“Chế” thẻ tín dụng giả để mua hàng
Tinh tường về công nghệ thông tin, Đinh Văn Long dùng “ngón nghề” đặc biệt của mình để chiếm đoạt tiền của một tổ chức tín dụng.
Chiều 31-8-2012, khi Phạm Quỳnh Anh (SN 1982, trú ở phố Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội) quay trở lại một cửa hàng điện tử ở phố Hai Bà Trưng để nhận chiếc điện thoại Iphone 4S vừa mua cũng là lúc CATP Hà Nội tiếp cận đưa đối tượng về trụ sở làm việc.
Ngay trước đó, trong lúc Phạm Quỳnh Anh rời khỏi cửa hàng điện tử mang chiếc thẻ tín dụng về giao lại cho đồng bọn thì cửa hàng điện tử này bất ngờ nhận được thông báo từ phía ngân hàng chiếc thẻ thanh toán do nữ khách hàng vừa giao dịch là thẻ rởm. Cũng trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, ngân hàng bị làm giả thẻ tín dụng cũng đã kịp thời trình báo cơ quan công an.
Đinh Văn Long (thứ hai, từ trái sang) cùng đồng phạm tại tòa
Bị “mời” về trụ sở công an, Phạm Quỳnh Anh thú nhận tấm thẻ tín dụng mà chị ta dùng để mua chiếc Iphone 4S nêu trên là thẻ giả và nó thuộc sở hữu của Đinh Văn Long (SN 1975), trú ở số 12, phố Đỗ Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Từ lời khai của nữ đối tượng từng có 2 tiền án, 1 tiền sự, ngay hôm sau, cơ quan công an lập tức tiến hành lệnh bắt và khám xét khẩn cấp nơi ở của Đinh Văn Long.
Kết quả, lực lượng công an đã thu giữ hàng loạt thiết bị, máy móc dùng để sản xuất thẻ tín dụng giả cùng nhiều giấy tờ tùy thân của không ít cá nhân ở nhiều địa chỉ khác nhau. Phạm Quỳnh Anh khai nhận, ngoài lần sử dụng thẻ thanh toán giả bị bắt quả tang, chị ta từng cùng với Long đi mua máy tính xách tay và ĐTDĐ ở một cửa hàng điện tử, nhưng không nhớ địa chỉ cụ thể.
Video đang HOT
Về phần Đinh Văn Long, anh ta khai nhận do có chút kiến thức về công nghệ thông tin, trong khi không có việc làm nên đã nảy sinh ý đồ chiếm đoạt tiền của ngân hàng bằng thủ đoạn sử dụng thẻ tín dụng giả. Thực hiện tội phạm, Long “đầu tư” thiết bị đọc thẻ, máy dập nổi tên người và mã số thẻ, thiết bị ghi thông tin trên thẻ, máy in thẻ, thẻ tín dụng trắng, máy scan và máy in…
Bước tiếp theo, anh ta lên mạng Internet tìm mua các thông tin cá nhân của một số người mở tài khoản tại ngân hàng đã bị kẻ gian đánh cắp. Hòng tránh sự phát hiện, Long mượn tài khoản của người quen làm phương tiện mua các thông tin bất hợp pháp trên mạng Internet, đồng thời nhờ vợ con chuyển tiền vào tài khoản mua bán dữ liệu trên mạng.
Sau khi có được những điều kiện cần thiết, anh ta lần lượt “sản xuất” ra hàng loạt thẻ tín dụng giả mà người đứng tên sở hữu trên thẻ là bất kỳ người nào Long muốn. Thực tế là trên các tấm thẻ giả đã “ra lò”, Long sử dụng “căn cước” của nhiều người khác nhau, nhưng ảnh gắn trên đó lại là Lê Trường Xuân (SN 1987), trú ở phố An Dương, Tây Hồ, Hà Nội và Phạm Quỳnh Anh.
Có được công cụ trong tay, Long đưa Quỳnh Anh và Lê Trường Xuân đến các cửa hàng trên địa bàn Thủ đô mua hàng hóa, rồi mang về bán lấy tiền chia nhau. Trong số hàng chục thẻ tín dụng giả do Long “sản xuất”, Xuân đã 10 lần đem đi mua hàng hóa và trả tiền đi taxi. Đối tượng này còn đưa thẻ cho cả Phạm Ngọc Trường Giang (SN 1990, trú ở khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa) sử dụng.
