Chênh vênh cuối đời
Hơn 40 tuổi, lòng đã cam tâm trước viễn cảnh “ế”, thì tôi gặp anh. Khi đó, tôi là công nhân viên, lương ba cọc ba đồng, sống cùng ba mẹ, bạn bè cũng ít, nói chung mọi thứ ổn định, nhưng loàng xoàng chẳng đáng kể.
ảnh minh họa
Anh là Việt kiều, ở một đất nước phương Tây mà cả đời tôi chưa bao giờ tơ tưởng đến việc đặt chân tới. Anh chưa từng kết hôn, có công việc ở mức chỉ “tàm tạm” bên ấy, theo như lời anh nói. Qua một người quen chung, tôi biết anh thành thật, chứ không vẽ vời lừa dối.
Chúng tôi nhanh chóng thân thiết rồi kết hôn. Anh đối xử với tôi khá tình cảm. Cuộc sống của tôi như vừa lật sang một trang mới, lạ lẫm và đầy bất ngờ. Mọi người đều mừng cho tôi. Tôi cũng không ngại ngần khoe về đường chồng con tuy muộn nhưng hạnh phúc của mình.
Tôi nghỉ việc, ở nhà chuyên tâm luyện tiếng Anh. Số tiền một, hai trăm USD anh gửi về hàng tháng thật ra chẳng nhiều nhặn gì, nhưng với tôi, việc chồng đang chuẩn bị làm thủ tục để bảo lãnh mình qua chung sống thật đáng tự hào. Thi thoảng anh bay về, báo rằng việc bảo lãnh đang tiến triển, tôi không còn khả năng sinh con, thôi thì an phận chờ được yên ấm bên chồng.
Video đang HOT
Đùng một cái, tôi nhận được tin anh, nói rằng chúng ta chia tay đi. Tôi tưởng như trời đất sụp xuống. Hỏi rõ lý do, anh chỉ nói lòng vòng, không nêu được điều gì rõ rệt. Rồi sau đó, anh chẳng hề liên lạc với tôi. Tôi đã khóc hết nước mắt vì đau khổ, tuyệt vọng. Cách nhau nửa vòng trái đất, tôi bất lực trong vô vọng, muốn kiếm anh để thẳng thắn nói chuyện một lần cũng không có cơ hội. Tôi đành ôm nỗi uất hận mà chẳng hiểu mình đã làm gì sai, cũng có khi tôi lo rằng anh đang gặp chuyện gì đó đến mức phải đoạn tình mà không thể giải thích.
Tôi đã nghĩ ra nhiều lý do để biện minh cho anh, đặt ra bao nhiêu tình huống, thậm chí đã có lúc ngờ rằng, hay là anh đang dành cho mình một bất ngờ thú vị nào đó?
Qua người quen, tôi biết được nhiều thông tin choáng váng. Từ lâu anh đã chùn bước trước dự định bảo lãnh tôi qua chung sống, vì sợ… tốn kém. Anh tâm sự rằng, chừng này tuổi rồi, qua đấy tôi khó, nếu không muốn nói là hầu như chẳng thể nào tìm được việc làm. Bao nhiêu chi phí sẽ phải bỏ ra thêm nếu tiếp tục cưu mang tôi, chưa kể, nguy cơ đau ốm bệnh tật của phụ nữ độ tuổi này. Những lời như dao cứa ấy đến tai tôi, đủ sức để quật ngã một phụ nữ U50 đang hoang mang…
Tôi không thể tưởng nổi là anh đã có những tính toán thiệt hơn lạnh lùng đến vậy. Nếu muốn vui chơi qua đường, lừa tình nhau, hà cớ gì anh phải chọn tôi, một phụ nữ đã luống tuổi? Một người đàn ông ngỡ sâu sắc, tình nghĩa, vì đâu có thể nhanh chóng thay đổi quyết định của mình như thế? Tại sao số phận lại bất công và tàn nhẫn với tôi tới mức này?
Đoạn đường trước mặt của tôi chẳng biết dài ngắn thế nào, nhưng hiện tôi đã kiệt sức, dường như chẳng thể bước tiếp. Nhiều năm không còn đi làm, tuổi tác đã lớn, tôi không thể nào nghĩ đến việc tìm lại việc làm ở chính quê nhà. Chua xót thay, tôi cũng hiểu rằng anh đã tính toán đúng, tôi hận bản thân, tôi giận mình đã trao đi quá nhiều tin yêu và hy vọng, nên giờ không còn biết vin vào đâu để đứng dậy…
Theo VNE
Tinh hoa cuối đời
Người ta nói còn mẹ là một diễm phúc, là còn cả mùa xuân... Mẹ tôi đã ngoài chín mươi, đến nay đầu óc vẫn còn minh mẫn để biểu lộ những suy nghĩ, phán đoán làm con cháu vô cùng ngưỡng mộ.
