Chết vẫn chưa được bồi thường oan sai
Bắt tạm giam một công dân, nhưng rồi Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an quận Gò Vấp (TPHCM) phải đình chỉ điều tra vì không chứng minh được việc phạm tội. Người-bỗng-chốc-trở-thành-bị-can đã khiếu nại đòi bồi thường oan sai từ lúc còn sống, đến khi chết vẫn chưa được giải quyết.
Bà Mai Thanh Thúy – người được ủy quyền đòi bồi thường oan sai cho ông Dũng – trình bày sự việc. Ảnh: Quang Định
Ngày 19.10.2008, ông Lê Quốc Dũng (55 tuổi, ở phường 16, quận Gò Vấp) bị Công an quận Gò Vấp bắt tạm giam vì nghi ngờ có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 5 tháng sau, ngày 19.3.2009, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) quận Gò Vấp ký quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam và thay bằng quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Dũng.
Tháng 5.2009, VKSND quận Gò Vấp đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Lê Quốc Dũng về tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 Bộ luật Hình sự. Theo cáo trạng, năm 2000 ông L.Q.T (anh ông Dũng) đứng tên đăng ký chiếc xe máy Honda Future, sau đó đưa cho em gái là bà L.T.B.H sử dụng. Ông Dũng mượn xe của bà H đi cầm cố lấy tiền tiêu xài mà không chuộc lại, nên ông T làm đơn tố cáo ông Dũng. Cáo trạng cũng cho rằng, lời khai của bà H không có cơ sở khi bà nói chiếc xe là của bà bỏ tiền ra mua, vì bị câm điếc bẩm sinh nên bà nhờ ông T đứng tên đăng ký giùm.
Quyết định đình chỉ điều tra tới trễ 4 tháng
Tuy nhiên, theo một tài liệu mà phóng viên có được, bà H nhờ ông Dũng đi cầm chiếc xe chứ không phải ông Dũng mượn xe bà rồi chiếm đoạt. TAND quận Gò Vấp xét thấy chưa đủ cơ sở để xét xử nên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Ngày 26.2.2010, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an quận Gò Vấp ký quyết định đình chỉ điều tra bị can và vụ án. Đến ngày 7.6.2010, Công an quận Gò Vấp mới mời ông Dũng lên công bố quyết định.
Đầu năm 2012, ông Dũng làm đơn gửi VKSND quận Gò Vấp đề nghị bồi thường oan sai số tiền hơn 300 triệu đồng. Theo đơn yêu cầu bồi thường của ông Dũng, việc ông bị tạm giam, truy tố làm cuộc sống gia đình ông bị xáo trộn, tinh thần cha con ông bị khủng hoảng, mất thu nhập, bị hàng xóm và xã hội coi thường…
Anh Lê Quốc Dương – con trai ông Dũng – cho biết: “Tháng 6.2010, cha tôi nhận được quyết định đình chỉ điều tra, nhưng do ông ốm đau suốt, lại không hiểu biết pháp luật nên không biết sẽ được bồi thường oan sai. Đầu năm 2012, được người quen chỉ bảo và làm đơn giùm nên cha tôi mới gửi đơn lên VKSND quận Gò Vấp yêu cầu bồi thường. Nhiều lần cha tôi được mời lên VKSND quận Gò Vấp làm việc, nhưng lúc thì được trả lời đã hết thời hiệu khiếu nại bồi thường, lúc thì đại diện VKSND quận Gò Vấp lại bảo việc bồi thường oan sai thuộc thẩm quyền của VKSND TPHCM”.
Video đang HOT
Ông Dũng mất vào tháng 8.2012 do bệnh nặng. Anh Dương tiếp tục gửi đơn yêu cầu bồi thường oan sai cho cha. Ngoài yêu cầu VKSND quận Gò Vấp bồi thường và công khai xin lỗi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, anh Dương còn yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các điều tra viên, kiểm sát viên có liên quan vì sao quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can ký ngày 26.2.2010, nhưng 4 tháng sau mới mời cha anh đến công bố quyết định.
