Chém nát xe cứu thương, đánh tài xế ngăn không cho chở người chết ra khỏi bệnh viện
Thấy chiếc xe cứu thương từ bên ngoài vào bệnh viện đón bệnh nhân đã tử vong, người đàn ông gọi thêm “đồng bọn” cầm rựa, dao đến đuổi đánh chủ xe, tài xế xe cấp cứu… Ngày 13/8, Cảnh sát điều tra Công an huyện Phù Mỹ (Bình Định) đang tiếp tục điều tra vụ đập phá xe cấp cứu, đuổi đánh tài xế, ngăn chở người chết vừa xảy ra tại Trung tâm y tế huyện Phù Mỹ.
Ông Tuấn và chiếc xe cấp cứu với nhiều vết chém, đập do bị ngăn không cho vào chở bệnh nhân
Theo thông tin ban đầu, tối 9/8 ông Nguyễn Đức Tuấn (46 tuổi, ở TP.Quảng Ngãi), chủ xe cấp cứu BS 76B-005.96 (thuộc Đội dịch vụ xe cứu thương tỉnh Quảng Ngãi) cùng tài xế Nguyễn Văn Tứ (quê Gia Lai) điều khiển xe này đến TTYT huyện Phù Mỹ để vận chuyển thi thể nạn nhân B.Q.T đưa về quê ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) theo đề nghị của một người quen.
Khoảng 14h ngày 10/8, ông Huỳnh Văn Tạo (trú TT Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, Bình Định) đến và ngăn không cho chiếc xe này vào bên trong chở người.
Sau đó, ông Tạo chở theo con trai tên Tài và một người nữa cầm rựa, dao đến đuổi đánh chủ xe, tài xế xe cấp cứu, người nhà nạn nhân và đập bể kính xe, chém nhiều nhát dao lên xe cấp cứu.
Nhận tin báo, Công an huyện Phù Mỹ cử lực lượng đến TTYT huyện Phù Mỹ phối hợp với VKSND huyện để khám nghiệm hiện trường, làm việc với chủ xe cấp cứu BS 76B-005.96 nắm thông tin vụ việc.
Chủ xe cấp cứu sau đó đã cùng người nhà đưa thi thể nạn nhân về quê.
Hiện, vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Video đang HOT
Theo Tiền Phong
Luật ngầm xe cứu thương: Lãnh đạo bệnh viện đóng cổ phần?
Vụ việc bảo vệ ngăn cản xe cứu thương tại BV Nhi T.Ư dẫn đến bệnh nhân tử vong trên xe chỉ là giọt nước tràn ly. Thực tế những vụ việc tương tự tại nhiều bệnh viện công lập đã diễn ra từ nhiều năm nay từ chính sự lỏng lẻo trong quản lý, xã hội hóa méo mó.
Hãng xe taxi ABC độc quyền được xếp hàng chờ khách trong Bệnh viện Nhi Trung ương (ảnh chụp chiều 8/7). Ảnh: Như Ý.
Loạn góp tiền mua xe, máy xét nghiệm
Đã nhiều năm nay, thực trạng về dịch vụ vận chuyển tại các bệnh viện bao gồm xe cứu thương, xe tang, xe taxi...luôn là thực trạng nhức nhối nhưng không có lời giải. Khi được đại diện các cơ quan báo chí hỏi thì bảo vệ bệnh viện chỉ lên trưởng phòng hành chính, rồi giám đốc bệnh viện.
Thế rồi lãnh đạo các bệnh viện lại xua tay kêu khó, lắc đầu than vãn hoặc đổ tại chính quyền, công an tắc trách, làm ngơ cho xe dù, xe lậu! "Chúng tôi sẽ xin ý kiến tham mưu của Bộ Y tế và các bệnh viện để thành lập đơn vị hoặc thuê công ty chuyên nghiệp vào làm vận chuyển, cứu thương. Thực tế, bệnh viện không thể kiểm soát được xe "dù"", ông Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi T.Ư nói.
Không riêng gì ông Hải mà lãnh đạo nhiều bệnh viện như Việt Đức, Bạch Mai, Xanh - pôn đều lắc đầu kêu khó. Vậy vì sao lại có tình trạng này?
Qua tìm hiểu của PV Tiền Phong, hầu hết các bệnh viện lớn ở Hà Nội đang sử dụng đội xe cứu thương vận chuyển do bệnh viện tự đầu tư. Tuy nhiên, số đầu xe dạng này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với thực tế lượng xe đang hoạt động.
Trong khi đó, lượng bệnh nhân và người nhà gia tăng chóng mặt, nhiều bệnh viện quá tải từ 100 đến 200%! Có cầu lớn ắt sẽ có cung! Nhiều bệnh viện hưởng ứng chủ trương xã hội hóa nên từ giám đốc đến nhân viên đã đua nhau góp tiền để đầu tư xe.
Nói về lợi nhuận góp tiền mua xe cứu thương, một nữ phó giám đốc một bệnh viện công lập bật mí với PV Tiền Phong: "Cũng không quá cao so với lãi ngân hàng đâu, nhưng nói chung là được, ổn định!".
Một số giám đốc bệnh viện tỏ ra cao kiến hơn khi mời hẳn doanh nghiệp, cá nhân bên ngoài vào "hợp tác" với bệnh viện thông qua đầu tư mua xe, chia lãi, hoặc cổ đông mua máy móc thiết bị. Nghe ra có vẻ chuyên nghiệp nhưng thực ra đó cũng là một chiêu "cổ đông" ẩn danh của không ít bác sỹ thông qua những bản hợp đồng hợp tác.
