“Chém lợn, đâm trâu, cứ như truyền thống đi, đừng để kẻ tham sân si xông vào”
Chém lợn, đâm trâu, cứ như truyền thống đi, đừng để những kẻ tham sân si xông vào, làm lễ hội to đùng để trục lợi, cổ súy cái “ác” quá đáng, sẽ gây ra phản cảm…
Lễ hội “ Linh tinh tình phộc” ở Tứ Xã
Trước hết, tôi không phải là chuyên gia nghiên cứu văn hóa càng không phải là nhà quản lý lễ hội, nên ý kiến khá dè dặt. Tôi xin phân tích ở dạng đặt câu hỏi để ngỏ rồi chúng ta cùng suy ngẫm.
Phải tính đến lý do tồn tại của từng lễ hội
Khi dư luận muốn kết thúc hoạt động của lễ chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh), thì chúng ta cần ghi nhận: người kêu gọi muốn hình ảnh “rùng rợn”, “bạo lực”, “đầu rơi máu chảy” trước đám đông, đặc biệt là trước các cháu nhỏ sẽ không gây hại cho cuộc sống của mọi người. Đó là một ý tốt, rất có lý, có tình. Phải thấy rằng, mong muốn “bớt bạo lực” kể trên là một mong muốn tử tế. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: không lẽ gà chọi, chọi trâu, đâm trâu, chém lợn, tất cả đều là “hủ tục cần loại bỏ khỏi đời sống văn minh” ư?
Cá nhân tôi suy nghĩ: không hẳn như vậy, không nên đi “quá đà” như vậy. Chỉ nên quản lý các lễ hội truyền thống đó sao cho tránh được những “phản cảm” thôi. Thí dụ: không nên quay clip quá kỹ cảnh chém lợn rồi tập trung vào đầu rơi máu chảy, máu me tanh bành, rồi các clip đó được nhân bản quá nhiều, ảnh hưởng không tốt đến cảm xúc của các cháu nhỏ (khi “đề kháng” của các cháu trước bạo lực chưa đủ lớn).
Truyền hình báo chí nước ngoài (như kênh Discovery) khi dính đến cảnh cắt cổ con vật trong các tình huống buộc phải giết con vật để sinh tồn thì họ đều làm mờ cảnh tàn ác, cảnh máu me, rồi khuyến cáo đó là hành động không nên khuyến khích. Cảnh nhúng đồng tiền vào máu lợn sau khi hành quyết cũng là thứ gì đó tham lam, dã man, nên bỏ.
Còn lễ hội từ nhiều thế kỷ, nhiều thế hệ người đã qua, ta nên tính đến lý do hợp lý và tuyệt vời để nó tồn tại. Các cụ có dốt hơn ta bây giờ đâu? Ta cần hiểu nó cặn kẽ hơn, trước khi lên án, truyền thông cũng cần nói cặn kẽ về cái hay cái đẹp của lễ hội, trước khi đưa những cảnh “ăn khách” lên.
Tôi xin đặt một câu hỏi nữa: nếu lên án đâm trâu, lên án chém lợn một cách “quá tả” rằng nó mọi rợ, dã man, cổ súy bạo lực, thì ta nghĩ gì với các lễ hội sau đây, các lễ hội đã và đang tồn tại, được tôn vinh ở chính đất nước Việt Nam chúng ta. Các hoạt động tâm linh đó, nó đã và đang như một phần không thể thiếu của tâm thức cộng đồng. Tỷ như, ở vùng cao biên giới, người Hà Nhì đang có lễ cấm bản. Ngày lễ, để tránh ma tà vào bản, họ cấm không cho người lạ đi vào bản hoặc đi ra khỏi bản.
