Chi 61 nghìn tỷ tăng lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang
Dự toán chi ngân sách nhà nước, chi ngân sách trung ương và chi ngân sách địa phương theo cơ cấu chi năm 2020 đã bố trí chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế là hơn 61.522 tỷ đồng để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2020.
Chi 61 nghìn tỷ tăng lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong năm 2020
Bộ Nội vụ vừa có dự thảo tờ trình về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Nghị định này được căn cứ vào Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Sau khi có ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 9/5/2019 điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng (tăng thêm 7,19%) từ ngày 1/7/2019.
Mặc dù vậy, mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng mới đạt 42,39% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2019 (3.515.000 đồng/tháng) và đạt 40,16% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2020 (3.710.000 đồng/tháng), dẫn đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn.
Tuy điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng để cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 86, trong đó tại Khoản 7 Điều 3 quy định: “Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2020.
“Việc xây dựng Nghị định điều chỉnh mức lương cơ sở là cần thiết để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội”, Bộ Nội vụ nêu rõ.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/ 2020 gồm 4 mức: Vùng I là 4.420.000 đồng/tháng; vùng II là 3.920.000 đồng/tháng; Vùng III là 3.430.000 đồng/tháng và vùng IV là 3.070.000 đồng/tháng; bình quân 4 vùng là 3.710.000 đồng/tháng.
Theo Bộ Nội vụ, dự toán chi ngân sách nhà nước, chi ngân sách trung ương và chi ngân sách địa phương theo cơ cấu chi năm 2020 đã bố trí chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế là hơn 61.522 tỷ đồng để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2020. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 thay thế Nghị định số 38/2019/NĐ-CP.
LUÂN DŨNG
Video đang HOT
Theo TPO
Nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 dự án luật, bộ luật, 4 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật khác nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Sáng 21/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp cuối năm, chương trình nghị sự của kỳ họp này gồm nhiều nội dung quan trọng.
Theo đó, Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; đồng thời, xem xét, quyết định Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn giai đoạn 2021-2025.
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 dự án luật, bộ luật, 4 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật khác nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, góp phần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; củng cố quy định về kỷ cương, kỷ luật hành chính; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế của đất nước.
Bên cạnh đó, Quốc hội nghe báo cáo về công tác đối ngoại năm 2019, trong đó có tình hình Biển Đông.
Quốc hội cũng sẽ xem xét phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Vương quốc Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Vương quốc Campuchia, tạo khung pháp lý quan trọng, thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, giao lưu nhân dân giữa các tỉnh biên giới; đóng góp cho quan hệ hữu nghị, hòa bình, hợp tác phát triển giữa hai nước Việt Nam-Vương quốc Campuchia...
Ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.
Theo Thủ tướng, với sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, dự kiến chúng ta sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng. Đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét.
Tốc độ tăng GDP cả năm 2019 ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới.
Cùng với đó, năng suất lao động tăng 5,9%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 42,7%. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng...
Tình hình Biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, đất nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém, tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những yếu tố ngắn hạn và cũng có những vấn đề trung và dài hạn cần tập trung xử lý hiệu quả trong thời gian tới.
Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, Thủ tướng cho biết, mục tiêu tổng quát cho năm 2020 gồm:
Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.
Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
Cùng với việc củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, Việt Nam thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Thủ tướng nêu dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2020, về kinh tế: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%.
Về xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%.
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã đọc Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi tới Quốc hội. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Chiều 21/10, Quốc hội làm việc ở hội trường nghe Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 và Báo cáo thẩm tra về nội dung này.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, mặc dù ước thu ngân sách nhà nước năm 2019 là năm thứ tư vượt dự toán, nhưng còn chưa chắc chắn. Thu nội địa chỉ tăng 1,9% so với dự toán; số thu ngân sách nhà nước thực chất từ nội lực nền kinh tế tăng còn thấp.
Nhiều địa phương ước thu thấp không đạt dự toán Chính phủ giao và Hội đồng Nhân dân giao. Chính phủ cần lưu ý có biện pháp quyết liệt để thực hiện các vấn đề này trong công tác thu ngân sách nhà nước từ nay đến cuối năm.
Bên cạnh đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước chỉ đạt 20,2% GDP, chưa đạt yêu cầu do Quốc hội đề ra là 21% GDP. Thu từ 3 khu vực doanh nghiệp đều không đạt dự toán.
Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp mới để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, góp phần bảo đảm thu ngân sách nhà nước ngày càng vững chắc hơn từ các khu vực kinh tế.
Về chi ngân sách nhà nước năm 2019, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực để giảm chi thường xuyên, chú trọng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... nhưng về cơ bản, những tồn tại trong chi thường xuyên đã được Quốc hội đề cập trong những năm gần đây vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Cụ thể, tại một số địa phương, tỷ trọng chi thường xuyên có xu hướng giảm chậm. "Vẫn có tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công chưa đúng quy định của pháp luật; nhiều lễ hội, hội nghị, kỷ niệm ngày thành lập, tái thành lập, các lễ khởi công, khánh thành có tính chất hình thức, gây lãng phí ngân sách, chưa thực sự tiết kiệm," Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải chỉ rõ.
Đáng chú ý, vốn đầu tư phát triển tiếp tục giải ngân rất chậm. Tỷ lệ giải ngân đến nay mới chỉ đạt 49,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Khả năng giải ngân hết nguồn vốn trong năm 2019 là khó khăn. Nguyên nhân của tình trạng này vẫn tập trung vào các yếu tố như chuẩn bị dự án đầu tư, giao dự toán chậm, giải phóng mặt bằng khó khăn...
Các vấn đề này đã kéo dài nhiều năm nhưng biện pháp khắc phục chưa thật sự quyết liệt, khiến hiệu quả đạt thấp. Vì vậy, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện về cơ chế, chính sách, đề nghị Chính phủ chú trọng đến khâu tổ chức thực hiện quy định pháp luật về tài chính ngân sách, trong đó có Luật Đầu tư công.
Cũng trong phiên làm việc chiều 21/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015; Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước và Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn./.
Theo Phan Phương (TTXVN/Vietnam )
Đề xuất lương cơ sở tăng lên mức 1,6 triệu đồng/tháng vào năm 2020 Theo đề xuất của Chính phủ, năm 2020 lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng (thêm 110.000 đồng/tháng). Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, chiều 21/10, Quốc hội nghe báo cáo ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; nghe Tờ trình về việc sử dụng 20%...