Chỉ cho cá ăn cỏ và lá chuối, lão nông thu lãi 200 triệu đồng/năm
Ông Lò Văn Ban, bản Bó Ban (xã Mường Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà nuôi 8 cá lồng để phát triển kinh tế gia đình. Không dùng thức ăn công nghiệp, chỉ cho cá ăn cỏ và lá chuối, mỗi năm ông thu lãi 200 triệu đồng.
Xã Mường Trai có gần 1.300 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La. Nhằm phát huy lợi thế trên, những năm gần đây được sự quan tâm chỉ đạo của huyện Mường La, xã đã chú trọng phát triển nghề nuôi cá lồng cho các bản sinh sống ở ven lòng hồ sông Đà, tạo ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con nhân dân.
Ông Ban tận dụng mặt nước lòng hồ nuôi cá lồng, để phát triển kinh tế gia đình.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lò Văn Ban chia sẻ: Trước chưa nuôi cá lồng, kinh tế của gia đình chủ yếu sống dựa vào cây ngô, cây sắn trên nương rẫy nhưng giá cả mấy năm gần đây liên tục xuống thấp, chi phí đầu tư giống, phân bón quá nhiều mà không có lãi, nợ nần chồng chất. Tôi thấy mặt hồ nước sông Đà trong vắt và rộng mệnh mông, nếu nuôi cá lồng chắc sẽ cho thu nhập cao hơn cây ngô cây sắn. Nghĩ là làm, tôi dùng tiền tích góp nhiều năm trước và vay thêm tiền anh em họ hàng mua thùng phi, lưới, khung sắt… về làm 8 lồng thả các loại cá chép, trắm cỏ, rô phi đơn tính phát triển kinh tế.
Hàng ngày, ông Ban thường xuống kiểm tra và theo dõi quá trình phát triển của đàn cá.
Thời gian đầu mới chuyển sang nghề nuôi cá, vì chưa có kinh nghiệm trong chăm sóc và chăn nuôi cá nên số lượng cá trong lồng của ông còi cọc rất nhiều, có thời điểm còn bị chết. Sau đó, ông lên mạng internet tìm đọc các bài báo viết về kỹ thuật nuôi cá và tập tính của loại cá nuôi trong ao hồ. Ông Ban tự tìm hiểu, đúc rút kinh nghiệm và áp dụng vào lồng cá của mình, nhờ vậy mà đàn cá của gia đình ông ngày càng phát triển khỏe mạnh.
Ông Ban chủ yếu cho đàn cá ăn cỏ, lá chuối…
Theo ông Lò Văn Ban: Nhằm bảo đảm cho cá phát triển tốt và khỏe mạnh, hàng ngày tôi xuống các lồng cá kiểm tra, theo dõi trọng lượng cá và các bệnh phát sinh. Mỗi ngày tôi cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và tối. Thức ăn cho cá chủ yếu là cỏ voi, lá chuối, vỏ trấu và cám ngô, tôi rất hạn chế dùng cám công nghiệp, thuốc tăng trọng cho cá. Trong quá trình cho ăn tôi thường xuyên quan sát lượng thức ăn thừa thiếu trong các lồng, để điều chỉnh tăng giảm lượng thức ăn cho phù hợp. Sau đó, tôi đưa ra khỏi lồng cá thức ăn còn dư để tránh ô nhiễm môi trường nuôi cá, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sự sinh trưởng của đàn cá.
Video đang HOT
Nhờ chăm sóc tốt, đàn cá của gia đình ông Ban phát triển rất tốt.
Cá nuôi trong lồng của gia đình ông Ban luôn bảo đảm yếu tố sạch, thịt tươi ngon, được nhiều khách hàng ưa chuộng nên không lo ế hàng. Sau mỗi lần bán cá ông Ban dùng thuyền kéo lồng cá ra các địa điểm khác, để bắt đầu nuôi lứa mới bảo đảm cho cá có môi trường mới phát triển tốt hơn. Hiện nay ông bán cá trắm ra thị trường với giá từ 90.000 – 100.000đồng/kg, rô phi 60.000 – 70.000 đồng/kg, chép 80.000 – 90.000 đồng/kg. Bình quân mỗi năm ông thu lời 200 triệu đồng từ cá.
Để tránh cá nhảy ra, ông Ban quây lưới trên toàn bộ mặt lồng nuôi.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La, cho biết: Có thể thấy việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La đã và đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho bà con sinh sông ở vùng sông nước.
Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục định hướng cho xã Mường Trai vận động bà con chăn nuôi cá đúng quy trình kỹ thuật gắn với bảo vệ mặt nước vùng nuôi; tận dụng tối đa nguồn thức ăn phong phú, đa dạng tại địa phương. Chúng tôi cũng lên kế hoạch liên kết sản xuất theo chuỗi, mở rộng giới thiệu sản phẩm cá lồng Mường Trai đến với người tiêu dùng và doanh nghiệp, để người dân yên tâm và gắn bó với nghề nuôi cá.
Ông Lò Văn Ban đang trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cá lồng với cán bộ khuyến nông xã Mường Trai.