Tài liệu điều tra đã chỉ rõ từ tháng 7 đến tháng 8-2012, nhóm tội phạm chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao do Đinh Văn Long cầm đầu đã “nuốt trôi” 161 triệu đồng của một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, trong đống tang tài vật mà CQĐT thu giữ tại nhà Long còn có các thẻ tín dụng giả mang tên nhiều ngân hàng khác, song chưa được các đối tượng sử dụng.
Với hành vi trên, sáng qua (11-7), VKSND TP Hà Nội đã truy tố Đinh Văn Long cùng ba đồng phạm theo tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để chiếm đoạt tài sản”, theo quy định tại khoản 2, Điều 226b – BLHS. Trước tòa, cả 4 bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố.
Quá trình thẩm vấn và tranh luận, HĐXX đã làm rõ Đinh Văn Long là đối tượng khởi xướng, tổ chức, cầm đầu và thực hành một phần tội phạm; Lê Trường Xuân và Phạm Quỳnh Anh là những đối tượng giúp sức tích cực ở giai đoạn “rút ruột” ngân hàng. Còn Phạm Ngọc Trường Giang tham gia với vai trò giúp sức, nhưng ở mức độ thứ yếu hơn so với đồng bọn.
TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Đinh Văn Long 4 năm tù; Lê Trường Xuân, Phạm Quỳnh Anh đều phải nhận 36 tháng tù giam cùng về tội danh bị đưa ra truy tố. Riêng Phạm Ngọc Trường Giang có nhân thân tốt, phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng và đang là sinh viên một trường đại học ở Thủ đô nên được hưởng sự khoan hồng của pháp luật với hình phạt 30 tháng tù, hưởng án treo.
Theo Dantri
Khi trí thức trẻ, sinh viên trở thành tội phạm công nghệ cao
Với trình độ và hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin, thay vì sử dụng nó để làm nhiều việc ích nước lợi nhà nhưng vì hám lợi trước mắt, nhiều trí thức trẻ và sinh viên đã sa lầy vào con đường phạm pháp. Hàng loạt đối tượng tội phạm công nghệ cao bị bắt giữ và tòa án đưa ra xét xử gần đây là bài học cảnh tỉnh cho giới trí thức vì hầu hết là sinh viên và tri thức trẻ.
Từng là một du học sinh theo học ngành công nghệ thông tin ở Canada, không ai ngờ Nguyễn Trung Hiếu (36 tuổi, ngụ Long An, tạm trú tại TP Hồ Chí Minh) lại đem tài năng và sự hiểu biết của mình về lĩnh vực này để về Việt Nam kiếm tiền bất chính.
Nội dung vụ án thể hiện, trong thời gian du học Canada, Nguyễn Trung Hiếu quen biết với Dewey (người Mỹ gốc Trung Quốc). Sau khi Hiếu học xong và trở về Việt Nam làm việc, năm 2008, Dewey đến Việt Nam gặp Hiếu và đề nghị Hiếu cùng "hợp tác" làm ăn bằng cách lắp đặt hệ thống viễn thông trái phép ở trong nước. Theo thỏa thuận, Hiếu có nhiệm vụ giúp Dewey quản lý trên mạng 3 hệ thống viễn thông lắp trái phép ở Việt Nam và nhận tiền chênh lệch (2%) cước viễn thông từ nước ngoài về để giao cho các đối tượng đang quản lý tại các điểm lắp đặt.
Theo đó, Hiếu sẽ được hưởng 2% trên tổng số tiền Dewey sẽ gửi về. Thấy thu nhập từ việc kiếm tiền bất chính quá dễ, vì vậy, cuối năm 2010, Hiếu nhận lời Dewey tìm điểm lắp đặt hệ thống viễn thông trái phép chuyển cuộc gọi điện thoại quốc tế thành cuộc gọi nội địa để hưởng lợi. Lần này, Dewey có nhiệm vụ cung cấp các thiết bị, kỹ thuật lắp đặt, hướng dẫn Hiếu cách vận hành hệ thống viễn thông và chuyển tiền cho Hiếu với thỏa thuận 1cent/phút. Từ đầu năm 2011, Hiếu đã lắp đặt hệ thống viễn thông trái phép tại 4 địa điểm ở Gò Vấp, quận 6, Bình Tân và Bình Dương. Để hệ thống viễn thông hoạt động, Hiếu thành lập hai công ty và "mượn" pháp nhân của một công ty khác để che mắt cơ quan chức năng.
