Chỉ có Trung Quốc thu mua, trồng nhiều lúa nếp dễ “chết”
Trước tình trạng nông dân một số nơi vùng ĐBSCLđang đẩy mạnh xuống giống lúa nếp, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích trồng nếp để tránh tình trạng “cung vượt cầu”. Thực tế là so với cùng kỳ năm 2016, giá nếp hiện đã giảm đáng kể.
Diện tích, sản lượng tăng ồ ạt
Do nhu cầu tiêu thụ nếp cao, giá tăng liên tục nên thời gian qua, nhiều người dân ở ĐBSCL đã chuyển từ trồng lúa thường sang trồng lúa nếp, khiến diện tích nếp tăng lên đột biến. Các địa phương có diện tích trồng nếp tăng cao là An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang…
Nếp ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang bị đổ ngã khi thu hoạch.Ảnh: H.X
Ông Từ Bá Đạt – Tổ trưởng Tổ hợp tác nông nghiệp Thạnh Mỹ Tây (xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cho biết, người dân trong tổ đang sản xuất khoảng 20ha nếp, còn toàn xã thì có khoảng 100ha. Ông Đạt cũng thừa nhận, nông dân ở địa phương chủ yếu trồng nếp theo phong trào chứ chưa tính đến yếu tố “cung – cầu”, việc sản xuất cũng theo tập quán là chính.
Còn ở huyện Phú Tân (thuộc tỉnh An Giang), sau nhiều năm phát triển, lúa nếp đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện, với tổng diện tích khoảng 20.000ha.
Liên quan đến diện tích, sản lượng xuất khẩu lúa nếp tăng mà ông Huỳnh Thế Năng thông tin, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương lưu ý, không nên lơ là. “Trước thông tin VFA nói về lúa nếp, các địa phương nên có rà soát, thống kê cụ thể, không nên cho phát triển ồ ạt dẫn tới khó kiểm soát. Chúng ta không nên phát triển sản phẩm khi quá phụ thuộc vào một vài thị trường vì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro” – Thứ trưởng nói.
Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, hiện nay tỉnh này có khoảng 11.000ha trồng nếp, tập trung ở các huyện Giang Thành và Kiên Lương. “Những năm trước, diện tích trồng nếp của tỉnh rất ít nhưng vài năm trở lại đây đã tăng lên nhanh chóng. Vụ đông xuân vừa rồi, diện tích nếp đã tăng đến 11.000ha, còn vụ hè thu này, tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng con số có thể tương đương vụ đông xuân” – ông Đỗ Minh Nhựt – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Kiên Giang nói.
Ông Nhựt phân tích: “Sở dĩ diện tích trồng nếp tăng là do có thị trường tiêu thụ, nhất là phía Trung Quốc. Có thời điểm, giá lúa nếp tăng cao hơn giá lúa thường khoảng 1,2 lần”.
Video đang HOT
Còn ở huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp), vụ hè thu này, toàn huyện đã xuống giống trên 20.000ha lúa thường và lúa nếp, trong đó diện tích lúa nếp chiếm khoảng 50%. Tương tự, theo ông Phan Công Chính – Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Bình (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), vài năm trước đây trong xã chỉ có khoảng 30% hộ nông dân trồng nếp, song đến nay diện tích trồng nếp đã chiếm trên 95%.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sản lượng nếp xuất khẩu của nước ta trong những năm gần đây tăng lên “chóng mặt”. Cụ thể, năm 2015, sản lượng nếp xuất khẩu đạt khoảng 500.000 tấn nhưng đến năm 2016, sản lượng tăng lên khoảng 1 triệu tấn. Dự kiến, cả năm 2017, diện tích gieo trồng nếp có thể lên đến 356.000ha và sản lượng xuất khẩu khoảng 1,2-1,3 triệu tấn (tăng 20-30% so với năm 2016).
Cảnh báo nhiều rủi ro
Theo ngành nông nghiệp huyện Tân Hồng, rất ít diện tích nếp có hợp đồng liên kết bao tiêu với công ty. “Phần lớn là bán qua tay thương lái” – ông Hồ Văn Lý – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Hồng thông tin.
Ông Đỗ Minh Nhựt – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Kiên Giang thì cho rằng trồng nếp hiện nay có thể sẽ gặp nhiều rủi ro, do dựa vào thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc, hơn nữa cây nếp thường dễ dàng bị côn trùng và dịch bệnh tấn công hơn so với cây lúa thường. Vì vậy, vùng nào không có doanh nghiệp bao tiêu nếp, người dân không nên sản xuất, tránh tình trạng dư thừa.
Theo báo cáo sơ kết sản xuất lúa hè thu năm 2017 vùng Nam Bộ của Cục Trồng trọt, cơ cấu giống lúa vẫn tuân thủ theo khuyến cáo, riêng nhóm nếp có tăng hơn cùng kỳ. Nhiều người dân trồng nếp ở ĐBSCL chia sẻ, họ rất cần cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quy hoạch cụ thể vùng nào được trồng nếp, vùng nào không được trồng. “Chúng tôi cần có những cảnh báo về sản lượng, khả năng tiêu thụ, sản xuất bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là sẽ dư thừa…” – ông Từ Bá Đạt chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên NTNN bên lề Hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ hè thu và triển khai vụ thu đông, vụ mùa vùng Nam Bộ năm 2017″ vừa được Bộ NNPTNT tổ chức tại TP.Cần Thơ, ông Huỳnh Thế Năng – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá nếp hiện đã giảm so với trước đây. Vì vậy, người dân trồng nếp phải lưu ý, hết sức cẩn trọng khi trồng loại lúa này. n
Còn theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, hiện nay giá nếp được thương lái thu mua tại ruộng với giá dưới 5.000 đồng/kg, giảm gần 1.000 đồng/kg so với cùng kì năm 2016. Trong khi đó, giá các giống lúa thường vẫn tăng (từ 5.200 đồng/kg trở lên) và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo Danviet
Nóng chuyện trồng lúa nếp ồ ạt ở Đồng Tháp: Coi chừng gặp xui!
