Chỉ cho phép trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài tăng phí 1,5 lần
Trước kiến nghị của Công ty Cổ phần BOT Vietrancimex 8 về việc đòi tăng gấp đôi ở trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo hợp đồng đơn vị này chỉ được phép tăng 1,5 lần.
Tăng phí “ra vào” cửa ngõ Thủ đô là theo cam kết
Công ty Cổ phần BOT Vietrancimex 8 ( nhà đầu tư)-đơn vị quản lý trạm phí Bắc Thăng Long-Nội Bài vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính kiến nghị tăng mức phí cơ bản lên 2 lần thay vì 1,5 lần như hiện nay.
Theo đại diện Công ty Vietrancimex, hiện tại, công ty vẫn thu 10.000 đồng/lượt với xe dưới 12 chỗ theo thông tư 23/2011/TT-BTC (Bộ Tài chính) quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài.
Tuy nhiên tại quy định mới tại Thông tư 159/2013/TT-BTC (Bộ Tài chính) có hiệu lực từ ngày 1/1/ 2014, biểu phí của xe dưới 12 chỗ ngồi dao động trong khung tối thiểu từ 15.000 – 52.000 đồng, trong đó năm 2014 áp dụng không quá 2,5 lần.
“Từ khi Thông tư mới có hiệu lực , Vietrancimex8 vẫn chưa áp dụng mức phí tối thiểu. Vì vậy, Công ty đề nghị tăng mức phí lên 20.000 đồng/ xe dưới 12 chỗ ngồi nếu so với biểu phí mới (tối thiểu 15.000 đồng) thì chỉ tăng 1,33 lần chứ không hẳn là tăng 2 lần,” đại diện Vietrancimex cho hay.
Trước đề xuất của đơn vị thu phí trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, trạm này chỉ được phép tăng phí gấp 1,5 lần. Ảnh: Vạn Xuân
Trước kiến nghị trên của Vietrancimex8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, theo hợp đồng BOT được ký giữa Tổng cục Đường bộ với Vietrancimex 8, mức phí 2 năm chỉ được quy định 10.000 đồng cho xe dưới 12 chỗ ngồi, từ năm thứ 3 (tức năm 2014) được tăng 1,5 lần so với quy định.
Video đang HOT
“Vì vậy, đề nghị điều chỉnh mức thu phí tăng lên 20.000 đồng/ lượt với xe dưới 12 chỗ ngồi, bằng 2 lần quy định so với Thông tư 23/2011/TT-BTC là không đúng quy định trong hợp đồng đã ký, mức tăng phí chỉ bằng 1,5 lần,” đại diện Tổng cục Đường bộ cho hay.
Chỉ được phép tăng phí gấp rưỡi
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, việc tăng giá vé tại trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài được thực hiện theo lộ trình của hợp đồng BOT mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam ký với Vietrancimex 8. Hợp đồng chỉ cho phép tăng 1,5 lần thì nhà đầu tư chỉ được phép tăn trong khung này. Thậm chí, trong trường hợp nếu có di chuyển trạm này về vị trí mới (Quốc lộ 2) thì việc tăng giá vé vẫn sẽ thực hiện theo đúng lộ trình hợp đồng.
“Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam khảo sát lại lưu lượng phương tiện qua trạm này. Nếu lưu lượng xe qua đây tăng hơn so với mức dự kiến thì sẽ chưa cho phép nhà đầu tư tăng giá vé, còn nếu lưu lượng xe giảm thì sẽ tính toán cho phép nhà đầu tư tăng. Tuy nhiên, mức tăng vẫn phải tuân thủ theo lộ trình của hợp đồng đã ký, không thể vượt quá quy định,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.
Trước việc Hà Nội nhiều lần kiến nghị dỡ bỏ hoặc di dời trạm thu phí Bắc Thăng Long- Nội Bài đến vị trí khác, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ Giao thông Vận tải cũng đồng tình với Hà Nội về chủ trương di chuyển trạm phí trên về Quốc lộ 2.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, chủ đầu tư chưa đồng tình di dời đi vì cho rằng khả năng thu hồi vốn sẽ bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi. Chính phủ cũng đã giao Bộ Giao thông Vận tải làm việc với nhà đầu tư để tiến tới một thỏa thuận chung.
Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài án ngữ cửa ngõ Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài, vì thế mỗi ngày có hàng trăm nghìn phương tiện ra vào trung tâm Thủ đô phải đi qua hai trạm thu phí này.
Điều đáng nói là, vài năm trở lại đây, lo ngại việc thu phí sẽ gây ùn tắc giao thông và ảnh hưởng đến hình ảnh ngoại giao, Hà Nội đã liên tiếp có công văn yêu cầu Bộ Giao thông vận tải xóa bỏ trạm thu phí này nhưng kiến nghị của Hà Nội đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Cuối năm 2013, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư cho phép trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài được điều chỉnh mức thu phí lên 1,5 lần, lần lượt là 15.000 đồng/vé/lượt; 450.000 đồng/vé/tháng; 1.200.000 đồng/vé/quý…
Theo thông tư trên, mức phí cao nhất được áp dụng đối xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng Container 40 fit được tăng từ 80.000 đồng/vé/lượt hiện nay lên 120.000 đồng/vé/lượt; từ 2.400.000 đồng/vé/tháng lên 3.600.000 đồng/vé/tháng; từ 6.500.000 đồng/vé/quý lên 9.700.000 đồng/vé/quý. Việc tăng phí này áp dụng từ 1/1/2014.
