Chỉ cần 60 giây để đổi ngoại tệ tại ATM VietinBank
Thực hiện chức năng như một chi nhánh ngân hàng, ATM đa năng của VietinBank còn cho phép khách hàng hoàn tất nhanh chóng giao dịch đổi ngoại tệ hay gửi tiền vào tài khoản.
Những trải nghiệm mới
Ngày nay, công nghệ máy rút tiền tự động (ATM) đang được ứng dụng rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới và cả ở Việt Nam. VietinBank là ngân hàng luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ vào mọi hoạt động tài chính ngân hàng. Đến nay, VietinBank đã có gần 1.900 máy ATM được phân bổ rộng khắp tại các khu dân cư, trường học, bệnh viện, khách sạn, khu công nghiệp, trung tâm thương mại… Máy ATM là thiết bị để VietinBank giao dịch chủ động với chủ thẻ, thực hiện thông qua các loại thẻ ATM như: Thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và các loại thẻ khác; giúp chủ thẻ kiểm tra tài khoản; rút tiền mặt; chuyển khoản thanh toán hàng hóa, dịch vụ…
Không dừng lại ở đó, VietinBank còn đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mới trong giao dịch ngoại tệ thông qua những chiếc máy ATM đa năng. Về cấu tạo, ATM đa năng cơ bản giống với những chiếc máy ATM thông thường nhưng có thêm 1 cửa nhận tiền. Khi khách hàng có nhu cầu đổi ngoại tệ, chỉ cần chọn phím chức năng đổi tiền trên máy. ATM đa năng ngay lập tức chuyển sang màn hình thông báo cho phép thực hiện giao dịch đổi tiền. Khách hàng sẽ phải nhập số chứng minh nhân dân để làm căn cứ xác nhận giao dịch. Hiện tại, VietinBank đang áp dụng đổi ngoại tệ cho USD và EUR với các mệnh giá từ 50 USD và 50 EUR trở lên.
Để đổi ngoại tệ, khách hàng chọn loại ngoại tệ cần đổi và đưa tiền vào cửa nhận tiền bên trái. ATM đa năng với hệ thống cảm biến tiên tiến kết hợp cùng bộ nhận diện tiền giả của VietinBank được cài đặt sẵn trong máy sẽ tiến hành kiểm tra ngoại tệ. Nếu tiền đủ điều kiện lưu thông ATM đa năng sẽ đưa ra thông báo số tiền đã nhận và tỷ giá quy đổi. Ngược lại, tiền không đủ điều kiện lưu thông, sẽ được máy trả lại và đưa ra thông báo. Khách hàng muốn tăng số ngoại tệ cần đổi chỉ cần chọn thêm tiền và đưa tiếp ngoại tệ cần đổi vào cửa nhận tiền trên máy. Sau khi khách hàng hoàn tất các bước chuẩn bị, ATM đa năng sẽ tính toán đưa ra số tiền được quy đổi ra VND dựa trên tỷ giá đã thông báo. Đến bước này, khách hàng vẫn có 2 lựa chọn: 1 chấp nhận giao dịch và nhận tiền đổi ở cửa ra tiền; 2 hủy giao dịch, ATM đa năng sẽ trả lại ngoại tệ ở cửa nhận tiền.
Ngoài ra, trên máy ATM đa năng của VietinBank còn cho phép khách hàng có thể gửi tiền vào tài khoản. Cụ thể, với các chủ thẻ E-Partner của VietinBank có thể gửi tiền vào tài khoản ngay tại ATM đa năng. Khách hàng cần chuẩn bị tiền polymer VND với mệnh giá từ 50.000 VND trở lên là gửi được tiền vào tài khoản. Quy trình nộp tiền vào tài khoản tại ATM đa năng cũng gần giống như thao tác đổi ngoại tệ. Như vậy, thay vì đến phòng giao dịch xếp hàng chờ đợi, khách hàng có thể nộp tiền vào tài khoản ngay tại ATM đa năng của VietinBank với mức tối đa 5 triệu đồng/giao dịch.
