Chết để con được học!
Do bệnh tật và quá nghèo, chị đã chọn cái chết để giảm gánh nặng cho chồng con, để các con có điều kiện tiếp tục con đường học vấn.
Người mẹ ấy là chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân, 48 tuổi, ở ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau (Cà Mau). Cái chết thương tâm của chị khiến nhiều người xung quanh phải giật mình thảng thốt. Đọc bức thư tuyệt mệnh của chị để lại cho chồng con ai cũng rơi nước mắt.
Chết để tiết kiệm cho chồng con!
Anh Đinh Hoài Bảo, chồng chị Nhân, hướng mặt về phía bàn thờ, nhìn sâu vào di ảnh vợ mà nước mắt lưng tròng. Anh kể: “Tháng trước, vợ tôi nói sẽ chết đi để có tiền cho cha con tôi tiếp tục cuộc sống, tiếp tục việc học hành. Tôi đã hết lời khuyên ngăn nhưng bà ấy vẫn quyết tâm…”.
Anh Bảo sụt sùi kể tiếp: “Vợ tôi đang bị bệnh viêm dây thần kinh số 7, giật méo miệng, thêm suy thận, suy tim, mỗi ngày tốn tiền thuốc 140.000 đồng. Vợ tôi nghĩ rằng chết đi sẽ tiết kiệm được khoản này và còn được mọi người đi phúng điếu sẽ kiếm thêm được chút ít tiền nữa cho chồng con…”.
Chị Nhân sinh ra và lớn lên rồi lập gia đình ngay ở xã An Xuyên, TP Cà Mau. Sau khi lấy nhau, anh chị được cha mẹ hai bên cho năm công đất ruộng. Việc trồng trọt thất bát, cộng thêm vài trận bệnh của chị, năm công đất phải bán đi để trả nợ nần và lo việc học cho các con. Cả hai vợ chồng anh chị cùng có chung hoài bão là sẽ nuôi ba đứa con trai ăn học đến nơi đến chốn để thay đổi tương lai chứ không để giống như cha mẹ. Với quyết tâm này, anh chị đã tảo tần mười mấy năm qua bằng đủ loại nghề, miễn là kiếm được tiền. Khi thì cả hai cùng đi phụ hồ, khi thì đi bán rau cải, bánh mì ngoài chợ…
Anh Đinh Hoài Bảo, chồng chị Nhân, cùng các con đau xót trước cái chết của chị
Không đủ tiêu chuẩn hộ nghèo
Năm 2011, sức khỏe chị Nhân suy yếu, không còn làm phụ hồ được, cũng không thể bê xịa bánh đi bán, chị xin một chân giúp việc nhà cho một gia đình ở TP Cà Mau.
Thời điểm này, con trai lớn của chị là Đinh Công Bằng thi đậu vào CĐ và đi học ở Bà Rịa-Vũng Tàu, tiền nong gia đình vì vậy càng thêm bức bách. Nghe đến những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chị chạy đôn chạy đáo đi tìm hiểu và tìm cách làm đơn xin được hỗ trợ, cứu giúp. Chị làm đơn kể hoàn cảnh khó khăn để đi xin vay tiền cho con học CĐ. Ấp, xã cùng chứng thực hoàn cảnh khó khăn của chị nhưng khi đến Ngân hàng Chính sách của TP Cà Mau thì bị từ chối vì chị không có sổ hộ nghèo. Chị lại về xin công nhận hộ nghèo nhưng xin hoài mà vẫn không được. Bởi người ta xét nhà chị có hai lao động chính, thu nhập 5 triệu đồng/tháng (anh làm thợ hồ ngày được 100.000 đồng, tức 3 triệu đồng/tháng, chị đi giúp việc được 2 triệu đồng/tháng nữa, tổng cộng là 5 triệu đồng)! Chia cho năm nhân khẩu thì bình quân mỗi nhân khẩu được 1 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, quy định hiện hành tại xã chị thì bình quân thu nhập 401.000 đồng/nhân khẩu trở xuống mới được xét cấp sổ hộ nghèo và từ 520.000 đồng/nhân khẩu đến 401.000 đồng/nhân khẩu thì mới được xem là hộ cận nghèo. Vậy là chị không dính vào diện nào cả, đành ngậm ngùi sau bao lần lên ấp, lên xã xin sổ hộ nghèo.