Tùng Nguyễn
Theo_VnMedia
3 ngày, 437 xe quá tải bị "bắt lỗi" ... phá đường
- Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau 3 ngày đầu ra quân triên khai công tac kiểm soát tải trọng xe trên toàn hệ thống quốc lộ, các trạm cân đã tiến hành kiểm tra 1952 xe, trong đó 437 xe vi phạm (chiếm tỷ lệ 22,3%).
Ngày 4/4, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau khi đã trang bị đủ 63/63 bộ cân cho các địa phương, tính đến ngày 3/4 mới chỉ có 36 bộ đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 56,7%). Có 17 địa phương duy trì hoạt động kiểm tra tải trọng xe liên tục 24/24 giờ như: Lâm Đồng, Hà Nội, Phú Thọ, Nam Định, Yên Bái, Kon Tum, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Nam, Nghệ An, Quảng Trị, Hưng Yên, Ninh Bình, Hà Giang, Thái Nguyên, Phú Yên.
Các tỉnh phía Bắc và miền Trung thực hiện tương đối tốt; các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ triển khai chậm (mới có một số tỉnh như: Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre,... triển khai, các tỉnh còn lại hầu như chưa triển khai).
Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay còn 27/63 địa phương chưa đưa bộ cân được cấp vào hoạt động: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, An Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Từ 1/4, các Sở Giao thông vận tải các tỉnh sẽ đồng loạt kiểm tra xe qua tải trên các tuyến quốc lộ. Ảnh: Vạn Xuân
Theo báo cáo của các Sở GTVT, lý do chưa đưa bộ cân vào hoạt động là UBND tỉnh chưa thành lập trạm kiểm tra tải trọng xe, chưa bố trí biên chế, kinh phí hoạt động, Sở Tài chính chưa làm thủ tục để chuyển giao bộ cân cho Sở GTVT quản lý, sử dụng, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt chưa tạo điều kiện và yêu cầu thủ tục rườm rà trong việc đăng ký xe ô tô của bộ cân, lực lượng Công an một số địa phương chưa phối hợp thực hiện...
Liên quan đến vấn đề này, ngày 2/4 vừa qua, tại cuộc họp báo quý I do Bộ Giao thông vận tải tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, nguyên nhân của việc chậm triển khai cân xe là do các tỉnh chưa thể tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, sân bãi hạ tải... để phục vụ cho công tác cân xe. Hơn nữa, các tỉnh chưa ra quân là do xe quá tải không nhiều, như ở Đồng bằng Sông Cửu Long, đường sá không như phía bắc, đi lại bằng đường thủy là chính.
"Tuy nhiên, Bộ đã có công điện gửi đến các tỉnh thành, chậm nhất trong tuần này phải triển khai thực hiện kiểm soát xe quá tải. Những tỉnh nào chưa thực hiện thì sẽ nhắc nhở, phê bình," Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.
Như VnMedia đã đưa tin, nhiều năm trở lại đây, tình trạng xe quá khổ, quá tải xảy ra trên khắp các tuyến đường từ quốc lộ tới tỉnh lộ, tuyến đường liên huyện và đặc biệt, các tuyến đường đê bị băm nát. Mỗi năm, ngân sách Nhà nước đều phải chi hàng nghìn tỷ đồng cho công tác duy tu, sửa chữa đường.
Theo báo cáo của Khu quản lý Đường bộ II, hiện nay trên hầu hết các tuyến cầu đường mà đơn vị này quản lý đều xảy ra tình trạng xe quá khổ, quá tải làm hư hỏng công trình như quốc lộ 1, tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, cầu Thanh Trì, quốc lộ 5, 10...
Tại một số tỉnh thành có các khu mỏ quặng, mỏ đá hoặc các cửa khẩu, cảng biển... xe siêu trường siêu trọng vẫn ngày đêm băm nát đường có lúc vượt tải lên tới 200% trong khi hầu hết các tuyến đường này có kết cấu tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, mặt đường hẹp đã khiến hệ thống đường sá, công trình giao thông trên địa bàn tỉnh xuống cấp nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng này, từ 1/4 vừa qua, 63 địa phương trên cả nước đã được lệnh cân tải trọng của xe trên các tuyến quốc lộ.
Vạn Xuân
Theo_VnMedia
Nơi học sinh qua suối bằng túi nilon: Xây cầu bằng tiền quyên góp Sau khi báo chí thông tin tình trạng học sinh bản Sam Lang (Điện Biên) hàng ngày phải chui vào túi nilon để được "lôi" qua suối tới trường, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo xây cầu treo tại đây, nhiều doanh nghiệp ngỏ ý muốn tài trợ tiền xây cầu. Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Giao thông...