Chết oan
Cái chết của một người vô tội lúc nào cũng gây nên mất mát, đau thương. Sự đau đớn này còn tăng lên gấp bội khi nạn nhân, vì mê tín mà để người ta đánh đập mình cho đến chết.
Bị cáo Duyên tại tòa phúc thẩm TAND TP.HCM – Ảnh: Tâm Lụa
Phiên tòa xét xử phúc thẩm (TAND TP.HCM), bị cáo Trần Thị Hữu Duyên kháng cáo vì cho rằng mức án 4 năm tù mà tòa sơ thẩm Q.12 xử là quá nặng, phía bị hại kháng cáo vì mức án quá nhẹ.
Niềm tin chết người
Những người đến dự phiên tòa đều hỏi gia đình nạn nhân một câu: “ Sao mà mê tín quá vậy?”. Chị Th. (con gái nạn nhân) rầu rĩ: “Là bạn bè với nhau, coi nhau như chị em, tui mời nó về nhà chơi hàng tháng. Có ngờ đâu…”.
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2008, bà ngoại Th. mất, một tuần sau dì ruột Th. cũng qua đời. Gia đình đi xem bói, thầy bói nói bà ngoại Th. chết vào ngày xấu nên dì ruột Th. phải chết theo. Lợi dụng sự hoảng sợ của gia đình Th., Duyên bảo có người cõi âm về mách vì mẹ Th. ăn ở thất đức nên bị “bề trên” về quở trách, nếu không cúng bái cẩn thận thì mẹ Th. sẽ chết theo. Tin lời Duyên, có bao nhiêu tiền gia đình Th. đều đưa cho Duyên để mua gà, trái cây… cúng vái.
Cứ vài ngày Duyên lại bảo gia đình Th. cúng giải hạn một lần. Mỗi lần cúng đều phải đưa Duyên lúc năm ba triệu, lúc mười triệu đồng. Th. ngậm ngùi kể trước phòng xử: “Duyên bảo tôi chở ra chùa để đưa tiền cho thầy cúng, nhưng chỉ dừng ở đầu đường rồi lấy xe bỏ đi, chừng 15 phút sau quay lại bảo đã xong việc rồi. Gia đình tôi có gì cũng mang đi bán hết, từ chậu cây cảnh, từ hạt lúa hạt gạo trong nhà, rồi đi vay lãi nóng lãi lạnh để đưa Duyên. Chỉ mong gia đình qua cơn đại hạn để yên ổn làm ăn”.
Khi không còn tiền để cúng, cha Th. đưa Duyên chiếc xe máy duy nhất của gia đình, với hình thức làm giấy tay bán cho Duyên với giá 11 triệu đồng.
Năm 2009, Th. cùng em gái vào P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM sống với Duyên. Duyên lại bảo thấy người cõi âm về quở trách, nếu không cúng sẽ có người trong gia đình Th. phải chết. Hoảng sợ, Th. đón mẹ vào TP.HCM. Duyên trừ tà bằng cách thường xuyên đánh đập bà L. bằng chày giã tiêu, nhảy lên người bà L. mà giẫm đạp. Gần một năm trời chịu trận như thế, ngày 14-8-2010, bà L. chết trên đường đến bệnh viện. Tại tòa, hội đồng xét xử cho biết trên người bà L. có quá nhiều vết thương mới cũ chằng chịt, không biết vết thương nào trực tiếp gây ra cái chết.
Video đang HOT
Em trai Th. kể: “Duyên nghỉ làm công nhân ở nhà, ba chị em tôi đi làm được bao nhiêu tiền đều mang về đưa Duyên. Mẹ tôi bị chửi bới, đánh đập một cách vô cớ. Mẹ đi đổi gas về muộn, bị đánh. Trời mưa mẹ chưa kịp mang quần áo vào cũng bị đánh. Nấu cơm muộn cũng bị đánh. Có khi cả mấy chị em chúng tôi đều bị đánh tơi bời nhưng nghĩ mang ơn Duyên đã cứu giúp gia đình mình, chúng tôi cũng sợ chống đối lại Duyên thì bị bề trên quở trách nên không dám…”.
