Chen chân trên cây cầu trụ cao nhất Việt Nam xem đua thuyền
Hôm qua (28/2), tại huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống năm 2015 và đón nhận xác nhận kỷ lục “cầu Pá Uôn bắc qua sông Đà – cầu có trụ cao nhất Việt Nam” do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng.
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Đà tại huyện Quỳnh Nhai là hoạt động diễn ra hàng năm nhằm tôn vinh những nét văn hóa tốt đẹp của người dân sống hai bên dòng sông Đà thuộc tỉnh Sơn La, thu hút hàng nghìn người dân và khách du lịch tham dự.
Văn hóa sông nước và thói quen sinh hoạt gắn liền với cuộc sống của những người dân vùng hồ Sông Đà. Chèo thuyền cũng là hoạt động tiêu biểu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, thể hiện tinh thần chịu khó trong lao động sản xuất cũng như sự kiên cường khi đối mặt với thiên nhiên.
Toàn cảnh khai mạc lễ hội đua thuyền truyền thống năm 2015 và đón nhận xác nhận kỷ lục “cầu Pá Uôn bắc qua sông Đà – cầu có trụ cao nhất Việt Nam”
Lễ hội đua thuyền là một cách để họ nhớ về quá khứ và tự hào về văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, qua đó, cảm tạ thần sông, thần núi, cầu may mắn bình an bước vào một mùa vụ mới. Cổ vũ nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, rèn luyện thể dục thể thao và quảng bá những nét đặc sắc hình ảnh con người Sơn La.
Năm nay, Lễ hội đua thuyền có 8 đội tham dự với hơn 200 vận động viên đến từ các xã trong huyện Quỳnh Nhai. Các đội sẽ thi đấu với 3 nội dung gồm: thuyền 10 vận động viên nam; thuyền 10 vận động viên nữ; thuyền 20 vận động viên nam. Tại lễ hội, Ban tổ chức còn tổ chức các trò chơi dân gian như: ném còn, kéo co, bắn nỏ…
Hàng nghìn người người dân và du khách chen chân trên cầu xem đua thuyền.
Kết thúc lễ hội, BTC đã trao giải Nhất nội dung đua thuyền 10 vận động viên nam cho đội xã Chiềng Bằng; giải Nhì thuộc về đội xã Mường Giàng và xã Nặm Ét đoạt giải Ba. Đối với nội dung thuyền 10 vận động viên nữ, đội xã Chiềng Bằng đạt giải Nhất; Nhì thuộc về đội xã Chiềng Ơn và đội đua xã Mường Giàng đoạt giải Ba. Nội dung 20 vận động viên nam có đội xã Chiềng Ơn đoạt giải nhất.
Cùng ngày, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng đã trao “ Xác lập kỷ lục cầu Pá uôn – Cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam” cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La và Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh nhai, Sơn La.
Công trình xây dựng cầu Pá Uôn nằm trên địa bàn xã Quỳnh Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư được khởi công vào tháng 5/2007 và thông xe vào tháng 9/2010.
Video đang HOT
Cầu Pá Uôn vượt sông Đà hùng vĩ và nằm trên tuyến quốc lộ 279, tại lý trình Km250 143,59m. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối Sơn La với các tỉnh Tây Bắc khác như Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai.
Cầu Pá Uôn chính thức được xác lập kỷ lục cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam.
Cây cầu có quy mô vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, khổ cầu rộng 9m với 2 làn xe. Tổng chiều dài của cầu là 1.418m, trong đó phần cầu chính dài 918m; đường dẫn 2 đầu cầu dài 500m. Chiều rộng toàn cầu là 9m, phần xe chạy rộng 8m, hai bên là các nhịp dẫn giản đơn dài 39m.
Được mệnh danh là cầu có trụ cao nhất Việt Nam, trụ chính của cầu cao tới 98,6m. Chiều cao toàn cây cầu tính từ cao độ đáy sông lên đến cao độ mặt cầu là 103,8m. Nhịp dầm chính dài 130m. Thân trụ được tính toán chịu được động đất cấp 9. Đây là sản phẩm của ngành cầu đường do đội ngũ cán bộ, kỹ thuật, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công.
