Chết ắc-quy giữa trời mưa, ác mộng không ai muốn trải qua
Giữa khuya trong cơn mưa nặng hạt, chị Hoa hoang mang khi một mình bên chiếc ô tô chết ắc-quy, sụt toàn bộ nguồn điện khiến không thể khởi động lại. Nếu không có lòng tốt của một tài xế taxi, chị không biết phải xử lý thế nào.
Sự cố bất ngờ trong tình huống éo le
Mặc dù sự việc đã xảy ra nhiều ngày nhưng với chị Vũ Hồng Hoa, một luật sư ở Hà Nội chưa quên được tình huống trớ trêu với chiếc xế hộp của mình.
Chị kể: “Sau một ngày làm việc vất vả, tôi cố gắng lái xe từ Hà Tĩnh về Hà Nội để nghỉ ngơi. Lúc này là 1 giờ sáng, xe tới chân cầu Nhật Tân thì bị hỏng ắc-quy ô tô, toàn bộ hệ thống điện sập hoàn toàn. Gọi cho một người bạn làm garage mà thấy không nghe máy.
Chị Hoa lo lắng, trong đầu suy tính hai lựa chọn, một là vứt xe tại chỗ rồi đi về, hai là ngủ lại trong xe. Thế nhưng ngoài trời đang mưa rất to, lại thân gái một mình nên chị khá đắn đo.
May mắn thay, một chiếc taxi dừng lại và người tài xế hỏi chuyện chị Hoa. Biết nguyên nhân xe yếu điện, anh tài xế không ngần lại quay đầu xe đỗ sát lại và dùng dây câu bình điện để kích nổ giúp chị Hoa giữa cơn mưa. Kết quả chiếc Honda Civic 2008 của chị đã nổ máy trở lại.
Tuy nhiên, chị Hoa chỉ lái thêm được một quãng đường ngắn thì xe lại chết máy một lần nữa. Chị đứng dưới mưa vẫy gọi sự giúp đỡ của xe qua đường nhưng tất cả đều lướt đi rất nhanh.
Chợt nhớ đến người tài xế taxi tốt bụng vừa giúp mình, chị Hoa đánh liều gọi lại và bất ngờ được anh cho biết sẽ lái xe đến vì vẫn ở gần đó. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của người tài xế tên Tuyến, chị Hoa đã đưa được xe về nhà trong niềm vui mừng không xiết, dù cả hai đều thấm mệt và quần áo ướt đẫm vì mưa.
Ô tô của chị Hoa bị chết máy giữa trời mưa được người lái xe taxi tốt bụng câu giúp điện
Tình huống ô tô bất ngờ chết máy trên đường vì sự cố ắc-quy như chị Hoa không hề hiếm gặp, nhưng lại rơi vào giữa lúc đêm khuya, mưa lớn thì ít ai nghĩ đến. Nhiều người gặp sự cố này chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của những tài xế không quen biết trên đường. Nhưng không phải ai cũng may mắn.
Anh Trần Minh Tuấn (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) nhớ lại chuyến đi “bão táp” hồi cuối năm ngoái cùng gia đình trên chiếc Toyota Fortuner. Chuyến đi này anh cùng vợ con tự lái xe khám phá cung đường Sapa – Y Tý – Mù Cang Chải.
Nhưng tối cùng ngày khi di chuyển đến gần Y Tý dừng chân ăn tối thì xe không thể đề nổ lại được nữa. Đây là vùng cao khá vắng người của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai nên việc kiếm một chiếc ô tô để nhờ kích nổ là không dễ.
Sau khi dùng đủ mọi cách, từ gọi điện nhờ giúp đỡ cho đến đứng chờ xem có ánh đèn xe nào đi qua, anh Tuấn đành quyết định cùng cả nhà ngủ lại trên xe chờ đến sáng mới có người bạn đi xe từ Lào Cai sang giúp. Đó là một đêm ngủ chập chờn không trọn vẹn của cả nhà anh Tuấn, phần vì nội thất xe và đồ đạc lỉnh kỉnh gây chật, phần còn lại là cảm giác bồn chồn lo lắng giữa núi rừng âm u.
Ắc quy cũng cần được chăm sóc đầy đủ
Những tình huống như của anh Tuấn, chị Hoa kể trên hoàn toàn có thể tránh được nếu như, người sử dụng ô tô quan tâm bảo dưỡng ắc quy xe của mình thường xuyên.
Video đang HOT
Nếu như động cơ được ví như “trái tim” của ô tô thì ắc-quy có vai trò như “mạch máu”, có nhiệm vụ trữ điện năng, cung cấp năng lượng cho các thiết bị tiêu thụ điện (phụ tải) như bộ đề khởi động, bật đèn sáng, chạy máy phát… Một ắc-quy hoạt động ổn định, khỏe giúp chiếc xe vận hành trơn tru, tiết kiệm nhiên liệu.