Video đang HOT
Cái cấm này từng cực kỳ nghiêm ngặt, trong 3 ngày, ai vi phạm sẽ bị phạt vạ bằng con lợn và lễ lạt để “cấm bản” bù vào. Nếu suy nghĩ “ngắn” thì ta sẽ bảo rằng, như thế là: vi phạm quyền tự do di chuyển được pháp luật công nhận của người khác, vi phạm nhân quyền. Thế là bà con lại “lỏng” hơn: cán bộ biên phòng, giáo viên cắm bản, hay cán bộ xã đi công cán thì đi được “miễn”. Họ treo đầu chó, đầu gà, đầu dê lợn toàn máu me lên những cái cọc cao. Cọc ấy làm bằng cây gạo gai, cọc cũng toàn gai nhọn. Đầu con vật máu me làm cho ma tà sợ, gai làm ma tà sợ.
Họ đẽo dao găm, súng lục, lựu đạn làm cho ma tà sợ. Họ treo cả lựu đạn thật nhặt được từ chiến tranh biên giới lên đó, để dọa ma tà, không cho nó vào trong bản làm hại lương dân. Phải nói, đó là quan niệm hồn nhiên, đáng tôn trọng. Ở góc các cổng cấm bản kể trên, bà con nặn bùn đất với các bức tượng đàn ông đàn bà giao hoan, sinh thực khí cực to”. Chúng tôi đến những lễ hội hầu như chưa được nghiên cứu ấy, và xúc động về niềm tin hồn nhiên và lương thiện của bà con. Câu hỏi đặt ra là: không lẽ chúng ta sẽ coi việc treo đầu lâu, súng dao thật… kia là bạo lực ư? Việc đắp “chim cò”, “ong bướm” trần truồng kia là gợi dục, là kích dục hay cổ súy dâm ô ư? Không lẽ ta lên xứ Hà Nhì và cấm bà con ư?
“Linh tinh tình phộc” ở Phú Thọ không thể coi là “dâm đãng”
Câu hỏi tương tự: ở xã Tứ Xã (Lâm Thao, Phú Thọ), từng nhiều năm được ngành văn hóa cho phục dựng, rồi cứ đêm 11 rạng ngày 12 tháng Giêng hàng năm đều diễn ra hội Trò Trám hay còn gọi là “Linh tinh tình phộc”. Ở tuổi 40, cũng may mắn được đi nhiều nơi, tôi xin khẳng định: ngoài việc vào các bảo tàng sex ở Hà Lan hay Hàn Quốc…, thì có lẽ đến dự lễ hội Trò Trám này, trực tiếp chụp sinh thực khí nam và sinh thực khí nữ đâm vào nhau, tôi thấy cái “tình dục” vô cùng rõ ràng, hồn nhiên, lồ lộ, sung sướng, mãn nhãn, thiêng liêng và văn hóa nhất. Nó làm người ta xúc động.
Cái nõ (bộ phận sinh dục nam) bằng gỗ, to như cái dùi, sơn đỏ, giữa lúc giờ Tý (12h đêm) được đem ra miếu Trò, người nam đóng khố (trước kia ở truồng, nay cải biên tí) đâm thẳng vào cái nường (bộ phận sinh dục nữ, khoét to, bằng gỗ, đỏ chót, to như cái quạt). Cái nường cũng do người nữ cầm, người nữ trước kia cũng ở truồng, nay mặc yếm. Cả làng tắt điện tối om, nam nữ cầm và đâm “vào nhau” 3 cái, 3 cái trúng “phóc” thì năm ấy nam nữ giao hòa, mùa màng tốt tươi, người và vật sum vầy sung sướng. Đặc biệt chuyện tình dục, con cái, phồn thực… đều như mong muốn. Lời hát trong đêm ấy thì vô cùng lẳng và “sát sàn sạt” chuyện nam nữ: “Cái gì lủng lẳng một gang… trong quần”.
Sau phút “tình phộc” ấy, là giờ tháo khoán, trước kia là khu miếu, khu ao, ruộng, nam nữ thả sức tình ý, “trên bộc trong dâu”, đôi nào mà thụ thai đúng ngày đó thì… thứ thiệt luôn. Lễ hội Trò Trám tôi từng nhiều lần dự, các công trình nghiên cứu lừng danh của các đại thụ như Dương Văn Thâm, Nguyễn Hữu Nhàn… đều còn đó, báo chí, truyền hình đưa tin còn cả trên mạng. Vậy, thử hỏi có ai “quá đà” để coi đó là sự dâm dật, sự cổ súy cho giao hoan “tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh”, rồi HIV rồi tan vỡ hạnh phúc gia đình không? Xin thưa là không, không được nghĩ như thế. Mà trước khi nghĩ như vậy, ta cần đọc kỹ, hiểu kỹ, dự kỹ các hội Trò Trám để không bao giờ nghĩ như thế nữa.