Tháng 3/2013, sau một ngày đi khám và điều trị bệnh, chị bị mất luôn công việc giúp việc nhà. Bao gánh nặng như tiền học cho ba đứa con, tiền thuốc cho chị, tiền hụi chết đã hốt non lo cho con ăn học… dồn lên vai người chồng. Tự thấy mình là gánh nặng, ngay sau khi mất việc, chị đã nói với chồng là sẽ chết đi. Và chiều 24/4, lúc 15 giờ, con trai út của chị đã phát hiện mẹ mình treo cổ chết trong phòng ngủ, bên cạnh là một bức thư tuyệt mệnh đầy bốn trang giấy học trò!
Di ảnh chị Nhân cùng lá thư tuyệt mệnh
“Xin cấp cho chồng tôi sổ hộ nghèo”
Chị mới học tới lớp 4, văn từ lủng củng nhưng bức tuyệt thư chị viết ra bằng tâm sức cuối cùng đã gây động lòng biết bao bà con ở xã An Xuyên. Mở đầu chị viết: “Anh! Trong hoàn cảnh quá khổ sở, không lối thoát, em đành phải xa anh và các con…”. Theo đó, chị bảo rằng việc chọn cái chết là vì để cho chồng bớt gánh nặng tiền thuốc men cho vợ, dành phần tiền này lo cho các con ăn học vì bản thân bệnh nặng, sức khỏe tinh thần đều suy sụp vì muốn phù hộ cho chồng con khỏe mạnh, trúng số độc đắc và cuối cùng là để chính quyền địa phương xót thương mà cấp cho chồng con chị cái sổ hộ nghèo hoặc cận nghèo.
Đoạn nói về sổ hộ nghèo, trong thư chị viết: “Xin các cấp chính quyền ấp 5 thấu hiểu cho hoàn cảnh không lối thoát của chúng tôi hiện nay mà cấp sổ hộ nghèo cho chồng con tôi để sống những ngày tháng còn lại trên đời”. Trong thư, chị Nhân nhắc đi nhắc lại câu: “Anh Bảo, em thương anh nhiều lắm. Chết là hết, chỉ thương anh ở lại trên đời với biết bao gánh nặng… Các con Bằng, Tâm, Ngân đừng trách mẹ. Hãy gắng học nên người, đừng để cha con buồn. Cha con đã khổ với mẹ con ta nhiều lắm!”.
Cùng bạn đọc!
Video đang HOT
Các con của chị Nhân – anh Bảo gồm: Đinh Công Bằng, 23 tuổi, đang học năm hai CĐ nghề dầu khí ở Bà Rịa-Vũng Tàu Đinh Thành Tâm đang học lớp 11 và Đinh Phát Ngân đang học lớp 8 tại Cà Mau. Cả hai em Tâm và Ngân đều là học sinh tiên tiến.
Đưa tin về trường hợp đau lòng này, chúng tôi mong rằng sẽ nhận được sự giúp đỡ từ bạn đọc để các con của chị Nhân có điều kiện học hành, để tương lai các em không còn lặp lại cuộc đời cay cực của cha mẹ, như ước nguyện của người mẹ nghèo ấy trước lúc qua đời.
Sau khi nghe câu chuyện thương tâm của chị Nhân, ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH SX Duy Lợi, nói: “Thông qua báo Pháp Luật TP.HCM, tôi xin hỗ trợ 30 triệu đồng để giúp đỡ các con chị Nhân có điều kiện tiếp tục học hành. Tôi mong các cháu sẽ vượt qua đau thương này để học hành đến nơi đến chốn như mong ước của mẹ các cháu trước khi nhắm mắt!”.
