Chết vì uống rượu say, cả làng không đưa ma
Một làng dân tộc Chăm theo đạo Hồi có một tập tục rất kỳ lạ. Đó là việc, nếu ai bị chết vì uống rượu say mà dân làng biết được thì sẽ không một ai đến phúng viếng, không được chôn trong nghĩa địa cộng đồng, ngày đưa đám cả làng cài then chốt cửa kín bưng. Bởi, họ cho rằng người uống rượu chết là sự sỉ nhục đối với cả cộng đồng và có tội với thần thánh.
Cả làng không đi đám ma người chết vì rượu
Về làng người Chăm (ấp 4, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), những người già thường kể cho nhau nghe về cái chết của ông Sậc Ri G. (SN 1966) cách đây 5 năm. Dù mộ ông đã xanh cỏ, nhưng mỗi khi có ai nhắc đến câu chuyện về người đàn ông này, cả cộng đồng người Chăm lại dấy lên sự bàn tán chỉ vì cái chết của ông liên quan đến rượu. Trong khi đó, quan niệm của người Chăm theo đạo Hồi, uống rượu là điều cấm kỵ nhất. Thế nên, đám tang của người đàn ông này kéo dài hai ngày nhưng vỏn vẹn có hai người ngoài tham dự. Một là ông Man (45 tuổi, người Chăm, bạn thân nhất của nạn nhân) và thầy Tu Bít (dạy tiếng Chăm nằm trong ban giáo cả của cộng đồng người Chăm).
Được biết, vào tầm xế trưa của năm 2009, những đứa trẻ chăn bò phát hiện ông Sậc Ri G. chết trong tư thế nằm úp tại một con mương ở ngoài đồng liền hốt hoảng chạy về làng trình báo. Một lúc sau, Công an xã Xuân Hưng phối hợp với Công an huyện Xuân Lộc có mặt tại hiện trường thu thập chứng cứ. Qua điều tra, phát hiện chiếc xe đạp của nạn nhân cách hiện trường tới 300m. Trên người không có dấu hiệu của ngoại lực tác động. Kết quả bất ngờ, cái chết của ông Sậc Ri G. có liên quan đến rượu. Anh Ka Rim (SN 1968, em trai nạn nhân) chia sẻ: “Trước khi tìm ra thi thể một ngày, anh trai tôi đạp xe đi kéo cá thuê. Nhưng hôm đó chủ nhà lại cho nghỉ. Thấy thời gian rảnh rỗi, anh tôi và một số người làm thuê ngồi nhậu lai rai đến chiều. Tan cuộc, anh đạp xe men theo đường bờ ruộng thay vì đi đường lớn như mọi khi. Tới đoạn đường xấu, trơn trượt, không may bị té, anh cố bám víu lấy cành cây tràm để không rớt xuống mương nước sâu. Nào ngờ, cành cây giòn bị gãy khiến anh rơi tõm rồi bị nước cuốn đi”.
Video đang HOT
Vợ chồng anh Ka Rim kể về nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân.
Lúc dân làng biết anh uống rượu say không làm chủ được bản thân, mới té mương chết, ai nấy nhanh chóng rút lui khỏi hiện trường mặc cho vợ chồng anh Ka Rim và ông Man tự xoay xở để đưa nạn nhân về nhà làm đám tang. Thầy Tu Bít am hiểu các thủ tục làm đám tang cho người chết vì rượu đã đến đọc kinh Ko Ran (kinh của người theo đạo Hồi) cầu cho vong linh nạn nhân sớm siêu thoát. Anh Ka Rim tiết lộ: “Chưa bao giờ tôi chứng kiến đám tang buồn tẻ đến như vậy. Cả làng chẳng ai ngó ngàng đến cái chết của anh nên hai vợ chồng tôi và ông Man thức thâu đêm ngồi cạnh quan tài. Vợ tôi mệt quá dẫn đến đuối sức té xỉu giữa nhà. Ngày khiêng quan tài đi chôn cũng chỉ có vợ chồng tôi, ông Man và thầy Tu Bít. Đám tang xong xuôi cả nửa tháng rồi, hàng xóm, láng giềng vẫn tỏ ra e dè, chẳng một ai đến nhà chơi hoặc thăm hỏi gì. Lý do đơn giản họ nghĩ rằng linh hồn anh trai tôi vẫn còn lẩn khuất quanh nhà. Nhỡ bước chân vào đất nhà tôi, anh trai tôi sẽ theo về quấy rối, xúi giục người nhà họ uống rượu”.
