“Chết mòn” vì … “ăn cỗ”
“Đám cưới, đám ma, làm nhà, bóc mả…”, những ngày cuối năm này, quê dân ở các làng quê đang “căng sức” ra để tham dự những bữa cỗ không thể không ăn, ăn không thể không mất tiền.
Mệt mỏi, căng thẳng, quá sức, đó là tâm trạng của hầu hết người dân nông thôn mỗi khi “mùa cỗ lại về”.
Cuối năm, làng lại vui như Tết. Ra đường, thấy tíu tít cảnh người ngậm tăm, ngất ngư trong men rượu. Việc làng phải thế, nghèo khó cũng lựa mà xoay…
Chóng mặt
Đã hai tháng trôi qua, kể từ ngày khi “mùa cỗ” (được tính từ khi lập Đông) bắt đầu, ngày nào Lê Văn Thắng (*) cũng được “nhờn môi, nhờn mép” vì… cỗ. Cũng kể từ đó, phải lúc hiếm hoi lắm, vào những ngày “xấu”, Thắng mới được nếm mùi vị của “cơm nhà”.
Video đang HOT
Cả làng nô nức ăn cỗ
Cả làng Thắng cũng vậy mấy tháng mùa khô này, ngày nào cũng “vui như Tết”, cỗ bàn cứ liên miên, không dứt. Làng Thắng đang sống là một làng đồng bằng Bắc Bộ “đặc sệt” nằm ở huyện Tiên Du (Bắc Ninh).
Gặp tôi khi vừa đi “khua” nốt đám bốc mả ở đằng ngoại nhà vợ về, Thắng không giấu nổi vẻ mệt mỏi, tâm sự: “Mệt quá ông ạ, mình là con trưởng, nên cỗ bàn ở đâu cũng đến tay, ngay như việc sang cát của em ông ngoại nhà đằng vợ, mà cũng không… thoát.
Tôi vẫn phải “dự” tới 3 bữa liền, bữa nào cũng rượu, cũng thịt. Đến oải!”. Nói rồi, Thắng giở cho tôi quyển sổ ghi lịch ăn cỗ của những “đám” đã qua và những “đám” sắp tới. Quyển sổ của Thắng dày đặc những cỗ là cỗ như tháng 9 (tính theo lịch âm) có 15 đám với 40 bữa.
Tháng 10 ăn 20 đám, 50 bữa. Đỉnh điểm là tháng 11, có tổng cộng tới… 35 đám, tính ra cả ngày chạy “xô” Thắng “ăn” đến 70 bữa cỗ. Chưa kể, tháng Chạp này còn… 21 đám với cỡ 45 bữa nữa đang chờ đón.
Xin trích qua đôi dòng về “lịch” ăn cỗ của gia đình Thắng, tính bằng ngày âm lịch: Ngày 4-12: Trưa cưới thằng Dũng, con ông Sơn ở xóm trên, chiều về ăn cỗ dựng rạp nhà ông bác. Ngày 6-12: Ăn mừng tân gia nhà ông Hợi, ăn đầy cữ cháu nhà ông Dậu. Ngày 7,8-12: Ăn bốc hót cụ Đằng, bố ông Đẵng, 9-12: Ăn…”. Cứ thế lịch ăn cỗ của gia đình Thắng được “xếp” kín mít.
Thắng bảo: “Nhà tôi, có hôm phải… chia nhau đi ăn cỗ, ông, bà già thì thường đi dự đám ma, bốc hót, tôi thường đi ăn đám cưới, tân gia, còn bà vợ thường đi các đám đầy nữ, sinh nở. Cỗ quê giờ nhiều thay đổi, ngày trước kia đi ăn cỗ người ta chỉ mừng nhau thúng thóc, con gà, thì nay tất cả tư duy đều quy ra… tiền.
Trung bình, mỗi đám cỗ ở quê giờ đây chí ít người đi ăn phải “đóng” phong bì từ 50 đến 100 nghìn đồng, riêng tiền cỗ gia đình Thắng phải chi hết 1,5 – 2 triệu đồng/tháng. Thắng nói: “Nhà tôi, chỉ có mỗi cái nghề làm ruộng, cuối năm này thóc thì hết, mỗi khi đi ăn cỗ đành phải bán bớt con gà, con vịt đi, thậm chí nhiều hôm không có tiền mừng cỗ, mình còn phải đi giật “óng” của hàng xóm”.
Vợ Thắng “chêm” vào: “Cánh đàn bà chúng em còn đỡ, chứ cánh đàn ông đã đi ăn cỗ là phải uống rượu, như ông chồng nhà em suốt cả tháng nay lúc nào cũng… tưng bừng, không còn thời gian đâu làm việc nhà, việc đồng áng nữa”.
Cỗ bàn quên chuyện đồng áng
Đã có một thời là Trưởng thôn, nay lại “khoác” trên mình chức Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, nên ông Nguyễn Công Hưởng – Chủ nhiệm HTX thôn Đ cũng không tránh khỏi được cơn “bão” cỗ bàn những ngày cuối năm này.
Ngồi “bàn” với tôi về chủ đề cỗ, ông Kiến – không khỏi ngao ngán: “Thôn mình có khoảng 300 hộ dân, không ngày nào không “xảy” ra một vài đám cỗ, cá biệt có những ngày “đẹp” hay thứ Bảy, Chủ Nhật, trong thôn có đến 5-6 đám là chuyện bình thường, chưa kể còn phải đi ăn cỗ ở các thôn khác nữa.
Từ khi “bước” vào “mùa cỗ”, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở thôn Đ hầu như bị tê liệt do mọi người ai nấy đều tập trung vào cỗ. Việc cỗ bàn ở đây vẫn “nặng” về ăn, như đám cưới chí ít phải ăn 4-5 ngày, mỗi ngày 2-3 bữa: Chuẩn bị dựng rạp: Ăn. Ngày dựng rạp: Ăn. Ngày cưới chính: Ăn. Lại mặt: Ăn. ở thôn Đ giờ vẫn giữ nguyên phong tục xưa kia, cứ một nhà có cỗ là hàng xóm đều tắt bếp để sang ăn cỗ, chưa kể trong họ hàng nội tộc, thông gia đằng nội, đằng ngoại.
Bởi thế mỗi đám cỗ thường rất “to”. Ông Hưởng thổ lộ: “Ở thôn mình, đám cưới nào ít, cũng phải 100-150 mâm, đông hơn thì 200-230 mâm, cá biệt, hôm nọ có một đám lên tới 350 mâm.
Ông Hưởng còn giãi bày: “Không chỉ hao phí về tiền bạc, cỗ bàn còn làm người dân mệt mỏi về tinh thần, sức khỏe, đặc biệt ảnh hưởng lớn tới việc sản xuất và công việc đồng áng của bà con.
Đã có nhiều hộ, vì ăn cỗ mà thành ra gia đình lục đục bất hòa, do chồng cứ say suốt, tiền đi mừng đám cưới thì không có… Chúng tôi cũng nhiều lần họp bàn, vận động các hộ dân thực hiện tiết kiệm, giảm cỗ bàn nhưng không được vì đây là phong tục của bà con”.
(*) Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi