Chi cục phó quản lý thị trường mất chức vì xài bằng dỏm
Ông Tôn Mạnh Tiến, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau bị cho là sử dụng bằng cấp bất hợp pháp để học cao hơn và “củng cố địa vị”.
Ảnh minh họa
Ngày 11/9, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Cà Mau triển khai quyết định kỷ luật Chi cục phó Tôn Mạnh Tiến với hình thức cảnh cáo về mặt Đảng. Về mặt chính quyền, ông Tiến bị Sở Công thương Cà Mau cách chức, chờ bố trí công tác khác.
Theo kết quả xác minh Đảng viên có dấu hiệu vi phạm, ông Tiến có sai phạm vì 2 lần sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả. Cụ thể, năm 1997, ông Tiến sử dụng bằng cấp 3 bất hợp pháp để học đại học luật của Đại học Huế (hệ đào tạo từ xa). Sau đó tổ chức phát hiện bằng cấp này ông Tiến có được là nhờ người thi hộ tại TP HCM nên bị kỷ luật khiển trách về mặt chính quyền.
Năm 2004, Chi cục phó QLTT sử dụng bằng tốt nghiệp bổ túc THPT và giấy chứng nhận tốt nghiệp đại học luật để học lớp cao cấp lý luận chính trị và lớp kiểm soát viên chính QLTT. Qua xác minh thông tin ghi trên bằng tốt nghiệp THPT mang tên Tôn Mạnh Tiến, sinh năm 1960 tại huyện Trần Văn Thời (Minh Hải cũ) mà Chi cục phó QLTT nộp cho nhà trường, nhà chức trách xác định không có trong danh sách thi tốt nghiệp ngày 29/5/2002.
Hải Long
Theo VNE
Video đang HOT
Vung tiền tỷ xây "biệt thự" cho người chết
Ở một vùng quê của tỉnh Cà Mau giá đất dành cho... người chết lại tăng vùn vụt.
Khu mộ nầy được xây dựng bằng tiền tỷ
Trong khi thị trường nhà đất dành cho người sống trên cả nước còn đang rất ảm đạm, nhiều đại gia nhà đất đua nhau giảm giá để kích thích người mua, giải phóng hàng tồn thì ở một vùng quê của tỉnh Cà Mau giá đất dành cho người chết lại tăng vùn vụt. Nhiều đại gia sẵn sàng bỏ ra tiền tỷ để mua đất xây nhà mồ "hoành tráng" cho người chết, trong khi đó không ít người dân trong vùng lại không có đất cất nhà, hoặc họ vẫn còn đang sống trong những căn nhà nền đất, vách lá xiêu vẹo...
Con đường vào ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) bây giờ đã được tráng nhựa phẳng phiu, không còn lầy lội như xưa. Du khách đến đây sẽ không khỏi bất ngờ vì những ngôi nhà mồ được xây dựng như những ngôi biệt thự khang trang, có những ngôi mộ thoạt nhìn qua thì cũng có thể đoán được giá trị bạc tỷ. Ỏ đây người ta nói đó là những căn "biệt thự" dành cho người chết.
"Biệt thự" dành cho người chết
Lần đầu tiên đến đây, tôi cứ nghĩ người dân vùng nầy giàu có lắm, nhưng nó hoàn toàn ngược lại. Theo những người lớn tuổi ở địa phương, ban đầu chỉ có một hai người từ nơi khác đến đây mua đất bỏ tiền tỷ ra xây "biệt thự" cho người chết trong gia tộc mình, thấy người này làm được việc lớn, thể hiện lòng tưởng nhớ ông bà tổ tiên nên nhiều người khác cũng ùn ùn đến đây để mua đất xây "biệt thự" cho người đã khuất. Những người dân khá giả trong vùng thấy vậy cũng làm theo, "họ từ nơi khác đến đây mua đất xây nhà mồ báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ... của họ được, còn mình ở tại nơi nầy thì cũng phải làm được chớ tại sao không?" - Một nông dân giàu nhất nhì trong vùng (xin được giấu tên) nói với chúng tôi như vậy. Lão nông dân nầy cũng vừa bỏ ra hơn tỷ đồng để xây ngôi "biệt thự" to đùng cho người vợ quá cố của ông. Phong trào xây nhà mồ cho người chết đang phát triển rầm rộ ở vùng quê nầy, có những người dù không tiền cũng bươn chải để làm theo, họ sẵn sàng đi vay mượn tiền để xây nhà mồ cho người chết, chấp nhận cuộc sống nợ nần trong những căn nhà mái tranh, vách lá tạm bợ.
Ngôi nhà mồ của gia tộc ông Trần Văn, ngụ ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải vừa được xây dựng cách đây chưa lâu trị giá đến 1,1 tỷ đồng. Nhìn từ bên ngoài thì ngôi nhà mồ này được xây dựng khá công phu, từ khâu mướn thợ đến việc chọn vật liệu, chất liệu xây dựng và điêu khắc rất được gia chủ chú trọng. "Để có được ngôi nhà mồ đẹp như thế phải mất 3 tháng xây dựng. Tôi bỏ công tìm thợ giỏi ở miệt Giá Rai (Bạc Liêu), còn hoa văn thì ra tận Quảng Ngãi (Miền Trung) để mua về". - Ông Trần Văn cho biết. Sử dụng vật liệu xây dựng đắt tiền, sang trọng, cộng thêm tay nghề thợ xây dựng giỏi nên nhìn những con rồng, con phụng được chạm trổ rất tinh tế, bắt mắt. Chúng tôi ngầm hiểu những người còn sống trong dòng tộc này đang rất tự hào vì có được ngôi nhà mồ khang trang như thế để tưởng nhớ những người quá cố.
Nằm cách khu nhà mồ dòng tộc ông Trần Văn không xa là ngôi nhà mồ trị giá khoảng 700 triệu đồng cũng vừa được ông Hai Triều xây dựng. Đó là một ngôi nhà mồ khá đẹp trong vùng, có điều ngôi nhà mồ nầy nằm cạnh căn nhà trông rất tạm bợ của ông Hai Triều, hình ảnh nầy đối nghịch hoàn toàn giữa nơi yên nghỉ của người đã khuất và cuộc sống hiện tại còn tạm bợ của gia chủ.
Thông qua người dân địa phương, chúng tôi được biết, ngôi nhà mồ khang trang kia được ông Hai Triều xây dựng để chôn cất duy nhất người vợ đã mất của mình. Số là trước đây khi vợ Hai Triều còn sống, bà hay ước được ở trong ngôi nhà tường khang trang, nhưng mãi cho đến khi nhắm mắt xuôi tay Hai Triều vẫn chưa xây được nhà tường cho vợ, bây giờ khi đất đai có giá trị, lão nông này không ngần ngại bán đi một phần đất để xây nên một ngôi "biệt thự" hoành tráng cho vợ, hoàn thành tâm nguyện của người đã khuất.
Khu mộ do ông Trần Văn xây dựng tại ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Tư Quân (Nguyễn Văn Quân), một người dân địa phương khẳng định:"Tôi là người đi đây đi đó nhiều, nhưng chưa thấy ở đâu người ta dám bỏ tiền tỷ ra xây dựng "biệt thự" cho người chết như ở xứ này". Tư Quân nói vui: "Không khéo chỉ một thời gian nữa thôi, ấp Trùm Thuật A này sẽ trở thành ấp "nhà mồ". Chỉ tay về ngôi nhà mồ trị giá gần cả tỷ đồng của gia đình người bạn tên Tạo, ngụ cùng địa phương, Tư Quân cho biết: "Khu nhà mồ này vừa mới được xây dựng được hơn 1 năm. Toàn bộ số tiền xây dựng do người bà con của ông Tạo bên Mỹ gởi về. Hiện tại chỉ mới chôn có mỗi ngôi mồ của ông nội ông Tạo". Đưa mắt nhìn lướt qua căn nhà mồ hai nóc, bề ngang rộng phải hơn 4 m, dài khoảng 30m này, phải nói rằng ngôi mộ nầy khá bề thế và lộng lẫy, từ con đường dẫn vào khu mộ đến hàng rào, cột đá, rồi vách tường tứ phía đều được dán gạch men loại cao cấp.
Theo lời Tư Quân, đoạn đường từ đầu ấp Trùm Thuật A dẫn vào trung tâm xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời trên dưới khoảng 3km còn có nhiều ngôi nhà mồ được xây dựng uy nghi, bề thế hơn khu mộ nầy nhiều. Ông lần tay nhẩm tính, chỉ riêng đoạn đường ông nói cũng đã có khoảng gần 200 khu nhà mồ vừa mới được xây dựng trong hơn hai năm nay, kinh phí xây dựng đối với những ngôi mộ có giá trị thấp cũng là 300 triệu đồng, có những ngôi mộ giá trị xây dựng lên đến hơn 1 tỷ đồng. Nếu đúng như lời Tư Quân thì bình quân mỗi khu mộ phải tốn hơn trăm mét vuông đất, đồng nghĩa với việc gần hai ngàn mét vuông đất đã được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất "nghĩa địa" một cách tự phát, kinh phí tốn kém cho việc xây dựng 200 khu nhà mồ ở đây bình quân cũng phải lên đến trên dưới 100 tỷ đồng.
Nhìn nhận về hiện tượng xây "biệt thự" cho người chết ở làng mình, cụ Nguyễn Văn Sinh, 79 tuổi ngao ngán nói với chúng tôi: "Trong khi vùng này còn rất nhiều người sống trong những ngôi nhà xiêu vẹo, tạm bợ, có người còn không có đất để cất nhà, trong khi đó lại có nhiều người vung tiền triệu, tiền tỷ để xây nhà cho người chết". Đó là một thực tế đáng buồn.