Giao dịch nhanh chóng
Video đang HOT
Thời gian để khách hàng hoàn tất giao dịch đổi ngoại tệ hay gửi tiền tài khoản tại ATM đa năng của VietinBank chỉ mất từ 60 giây – 120 giây. Để có được thời gian ấn tượng như vậy là nhờ công nghệ ATM “đời mới” mà VietinBank đang sở hữu. Trung tâm của công nghệ tiên tiến này là Bảng điều khiển cảm biến thế hệ mới. Nó được ví như “trái tim” của chiếc máy ATM. Cảm biến có thể xác định, nhận diện 5 tờ tiền đi qua trong 1 giây. Cùng với cảm biến điện tử đếm từng tờ tiền thì trong ATM đa năng cũng có một bộ phận cảm biến đánh giá độ dày của mỗi tờ tiền để chắc chắn chỉ có 1 tờ tiền đi qua. Công nghệ này giúp khách hàng yên tâm về quá trình nhận và trả tiền luôn diễn ra chính xác, an toàn.
Bên cạnh đó, để ATM đa năng VietinBank hoạt động nhanh, chính xác và ổn định còn phụ thuộc vào quá trình đồng bộ hệ thống do cán bộ VietinBank thực hiện. Được biết, các máy ATM đa năng sau khi tiếp nhận chuyển giao từ đối tác nước ngoài, cán bộ VietinBank thực hiện xây dựng kịch bản giao dịch cho máy. Kịch bản này được hiểu là những luồng giao dịch trên máy ví dụ như: Khi đưa tiền vào màn hình sẽ hiển thị những gì, sau khi nhận tiền sẽ hạch toán vào đâu hay khi có lỗi trong quá trình giao dịch sẽ đưa ra thông báo gì…
Cùng lúc thực hiện các chức năng như một chi nhánh ngân hàng nhưng việc vận hành, tiếp quỹ và bảo trì bảo dưỡng ATM đa năng cũng tương tự như ATM thông thường.
Hiện nay, VietinBank đang triển khai thí điểm 4 ATM đa năng tại: Nhà ga T2 (Sân bay Quốc tế Nội Bài), Trung tâm Thương mại Lotte (Hà Nội), Chi nhánh VietinBank Vĩnh Phúc, VietinBank TP. Hồ Chí Minh.
Với nhiều tính năng mới được tích hợp trong ATM đa năng VietinBank, khách hàng không cần đến chi nhánh xếp hàng (với những giao dịch nhỏ) vẫn đảm bảo mọi giao dịch về tài chính diễn ra nhanh chóng.
Trong thời gian tới, VietinBank sẽ tiếp tục triển khai lắp đặt thêm nhiều ATM đa năng tại các địa điểm du lịch, trung tâm thương mại để góp phần “đơn giản” nhu cầu tài chính của khách hàng.
Theo_Kiến Thức
Xong nhà lầu xe hơi, 40 tuổi lo tích tiền dưỡng già
Sau khi mua nhà và tậu xe hơi, anh Huân (Hà Nội) ở tuổi 40 bắt đầu để riêng ra 8 triệu đồng/tháng vào tài khoản tiết kiệm tự động. Và 20 năm sau, khi nghỉ hưu, vợ chồng anh chị có khoản tiền trên 4 tỷ đồng dưỡng già.
Anh Lê Văn Huân ở Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, phần lớn mọi người đều không có kế hoạch chi tiêu cho khoản tiền mình kiếm được. Có người còn có tư tưởng "sống phải biết hưởng thụ, phải đi đây đi đó" rồi "trẻ không hưởng thụ già ngồi ôm tiền cũng không có ý nghĩa gì". Thế nên, tiền làm ra sẽ tiêu sạch, không lo nghĩ gì đến việc tích lũy.
Còn anh Huân thì cho rằng, tiền làm ra được nhiều hay ít không quan trọng, song phải biết tính toán trước sau, làm sao để vừa có tiền tích lũy, vừa đảm bảo cuộc sống được thoải mái.
Theo anh Huân, đời người chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, tính từ lúc còn nhỏ đến 23 tuổi, bố mẹ sẽ bao nuôi vì trong độ tuổi đi học. Giai đoạn thứ hai, từ 23-60 tuổi, là lúc đi làm kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình. Giai đoạn thứ 3 là giai đoạn nghỉ hưu, không kiếm được mà chỉ tiêu tiền.
40 tuổi bắt đầu tiết kiệm tiền để dưỡng già
Như vậy, cuộc đời chỉ có giai đoạn thứ 2 để kiếm tiền, tức khoảng hơn 30 năm. Trong giai đoạn này, cần chia khoản tiền ra làm các phần, trong đó nhất định phải có khoản tiết kiệm dành cho giai đoạn sau khi nghỉ hưu để dưỡng già.
