cạnh việc lao động thì việc học tập, cải tạo vẫn phải được bảo đảm thực hiện", đại biểu Mai Hoa bày tỏ, đồng thời đề nghị cần quy định ngay trong luật này những nguyên tắc, điều kiện nêu trên để làm cơ sở cho việc hướng dẫn chi tiết thi hành.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) thì cho rằng cần nghiên cứu tính khả thi của trại giam, đảm bảo công tác giam giữ mà vẫn thể hiện được chính sách nhân đạo của nhà nước là cho phạm nhân lao động, có thêm điều kiện cải tạo.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị cân nhắc đối với quy định mới này. "Quy trình tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ phạm nhân trốn trại rất cao, không bảo đảm an ninh, an toàn trong việc quản lý phạm nhân, có thể phát sinh ra nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trong khu vực", ông Tạo lo ngại.
Đại biểu này đề nghị cần đánh giá đầy đủ về tác động và làm rõ những tiêu chí, điều kiện cụ thể, tính khả thi để trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại, nhất là việc tổ chức cho phạm nhân ra khỏi trại giam đi lao động hàng ngày.
Theo TNO
Siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực Theo đại biểu quốc hội (ĐBQH) Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc), việc tham nhũng của một số cán bộ, nhân viên tại các cơ quan nhà nước nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ gây mất niềm tin của nhân dân... Sáng 13/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng,...