Đã hết thời hiệu?
Trao đổi với PV, ông Phan Văn Mai (kiểm sát viên VKSND quận Gò Vấp, người phụ trách xem xét đơn của ông Dũng) cho biết: “VKSND quận Gò Vấp không thụ lý đơn yêu cầu bồi thường oan sai của ông Dũng với lý do đã hết thời hiệu yêu cầu bồi thường theo Điều 5, khoản 1 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”.
Anh Dương bức xúc nói: “Tháng 6.2010 cha tôi mới nhận được quyết định, tháng 3.2012 đã gửi khiếu nại yêu cầu bồi thường oan sai thì chưa hết thời hiệu”.
Trong khi đó, ông Mai cho biết VKSND chỉ căn cứ vào ngày công bố quyết định đình chỉ vụ án để xem xét có bồi thường hay không, còn công bố quyết định sớm hay muộn là do Công an quận Gò Vấp, VKSND không liên quan.
Phóng viên đã nhiều lần liên lạc với thượng tá Trà Văn Lào (Phó Trưởng công an quận Gò Vấp) để hỏi về việc tại sao quyết định đình chỉ vụ án ký từ tháng 2, song đến tháng 6 mới công bố cho bị can, nhưng bị từ chối trả lời. Thượng tá Lào cho biết: “Việc yêu cầu bồi thường thuộc thẩm quyền của VKSND Gò Vấp, có yêu cầu gì cứ liên hệ bên đó”.
Anh Lê Quốc Dương đã gửi đơn lên TAND TPHCM, VKSND TPHCM, Công an TPHCM, Đoàn đại biểu Quốc hội… về việc yêu cầu bồi thường cho cha mình, nhưng tất cả đều có công văn trả lời việc này thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND quận Gò Vấp. Anh Dương cho biết đang làm các thủ tục cần thiết để khởi kiện VKSND quận Gò Vấp ra tòa.
Đương sự có quyền khởi kiện
Căn cứ theo Điều 26, khoản 2 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, VKSND quận Gò Vấp là cơ quan phải bồi thường cho ông Dũng. Đồng thời, do tống đạt quyết định đình chỉ muộn, Cơ quan CSĐT- Công an quận Gò Vấp cũng có trách nhiệm tương ứng với mức độ thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Vì Cơ quan CSĐT- Công an quận Gò Vấp vi phạm thời hạn gửi quyết định đình chỉ theo quy định của khoản 4, Điều 162 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Trong thời hạn hai ngày, kể từ ngày ra bản kết luận điều tra, cơ quan điều tra phải gửi bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc bản kết luận điều tra kèm theo quyết định đình chỉ điều tra cùng hồ sơ vụ án cho viện kiểm sát cùng cấp gửi bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra cho bị can, người bào chữa”.
Nếu không đồng ý với cách giải quyết của VKSND và Cơ quan CSĐT- Công an quận Gò Vấp, anh Dương có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm kể từ ngày cá nhân biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TPHCM)
Theo laodong
Hoãn phiên tòa kiện Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa: Vì tòa vi phạm các quy định pháp luật
Tìm hiểu nguyên nhân hoãn phiên tòa sơ thẩm tại TAND tỉnh Thanh Hóa - liên quan đến việc Cty CP Khôi Việt khởi kiện Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, chúng tôi trao đổi với với Chủ tịch HĐQT & TGĐ Cty CP Khôi Việt.
Ông Lê Như Hùng, Chủ tịch HĐQT & TGĐ Cty CP Khôi Việt - người khởi kiện, cho biết:
- Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ trước việc chủ tọa phiên tòa công bố thành phần HĐXX hoàn toàn khác so với HĐXX được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử đã gửi cho chúng tôi gần một tháng trước đây. Đây là việc vi phạm thủ tục tố tụng từ phía TAND tỉnh Thanh Hóa. Càng ngạc nhiên vì thẩm phán chủ tọa phiên tòa vi phạm pháp luật này lại còn là Chánh tòa Hành chính của TAND tỉnh Thanh Hóa.