Thay vì đặt quyền lợi bệnh nhân lên trên, tại Bệnh viện Nhi T.Ư, núp bóng danh nghĩa "xã hội hóa", hãng taxi Abc nhiều năm qua đã trở thành hãng xe duy nhất được đỗ trong bệnh viện, độc quyền vận chuyển tại nơi có lượng bệnh nhân thuộc hàng lớn nhất nhì Thủ đô khiến cho hàng vạn người bệnh không còn cơ hội lựa chọn nào khác!
Hay như vụ việc Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn Đào Quang Minh bị chém suýt mất mạng cách đây chưa lâu cũng bắt nguồn từ những mâu thuẫn trong "xã hội hóa".
Trao đổi với PV Tiền Phong, một cán bộ nguyên phó trưởng ban Văn hóa xã hội (VHXH) (HĐND TP Hà Nội) khẳng định: Tình trạng méo mó trong quá trình xã hội hóa đang ngầm châm ngòi cho những mâu thuẫn phát sinh, làm xấu đi môi trường làm việc tại không ít cơ sở y tế, nhất là khi tại đây thiếu đi vai trò kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh hàng chục bệnh viện thực hiện mô hình thuê máy trả tiền ăn chia theo tỷ lệ từ đối tác là doanh nghiệp bên ngoài, một số bệnh viện đã áp dụng mô hình thu hút đầu tư từ chính bác sỹ, cán bộ y tế trong viện!
Khắc phục cách nào?
Với cơ chế xã hội hóa méo mó như trên, cộng với việc buông lỏng quản lý, tình trạng xe "dù", xe lậu ngang nhiên vào các bệnh viện đón khách cũng là điều dễ hiểu.
Một thành viên trong đoàn giám sát xã hội hóa bệnh viện công của Hà Nội cho rằng: Cách làm này được lợi về cá nhân nhưng không có lợi cho phát triển chung. Muốn có y đức tốt, môi trường làm việc phải lành mạnh, hạch toán phải khoa học rõ ràng. "Ăn chia không sòng phẳng dẫn đến khiếu kiện, mất hết y đức. Lợi ích lớn quá át cả trách nhiệm", một thành viên đoàn giám sát cho hay.
Theo ông Ngô Trung Hai, nguyên Phó trưởng Ban VHXH (HĐND TP Hà Nội), để xảy ra tình trạng méo mó nêu trên là do lãnh đạo không ít bệnh viện thiếu trách nhiệm, ỷ vào ngân sách, không chịu vận động, sáng tạo mà cứ cái gì có lợi ích trước mắt thì lao vào, thậm chí bất chấp tất cả.
Có những máy đã có sẵn đầu tư bằng ngân sách nhà nước để "đắp chiếu" nhưng bệnh viện vẫn ký hợp tác với bên ngoài cũng loại máy giống như vậy để có lợi nhuận.
Về phần mình, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư thừa nhận, việc để cho một hãng xe độc quyền trong bệnh viện là ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của người bệnh. "Sau sự việc vừa xảy ra, sắp tới sẽ có nhiều hãng taxi đạt tiêu chuẩn cùng hoạt động, tạo điều kiện cho người dân khi đến viện", ông Hải nói.
Còn nhớ, trong một lần chúng tôi phỏng vấn TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội về vấn đề này, ông Ánh "độp" ngay: "Nếu anh phỏng vấn tôi về kết quả xã hội hóa thì tôi không có gì để nói cả! Tôi không chủ trương thuê máy, cán bộ góp tiền mua xe!".
Cũng theo TS Nguyễn Duy Ánh, dù khó khăn nhưng bệnh viện vẫn nỗ lực đi trên đôi chân của mình, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ thu hút bệnh nhân, vừa biết lựa chọn đầu tư và quan trọng hơn là phải mang lại những dịch vụ tốt nhất cho người bệnh. TS Ánh cho rằng, trong yêu cầu phát triển, bên cạnh việc xây dựng đội ngũ những y bác sỹ giỏi, bệnh viện phải được quản trị tốt, bữa cơm, giấc ngủ của bệnh nhân cũng phải được đặc biệt quan tâm...
Sau 5 năm thực hiện xã hội hóa, riêng tại thành phố Hà Nội đã có 13/41 bệnh viện công lập, 6 trung tâm y tế xây dựng và thực hiện 48 đề án liên doanh, liên kết góp vốn để mua sắm trang thiết bị với tổng vốn đầu tư là 236 tỷ đồng. Riêng từ năm 2009 đến nay thu hút được 155 tỷ đồng.
Theo Tiền Phong
Vụ chặn xe cứu thương ở bệnh viện Nhi TƯ: Không chỉ bảo vệ tham gia ngăn cản Anh Nguyễn Cảnh Toàn (SN 1985, trú tại huyện Nam Đàn, Nghệ An) - người trực tiếp lái xe chở cháu bé 9 tháng tuổi tại BV Nhi Trung ương, cho biết không chỉ bị bảo vệ mà còn có một số người mặc thường phục tại đây ngăn cản, nói quy định của bệnh viện là chỉ được đưa bệnh nhân đến,...