‘Chỉ 1% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ’
Theo Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, dù có nhiều dư luận về hiệu quả làm việc nhưng qua phân loại chỉ có khoảng 1% cán bộ, công chức không hoàn thành công viêc được giao.
Báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20/9, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay, một số lượng không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức hiện không đáp ứng được yêu cầu công việc, ảnh hưởng hiệu quả hoạt động công vụ.
Số liệu của chương trình giám sát về chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức được ông Lý đưa ra cho thấy hết năm 2012 có hơn 64.000 người chưa qua đào tạo chuyên môn, chiếm trên 12%. Quá nửa số cán bộ, viên chức chưa được đào tạo lý luận chính trị. Ở cấp xã, tỷ lệ cán bộ, công chức dưới đại học chiếm trên 3/4 và hơn 50% chưa qua đào tạo quản lý nhà nước.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình khẳng định, chất lượng đội ngũ công chức là vấn đề được xã hội quan tâm, trong các văn bản của Đảng, Nhà nước cũng đề cập. Qua thực trạng được đoàn giám sát nêu, cùng ý kiến cho rằng 1/3 số cán bộ, công chức “có cũng như không” nên gần đây Bộ Nội vụ đã đề nghị các bộ, ngành tiến hành phân loại.
“Kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy tỷ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ trên dưới 1%. Tới đây sẽ có tổng kết rõ hơn”, Bộ trưởng trả lời.
Đầu năm 2013, phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức,Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúccho rằng, trong bộ máy có tới 30% số công chức “làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắ p về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
Cho ý kiến về kết quả giám sát, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhắc tới nhiều bất cập chưa được nêu. Theo ông, với quy trình bổ nhiệm không khác gì bầu cử hiện nay (người đứng đầu chỉ có một phiếu và ký quyết định) thì không thể quy trách nhiệm khi cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ.
Tán thành quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị có quy định mang tính đột phá khi giao người đứng đầu quyền tuyển dụng, xây dựng kíp làm việc khoa học. “Cứ bổ nhiệm theo kiểu bỏ phiếu thì chỉ chọn được người dĩ hòa vi quý, còn người làm được việc, quyết liệt thì lại dễ va chạm, mất lòng”, ông Hiển nói.
Video đang HOT
Ông Hiển nêu nghịch lý, nhiều cán bộ có đủ thứ bằng, đủ thứ bồi dưỡng nhưng giao việc thì không làm được. Người đó không làm được việc thì lại cử đi học…
Theo Chủ nhiệm Dân tộc miền núi Ksor Phước, dù có quy định một bộ không quá 4 thứ trưởng, nhưng có bộ tới 11 người. Ở cấp cục, tổng cục cũng quy định không quá 4 cấp phó song nhiều nơi tới 10. “Trách nhiệm của Bộ Nội vụ khi gác cổng cho Chính phủ ở khâu bổ nhiệm là như thế nào?”, ông đặt câu hỏi.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước trăn trở về tham nhũng, tiêu cực trong công tác tuyển chọn cán bộ. Ông cho rằng khi Đảng dũng cảm thừa nhận có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất thì Quốc hội cũng phải dũng cảm chỉ ra con số đó là bao nhiêu. Quốc hội mạnh thì Đảng mới mạnh, dân mới tin Nhà nước, tin Đảng
“Sơ suất ở đâu, có tiêu cực gì trong công tác bổ nhiệm? Khi tuyển chọn có hiện tượng địa phương cục bộ không? Ta thống kê thử xem. Quốc hội làm sâu thì đó là tư liệu đóng góp cho Đảng trong công tác cán bộ”, ông Ksor Phước nói.
Góp ý thêm cho công tác tuyển chọn nhân tài, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng Đào Trọng Thi nhận xét, chất lượng đào tạo đại học hiện “rất không đồng đều”. Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở trường ngoài công lập chưa chắc được xã hội đánh giá cao hơn người có bằng khá của trường công lập.
Ông đề nghị không nên lấy “tốt nghiệp xuất sắc” để làm tiêu chí tuyển chọn cán bộ mà nên mở rộng đối tượng, sau đó có thêm các hình thức khác đánh giá năng lực.
Thừa nhận nhiều hạn chế, đại diện Chính phủ cho hay, quy trình bổ nhiệm lãnh đạo hiện thiếu hợp lý do nặng về thủ tục hành chính; chưa đánh giá được chính xác phẩm chất, năng lực thực tế của từng cán bộ trước khi bổ nhiệm… Tình trạng coi trọng bằng cấp vẫn diễn ra phổ biến thay vì gắn với thực tiễn công việc. Ở một số bộ, ngành có những sai phạm, gây ra bức xúc như việc phân biệt bằng cấp ở Nam Định, Đà Nẵng, Hải Dương….
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, dù thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp sở, cấp phòng nhưng còn chậm, nhiều nơi chưa thực hiện. Để nâng cao đội ngũ công chức, viên chức, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu thêm hình thức phỏng vấn để tuyển được người có năng lực, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm.
Nguyễn Hưng
Theo VNE
Vụ nổ súng bắn 5 cán bộ ở Thái Bình thể hiện độ phức tạp của việc thu hồi đất
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc liên hệ vụ đối tượng nổ súng làm 5 cán bộ địa chính thương vong ở Thái Bình với vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng để khẳng định công tác thu hồi đất thực sự phức tạp, bức xúc...