Anh Huân kể rằng, anh cưới vợ từ năm 28 tuổi. Hai vợ chồng đi làm và tiết kiệm đến năm 35 tuổi, anh chị trả nợ xong tiền mua nhà chung cư rộng 75m2 hiện vợ chồng và 2 đứa con anh đang ở. Đến năm anh 39 tuổi, anh tậu được chiếc ô tô cũ giá 450 triệu đồng, tiện bề cho gia đình về quê thăm họ hàng nội ngoại và thỉnh thoảng đi chơi xa.
Năm anh 40 tuổi, lương mỗi tháng là 18 triệu đồng (anh làm cho một doanh nghiệp nước ngoài) còn vợ anh là 7 triệu đồng. Tổng thu nhập của cả hai vợ chồng vào khoảng 25 triệu đồng/tháng. Anh chị bắt đầu lên kế hoạch tiết kiệm để lo dưỡng già.
Cụ thể, với khoản tiền 25 triệu đồng/tháng, vợ chồng anh chia làm hai khoản chính: 17 triệu đồng dành để chi tiêu sinh hoạt gia đình, nuôi hai con ăn học, tiền hiếu hỷ, biếu bố mẹ hai bên nội ngoại...; 8 triệu đồng còn lại gửi vào tài khoản tiết kiệm tự động để cuối năm rút hết ra, đem gửi ngân hàng với kỳ hạn 1 năm một (lãi suất sẽ cao hơn).
Tiền thưởng của hai vợ chồng được khoảng 60 triệu đồng/năm sẽ được chi ra để cho gia đình đi du lịch, tiêu Tết và tiền chi phí cho ốm đau bệnh tật.
Như vậy, mỗi năm anh chị có 96 triệu đồng tiền tiết kiệm, 20 năm gửi liên tiếp với khoản tiền lãi mỗi năm cộng dồn luôn vào tiền gốc (lãi suất 7%/năm - mức lãi tạm tính với lãi suất hiện tại) thì khi 60 tuổi, vợ chồng anh có khoảng 4 tỷ đồng. Tất nhiên, số tiền chỉ được như vậy khi cả nhà không xảy ra biến cố lớn về sức khỏe, công việc,... hay rủi ro nào khác.
Với khoản tiền trên, anh chị dự tính sau khi nghỉ hưu anh chi 100 triệu mua hai xe máy cho hai con (con tốt nghiệp đại học đi làm, cần có xe), 400 triệu đồng lo đám cưới cho các con. Số tiền còn lại còn khoảng 3,6 tỷ đồng vợ chồng anh tiếp tục gửi tiết kiệm lấy lãi suất 250 triệu đồng/năm (tạm tính với mức lãi hiện tại).
Chia số lãi cho 12 tháng, vợ chồng anh sẽ có khoản tiền 21 triệu đồng/tháng cộng với khoản lương hưu để chi tiêu sinh hoạt hàng tháng. Tính ra, số tiền này có thể giúp vợ chồng anh về già sống an nhàn, du lịch đó đây.
Anh Huân cho hay đã thực hiện kế hoạch trên được gần 3 năm nay, anh thấy không quá khó khăn. Với khoản tiền 17 triệu đồng, vợ chồng anh vẫn đủ chi tiêu sinh hoạt cho gia đình.
Theo anh Huân, lúc mới lên kế hoạch tiết kiệm, vợ chồng anh cũng đắn đo suy tính xem nên đầu tư vào mua vàng, mua nhà hay gửi tiết kiệm. Suy đi tính lại, hai vợ chồng đều quyết định gửi tiết kiệm bởi tiền gửi sẽ có lãi, vợ chồng anh sau này chỉ cần sống bằng khoản tiền lãi đó đã đủ. Tiền gốc sau khi "hai năm mươi" vẫn có thể di chúc lại cho con cái.
Còn mua vàng về cất tủ, thì sau 20 năm vợ chồng anh chị cũng chỉ có số vàng tương đương với khoản tiền 2 tỷ đồng. Riêng mua nhà thì khó thực hiện hơn vì khoản tiết kiệm mỗi tháng chỉ có 8 triệu đồng, chưa kể giá nhà đất lên xuống bấp bênh, khó tính được.
Lâm Mộc
Theo_VietNamNet
Thách thức quản lý hàng triệu tỷ đồng vốn nhà nước Câu chuyện thành lập một cơ quan chuyên trách độc lập thực hiện quyền chủ sở hữu tách khỏi chức năng quản lý nhà nước để quản lý hiệu quả phần vốn nhà nước tại các DNNN và cải thiện quản trị DNNN ngày càng trở nên nóng bỏng. Vấn đề là mô hình phù hợp cho cơ quan chuyên trách này hiện...