Theo các nhà sản xuất ắc-quy, nếu thường xuyên bảo dưỡng đúng chu kỳ, thời hạn và hệ thống sạc cho ắc quy hoạt động bình thường thì tuổi thọ có thể kéo dài tới 100.000 km (khoảng 4 năm). Nhưng trên thực tế, tuổi đời của ắc quy ô tô chỉ rơi vào khoảng 2 – 3 năm, vì phụ thuộc vào các yếu tố khách quan bên ngoài và quá trình sử dụng của người lái. Khi kết thúc vòng đời, ắc-quy cần được thay thế.
Trước khi đi xa nên kiểm tra xem ắc quy đã đến lúc phải thay chưa, như nhìn tem bảo hành (cho biết tuổi ắc quy), nhìn mắt thăm bên cạnh cực ( ) phân biệt theo các màu xanh (còn tốt), đen (cần sạc thêm) và trắng (cần thay thế)
Anh Huỳnh Trọng Nhân, chủ garage ô tô ở phố Lạc Nghiệp, Hà Nội, cho biết việc bảo dưỡng ắc-quy để bộ phận này hoạt động tốt khá đơn giản, có thể thực hiện tại nhà.
Đầu tiên, ắc-quy cần tránh nhiệt độ cao, nên cần có một lớp chắn hoặc phủ cách nhiệt. Một số loại xe có sẵn bộ phận này khi sản xuất nhưng nhiều xe cũ đã không còn, chủ xe có thể mua ở các cửa hàng đồ ô tô.
Tiếp theo, các đầu cọc cực điện ( ) và (-) thường bị ăn mòn oxy hóa trong quá trình sử dung (môi trường ẩm ướt, dính bẩn…), dẫn đến hao hụt điện năng, cần kiểm tra và vệ sinh bằng cách dùng bản chải, khăn sạch đánh bong lớp cặn bám. Các chủ xe có thể kết hợp baking soda hoặc nước soda để đánh sạch các cặn bám này.
Để tránh quá trình ăn mòn trở lại, có thể bôi thêm mỡ bò bên ngoài đầu điện cực, đồng thời dùng thêm nắp che đầu cọc ( ) để tránh nước mưa hoặc nước rửa xe có cơ hội tiếp xúc.
Ắc-quy bán trên thị trường hiện có 2 lựa chọn, gồm ắc-quy ướt (hoặc nước) và ắc-quy khô.
Ắc-quy ướt là loại chứa kim loại, lá chì xen kẽ dung dịch loãng có axit, chủ yếu là H2SO4 với đặc tính ăn mòn cao, có mùi rất khó chịu vậy nên khi sử dụng người dùng cần hết sức cẩn thận để không bị dây ra tay. Với loại này có ưu điểm giá rẻ, nhưng cần thường xuyên kiểm tra để bổ sung nước cất hoặc dung dịch axit.
Ắc-quy khô là dòng sản phẩm được cải tiến từ ắc quy nước, chúng có thiết kế kín và không cần thêm nước định kỳ. Loại này có ưu điểm không phải bảo dưỡng nhiều như loại ướt, nhưng khi hết điện thường đột ngột mà không hết từ từ như loại ướt.
Theo lời khuyên của anh Trọng Nhân, cách tốt nhất khi đi xa, các chủ xe nên mua thêm một số đồ dự phòng có sẵn trên xe để đề phòng trường hợp ắc-quy hết điện. Bộ dụng cụ này bo gồm: bộ dây câu hai cực ắc-quy (giá từ 150.000 đồng đến 350.000 đồng tùy theo độ dài và độ dày dây điện), pin dự phòng kích nổ ắc-quy cầm tay (giá từ 700.000 đồng đến 2 triệu đồng tùy thương hiệu và dung lượng pin), đồng hồ đo ắc quy (già từ 150.000 đồng đến 1 triệu đồng tùy loại), thậm chí mua thêm một ắc-quy dự phòng để cốp sau ô tô.
Đây cũng là cách phòng ngừa rủi ro của các lái xe có kinh nghiệm chạy đường dài.
Ham rẻ mua phải xe ngập nước, ôm nợ vào thân
Những chiếc xe ô tô ngập nước thường được chào bán với giá rẻ hấp dẫn. Nếu người mua "gà mờ", rất dễ ôm nợ vào thân khi mua phải xe chưa được khắc phục triệt để, tiền sửa sau đó sẽ rất tốn kém.
Ngập nước luôn là kẻ thù số 1 đối với các phương tiện ô tô, xe máy bởi bên ngoài hình dáng cơ khí thì ẩn chứa bên trong chiếc xe có rất nhiều hệ thống điện tử, các chi tiết bôi trơn không được phép tiếp xúc nước...