ảnh minh họa
Ba tôi mất đã gần ba mươi năm. Mẹ kể, ba từng ao ước được đi trước mẹ vì ông sẽ không chịu nổi cuộc sống mà không có mẹ. Mẹ đã cho phép một trong những con gái của bà, một người chị rất tâm đầu ý hợp với ba chọn "chiếc áo cuối cùng cho ba". Mai kia mốt nọ, đến lượt mẹ, không biết ai trong các anh chị em tôi sẽ là người được nhận vinh dự này.
Vài năm gần đây, mẹ tôi đã chuẩn bị cho ngày bà đi xa. Bà dặn nên tổ chức tang lễ đơn giản, không cần kèn trống gây kinh động xóm giềng. Bà chọn vài chiếc áo dài nói là để mang theo; còn mấy đôi bông tai, vài chiếc nhẫn thì bà chia cho mấy chị em gái chúng tôi.
Mẹ tôi thuộc hàng thượng thọ, bạn bè của bà hầu hết đã khuất bóng. Những người còn sống thì lại già yếu, không thể lui tới thăm nhau được nữa. Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn được nghe mẹ nhắc đến bạn bè của mẹ rồi cười vui hoặc chìm vào im lặng tùy vào những câu chuyện thăng trầm trong cuộc sống. Và mẹ đã có quyết định thật hợp lý trong việc sắp xếp, tạo sợi dây kết nối với những người thân, bạn bè xưa cũ. Bà ngồi hằng giờ bên những cuốn album - nơi chất chứa biết bao kỷ niệm từ thời con gái của bà - chọn lựa rồi lấy ra những tấm ảnh của các người bạn.
Bà giao cho chị em tôi với lời dặn: "Các con cố gắng liên lạc với con cháu của các bác, các dì... để gởi tặng họ hình ảnh của cha mẹ, ông bà họ. Bây giờ me còn tỉnh táo để nhận ra những ai, chứ đến một ngày nào đó đầu óc me u mê rồi thì uổng phí những hình ảnh quý giá này." Thật vậy, đã có vài người từ phương xa về, tìm tới thăm mẹ tôi. Họ rất xúc động khi bất ngờ được mẹ tôi trao tặng những tấm ảnh xa xưa của cha mẹ, ông bà họ. Tôi cũng được giao việc liên lạc thư từ, gởi những tấm ảnh đã nhuốm màu thời gian cho một vài người là thân thích của bạn bè mẹ. Sau đó, khi tôi đưa mẹ xem những lá thư cảm ơn với lời lẽ trân trọng, gương mặt mẹ rạng ngời niềm vui.
Mỗi dịp xuân về, mẹ thường bảo chúng tôi tìm mua cho bà vài tấm thiệp để bà chúc Tết các bậc tôn đức tăng, ni. Bà nói: "Me không còn sức để đi chùa nữa, vậy nên me phải gởi thiệp để thay cho người; đồng thời cho các vị đó biết là me còn khỏe." Mẹ tôi đề thơ chúc mừng năm mới, nét chữ còn rõ ràng, ý thơ mạch lạc...
Đối với con cháu trong nhà, mẹ vẫn quan tâm, thăm hỏi ân cần. Có lần, thấy một cháu gọi bằng Cố thể tạng ốm yếu, thường xuyên phải đi bác sĩ, mẹ nhắc đến chắt trong bữa cơm mà rưng rưng nước mắt. Mẹ luôn để dành bánh kẹo ngon chờ lũ trẻ đến thăm, "cho chúng nó vui". Điều này làm tôi nhớ một bài học thuộc lòng thuở nhỏ, nói về tình thương của người bà: "Bà ơi cháu rất yêu bà/ Đi đâu bà cũng mua quà về cho/ Hôm qua có chiếc bánh bò/ Bà chia cho cháu phần to nhất nhà..." Đối với con cháu đã trưởng thành, mẹ tôi dành những lời thân tình nhưng cũng rất thâm thúy. Vừa rồi, vợ chồng em trai tôi từ nước ngoài về thăm. Trong câu chuyện đang rôm rả, cô em dâu muốn khoe mình biết chăm sóc chồng, đã nũng nịu hỏi: "Me thấy chồng con có đẹp trai hơn hồi trước không?" Mẹ mỉm cười, nhẹ nhàng đưa ngón tay chỉ vào mắt con dâu: "Xấu hay đẹp là tùy ở đây đây!" Em dâu tôi sau đó mách lại, lắc đầu le lưỡi.
Thời gian trôi qua, dưới cầu nước chảy, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Nhưng, với niềm hạnh phúc tuyệt vời được còn mẹ trong những tháng ngày này, tôi thầm mong mẹ tiếp tục sống vui, sống khỏe cùng con cháu. Như một ước nguyện: "Cho cây đời mãi mãi xanh tươi"...
Theo VNE
Chênh vênh 25 Tôi luôn cảm thấy một sự mất cân bằng và ở tuổi nào của mình vẫn có một sự chênh vênh cho dù là tôi 25, hay 26 hay là 30. Ảnh minh họa Tôi gõ những dòng này trên chuyến xe về Định Quán, Đồng Nai để tham dự đám cưới của một cậu bạn đồng nghiệp vào ngày chủ nhật. Cậu...