Muộn màng
“Có thần linh về mách bảo gì đó như lời bị cáo nói hay không? – thẩm phán hỏi. Bị cáo cúi đầu lí nhí: “Bây giờ thì không nhưng trước đây thì có”. Sau rất nhiều câu hỏi của hội đồng xét xử, cuối cùng bị cáo cũng thú nhận: “Thật sự không có thần linh”. “Bị cáo lợi dụng sự lạc hậu của gia đình người ta để trục lợi phải không?”. Bị cáo gật đầu.
Ông D., chồng bà L., gầy còm sau cái chết của vợ. Ông không được phát biểu nhiều tại tòa. Vị chủ tọa gay gắt chỉ trích sự việc xảy ra có một phần lỗi của gia đình nạn nhân, nếu không quá mê tín, nếu không để bị cáo đánh đập thì sự việc đâu đến nỗi. Tòa phúc thẩm quyết định giữ nguyên mức án sơ thẩm 4 năm tù cho bị cáo, hủy một phần bản án về trách nhiệm dân sự.
Kết thúc phiên tòa, mấy cha con ông D. lại kéo nhau ra gốc cây trước sân tòa ngồi. Họ thắc mắc: “Sao làm chết người mà mức án cho bị cáo nhẹ quá”. Họ cho biết chưa được bị cáo đền bù đồng nào, cả gia đình họ điêu đứng, khổ sở vì nợ nần. Tòa yêu cầu chi phí mai táng phải có hóa đơn rõ ràng, giờ biết lấy hóa đơn đâu ra…
Th. trầm ngâm: “Bốn năm kéo dài từ khi gặp Duyên, cả gia đình tôi điêu đứng, tang tóc. Giờ thiếu nợ người ta, làm cả đời không biết có trả hết. Chỉ vì sợ hãi, mê muội, cho đến khi mẹ tôi bị đánh gần chết mà mấy chị em cũng không biết làm sao. Đến nay hiểu ra thì đã quá muộn rồi…”.
Mấy cha con Th. lầm lũi kéo nhau rời sân tòa… Cho đến hôm nay họ vẫn chưa nghe phía tòa án nói gì về việc giải quyết phần đền bù thiệt hại.
Theo Tuổi Trẻ
Người vợ trẻ con
Hành lang phòng xử phúc thẩm, TAND tối cao tại TP.HCM buổi chiều vắng ngắt. Bên trong phòng xử là một cặp vợ chồng dù rất yêu thương nhau nhưng đang ở vào hoàn cảnh trớ trêu: chồng bị cáo buộc phạm tội hiếp dâm vợ.
Manh và mẹ đứng nhìn theo bóng vợ cho tới khi cô đi khuất. Manh đồng ý cho đăng câu chuyện, tên thật và hình của mình lên báo với hi vọng "không ai phải rơi vào trường hợp trớ trêu như em" - Ảnh: T.L.
Ngoài hành lang, một phụ nữ đứng tuổi ẵm đứa trẻ chưa đầy năm đang ngủ gật trên vai. Thỉnh thoảng bà lại kiễng chân nhìn vào bên trong rồi nhanh chóng bị lực lượng an ninh đuổi ra vì không được phép mang trẻ con vào khu vực phòng xử án.
Lấy nhau từ thuở... 13
Bị cáo trình bày: "Tui là Trần Văn Manh, 22 tuổi. Vợ tui là Phúc Thị Thu Thảo, 15 tuổi. Tui và Thảo thương nhau đã lâu. Tui nói ba má qua xin cưới Thảo nhưng gia đình Thảo không đồng ý vì Thảo còn nhỏ tuổi. Nghĩ tình yêu bị ngăn cấm nên hai đứa chở nhau qua nhà bác ruột tui ở vài ngày, rồi tui đưa Thảo về nhà tui sinh sống như vợ chồng. Ba má tui thương Thảo như con dâu. Tui nghe báo đài đưa tin hôn nhân bây giờ là hôn nhân tự nguyện không gượng ép, nên qua tìm hiểu thấy phù hợp tính tình, lý tưởng sống nên hai đứa tự nguyện kết làm vợ chồng. Đến nay đã sống chung với nhau hơn một năm trời, có một con chung đặt tên là Trần Như Ý, sinh năm 2011. Không ngờ ba vợ tui lại làm đơn tố giác tui phạm tội hiếp dâm trẻ em. Điều này tui quá bất ngờ vì chúng tôi đã sống chung thành vợ chồng, đã có con chung với nhau chứ đâu có phạm tội hiếp dâm như nội dung bản án...".