Mua một chiếc xe cũ trong ngày khô ráo, chưa chắc chủ nhân tương lai đã biết rõ chiếc xe có "bơi lội" hay không nếu người bán cố tình giấu nhẹm.
"Lỗ nặng" vì dính xe ngập nước
Anh Trương Hoàng Quân (Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết đang đau đầu giải quyết "cục nợ" là chiếc Kia Morning vừa mới ôm vào. Anh Quân kể đã mua chiếc xe của một người ở Phú Thọ với giá chỉ 140 triệu đồng. So với các xe Kia Morning cùng đời, số tự động, gốc nhập khẩu trên thị trường đang bán khoảng 170 - 180 triệu đồng, mức giá này là rẻ.
Khi mua, anh chủ quan không cho xe đi kiểm tra ngay, chỉ chạy thử và đánh giá sơ qua thấy ưng là mua. Thế nhưng chạy được 2 tuần, thấy máy chạy yếu, số vào chậm và có tiếng động bất thường, anh mới đem vào gara kiểm tra.
"Thợ nói xe phải mở máy kiểm tra. Kết quả là một tay biên có dấu hiệu bị cong, thành xi-lanh xước làm yếu hơi. Chưa hết, hộp số cũng bị hư hại không thể sửa mà phải thay "hàng bãi". Nguyên nhân có thể xe đã bị nước vào vì dầu máy và hộp số có màu lạ. Tổng chi phí khắc phục khoảng 40 triệu đồng", anh Quân kể.
Nhận được báo giá từ mà anh Quân thấy chán nản bởi số tiền anh dồn mua xe chỉ còn dư chút ít, nay sửa lại phải vay mượn thêm. Liên hệ với người bán thì họ phủi tay bảo không còn liên quan, xe đã mua phải tự chịu.
Một trường hợp mở bung máy để khắc phục nước xâm nhập làm cong tay biên, xước thành pit-tông...
"Quả đắng" như trường hợp của anh Quân không hề hiếm. Theo anh Huỳnh Trọng Nhân, chủ gara ô tô Trọng Nhân (phố Lạc Nghiệp, Hà Nội), xe ngập nước không xử lý hết thường rơi vào xe cũ, đời sâu, chủ xe nếu ham rẻ mà không kiểm tra kỹ rất dễ...ôm nợ.
"Thông thường nếu xe bị thủy kích ngay do lội nước rất dễ nhận biết qua việc chết máy buộc chở cứu hộ về, phải mở máy kiểm tra. Nhưng có những xe nước xâm nhập vào chưa đến mức nặng vẫn cố đi, chủ xe không sửa chữa đến nơi đến chốn", anh Nhân cho biết.
Theo anh, hậu quả là tay biên bị cong làm động cơ bị mất công suất, thành xi-lanh gỉ khiến pit-tông chuyển động gây ra xước làm hơi bị kém, xe ra nhiều khói. Với xe số tự động, nguy cơ hỏng hộp số là rất lớn nếu không được vệ sinh và thay dầu ngay sau khi ngập nước. Các chi tiết như cảm biến, van dầu, van điều khiển rất dễ hư hại.
Dưới sàn xe Mercedes-Benz có rất nhiều chi tiết điện tử
Trong khi đó trên sàn xe bình dân như Toyota Innova rất ít chi tiết điện tử
Khi xe đã hỏng hóc tới phần động cơ và hộp số thì chi phí sửa chữa, thay thế là rất tốn kém, không phân biệt giá trị chiếc xe còn lại theo thời gian rẻ hay đắt.
Với dòng Kia Morning đời thấp như của anh Quân, để sửa chữa động cơ cần thay mới tay biên, xéc-măng, dầu máy, mài lại thành pit-tông...chi phí cũng lên tới chục triệu đồng. Với dòng xe cao hơn, số tiền lên tới 15-20 triệu đồng.
"Đó là với gara tư nhân bên ngoài, còn vào các đại lý bảo hành chính hãng, chi phí gấp 2, gấp 3. Xe sang như Mercedes-Benz hay BMW tiền sửa máy lên tới hàng trăm triệu là bình thường", ông chủ gara Trọng Nhân chia sẻ.
Anh Nhân kể thêm, mới đây một chiếc Ford Escape đời 2004 cũng phải vào gara của anh để thay thế cụm hộp số lên tới 30 triệu đồng, trong khi giá trị xe chỉ khoảng 160 triệu đồng.
Bên cạnh đó, phần nội thất nhiễm nước cũng tiềm ẩn rủi ro khiến chủ xe tốn tiền nếu không xử lý sớm.
