Chê than trong nước, Formosa đòi tự nhập than cho nhiệt điện
Vì lý do than trong nước có chất bốc thấp, không phù hợp với thiết bị công nghệ nhà máy phát điện của Formosa tại Đồng Nai, do đó mới đây Công ty Hưng nghiệp Formosa đã đề nghị Tổng cục Hải quan cho tự đứng ra nhập than.
Formosa lý giải, theo hiểu biết về các quy định của luật pháp Việt Nam, họ là doanh nghiệp (DN) có kinh nghiệm và có nguồn cung tốt, do đó được quyền tự nhập than không qua doanh nghiệp nào cả.
Cụ thể, trong văn bản gửi đế Tổng cục Hải quan ngày 5/10/2016, Formosa lý giải, từ khi công ty này đặt chân đến Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 năm 2011 (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đầu tư đã xin phép Chính phủ được nhập than để sử dụng cho nhà máy nhiệt điện.
Sau bão dư luận về thảm họa môi trường biển gây ra ở 4 tỉnh miền Trung, Công ty Formosa yêu cầu được phép tự nhập than để phục vụ nhà máy điện của DN này.
Sau đó, các bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan đã báo cáo Thủ tướng về vấn đề trên của Formosa.
Video đang HOT
Trước đó, để đáp ứng đề nghị của Formosa, ngày 2/9/2016, Chi cục Hải quan Nhơn Trach (Đồng Nai) đã hướng dẫn cho Formosa thực hiện các thủ tục nhập than, trong đó có ký hợp đồng nguyên tắc với Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Than Đông Bắc. Đây là hai DN đầu mối chính vẫn nhập than về trong nước.
Theo Formosa, việc nhập than về sử dụng cho nhà máy nhiệt điện của công ty này là hợp lý, được sự đồng thuận và phù hợp theo các văn bản của bộ ngành Việt Nam hiện nay.
Hơn nữa, theo sự hiểu biết về pháp luật và quy định, thì các DN chưa nhập khẩu than đá thì mới tìm ký hợp đồng với hai doanh nghiệp nói trên để tìm nguồn cung ổn định, chất lượng và giá cả phù hợp.
Còn với Formosa đã có nhiều năm kinh nghiệm nhập khẩu, nguồn cung ổn định, chất lượng tốt và giá cả phù hợp rồi, Formosa không cần thiết phải ký kết với hai DN nói trên.
Trên thực tế, việc nhập than về tiêu thụ trong nước hiện đa số thực hiện qua các đầu mối như TKV và một số công ty được Nhà nước chỉ định. Nhiều chuyên gia cho hay, việc nhập than qua các DN này chủ yếu kiểm soát về chất lượng nguồn than, vấn đề môi trường, hạn chế việc nhập khẩu than không đúng chủng loại, tiêu chuẩn và chất lượng.
Trước đó, theo con số báo cáo của Tổng cục Hải quan, số lượng nhập than của Việt Nam trong 9 tháng qua đã đạt 10 triệu tấn, vượt xa rất nhiều con số dự đoán của Bộ Công Thương là trên 3 triệu tấn/năm. Các thị trường cung cấp than chủ yếu cho Việt Nam là Nga, Trung Quốc và Indonesia, trong đó nhập than từ Trung Quốc đang có giá cao nhất, trên 71 USD/tấn, cao hơn con số trung bình của thế giới từ 50 USD, vượt xa giá than của Nga và Indonesia.
Nguyễn Tuyền
Theo Dantri
Vì Formosa, doanh thu du lịch Hà Tĩnh giảm trên 10%
Hà Tĩnh được xếp vào tỉnh có tốc độ giảm mạnh nhất cả nước về doanh thu dịch vụ lưu trú, du lịch lữu hành với trên 10% trong 9 tháng qua. Ảnh hưởng nặng nề nhất là từ tháng 4 đến nay hoạt động du lịch, trong đó có du lịch biển dường như đình trệ.
Theo Tổng cục Thống kê, đây mới chỉ là con số bước đầu đánh giá về những tác động của sự cố môi trường do Forrmosa gây ra đối với kinh tế xã hội của 4 tỉnh miền Trung.
Cụ thể, trong 9 tháng qua, doanh thu ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống cả nước ước đạt 300.000 tỷ đồng, các tỉnh có mức tăng cao là Hà Nội (9%), TP HCM là 6%, Bắc Giang là 7,2%... Một số địa phương có doanh thu lưu trú giảm rất mạnh, trong đó có Hà Tĩnh giảm 13,5%, Phú Thọ giảm 9% và Lai Châu, Nghệ An giảm từ 4 - 5,5%. Ngoài lĩnh vực lưu trú, hoạt động kinh doanh du lịch của Hà Tĩnh ghi nhận giảm trên 11,7%, trong khi cả nước có mức tăng 7,5%.
Tác động của sự cố xả thải của Formosa với kinh tế xã hội của 4 tỉnh miền trung là rất lớn
Trước đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã khẳng định: Sự cố cá chết do Formosa gây ra đối các các tỉnh miền Trung thời gian qua không chỉ gây thiệt hại cho ngành thủy sản nói riêng, nông nghiệp nói chung mà còn làm giảm tăng trưởng GDP. Mức độ ảnh hưởng của sự cố này còn kéo dài nhiều năm sau, tác động nhiều ngành khác như du lịch...
Vì sự cố cá chết ở 4 tỉnh ven biển, nước biển không an toàn và nguy cơ ngộ độc thực phẩm nên hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, các tour du lịch đến với 4 tỉnh trên đang bị đình trệ. Theo một số DN lữ hành tại Hà Nội và TP HCM, các hoạt động du lịch đến với các tỉnh trên giảm trên 60% số lượt, giảm mạnh nhất là du lịch biển và tham quan các danh lam thắng cảnh.
Về những khó khăn sau sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra, những người dân, doanh nghiệp đi vay tiền ngân hàng để xây dựng nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng đang rất cần được sự hỗ trợ của các ngân hàng để khoanh nợ, giãn nợ bởi số lượng khách sụt giảm, đồng nghĩa doanh thu âm và số nợ xấu do đó gia tăng.
Ngoài công bố về sự sụt giảm doanh thu ngành du lịch, Tổng cục Thống kê cho biết, sự cố môi trường biển do Formosa gây ra ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng; ngư dân phải tạm dừng đánh bắt ở vùng ven bờ và ngoài khơi nên sản lượng thủy sản khai thác của các địa phương giảm mạnh.
Đánh giá bước đầu của Tổng cục Thống kê, sản lượng khai thác thủy sản của 4 tỉnh trong 9 tháng qua ước giảm hơn 21,6 nghin tấn, trong đó Hà Tĩnh giảm 3,66 nghìn tấn (giảm 14,4%); Quảng Bình giảm 6,0 nghìn tấn (giảm 13,4%); Quảng Trị giảm 4,8 nghìn tấn (giảm 27,1%); Thừa Thiên - Huế giảm 7,2 nghìn tấn (giảm 23,9%).
Nguyễn Tuyền
Theo Dantri
Quảng Bình tồn đọng 3.500 tấn hải sản đông lạnh Đây là số hải sản được các cơ sở thu mua trước và trong thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển. Hiện nay, tỉnh Quảng Bình tồn đọng 3.500 tấn hải sản đông lạnh đang được bảo quản tại các kho lạnh trên địa bàn. Đây là số hải sản được các cơ sở thu mua trước và trong thời điểm...