Xuân Thái
Theo dantri
Bi hài chuyện đón Tết của gia đình lập "kỷ lục" đông con nhất Quảng Nam
Tết xưa, ngoài những câu chúc năm mới phát tài; vạn sự như ý; sức khỏe dồi dào thì người ta còn chúc nhau "con đàn cháu đống" là nhà có phúc. Ấy nhưng, Tết nay "cái phúc" ấy lại là lý sự cùn của cặp vợ chồng Lạc - Nam ở thôn Ba Hương (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam). Và bi hài thay, hiện sự nổi tiếng của họ đang đưa cả huyện, tỉnh xác lập kỷ lục không mong muốn về trường hợp hộ "nghèo nhất, sinh con đông nhất".
Ngày đầu năm, ngồi giữa mâm cơm sum vầy của gia đình, ông bố của 15 đứa con bất giác thở dài: Cả năm phải đợi đến Tết mới tập trung đủ "đội hình". Do bởi, đứa lớn mới chỉ 19, nhỏ còn ẵm ngửa, nhưng đã có mấy đứa phải đi làm thuê xa để kiếm tiền lo cho cả gia đình đón Tết!...
Lập kỷ lục không mong muốn
Cặp vợ chồng lập "kỷ lục" đông con nhất tỉnh Quảng Nam là anh Đỗ Ngọc Nam (SN 1972) và chị Huỳnh Thị Lạc (SN 1974, ngụ thôn Ba Hương, xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam). Cưới nhau được 20 năm, phải chạy ăn từng bữa nhưng đôi vợ chồng Nam - Lạc vẫn sòn sòn sinh con năm một lên đến 15 đứa suýt soát tuổi nhau.
Kỳ cục thay, biết đông con sẽ khổ cực, nhưng khi cán bộ thôn, xã rồi huyện đến tuyên truyền, vận động "sinh đẻ có kế hoạch" thì vợ chồng nhà Nam - Lạc cứ khăng khăng lý sự, nào là "trời sinh voi trời sinh cỏ", hay rằng "con đàn cháu đống mới vui", ngoa ngoắt hơn: "Nhà tao đẻ được nuôi được, huy động đàn con đi làm thuê, tiền gom về có khi còn nhiều hơn cả lương cán bộ"?!...
Cái sự đông con của gia đình nhà Lạc - Nam ban đầu chỉ riêng ở thôn Ba Hương, xã Trà Đông biết, nhưng sau một biến cố bất ngờ, thì chuyện bi hài này đã nổi tiếng cả tỉnh Quảng Nam. Thậm chí, dư luận còn đặt cho vợ chồng nhà Lạc - Nam cái biệt danh "kỷ lục gia đình đông con" nhất Quảng Nam hay kỷ lục "nghèo và đông con" nhất tỉnh...
Chẳng là, vào tháng 10/2014 anh Nam được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tư nhân tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) tiến hành phẫu thuật lấy nẹp sắt ở bả vai do tai nạn giao thông. Phải mổ gấp vì tiếp tục bị chấn thương trong quá trình lao động, không có tiền, ngày đầu chị Huỳnh Thị Lạc phải tất tả đi bán tháo nương sắn, đồng thời ở lại bệnh viện chăm chồng. Đến ngày thứ 3, vì ở nhà không có cái ăn, đàn con nheo nhóc đã phải băng rừng tìm xuống tận bệnh viện để "nằm viện" cùng... Vậy là, hôm đó cả khoa Chấn thương chỉnh hình bệnh viện một phen náo động bởi sự xuất hiện tới 7 đứa trẻ lít nhít, dẫn đầu là một cô bé 18 tuổi ngơ ngác, khờ khạo vây lấy vợ chồng Lạc - Nam.
Thấy cảnh tượng lạ, nhiều bệnh nhân và người nhà đã ái ngại hỏi thăm, chị Lạc đành thật thà: "Dạ em năm nay 40, còn chồng em 42. Ngoài "đám" này, vợ chồng nhà em còn thêm 8 đứa khác nữa, đứa đang ở nhà chăn trâu thuê, đứa đi làm mướn tận trong miền Nam...".
Cặp vợ chồng lập kỷ lục buồn "đông con nhất tỉnh" Lạc - Nam.
Câu chuyện đông con của vợ chồng nhà Lạc - Nam khi đó đã thật sự chấn động, gây xôn xao cả bệnh viện. Tin hót này cũng lan đến nhiều sở, ban ngành khác ở tỉnh Quảng Nam, khiến bà Hoàng Thị Minh Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Bắc Trà My, khi nghe có người điện hỏi xác thực, cũng đỏ mặt vì chuyện xấu "khó giấu" mãi ở huyện nhà. Bà Đoàn bộc bạch: "Ở Bắc Trà My, nhà cái "anh chị đẻ nhiều" ai cũng biết. Có khi, đôi vợ chồng này đang đưa cả huyện, tỉnh xác lập kỷ lục không mong muốn về trường hợp hộ nghèo nhất, sinh con đông nhất".
Lý sự cùn của cặp vợ chồng đông con
Ngày đầu năm, chúng tôi leo qua những ngọn đồi cao để đến nhà của vợ chồng Lạc - Nam nằm tách biệt phía cuối làng Ba Hương. Đường vào nhà Lạc - Nam cũng rất kỳ, muốn vào được nhà phải đi từ cửa sau, men theo con đường dốc đồi cao, vì phía trước án ngữ đập kênh nước chạy qua ruộng lúa.
Ngày tết, nhưng đám trẻ nít vẫn phải nằm dưới nền nhà lạnh, riêng sớm nay cả nhà Nam - Lạc trở dậy sớm đốt lửa, tìm bắp nướng để tiếng nổ lốp bốp cho vui cửa vui nhà. Vì đầu năm, nên hôm nay anh Nam được thong thả, nhấp ngụm rượu nhâm nhi đĩa lạc rang rồi kể chuyện con đông của mình:
"Vợ tui, cô Lạc thời son sắc cũng xinh nhất nhì ở làng đó chứ, nhưng khổ tội kém may. Mới 17 tuổi đã có một đời chồng trước, sinh được đứa con gái chưa bao lâu thì lại bị chồng bỏ rơi. Cũng một cảnh nghèo mà thương, nên tui thưa với cha mẹ ở nhà mang cả 2 mẹ con Lạc về sống cùng. Đầu năm 1992, vợ chồng cũng tổ chức lễ cưới đàng hoàng với xóm với làng, và rồi cứ vậy mà đều đều mỗi năm lại tòi ra thêm một đứa nữa.
Bây chừ, con riêng, con chung cả thảy 15 đứa, đều mang họ Đỗ tất, đông quá lại "xít xìn xịt" nên cứ gọi tên nhầm lẫn hết cả lên, thôi cứ đặt theo tên làng, tên xã cho dễ nhớ như: Đông, Nhị, Phú, Trường, Thọ, Thuận, Hòa, Mỹ, Châu... v.v... Ấy vậy mà có khi gọi tên đủ 14 người con chung, 1 đứa con riêng của vợ, tui phải vấp mấy lần mới nhớ hết và đọc chính xác" - dứt câu Nam cười ngượng nghịu.
Nam còn kể: "Thường ngày vợ chồng tui không có ở nhà mô. Quần quật trên rẫy, chặt cây kiếm củi trên rừng đến tối mịt mới về, nhưng hễ nghe có người lạ tới tìm là trốn luôn ngoài rừng vì... sợ gặp cán bộ dân số". Mọi công việc gia đình giao cho con chị Đỗ Thị Hương (18 tuổi) quán xuyến và chăm 5 đứa em nhỏ, bé nhất được 2 tuổi. Cô con gái thứ 5 này của anh chị mắc bệnh chậm phát triển.
Những đứa trẻ con của vợ chồng Lạc - Nam.
Trước, con Hương có đến trường, xong bậc tiểu học nghỉ ở nhà. Sau này gia đình xin cho đi phụ bán quán nhậu, nhưng chậm chạp quá, chủ cho nghỉ việc. Thằng con đầu Đỗ Văn Hà (21 tuổi), học cao nhất đến nửa lớp 9, xin đi phụ hồ. Công việc cũng "bữa đực bữa cái". Đáng nói, tiền không có nhưng Hà cũng xin... cưới vợ. Lý do, cô gái trong làng mới 17 tuổi đã có thai với Hà. Theo cách tả của anh Nam "con bé cũng khờ lắm, công việc không có". Nhà Nam vốn đã đông con, giờ phải "đèo" thêm miệng ăn của cô con dâu nữa, cái đói, cái khó cứ thế chất chồng.
Nhưng vợ chồng Nam - Lạc vẫn lý sự: Cả nhà có được 3 sào ruộng, để cải thiện thêm, Nam phải sang làng bên nhận ruộng người khác làm, chia theo tỉ lệ, bên anh 2, chủ 1. Năm nào thuận lợi, gia đình lâu lâu còn có bữa cơm trắng.