Một nhà báo nữ xin giấu tên thông qua Facebook báo Pháp Luật TP.HCM xin hỗ trợ 1 triệu đồng và bảo trợ sách vở, quần áo cho một trong số những người con của chị Nhân học hết phổ thông. Ngoài ra, Văn phòng luật sư Người Nghèo cũng hỗ trợ 1 triệu đồng cho các con chị Nhân.
Mọi giúp đỡ, ủng hộ gia đình chị Nhân xin gửi về:
- Ban Công tác bạn đọc, báo Pháp Luật TP.HCM, cao ốc 34 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM.
Hoặc chuyển khoản:
- Tài khoản: 1607201005173 Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi nhánh Phan Đình Phùng, TP.HCM. Chủ tài khoản: Báo Pháp Luật TP.HCM.
Nội dung chuyển khoản xin ghi rõ: Giúp gia đình chị Nhân, nhân vật trong bài “Chết để con được học”.
____________________________________________
Mong ước cháy bỏng của chị Nhân là được vay tiền để con được học đến nơi đến chốn. Nhưng muốn vay thì phải có sổ hộ nghèo hoặc cận nghèo nên chị mới đi xin sổ hộ nghèo. Tôi thấy Nhà nước quy định phải có sổ hộ nghèo mới được vay cho sinh viên đi học là chưa phù hợp. Nếu không có quy định này, chị Nhân được vay tiền cho con ăn học thì có lẽ chị sẽ không chết như thế này.
Bà NGUYỄN THỊ TIẾN,Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau
Thực tế địa phương cho thấy 3 triệu đồng chỉ đủ để một gia đình năm nhân khẩu sống gói ghém, có đâu đến học hành. Tôi thấy quy định hộ nghèo mới được vay tiền cho con ăn học cần phải được xem lại nếu Nhà nước muốn ai cũng được học hành.
Ông PHẠM THANH TƯƠI, Trưởng ấp 5, xã An Xuyên
Chúng tôi thừa nhận là đoàn thể địa phương chưa nắm sát được tâm trạng, hoàn cảnh của gia đình chị Nhân để có những đề xuất giúp đỡ kịp thời. Đó là thiếu sót mà chúng tôi phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Chúng tôi sẽ quan tâm đặc biệt, tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để ba đứa con chị Nhân được học hành đến nơi đến chốn.
Ông TRẦN ĐẠI ĐOÀN, Bí thư Đảng ủy xã An Xuyên
Theo 24h
Sự sống mong manh của người phụ nữ bị nhiễm trùng huyết
Chồng là bảo vệ, vợ làm công nhân, với thu nhập của hai vợ chồng để nuôi hai đứa con đang ăn học đã rất vất vả. Giờ chị lại ngã bệnh nặng, chi phí điều trị rất lớn khiến cho gia đình rơi vào kiệt quệ.
Đó là hoàn cảnh của vợ chồng chị Huỳnh Thị Trúc (sinh năm 1964) và anh Trương Văn Ái (sinh năm 1960), trú số nhà 126/20 Lê Độ, tổ 65, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.
Gặp chúng tôi tại Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đà Nẵng) giọng anh Ái chậm rãi, buồn bã kể. Vợ chồng anh lấy nhau và có với nhau hai mặt con. Cháu lớn đang là sinh viên năm 3, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng cháu thứ hai đang là năm nhất Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng. Vợ anh là công nhân may túi xách cho một công ty ở đường Trần Cao Vân, còn bản thân anh làm bảo vệ cho một công ty bảo vệ trên địa bàn TP Đà Nẵng.
"Chị biết rồi đó, lương của bảo vệ và công nhân thì được mấy đồng nên cuộc sống của gia đình cũng rất chật vật", anh Ái nói.
Chị Trúc đang điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng
Anh kể tiếp, chị Trúc có tiền sử bệnh sỏi túi mật và đã cắt bỏ túi mật cách đây 15 năm. Ngày 1/4, bị Trúc bị đau bụng, sốt và vàng da, vàng mắt nên được gia đình đưa vào Khoa Ngoại tiêu hóa (Bệnh viện Đà Nẵng) để điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị Trúc bị sỏi túi mật. Sau 3 ngày điều trị, các bác sĩ tiếp tục phát hiện sỏi ống mạch chủ rất to và nhiều viên sỏi nhỏ trong gan, ứ mật trong gan. Cũng trong thời điểm này, chị Trúc có những biểu hiện như: choáng nhiễm trùng nặng, tụt huyết áp và trụy tim mạch. Các bác sĩ đã chẩn đoán chị Trúc bị nhiễm trùng huyết tiêu điểm từ đường mật, biến chứng là tổn thương đa cơ quan, trụy tim mạch nên đã được chuyển qua Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đà Nẵng).