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu nếp tăng đột biến chủ yêu là do nhu câu trở lại mạnh mẽ của thị trường Trung Quôc.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam thì xuất khẩu nếp đã tăng đột biến trong thời gian gần đây (ảnh minh họa: KT)
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu nếp tăng đột biến, nhưng nguyên nhân chính là do nhu cầu trở lại mạnh mẽ từ thị trường Trung Quốc. Thông tin này lập tức được lan truyền nhanh chóng thông qua đội ngũ thương lái. Vì thế nhiều cánh đồng vụ hè thu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xuống giống nếp gần như toàn bộ.
Với diện tích 16ha, hai năm nay vụ nào ông Võ Thanh Tùng, ngụ xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng cũng trăn trở là chọn lúa hay nếp để gieo sạ. Vì phải suy xét nhiều yếu tố về năng suất, dịch bệnh và quan trọng nhất là giá cả.
Như một bài toán, vụ hè thu năm nay ông quyết định sạ 12 ha nếp và 4 ha lúa. Bởi theo ghi nhận của ông, vụ hè thu năng suất nếp không đạt hơn lúa. Nhưng giá nếp lại đang giảm nên ông quyết định xuống giống song song hai loại.
Ông Võ Thanh Tùng cho biết: Giá nếp bây giờ thấp hơn giá lúa khoảng 500 đồng/kg. Không biết đến thu hoạch thì giá có lên bằng không. Nông dân bây giờ sản xuất là hên xui thôi chứ cũng không biết làm sao.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp huyện Tân Hồng thì vụ hè thu toàn huyện đã xuống giống trên 20.000 ha. Trong đó, diện tích trồng nếp chiếm khoảng 50% diện tích. Trong số này chỉ có khoảng 20% có hợp đồng liên kết với công ty, 15% liên kết với thương lái, số còn lại thì vẫn chưa xác định được đầu ra.
Ông Hồ Văn Lý, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Hồng, thông tin: "Trong khâu liên kết tiêu thụ thì cũng có số công ty, mà chủ yếu là liên kết qua thương lái".
Tính tới thời điểm đầu tháng 6 này, giá nếp được thương lái thu mua có giá dưới 5.000 đồng/kg. Tức là đã giảm gần 1.000 đồng/kg so với cùng kì năm ngoái. Trong khi lúa OM 4900 hiện có giá là 5500 đồng/kg, các giống lúa thơm khác giá còn cao hơn.
Trước sự chênh lệnh này, người nông dân như đứng trước ngã ba đường trong việc lựa chọn nếp hay lúa. Dẫu biết giá cả là do thị trường quyết định và luôn biến động theo thời điểm. Tuy nhiên, bỏ qua tất cả các tín hiệu đó nhiều nông dân vẫn quyết chọn nếp.
Anh Phạm Văn Nu, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, cho biết: "Vụ này giá lúa hơi bấp bênh, làm lúa lại thì thua quá nhiều, nên quyết định chọn nếp".
Thị trường Trung Quốc đang chiếm trên 40% sản lượng nếp của Việt Nam. Anh minh hoa
Theo ông Lê Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, việc liên kết tiêu thụ nếp trong thời gian qua được UBND xã kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp đến liên hệ rất ít mà chủ yếu là những thương lái nhỏ lẻ. Số thương lái này thường tiếp cận trực tiếp với nông dân để hợp đồng giá và đặt cọc. Vì vậy, xét góc độ nào đó cách làm này thuận tiện cho nông dân nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ông Tuấn cho biết, địa phương cũng khuyến cáo nơi nào có liên kết chặt chẽ hãy trồng nếp.
Theo thống kê chưa đầy đủ về sức tiêu thụ nếp của Việt Nam nói chung thì thị trường Trung Quốc đã chiếm trên 40% sản lượng nếp của Việt Nam. Câu chuyện không nên tăng ồ ạt diện tích nếp là cảnh báo không mới, thậm chí rất cũ mà ngành nông nghiệp đã đưa ra.
Điều quan trọng hiện nay là việc khuyến khích phát triển khâu liên kết tiêu thụ trong sản xuất. Từ đó thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân dần dần chuyển từ sản xuất tự phát sang sản xuất hướng đến thị trường. Nếu làm được như vậy thì khi đó sản xuất nếp hay lúa sẽ không còn là nỗi đắn đo trong mỗi vụ mùa./.
Theo Thanh Tung (VOV - ĐBSCL)
Sông Mekong sắp thêm đập thủy điện, ĐBSCL chồng chất nỗi lo Các chuyên gia lo ngại môi trường và đời sống của hàng chục triệu dân vùng hạ nguồn ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề, khi dòng Mekong lại sắp có thêm một đập thủy điện nằm ngay thượng nguồn. Phối cảnh thủy điện Pak Beng trên sông Mekong tại Lào - Nguồn: Pak Beng Hydropower project "Tôi đề nghị có dự báo dài...