Theo chuyên gia ô tô Vĩnh Nam, nội thất xe khác nhau về cả thiết kế lẫn trang bị tùy theo dòng. Với xe hạng sang như Mercedes-Benz, rất nhiều linh kiện điện tử đắt tiền được trang bị ngay ở trên sàn xe, khi ngập nước, thiệt hại khó đong đếm. Tuy nhiên, với xe giá rẻ, sàn xe đơn thuần là các chi tiết cơ khí nên nguy cơ hỏng hóc phần điện ít hơn, chiếc xe chỉ gặp phải vấn đề gỉ sét hoặc ẩm mốc.
Làm gì để tránh mua phải xe đã từng ngập nước
Mua xe từng ngập nước nhưng đã khắc phục không phải là một lựa chọn tồi nếu bán đúng giá trị của nó. Tuy nhiên, rất khó đòi hỏi sự minh bạch này từ chủ xe. Vì vậy, trước khi đi đến quyết định mua một chiếc xe cũ, người mua có thể tham khảo một số kiến thức dưới đây.
Theo chuyên trang mua bán ô tô Car24 của Mỹ, bằng kiểm tra mắt thường nếu tinh ý người mua sẽ cần để ý những dấu hiệu khả nghi.
Đầu tiên, hồ sơ của chiếc xe cần đầy đủ với lịch sử sửa chữa, bảo dưỡng, nhờ nó người mua sẽ biết được những hạng mục đã sửa trong quá khứ.
Nước ngập vào sàn xe một thời gian dài có thể để lại những dấu hiệu dễ nhận biết bằng mắt và mùi
Với xe ngập nước, các dấu hiệu bên ngoài khó nhận biết, vì thế, bạn cần để ý vào chi tiết như cụm đèn pha mờ hơi nước, vết ngấn nước, ố vàng, vết mờ, các mép cửa, mép gần chỗ mở capo, đai ốc, bản lề. Nếu các chi tiết kim loại bị gỉ và ăn mòn, đó có thể là dấu hiệu xe đã ngâm nước lâu.
Ở bên trong nội thất xe, những chiếc xe từng bị ngập nước thường có mùi ẩm mốc ở những chi tiết dễ ngậm nước như lớp bọc sàn xe, mút chân ghế, chân kẽ dây đai bảo hiểm... Bạn có thể ngửi hoặc cảm nhận độ ẩm bằng cách áp má bàn tay xuống dưới lớp lót sàn.
Ngoài ra, bạn có thể quan sát thật kỹ về độ chính xác, tinh tế ở các chi tiết nội thất được lắp. Nếu chiếc xe ngập nước đã được tháo nội thất phơi nắng, sấy khô thì việc lắp lại như cũ vẫn có thể bộc lộ các khiếm khuyết nào đó.
Một số chi tiết không có khả năng chống gỉ mạnh như bu-lông, ốc vít nếu bị hư hại nặng, cần phải nghi ngờ
Bên cạnh đó, bạn cũng cần kiểm tra kỹ các hệ thống điện trên xe để phát hiện dấu hiệu của việc ngâm nước như đèn nền trên đồng hồ tốc độ có bật sáng rõ hay không, hệ hống âm thanh có tiếng ồn nào như bị bóp nghẹt hoặc không tròn tiếng hay không. Khi kiểm tra bảng điều khiển và hệ thống dây điện gần sàn xe, nếu dây đã cứng hoặc cảm thấy dễ vỡ, có thể, chúng đã tiếp xúc với nước.
Chia sẻ với VietNamNet, kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch cho rằng, mua phải những xe ngập nước "sắp chết", phần lớn là do người dân không am hiểu về xe, bị cuốn hút bởi giá quá rẻ so với thị trường.
"Để biết xe có từng ngập nước hay không, các biện pháp kiểm tra bằng cảm quan là chưa đủ, mà cần kiến thức chuyên môn nên người dân bình thường khó có thể nhận biết được khi tìm mua xe cũ", kỹ sư Tạch nói.
Anh Nguyễn Xuân Đạt (Tây Hồ, Hà Nội), một người kinh doanh xe cũ nhiều năm nay khuyến cao rằng, khách mua xe cần kiểm tra xe ở gara hoặc hãng xe trước khi 'xuống tiền". Thậm chí, cần thỏa thuận bằng văn bản với chủ xe trước khi mua với các điều khoản chặt chẽ như nếu phát hiện ngập nước hoặc dấu hiệu hư hại do nước vào sẽ phải được hoàn lại tiền cọc.
9 dấu hiệu cảnh báo chủ xe sắp tốn tiền sửa chữa Những dấu hiệu dưới đây cảnh báo tình trạng "sức khỏe nguy kịch" của ô tô, chủ xe có thể sẽ phải hao tiền tốn của để khắc phục. Có cặn ở nắp dầu động cơ Nếu trên nắp dầu động cơ có cặn bùn hay cặn trông như bã cà phê thì nhiều khả năng máy móc đang có vấn đề nghiêm...