Nhưng chính ông và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Cty ông lại yêu cầu hoãn phiên tòa?
- Cũng là việc "cực chẳng đã" thôi. Việc thay đổi toàn bộ HĐXX mà không thông báo tới các bên đương sự là việc làm vi phạm các quy định pháp luật. Chúng tôi thống nhất với luật sư của mình yêu cầu hoãn phiên tòa, vì không chấp nhận được cách làm việc tùy tiện như thế!
Ông nghĩ sao nếu HĐXX vẫn tiến hành phiên tòa mà không chấp nhận yêu cầu của ông và luật sư?
- Việc đó là quyền của HĐXX mà chúng tôi phải tôn trọng, còn yêu cầu hoãn phiên tòa khi thấy sự vi phạm pháp luật tại tòa là quyền và nghĩa vụ của chúng tôi.
Phiên tòa chỉ hoãn 2 tuần, nhưng ông lại bức xúc việc này?
- Dự án của chúng tôi bị "treo" từ tháng 7.2008 tới nay, bởi quyết định hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thời bấy giờ là ông Mai Văn Ninh. Đã hơn 4 năm chúng tôi liên tục khiếu kiện, nếu tính từ khi khởi sự dự án vào năm 2003 đến nay thì đã là sang năm thứ 10 rồi...
Cty CP Khôi Việt đã khởi kiện những vấn đề gì, thưa ông?
- Chúng tôi khởi kiện Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đối với quyết định hành chính mà chúng tôi cho rằng quyết định đó là sai luật, đó là Quyết định số 2284/QĐ-UBND- ngày 25.7.2008 về việc hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại dự án "Đầu tư hạ tầng kỹ thuật và kinh doanh khu đô thị mới Quảng Thành, TP.Thanh Hóa" vốn được phê duyệt trước đó cũng bởi chính Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại Quyết định 3103/QĐ-UBND- ngày 23.10.2006. Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu tòa án tuyên bố hành vi hành chính không giải quyết khiếu nại của DN suốt cả một thời gian dài của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa là trái pháp luật, yêu cầu tòa án buộc Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phải hoàn trả các chi phí cho dự án và bồi thường thiệt hại vì quyết định sai luật của mình. Tính tới ngày hôm nay là hơn 40 tỉ đồng.
Cũng như nhiều DN, chẳng bao giờ chúng tôi muốn khởi kiện ra tòa cơ quan hành chính liên quan đến việc hoạt động của DN nhưng đến khi các thương lượng không được giải quyết thỏa đáng, thì "cực chẳng đã" chúng tôi phải nhờ luật pháp, có lẽ đó cũng là biện pháp cuối cùng...
Theo quyết định của TAND tỉnh Thanh Hóa thì phiên tòa bị hoãn sẽ được mở lại vào ngày 8.10, ông chờ đợi gì từ phiên tòa này?
- Phiên tòa sơ thẩm vụ án này là xét xử công khai, chúng tôi hy vọng sẽ có cơ hội tham gia việc tranh tụng bình đẳng trên cơ sở luật pháp, để đảm bảo công lý và công bằng cho tất cả các bên liên quan.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Dantri
Nhiều nhà thầu kiện đòi nợ đại gia thủy sản Trực tiếp đòi tiền không được, 3 doanh nghiệp xây dựng đã nộp đơn khởi kiện, yêu cầu tòa án buộc công ty của đại gia thủy sản Lâm Ngọc Khuân trả nợ. Ngày 27/9, TAND huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) đã thụ lý vụ án Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Tiến Thịnh, Công ty TNHH Hoàng Vĩnh An...