Băng nhóm tội phạm công nghệ cao Nguyễn Trung Hiếu ngày ra tòa.
Với hành vi phạm tội như trên, Hiếu đã phải trả giá bằng bản án 15 năm tù về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Ngoài hình phạt tù, Tòa còn tuyên buộc Hiếu phải nộp hơn 5,5 tỷ đồng (cao hơn số tiền bất chính Hiếu kiếm được rất nhiều) gây thất thoát cho nhà nước.
Tương tự như Hiếu, từ một sinh viên có triển vọng, Nguyễn Quốc Đạt (26 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) đã đánh mất tất cả tương lai và sự nghiệp phía trước chỉ vì mê mải lao vào con đường kiếm tiền bất chính. Đạt nguyên là sinh viên hệ cao đẳng công nghệ thông tin Trường Đại học Khoa học tự nhiên, TP Hồ Chí Minh.
Trong thời gian theo học trường này, giữa năm 2009, Đạt tham gia vào diễn đàn vncnol (diễn đàn của giới hacker) chuyên dạy bẻ khóa, trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, ship hàng (đặt mua hàng) từ nước ngoài bằng thông tin thẻ tín dụng bị nhà trường phát hiện và đuổi học.
Sau khi học qua lớp "nghiệp vụ" trên, Đạt lên mạng mở một topic (chủ đề) để thuê các shipper (đối tượng biết cách sử dụng thông tin trái phép từ thẻ tín dụng để mua hàng tại các trang web bán hàng trực tuyến trên mạng, thực chất là trộm cắp tiền của người khác trong thẻ tín dụng để mua hàng), sau đó chuyển về Việt Nam để chiếm đoạt. Để không phải lộ diện, thông qua nick chat, email, điện thoại di động, Đạt thuê thêm nhiều đối tượng ở Việt Nam giỏi công nghệ trong đó có một nữ sinh viên để làm việc cho mình.
Theo đó, những người này có nhiệm vụ sử dụng trái phép thông tin từ thẻ tín dụng của người nước ngoài lên mạng mua hàng điện tử cho Đạt để hưởng phần trăm (từ 25 - 30% giá trị hàng hóa mua được). Đáng nể là, dù làm việc cho Đạt một thời gian khá dài nhưng đến khi bị bắt, những đối tượng làm việc cho Đạt không biết Đạt là ai, ở đâu. Theo lời những người này họ chỉ biết hay trao đổi với người có email và nick chat, sử dụng số điện thoại 0915... và số tài khoản 0104...
Theo điều tra, để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, băng nhóm của Đạt hoạt động rất tinh vi. Theo đó, do trang web nước ngoài không chấp nhận việc thanh toán qua thẻ tín dụng từ các địa chỉ IP tại Việt Nam nên đồng bọn của Đạt đã đổi địa chỉ IP của máy tính kết nối có địa chỉ địa lý tại Mỹ bằng một phần mềm. Như vậy khi truy cập vào trang web nước ngoài để mua hàng, địa chỉ của máy tính truy cập được thay đổi bằng địa chỉ IP mới nên trang web bán hàng không phát hiện được địa chỉ truy cập thật sự. Sau khi mua được hàng ở nước ngoài, Đạt thuê một số đối tượng ở nước ngoài đi nhận hàng và chuyển về Việt Nam cho mình.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 11/2010 đến tháng 1/2011, Đạt và đồng bọn ở Việt Nam và nước ngoài đã sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài mua các mặt hàng điện tử có giá trị cao chuyển về Việt Nam tiêu thụ, gây thiệt hại cho các chủ thẻ tín dụng gần 1,9 tỷ đồng. Với hành vi phạm tội như trên, mới đây, TAND TP Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Quốc Đạt 10 năm tù. Liên quan trong vụ án này 3 đồng phạm khác của Đạt cũng lãnh án từ 5 đến 7 năm tù
Theo vietbao
Nghi án 'công an đánh chủ doanh nghiệp' có nhiều tình tiết mờ Sau 5 ngày "xin ở lại" trụ sở công an huyện An Dương - Hải Phòng để giải trình về chiếc máy tính liên quan đến tang vật vụ cướp giật, anh Khánh phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng chấn thương sọ não, mê man bất tỉnh. Dưới góc độ pháp lý, luật sư khẳng định rằng, vụ việc này có...