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: "Giải quyết không thỏa đáng khi thu hồi đất người dân dễ bức xúc dẫn tới hành vi chống đối".
Thảo luận về dự luật Đất đai sửa đổi sau lần chỉnh sửa mới nhất, các ý kiến trong UB Thường vụ QH đều tập trung vào những thay đổi trong quy định về thu hồi đất.
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình với quan điểm vẫn quy định việc thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế-xã hội nhưng kiến nghị, để tránh việc thu hồi tràn làn cần quy định hạn mức đất được thu hồi theo từng cấp như Quốc hội được quyền thu hồi đến mức nào, Thủ tướng đến mức nào, HĐND đến mức nào.
Ông Hiển chỉ rõ sự bất thống nhất lâu nay như lúc thì quy định chặt chẽ, động đến vài ba hecta đất lúa cũng phải xin ý kiến Thủ tướng, lúc lại rất lỏng như có dự án dùng đến hàng ngàn hecta đất rừng cấp dưới vấn có thể quyết định.
Trong khi đó, nhắc đến vụ nổ súng làm thương vong 5 cán bộ địa chính tại UBND tỉnh Thái Bình vừa xảy ra hôm qua, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc liên hệ lại vụ chống đối cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn để khẳng định công tác thu hồi đất thực sự phức tạp. Như vụ ở Tiên Lãng, ông Phúc nhắc lại bài học khi thu hồi đất của người dân cần phải tính tới công sức quai đê lấn biển để hạn chế bớt những bức xúc của người dân.
"Khi thu hồi đất, dù chưa đủ giấy tờ, thủ tục vẫn cần có hình thức đền bù nào nào đó cho người dân, dù là thấp hơn các trường hợp "danh chính ngôn thuận", nếu không người dân dễ bức xúc dẫn tới hành vi chống đối giống như những vụ việc vừa qua" - ông Phúc cảnh báo.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nhận định các quy định trong dự thảo luật mới nhất đã giải quyết cơ bản các vấn đề đặt ra nhưng vẫn cần xem xét lại khái niệm "dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội" vì thực ra các dự án này cũng thể hiện mục đích vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Ông Lý đề nghị xác định các dự án được thu hồi đất trên các tiêu chí: dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án ODA, dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, xây dựng hạ tầng, mở rộng nâng cấp công trình văn hóa xã hội.
Mổ xẻ Điều 63, ông Lý không tán thành với hướng thiết kế của cơ quan soạn thảo chỉ đi sâu vào việc xác định thẩm quyền thu hồi đất của các cấp, từ Quốc hội, Thủ tướng tới HĐND. Theo ông Lý cách quy định này sẽ "dẫm chân" với Điều 62 (quy định về các trường hợp thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng).
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý: "Cần xác định rõ tiêu chí dự án được thu hồi đất".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh yêu cầu, lần chỉnh lý dự thảo luật này cần quán triệt quan điểm các dự án có tầm quan trọng như thế nào mới thực hiện thu hồi đất, còn lại phải giải quyết theo các phương thức khác.
Chung nhận xét hướng thiết kế như điều 62, 63 trong dự thảo luật có sự trùng lặp, "đọc chưa xuôi", Chủ tịch Quốc hội gợi ý liệt kê rõ tên các loại dự án, công trình lớn, quan trọng được thu hồi đất, dù chỉ một dừng ở con số một vài loại hay đến vài chục loại cũng phải kể rõ. Lấy ví dụ việc bổ sung dự án xây dựng cơ sở tôn giáo, xây dựng nông thôn mới... mà cơ quan soạn thảo mới bổ sung, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng hướng quy định cụ thể như vậy mới hợp lý, thuận tình.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị gộp cả 2 điều luật để thể hiện nội dung một dự án muốn được thu hồi đất cần đảm bảo 2 điều kiện: điều kiện về mục đích là vì lợi ích quốc gia, công cộng và điều kiện về quy mô để được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng tán thành chủ trương hạn chế hết sức các dự án được nhà nước thu hồi đất cùng như yêu cầu liệt kê đầy đủ các loại dự án này. Các dự án còn lại đều phải áp dụng cơ chế thỏa thuận với người dân.
Ông Lưu cũng gợi ý tránh đề cập cụm từ "dự án phát triển kinh tế - xã hội" với lý do, các dự án, công trình lớn như làm sân bay, bến cảng, đường giao thông... cũng đều là dự án phát triển kinh tế - xã hội nhưng rõ ràng là có mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng. Các dự án làm sân vận động, khu thể thao, khu công nghiệp, chế xuất... cũng tương tự. Còn các dự án kinh tế khác như khu đô thị, nhà thương mại... thì cần hết sức hạn chế, phải áp cơ chế buộc thỏa thuận thì mới giảm được những việc lợi dụng, lạm dụng quy định, từ đó mới có thể giảm tình trạng bức xúc, khiếu kiện.
Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục chỉnh sửa để làm rõ dự án quy mô thế nào thì được xác định là vì lợi ích quốc gia, công cộng, đưa vào dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp bắt đầu vào tháng 10 tới.
P.Thảo
Theo Dantri
Thay thế cán bộ kém cần phải có quá trình "Không thể nói nguyên nhân chính làm chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ cơ sở thấp do chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng... Nhưng vấn đề thay thế số cán bộ này đòi hỏi phải có quá trình" - Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình nói. Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình trong chương trình tối 30/9....