Chính quyền địa phương "bó tay"
Ông Thạnh Thanh Quyền, Trưởng ban nhân dân ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải nói: "Lúc đầu chỉ có những hộ dân ở thị Trấn Sông Đốc lên hỏi mua đất, dần về sau thì có thêm nhiều người ở các địa phương khác như Khai Long, Gành Hào, Cái Đôi Vàm đổ về đây mua đất nói là để xây nhà ở, nhưng khi mua đất xong họ cho xây dựng nhà mồ tiền tỷ, chính quyền địa phương trở tay không kịp và cũng không có cách nào ngăn cản họ".
Ban đầu việc chuyển nhượng đất xây dựng nhà mồ diễn ra công khai ở địa phương, công việc xây dựng nhà mồ cũng công khai giữa ban ngày. Khi biết chính quyền ra sức vận động, ngăn cản nên việc chuyển nhượng đất trở nên lén lút, công việc xây dựng nhà mồ cũng được tổ chức lén lút vào ban đêm. "Rất khó để buộc người dân phải dừng lại khi mà ngôi nhà mồ đã được người dân bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xây dựng. Chỉ có cách vận động họ dừng thi công thôi còn nếu ngăn cản họ thì nảy sinh xung đột, họ bảo đây là việc riêng của gia đình họ không cần chính quyền can thiệp. Có người còn bảo rằng tiền của họ họ cứ làm chứ có tham nhũng hay lấy tiền của nhà nước ra xây đâu mà không cho họ làm...". - Ông Trưởng ban nhân dân ấp Trùm Thuật A thở dài than vãn với chúng tôi.
Trước đây, ông Nguyễn Văn Phong một người dân ở làng bên cạnh quyết định bỏ ra hơn 2 tỷ đồng xây mộ cho người vợ đã khuất. Sự vung tay quá trán của ông này đã khiến cho nhiều người dân trong vùng đàm tiếu, khi đang tổ chức xây dựng ngôi mộ tiền tỷ cho vợ, ông Phong vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ những người người thân trong gia định, chính quyền địa phương cùng với các đoàn thể thường xuyên vận động, phân tích để ông Phong thấy rỏ mức độ cần thiết khi xây dựng một khu mộ vừa ít tốn kém đất đai, tiền bạc mà cũng đạt được sự tôn nghiêm đúng nghĩa của một khu mộ táng. Từ đó ông Phong đã thay đổi ý nghĩ, ông chỉ xây dựng một khu mộ đơn giản, nhưng cũng rất khang trang, sạch đẹp. Số tiền còn lại ông dành cho con cháu đầu tư vào công việc làm ăn phát triển kinh tế sau nầy.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trường hợp của ông Nguyễn Văn Phong cũng chỉ mới là trường hợp duy nhất chính quyền và các đoàn thể ở địa phương vận động thành công, các trường hợp khác thì vận động không có kết quả.
Trao đổi với chúng tôi về hiện tượng xây "biệt thự" cho người chết ở địa phương mình, ông Trần Triều Tiên, Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời cho biết: "Chúng tôi đã nhiều lần vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu không nên chuyển nhượng đất cho việc xây dựng nhà mồ, cũng như không nên chạy theo hiện tượng xây nhà mồ với quy mô lớn một cách tự phát như thế, nhưng thật sự là chưa mang lại hiệu quả tốt. Chúng tôi không thể buộc họ tháo dỡ hay ngừng thi công, vì chưa có quy định nào chế tài trong việc nầy".
Người dân Việt Nam rất coi trọng vấn đề tâm linh, nhất là việc thờ cúng, xây dựng mồ mả tổ tiên, ông bà, cha mẹ... Chính vì vậy, khi đời sống kinh tế của một số người dân đã trở nên khấm khá hơn thì họ nghĩ ngay đến việc trùng tu, xây dựng mộ phần cho những người thân của mình khang trang, đẹp đẽ hơn để tưởng nhớ người quá cố. Đó cũng là nét văn hóa tâm linh đáng được trân trọng, nhưng hiện tượng lợi dụng nét văn hóa tâm linh tốt đẹp nầy để xây dựng những khu mộ quá rộng lớn, tốn kém quá nhiều đất đai, tiền của như ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) trong thời gian qua là không nên. Việc quy hoạch sử dụng đất hàng năm đều được các địa phương trong cả nước thực hiện theo quy định của Luật đất đai hiện hành, nếu địa phương nào không chú trọng vấn đề quy hoạch, sử dụng đất hợp lý thì chắc chắn sẽ nhận lấy hậu quả khó lường do những diễn biến phức trong trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là chuyển đổi từ đất nông nghiệp trở thành đất nghĩa địa một cách tự phát như tình hình đang diễn biến ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Theo XAHOI
Một ngư dân Việt Nam bị tàu lạ bắn chết Một tàu đánh cá ở Cà Mau đang hoạt động trên vùng biển của Việt Nam, đột nhiên có một con tàu lạ xuất hiện, nổ súng liên tiếp khiên một ngư dân Việt Nam tử vong. ảnh minh họa Chiều ngày 12/8, Bộ đội Biên phòng Cà Mau cho biết, tàu đánh cá của ông Trần Nhật Chiến (49 tuổi, ngụ thị...