‘Chê’ trường, nhiều phụ huynh Trung Quốc tự dạy học cho con ở nhà
Do bức xúc trước nền giáo dục nặng về thi cử và điểm số, ngày càng nhiều bậc phụ huynh ở Trung Quốc không đưa trẻ tới trường mà tự dạy học cho con cái của họ tại nhà.
Một học sinh Trung Quốc phờ phạc trước một đống sách vở – Ảnh: Reuters
Nghỉ làm, ở nhà dạy học cho con trai
Không giống như các bậc phụ huynh khác ở Trung Quốc phải lo toan nhiều thứ chuẩn bị cho con cái bước vào năm học mới, ông Leng Shan, một người dân sống ở thủ đô Bắc Kinh, không phải lo nghĩ gì bởi vì đứa con trai 8 tuổi của ông được giáo dục tại gia, theo Tân Hoa xã.
Bất mãn với hệ thống giáo dục Trung Quốc, ông Leng, tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh danh tiếng, đã thôi việc ở nhà tự dạy con học trong những năm qua.
Ông Leng tự lên kế hoạch giảng dạy các môn học cơ bản như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và toán cho con trai, không thuê giáo viên.
Nếu có thời gian rảnh, ông Leng làm thêm công việc dịch thuật.
“Thật là khó để tìm một trường học tốt ở Bắc Kinh, và giáo dục tại gia (tiếng Anh gọi là home schooling) là một giải pháp tốt nhất, tôi không cần phải lo lắng nhiều về chuyện học hành của con tôi. Tôi sẽ tự dạy học cho con tôi cho đến khi nó vào đại học”, ông Leng cho hay.
Không chỉ có một mình ông Leng cho con trai học tại gia. Ngày càng nhiều phụ huynh Trung Quốc chọn mô hình home shooling hơn là thuê giáo viên về nhà dạy cho con, tại các khu vực kinh tế phát triển như Quảng Đông, Triết Giang và Bắc Kinh vì không an tâm với hệ thống giáo dục địa phương.
Video đang HOT
Mất niềm tin về nền giáo dục
Tân Hoa xã dẫn một báo cáo gần đây của Học viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21 của Trung Quốc, ước tính có khoảng 18.000 phụ huynh cân nhắc hoặc đang áp dụng mô hình home shooling tại Trung Quốc.
Hơn phân nửa số phụ huynh này cho biết họ chọn home schooling vì không còn tin tưởng vào hệ thống giáo dục của Trung Quốc.
Ông Yuan Peikun, ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Quảng Đông, không cho con đến trường học và chọn mô hình home schooling.
Các học sinh tham dự buổi lễ kỷ niệm tại một trường tiểu học ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc – Ảnh: Reuters
“Vợ chồng tôi nghĩ rằng hệ thống giáo dục Trung Quốc không tốt cho đứa con trai của chúng tôi, và nhiều thứ được dạy trong trường học là vô nghĩa”, ông Yuan, tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, nói.
Chính vì vậy mà vợ chồng ông Yuan tự sắp xếp lịch dạy học cho đứa con trai của mình chứ không thuê giáo viên về dạy.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh Trung Quốc bày tỏ lo ngại rằng mô hình home shooling ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm lý của trẻ em do thiếu giao tiếp với các bạn đồng trang lứa.
Nhưng ông Yuan cho hay: “Tôi thường xuyên đưa con tôi tham dự các hoạt động cộng đồng nhằm tăng cường kỹ năng giao tiếp cho cháu”.
Theo nhận định của ông Xiong Bingqi, Chủ tịch Học viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21, xu hướng nhiều phụ huynh tự dạy con học tại nhà có thể giúp các trường học công và cả nền giáo dục ở Trung Quốc phải sớm cải tổ để đáp ứng với nhu cầu phát triển xã hội.
Ông Xiong cho biết thêm cần phải có luật quy định về việc giáo dục con trẻ tại nhà và bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực giảng dạy của các bậc phụ huynh.
Theo TNO
Liberia: Cả nước không ai đỗ đại học
Trong kỳ thi đại học vừa qua, toàn bộ gần 25.000 thí sinh ở Liberia đều "trượt vỏ chuối" khiến dư luận choáng váng.
Bộ Giáo dục Liberia, một quốc gia ở Tây Phi, vừa tiết lộ một sự thực choáng váng rằng không có một thí sinh nào vượt qua kỳ thi vào đại học năm 2013 ở nước này.
Theo đó có gần 25.000 thí sinh tham gia kỳ thi tuyển vào Đại học Liberia, một trong hai trường đại học công ở nước này, thế nhưng không một thí sinh nào đậu đại học.
Cổng trường đại học Liberia
Liberia là quốc gia vừa mới phục hồi từ cuộc nội chiến "huynh đệ tương tàn" thảm khốc cách đây một thập kỷ, và hậu quả chiến tranh thể hiện trong việc học sinh nước này không mặn mà gì với việc học và không có kiến thức cơ bản về tiếng Anh.
Gần đây, Tổng thống Liberia Ellen Jonhson Sirleaf, người đã từng đoạt giải Nobel, thừa nhận rằng hệ thống giáo dục của nước này vẫn đang trong tình trạng "lộn xộn" và quốc gia này cần phải nỗ lực rất nhiều để cải thiện hệ thống đó.
Nhiều trường học ở Liberia thiếu các cơ sở vật chất giáo dục cần thiết, còn giáo viên thì không đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tất cả các thí sinh tham gia một kỳ thi đại học đều "trượt vỏ chuối", mặc dù mức phí tham dự kỳ thi này không hề nhỏ (25 USD).
Điều này có nghĩa là trong năm học mới được khai giảng vào tháng sau, trường Đại học Liberia sẽ không tiếp nhận bất cứ sinh viên mới nào.
Đại học Liberia sẽ không có bất cứ sinh viên mới nào trong năm học tới
Các thí sinh tham dự kỳ thi này đã không thể tin vào mắt mình khi xem kết quả và họ than thở rằng "giấc mơ đã tan vỡ" khi không được vào đại học.
Bộ trưởng Giáo dục Etmonia David-Tarpeh cho biết bà sẽ gặp gỡ các quan chức Đại học Liberia để bàn thảo về tỉ lệ trượt đại học "choáng váng" này. Bà nói: "Tôi biết các trường học còn rất nhiều thiếu sót, nhưng đông thí sinh dự thi như vậy mà không có lấy một người đỗ thì quả là khó tin. Điều đó giống như hành động giết người hàng loạt vậy."
Người phát ngôn Đại học Liberia Momodu Getaweh cho biết trường này vẫn giữ nguyên quyết định của mình, và họ sẽ không bị dao động vì "cảm tính".
Ông này tuyên bố: "Các thí sinh chẳng biết tí gì về những điều cơ bản nhất của tiếng Anh. Thế nên chính phủ phải làm điều gì đó để cải thiện tình hình. Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng 10 năm rồi, và chúng ta phải biết gạt nó vào quá khứ để có cái nhìn thực tiễn hơn."
Theo khampha
Ấn Độ: 15 triệu học sinh có nguy cơ mất trường Các trường học tư không đạt chuẩn mà vẫn mở cửa sau hạn chót 31/3 sẽ phải chịu phạt 100.000 rupee, cộng thêm khoản phạt 10.000 rupee mỗi ngày nếu tiếp tục hoạt động. Như vậy có khoảng 300.000 trường học với 15 triệu học sinh có thể bị ảnh hưởng bởi quyết định này và gây nên một cú sốc cho nền...