Tại đây, chị Trúc tiếp tục được điều trị chống nhiễm trùng, chống choáng bằng siêu lọc máu và dùng kháng sinh cao cấp. Ngoài ra, các bác sĩ cũng đã tiến hành phẫu thuật lấy sỏi trong mật và gan.
"Nói thật với chị, lúc đưa vợ nhập viện trong nhà chỉ được một triệu rưỡi đồng. Tôi nghĩ trước tiên phải cứu cho được vợ đã còn tiền thì sẽ vay mượn sau. Chứ không thể để vợ ở nhà chờ có tiền mới đi viện được".
Mặc dù chi Trúc có bảo hiểm y tế tuy nhiên chi phí điều trị cho bệnh này khá tốn kém. Trừ tiền bảo hiểm đã chi trả ra, mỗi ngày gia đình chị Trúc phải chi trả từ 1,5 - 2 triệu đồng tiền thuốc men và các dịch vụ khác. Ngoài ra, những lần siêu lọc máu cũng khá tốn kém (10 triệu đồng/ 1 lần, không được tính bảo hiểm).
Theo bác sĩ Võ Duy Trinh, phó Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết, sau phẫu thuật bệnh nhân Trúc tiếp tục được điều trị suy hô hấp bằng thông khí nhân tạo (thở máy) điều trị choáng nhiễm trùng, suy gan, suy thận bằng siêu lọc máy và điều trị tình trạng nhiễm trùng bằng kháng sinh cao cấp. Hiện tại bệnh nhân đã tỉnh nhưng vẫn còn thở máy, tình trạng tổn thương thận và choáng nhiễm trùng có cải thiện nhưng tình trạng tổn thương gan chưa cải thiện. Vì thế bệnh nhân cần được tiếp tục điêu trị suy hô hấp, tổn thương gan và nâng cao thể trạng.
Theo anh Ái, trong thời gian chị Trúc nằm viện, anh em, bạn bè tuy không khá giả lắm nhưng vẫn nhiệt tình giúp đỡ cho anh vay mượn tiền. Tuy nhiên, số tiền điều trị ngày càng nhiều mà nơi có thể vay đã vay hết rồi. Hiện gia đình anh đã rơi vào kiệt quệ, không biết bấu víu vào đâu. Số tiền viện phí nợ bệnh viện vẫn còn nhiều. Thấy hoàn cảnh gia đình chị Trúc khó khăn, các bác sĩ trong Khoa Hồi sức cấp cứu cũng đang kêu gọi mọi người giúp đỡ chị Trúc để chị có thể điều kiện "chiến đấu" với căn bệnh nguy hiểm và còn phải điều trị lâu dài.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 968: Anh Trương Văn Ái, trú số nhà 126/20 Lê Độ, tổ 65, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng
ĐT: 0905.999.240
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.
Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Email: quynhanai@dantri.com.vn
Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:
* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.
* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri
Account Number: 045 137 195 6482
Swift Code: BFTVVNVX
Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)
* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100356359
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội
* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100357002
Swift Code: MSCBVNVX
Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)
3. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269
Theo Dantri
Bé trai sơ sinh cô độc chống chọi bệnh uốn ván Còn chưa có cho riêng mình một cái tên, sau khi chào đời bé trai người đồng bào Chăm đã rơi vào tình trạng nguy kịch vì mắc bệnh uốn ván. Hơn 10 ngày nằm trên giường bệnh, nhờ sự cưu mang của bác sĩ cháu mới có sữa để ăn, tã để mặc. Cơ thể nhỏ thó nằm lọt thỏm trên chiếc...