"Tui là Phúc Thị Thu Thảo, tui làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho chồng tui. Tui và anh Manh thương nhau, chính tui là người rủ anh Manh trốn nhà đi khi ba má ngăn cản không cho hai đứa quen nhau. Xin quý tòa rủ lòng thương cho chồng tui được hưởng án treo để có điều kiện nuôi vợ con. Con tui còn nhỏ, anh Manh đi tù mẹ con tui không biết sẽ ra sao...".
TAND tỉnh Long An xử sơ thẩm, phạt bị cáo Trần Văn Manh 7 năm tù giam vì tội hiếp dâm trẻ em. Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu do ba Thảo cung cấp cho cơ quan chức năng ghi ngày sinh của Thảo là 7-11-1997.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Trần Văn Cài (ba của bị cáo) trình hội đồng xét xử bản gốc giấy chứng sinh của Thảo có dấu hiệu bị sửa từ năm 1996 sang 1997. Tờ giấy này Thảo tìm được trong xấp giấy tờ cũ của gia đình rồi lén đưa cho chồng nhằm xin giảm nhẹ tội.
Hội đồng xét xử nói với ông Cài: "Con ông phạm tội thì luật pháp phải xử chứ không phải vì bị hại kiện tụng mà con ông mới có tội. Nếu bị hại sinh năm 1997 thì tính đến tháng 9-2010, Thảo chưa đủ 13 tuổi. Nếu Thảo sinh năm 1996 thì còn bốn tháng nữa mới đầy 14 tuổi. Trong cả hai độ tuổi này của Thảo thì hành động của Manh đều phạm tội. Cả đôi bên suy nghĩ xem có nên kháng cáo nữa hay không".
Cả bị cáo và bị hại đều đồng ý kháng cáo. Chủ tọa tuyên hoãn xử để xác định lại chính xác giấy tờ và năm sinh của nạn nhân.
Tội Tình
Rời phòng xử án, Thảo bước thật nhanh ra chỗ má chồng bế lấy con rồi lật đật đi theo ba ruột, không dám nói với chồng câu nào. Manh rời khỏi phòng xử cũng vội vàng đi theo sau vợ nhưng sợ ba vợ nên không dám lại gần, Manh đứng ở cổng tòa nhìn theo cho tới khi chiếc xe buýt chở vợ đi khuất.
Má của Manh, người phụ nữ quê chân chất, hớt hải chạy ra cổng tòa mà bảo: "Con ơi, có kịp đưa Thảo ít tiền cho nó mua sữa không con?". Bà sụt sùi: "Trước đây ba con Thảo biểu vợ chồng tui phải coi Thảo là con dâu, ổng bắt viết giấy cam kết không được đánh đập, hành hạ nó. Vợ chồng tui đã viết đơn ký và đưa ổng ký vào, còn có xác nhận của tổ phó, tổ trưởng ấp. Hai đứa không cưới xin gì nhưng vợ chồng tui thương Thảo như con gái. Tui cất nhà cho vợ chồng nó riêng, còn sắm cho hai đứa cái xe Honda 7 triệu đồng đặng có phương tiện làm ăn. Tự dưng ổng đi thưa công an tố thằng Manh. Mỗi tối nhìn Thảo ôm chồng nó khóc mà tui thấy đứt ruột. Nó mà đi tù vợ chồng tui cũng không biết sống sao...".