Ý kiến của TS Lê Thanh Hải đăng trên Báo Đại Đoàn Kết về trách nhiệm của truyền thông, về một cái nhìn rộng hơn ra thế giới (để hiểu ngọn ngành), về cách quản lý (ngăn từng khu vực được “đánh nhau” theo nghi lễ)… – theo tôi là rất xác đáng.
Chém lợn, đâm trâu, cứ như truyền thống đi, đừng để những kẻ tham sân si xông vào, làm lễ hội to đùng để trục lợi, cổ súy cái “ác” quá đáng, sẽ gây ra phản cảm. Lễ “đánh nhau” truyền thống, cứ đánh “cầu may” (như xưa), nhưng ai đánh mạnh và gây hậu quả sẽ bị xử lý hình sự (có clip ghi lại), ai đánh vào trong khu vực khán đài được quản lý mà đánh, cấm đánh ra ngoài, đánh người xem để họ bị tai bay vạ gió.
Tôi đi nhiều nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, họ cũng ném tiền vào quan tài của… vua chúa, ném tiền xu lên nóc các ngôi chùa tuyệt mỹ, ném tiền vào “huyệt đạo” ở dòng suối long mạch giữa thủ đô Seul, ném vừa phải như nghi lễ cầu an, cầu may, có sao!
Chứ thảm nạn tiền lẻ như ở ta, bao năm Tết đến báo chí lại làm chuyên đề, thì đúng là đáng lên án nghìn lần. Hoặc như, ở Italia, ngực bức tượng nàng Juliet cũng bị sờ đến nhẵn bóng. Ở Campuchia, các vũ nữ Apsara bằng đá bị quẹt tay cầu may “thụ hưởng nhan sắc” cũng mòn vẹt; ở khắp châu Âu và châu Phi, chỗ nào cũng thấy niềm tin trong lễ hội, trong tâm linh rồi các “hành vi làm khước” khá thú vị. Có sao đâu nhỉ. Chỉ có điều đừng đi quá đà, ở đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý tại di tích và cấp trên nữa.
Đụng đến nghìn năm lịch sử, cần sự cẩn trọng lắm lắm, kẻo ta sẽ đi từ bất cập này sang thái quá kia.
Theo_Dân việt
Đêm, dự lễ hội "Linh tinh tình phộc"
Đó là nghi thức của Lễ Mật được tổ chức vào ngày 11 và 12 tháng Giêng tại Miếu Đụ Đị, xã Tứ Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội này tôn vinh tín ngưỡng phồn thực, phản ánh nét văn hóa đặc trưng của dân cư nông nghiệp. Phần phồn thực chính là "giá trị nhất, đặc trưng nhất" của lễ hội này.
Những đặc trưng riêng của lễ hội "Linh tinh tình phộc" đã thu hút rất đông người về tham dự lễ hội. Từ rất sớm, khách tham quan và người dân địa phương đã đứng chật kín sân đình. Một số mang theo ghế, đứng lên tường, trèo lên cây để xem các tiết mục văn nghệ quần chúng và đợi chờ các tiết mục đặc sắc nhất của lễ hội.
Trong lễ hội, hai tiết mục được mong đợi nhất là Trò Trám và Lễ Mật. Trò Trám là tiết mục mang lại tiếng cười nhất bởi những câu hò đối đáp mang đậm tín ngưỡng phồn thực như: "Gặp đây em mới hỏi chàng / Cái gì lủng lẳng một gang trong quần? - Nàng hỏi thì ta thưa rằng / Cái đeo lủng lẳng là giằng cối xay".