Nói về cái chết của nạn nhân say rượu, ông Man xót xa nói: “Tôi là người Chăm tất nhiên phải tôn trọng phong tục tập quán của dân tộc mình. Nhưng chẳng lẽ người bạn thân nhất chết, mình lại lánh mặt. Trong khi đó, gia đình bạn tôi rất neo người, nhà lại nghèo, tôi sao đành lòng ngồi ở nhà. Có thể khẳng định, Sậc Ri G. hằng ngày uống rượu rất nhiều. Theo tục lệ của người Chăm, uống rượu tức là làm trái ý của thượng đế. Những người uống rượu bị quy vào tội lười biếng, nên đi tới đâu đều khiến mọi người ghét, phỉ báng. Tuy nhiên, Sậc Ri G. vốn hiền lành, chịu khó nên mọi người rất quý mến. Ngày anh chết, dù rất tiếc thương, nhưng mọi người vẫn lẳng lặng đóng cửa, ngồi trong nhà như không biết gì. Trước khi chết khoảng ba tháng, Sậc Ri G. buồn chuyện gia đình nên gặp rượu ở đâu là uống đó nên mới dẫn đến cái chết hiu quạnh như vậy”.
Tránh được nhiều chuyện xấu
Dù ai cũng biết không ngẫu nhiên mà ông Sậc Ri G. say mê rượu chè, bởi cả cái làng Chăm này, người xấu người tốt gì ai cũng biết cả. ông G. không phải người xấu, chỉ là ông gặp chuyện đau buồn trong cuộc sống nên mới sinh tật nhậu nhẹt. ông quê gốc ở An Giang. Đến tuổi trưởng thành lấy vợ, có con. Khi cô con gái út được 10 tuổi, vợ Sậc Ri G. không may bị bệnh nặng rồi qua đời. ít lâu sau đứa con gái đầu bỏ bố và em gái lên Sài Gòn làm công nhân. Ngôi nhà thiếu vắng bàn tay phụ nữ, bếp núc nguội lạnh, bộn bề. ông đâm ra chán nản nên đưa con gái út lên nhà mẹ ở Đồng Nai sinh sống bằng nghề chài lưới. Tại đây, ông gặp được bà Miên Sa Ri rồi kết duyên thành vợ chồng và sinh được một người con. Dẫu vậy, tình cảm ông dành cho người vợ đầu chưa bao giờ phai. Lúc nào ông cũng thương con của vợ đầu hơn con của vợ hai khiến gia đình lục đục.
Sau khi hoàn thành những mẻ chài thu nhập được chừng vài chục đến 100 ngàn, Sậc Ri G. mang về cho vợ con một ít, số còn lại nướng vào rượu chè. Dù ngồi ở nhà một mình, trước mặt không có mồi nhắm, ông vẫn xách chai rượu ra lai rai. Bà Mu Sa Ri (SN 1941, mẹ nạn nhân) nhớ về con trai: “Cả hai lần kết hôn Sậc Ri G. đều được hai người vợ thương yêu. Khổ nỗi thằng con tôi không quên được người vợ đầu nên mới xảy ra chuyện cãi vã với vợ hai. Nó từng than thấy hối hận vì lấy vợ hai khiến các con buồn lòng. Tôi thấy vậy hết lời khuyên con dâu thứ hai. Tuy nhiên, sự yên bình của căn nhà chỉ diễn ra được một thời gian ngắn. Chẳng còn cách nào khác, Sậc Ri G. mượn rượu giải sầu. Cái ngày nó đạp xe đi kéo lưới thuê, nhưng ông chủ cho nghỉ, nó chủ động mời mọi người nhậu đến chiều mới tan. Tối đến vợ chưa thấy nó về đã ngồi đợi giữa nhà đến sáng. Nào ngờ, buổi trưa hôm sau hôm sau cả gia đình nhận được hung tin Sậc Ri G. đã chết”.
Bà Mu Sa Ri, mẹ của nạn nhân.
Theo thầy Tu Bít (thành viên của ban chấp hành ban giáo cả của cộng đồng người Chăm), phong tục của làng Chăm ở đây, cuộc sống vốn là những cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ. Mọi người phải hướng về cái tốt đẹp nhất, dù có gặp bất cứ khó khăn nào cũng không được sa vào rượu chè, càng không được để rượu điều khiển bản thân mình. Bởi khi con người quá lạm dụng rượu sẽ sinh ra nhiều tật xấu, đưa đến tiêu cực cho chính mình và người thân. Nên dù có bất cứ sự buồn đau nào, con người cũng không được mượn rượu giải khuây. Người Chăm vẫn đưa những lời răn dạy truyền từ đời này qua đời khác để dạy con cháu, nếu ai đó phạm vào lỗi này, sẽ bị người làng cười chê, khi chết câu chuyện của họ vẫn là bài học cho thế hệ con cháu sau này nhìn vào để tránh những điều tiếng xấu.
Phong tục lâu đời
Thầy Tu Bít cho biết thêm, phong tục này có từ rất lâu đời của người Chăm. Luật lệ này rất tích cực. Nó làm cho người dân ở đây hạn chế những mặt tiêu cực như không nhậu nhẹt, người đàn ông chăm lo cho vợ con, không vì say rượu mà cãi nhau hay bất hòa nội bộ. Nhưng thời gian gần đây, lớp trẻ có một số người không còn mặn mà gì với quy định này nữa. Họ thường lén lút rủ nhau đi nhậu ở nơi xa, hoặc mua rượu về trốn vào một nơi nào đó không có người già theo dõi để nhậu với nhau.
Theo Đời Sống & Pháp Luật