Những ngày này, Thảo đã bồng con về nhà ba má ruột ở. Vẫn bằng suy nghĩ rất ngây thơ của cô bé 15 tuổi, Thảo kể: "Người ta nói nếu em còn ở nhà chồng thì công an bắt cả ba má chồng em vì tội chứa chấp, nên em mới phải bồng con về. Ông bà thương em lắm. Anh Manh cũng thương em, ảnh hiền khô à. Ảnh không cho em động tay việc gì, cưới nhau về ảnh đi gặt lúa, bẻ dừa mướn, ai thuê gì làm đó để nuôi em và con. Em và ảnh thương nhau thì về ở với nhau chứ có biết pháp luật gì đâu. Nếu biết thì đời nào em để chồng em bị vậy. Vợ chồng đi đâu cũng có nhau, giờ ảnh mà đi tù chắc em cũng xin đi theo ảnh quá...".
Nhà Thảo cách nhà Manh bảy căn, mỗi ngày đi chợ Thảo đều ngang qua nhà Manh. Vợ chồng, con cái đều chỉ dám liếc nhìn nhau rồi Thảo cúi đầu đi thật nhanh. Cô sợ ba mình cấm cản, sợ gia đình chồng bị liên lụy. Người mẹ ở tuổi 15 ấy với những suy nghĩ còn trẻ con nhưng đã nhận ra gia đình Manh nghèo nhưng đầy ắp tình thương dành cho cô. Dù Thảo là người con dâu không hôn thú, dù Manh phải bị hầu tòa thì cả gia đình Manh vẫn dành cho Thảo tình yêu thương như nhất, vẫn những ánh mắt xót xa khi nói về Thảo: "Thiệt tội con nhỏ".
Luật sư bào chữa cho Manh bảo nếu tòa xác minh được Thảo sinh năm 1996 thì có thể Manh sẽ được chuyển đổi thành tội "giao cấu với trẻ em" với mức hình phạt từ 1-5 năm. Manh bảo "phiên tòa sắp tới dù kết quả thế nào cũng phải chịu". Còn Thảo không hiểu luật, cô vẫn hỏi người này người kia: "Liệu chồng em có bị đi tù không?". Rồi cô rơm rớm nước mắt: "Dù thế nào em cũng đợi ảnh về"...
Nỗi lòng của cha
"Từ hồi nhà Manh qua xin cưới con Thảo, tui đã biểu con tui còn nhỏ tuổi ráng đợi thêm vài năm nữa mà không ai chịu. Hai đứa ở với nhau là tui biết vi phạm pháp luật rồi, tui gọi Thảo về nhưng hai đứa cứ dính nhau như sam, đứa đòi bỏ nhà đi, đứa đòi tự tử... Biết có cấm cũng không được nên tui đành làm thinh, sướng khổ gì nó chịu. Việc hai đứa sống chung với nhau ấp biết, ấp báo lên xã, công an xã gọi tui lên lấy lời khai, tui kể lại sự việc đúng như vầy. Rồi xã báo lên huyện, huyện khởi tố thằng Manh lúc nào không hay chứ tui đâu tố cáo gì. Giấy khai sinh, học bạ, sổ hộ khẩu ghi con tui sinh 1997 lâu rồi chứ có phải mới làm đâu mà bảo tui cố tình hại Manh. Năm 2006, thấy các giấy tờ khác đều ghi Thảo sinh 1997 nên tui mới sửa bản gốc giấy chứng sinh từ 1996 sang 1997. Sau mấy phiên tòa về, cả ấp đều biểu tui ăn ở thất đức, tìm cách chia rẽ hai đứa, khai sửa tuổi con để Manh đi tù... Tui buồn lắm mà không biết nói sao. Manh đi tù thì con cháu tui khổ chứ có sung sướng gì...".
Ông PHÚC VĂN HƯƠNG (50 tuổi - cha của Thảo)
Theo Tuổi trẻ
Đề cử giải Mai vàng - Hội tụ gam màu cuộc sống Nếu "Cánh đồng bất tận" và "Ngã rẽ" khắc họa số phận của những cuộc đời cùng khổ ở nông thôn thì "Chuyện tình mùa thu", "Cổng mặt trời" lại là những phim lãng mạn về tình yêu... Sự lựa chọn của khán giả đã cho ra một kết quả thật bất ngờ khi 5 phim vào vòng bầu chọn của Giải Mai...