Theo Danviet
Sơn La: Vùng lòng hồ sông Đà nỗ lực cán đích nông thôn mới
Sau 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), dù còn nhiều khó khăn thách thức ở phía trước, do địa bàn đồi núi hiểm trở... Nhưng xã Mường Trai nằm ven lòng hồ sông Đà thuộc (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đã đạt 14/19 tiêu chí, phấn đấu đến cuối năm 2019 cán đích NTM.
Mường trai là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường La, phía đông giáp xã Hua Trai, Pi Toong ; phía tây giáp xã Nặm Giôn, Chiềng Lao; phía nam giáp thị trấn Ít Ong; phía bắc giáp xã Chiềng Lao, Hua Trai. Trung tâm xã nằm cách trung trâm huyện 12 km, tổng diện tích tự nhiên 5517 ha, 475 hộ, 2.075 nhân khẩu.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực huyện ủy, HĐND - UBND và sự giúp đỡ của các Phòng, Ban chuyên môn của huyện; đặc biệt là nhận được sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM huyện Mường La, công tác tuyên truyền, vận động bà con tham gia hiến đất, quyên góp tiền và ngày công lao động được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ. Do vậy tiến độ triển khai thực hiện XDNTM đã đạt một số kết quả tích cực, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao rõ rệt.
Đường sá được chú trọng đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa buôn bán.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lò Văn Hoa, Phó chủ tịch xã Mường Trai cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã phân công các thành viên trong Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã xuống các chi bộ, bản, tổ chức hội nghị tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa về Xây dựng NTM đến toàn thể cán bộ, Đảng viên và người dân để bà con chung tay xây dựng NTM. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền đến10/10 chi bộ, bản trên toàn xã thu hút 1.250 lượt người tham gia.
Chúng tôi còn vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao nguồn thu nhập cho người dân. Hiện thu nhập của người dân trên địa bàn xã đặt hơn 18 triệu đồng/người/năm.
Trụ sở xã Mường Trai được xây dựng kiên cố và khang trang.
Sau 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM, xã Mường Trai đã đạt 14/19 tiêu chí như: 1- Tiêu chí Quy hoạch; 2 - Tiêu chí Giao thông; 3 - Tiêu chí Thủy lợi; 4 - Tiêu chí Điện; 6 - Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa; 7 - Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 9 - Tiêu chí Nhà ở dân cư; 12 - Tiêu chí Lao động có việc làm; 13 - Tiêu chí Tổ chức sản xuất; 14 - Tiêu chí Giáo dục và Đào tạo; 15 - Tiêu chí Y tế; 16 - Tiêu chí Văn hóa; 18 - Tiêu chí Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; 19 - Tiêu chí Quốc phòng và An ninh.
Trường học được xây dựng khang trang, sạch đẹp, tạo điều kiện cho con em vùng cao yên tâm học tập.
Hưởng ứng phong trào XDNTM trên toàn xã Mường trai có hàng trăm hộ dân hiến hàng nghìn m2 đất sản xuất, hoa màu, cây cối, đóng góp ngày công... để mở rộng, mở mới, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, đường nội bản. Hiện tại đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Mường Trai, về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Mô hình nuôi cá lồng ven lòng hồ sông Đà được người dân nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
"Gia đình tôi phát triển kinh tế bằng nghề nuôi cá lồng ven lòng hồ sông Đà, nhờ có chương trình XDNTM chúng tôi đã có đường sá đi lại thuận tiện, vận chuyển nông sản ra huyện bán dễ dàng hơn, trời mưa không còn lo lắng bùn lầy như trước nữa. Mỗi năm gia đình tôi có thu nhập hơn 200 triệu đồng"- ông Lường Văn Thủy, bàn Bó Ban, xã Mường Trai cho hay.
Từ khi XDNTM, đời sống của bà con nhân dân xã Mường Trai đã được cao rõ rệt.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo xã Mường Trai tập trung thực hiện tiêu chí về thu nhập và phát triển sản xuất thông qua việc thưc hiên Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngoài ra chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao như: Mô hình nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện, cây ăn quả... đưa xã Mường Trai cán đích NTM vào cuối thansg11/2019.
Trạm y tế xã được xâu dựng khang trang, tạo điều kiện cho người dân đến khám chữa bệnh.
"Chúng tôi tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ Nhà nước và trong dân, để thực hiện các công trình giao thông nông thôn tại các bản, các xã trên địa bàn huyện. Tăng cường hướng dẫn đôn đốc, theo dõi và hỗ trợ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các đề án, dự án, kế hoạch, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và các chính sách khác về xây dựng nông thôn mới góp. Phấn đấu hết năm 2019 toàn huyện đạt 166 tiêu chí, bình quân đạt 11.07 tiêu chí/xã trở lên"- ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La thông tin thêm.
Theo Danviet
Ảnh: Sau 70 năm thành lập, huyện Mường La ngày càng "trẻ, khỏe" Sau 70 năm kể từ khi được thành lập, (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đã thay da đổi thịt. Cơ sở vật chất và đời sống tinh thần của bà con nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao rõ rệt. Mường La là huyện miền núi của tỉnh Sơn La, nằm cách TP. Sơn La 42 km về...