Thực tế, có thời điểm vợ chồng đi phát keo thuê, mỗi ngày kiếm hơn 300.000 đồng nhưng mua bịch gạo 10 ký ăn trong 2 ngày, nên số tiền có được cũng như gió vào nhà trống. Vì thế, căn nhà bằng gạch nham nhở và rêu mốc hàng chục năm nay vẫn không có điều kiện tô vữa, tường gạch xuống cấp loang lổ. Họa hoằn lắm, vợ Nam mới dành tiền mua được miếng thịt cải thiện bữa cơm gia đình, nên tuyệt nhiên bên trong nhà cũng chẳng có lấy một vật dụng gì. Riêng ngày Tết, thì nhờ được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể nên nhà Nam - Lạc mới có một bữa cơm "ấm no" như hôm ni, nhưng cũng chỉ là cơm, đĩa rau rừng luộc và nồi thịt kho bé tẹo.
Chuyện ngủ nghỉ của đám trẻ cũng thật đáng lưu tâm, bất kể từ lớn tới nhỏ, cứ tối đến, lũ trẻ trải chiếu dưới nền xi măng ngủ như xếp lớp. Riêng chị Lạc được "ưu tiên" nên được nằm chiếc chõng tre 1m. Đã nghèo, đông con vậy mà vợ chồng Lạc - Nam lại gặp cái "eo". Năm 2013, Nam bị tai nạn giao thông, phải nẹp sắt ở bả vai. Sau khi vết thương lành, thay vì đi mổ lấy nẹp ra, Nam lại không có tiền nên cứ phải sống chung với dị vật trong người.
Tưởng có thể chịu đựng được, oái ăm, cuối năm 2014 đi làm Nam lại bị ngã té. Cây sắt chọc da thịt lòi ra ngoài, đành phải đi viện. Phẫu thuật thành công nhưng di chứng để lại lớn.
Căn nhà trống hơ hoác của vợ chồng đông con nhất tỉnh Quảng Nam.
Ngao ngán về trường hợp hộ gia đình đông con và nghèo nhất huyện này, bà Hoàng Thị Minh Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Bắc Trà My đã chia sẻ với PV chuyên đề CSTC: "Khi phát hiện ra trường hợp vợ chồng Lạc - Nam thì cũng là lúc xã hết cách, huyện phải vào cuộc. Đối với vấn đề này, chỉ có tuyên truyền vận động chứ không thể áp dụng biện pháp nào được. Thế nhưng, nghe ngóng có người, họ trốn cửa sau, không thể gặp cùng lúc 2 vợ chồng được...".
Bà Đoàn còn cho biết, cũng vì quá nhiều lần đến tận nơi, vận động tại chỗ cặp vợ chồng Lạc - Nam mà bà giờ nắm rõ cả tên tuổi, năm sinh của từng đứa con hơn cả cha mẹ chúng. Sau sự việc làm "chấn động" dư luận tại Bệnh viện Quảng Nam vừa qua, các đoàn thể, sở, ban ngành tỉnh chỉ đạo phải vào cuộc mạnh, bà Đoàn cử lực lượng quyết "ù lỳ" để gặp tiếp. Thế nhưng, thay vì nhận sai, biết khổ, quyết tiệt đường "sinh đẻ" thì vợ chồng nhà Nam - Lạc vẫn cứ viện câu "con đông là nhà có phúc" để lý sự: "Ai có phúc được như vợ chồng tui không? Có đông con nên mọi công việc từ làm nhà, tỉa bắp, gặt lúa, chưa bao giờ vợ chồng phải thuê nhân công cả. Nhiều khi, huy động hết đám con đi làm thuê, tiền góp mang về mỗi tháng còn nhiều hơn cả lương cán bộ nữa ấy chứ...".
Không biết cái phúc của vợ chồng Nam - Lạc có đủ đầy không, nhưng gánh nặng cho xã hội, tai tiếng cho làng, xã và tấm gương xấu về việc không "sinh đẻ có kế hoạch". Cái nghèo vì sự đông con đang là hậu quả nhãn tiền!...
Theo Hoài Thu - Vũ Vân
Cảnh sát toàn cầu
Mùa Xuân đầu tiên đảo Lý Sơn hòa điện lưới quốc gia Tết Ất Mùi năm nay, hơn 22.000 người dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) sẽ đón một cái Tết thật đặc biệt. Đây là Tết đầu tiên người dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Đến Lý Sơn những ngày giáp Tết, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của người dân nơi đây. Để đón chào năm mới Ất Mùi,...