Ông lão râu tóc trắng như cước hai bên hai quang gánh, ngất nghểu vừa đi vừa hát: "Ai ơi chớ bảo tôi già/ Tôi còn gánh nổi cả ba cái lờ"
Ông Nguyễn Văn Tích - vai người đánh đàn chia sẻ: "Tôi tham gia diễn Trò Trám từ năm 1993, trải qua các vai diễn như trai giả gái, người câu cá và giờ là người đánh đàn - chịu trách nhiệm hát tất cả các câu từ ông cung bông, ông thợ mộc, ông đi câu, ông cầm biểu. Những câu từ trong Trò Trám rất hóm hỉnh và vui tươi, phản ánh đời sống tinh thần phong phú của cha ông ta".
Tiếng trống vang lên, đoàn diễn viên Trò Trám đi một vòng chào khán giả. Bên cạnh đó là những lời hát bắt đầu của chương trình "Phing phing phing phing, phình phình phình phình".
Các tiết mục của Trò Trám tiếp nối với những lời ca tiếng hát mang đậm nét văn hóa phồn thực trong sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo người dân.
Thầy đồ dạy các học trò "Chữ trên là trên chữ dưới/Chữ dưới nằm dưới chữ trên/Chữ giữa là giữa xung quanh/Xung quanh là vành chữ giữa".
Ông Bùi Huy Thông (xã Tứ Xã) tâm sự: "Là người con của xã, chúng tôi rất tự hào khi quê mình có một lễ hội đặc trưng, mang đậm văn hóa của người Việt. Trò Trám phản ánh đời sống văn hóa của người dân nơi đây, mặc dù làm ruộng nhưng có đời sống tinh thần phong phú, giúp xua đi những mệt nhọc của công việc".
Gần 0h00, chuẩn bị đến thời khắc làm Lễ Mật, người dân bắt đầu tiến dần vào miếu nhằm nhìn thấy được tận mắt cảnh giao hợp trong Lễ Mật.
Thời khắc đặc biệt đã đến, cụ Nguyễn Thành Ngữ (người dân gọi là cụ Từ) - người trông coi miếu, đồng thời là chủ Lễ Mật lên thượng cung lấy lễ vật xuống làm lễ. Không khí lúc này khá yên tĩnh, ai cũng muốn được tận mắt chứng kiến nghi lễ.
Tuy nhiên, nghi thức Lễ Mật được thực hiện trong màn đêm. Khi điện tắt, cụ mới lấy lễ vật ra và trao cho hai người được chọn, một nam và một nữ cầm hai linh vật và chuẩn bị thực hiện nghi thức.
Trong bóng đêm, tiếng cụ Từ vang lên "Linh tinh tình phộc" - đó là tín hiệu cho một lần giao hợp. Lúc này, ở ngoài đình, người dân và khách thập phương ai cũng vui mừng.
Tiếng "tháo khoán" được cụ Từ hô to khi vừa kết thúc ba lần "Linh tinh tình phộc". Lúc này, các đôi trai gái được "tự do" mọi chuyện.
Anh Thành, một du khách từ Hà Nội lên tham dự lễ hội chia sẻ: "Tôi đã tham gia lễ hội nhiều năm nay. Lần đầu tiên về tham gia lễ hội, đến phần thụ lộc chỉ có duy nhất một mình tôi là khách ở nơi khác đến. Hôm nay, đông vui hơn, khách thập phương về nhiều, kín cả sân đình".
Sau câu nói đó, tôi, anh và những người dân nơi đây cùng khách thập phương ngồi xuống thụ lộc với xôi, thịt và rượu. Tiếng cười nói vang khắp sân đình. Mọi người ai cũng vui vẻ bởi Lễ Mật đã thành công, hứa hẹn một năm mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt.
Theo Công Phương (Danviet.vn)
Cướp lộc ở hội Gióng là ..."cướp có văn hóa"! Việc cướp lộc trong hội Gióng đang bị nhiều người hiểu sai theo ý "cướp giật", nhưng thực chất không phải như vậy, đây giống như tục cướp vợ của người Mông, là "cướp có văn hóa". Ông Phan Đăng Long - Phó trưởng ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Chiều 3/3, trong cuộc họp giao ban báo chí thành ủy, Phó...