Chè quê mẹ nấu
Lúc còn khỏe, ngày rằm, đầu tháng âm lịch nào mẹ cũng mua trái cây và nấu chè dâng cúng. Dĩ nhiên lũ nhỏ chúng tôi rất thích được ăn chè, những ngày trời nóng nực thì cái sự thèm chè còn nhân lên bội phần.
Mẹ thường nấu món chè đậu đen nấu nếp bỏ đường đen. Nếp nấu chín nở ra, hòa cùng đậu đen và đường mía cũng màu đen khiến chén chè đặc sệt, đen thui. Món chè ấy ăn mau ngán nhưng để được lâu. Mẹ nói vậy mới bớt hao, ăn không hết để dành bữa sau ăn tiếp! Quả vậy, những chén chè đậu đen (nếu mát trời và nấu đủ độ ngọt) có thể để năm bảy bữa không hư. Ăn bữa đầu ngán nhưng dành tới bữa thứ ba, thứ tư lại ngon vô cùng!
Lâu lâu mẹ đổi món, nấu chè đậu ván hoặc chè trôi nước. Đậu ván nấu chè phải bỏ đường trắng mới ngon. Đường trắng đắt tiền nên lâu lâu mẹ mới dám “chơi sang”. Món chè trôi nước dân dã hơn: bột nếp hay sắn (khoai mì) nắn viên, nổi trôi bềnh bồng trong chén nước đường chín tới vàng trong (có lẽ vậy mà mang cái tên “trôi nước”). Chè trôi nước ăn ngon, ít ngán hơn chè đậu đen – nhất là khi được nấu bằng bột nếp. Bột sắn thì phải ăn khi nóng; để nguội sẽ cứng, dai không còn ngon. Mẹ tôi đặc biệt mê món chè trôi nước nấu nếp. Mẹ thường bảo: mai mốt mẹ về với ông bà, tới ngày giỗ các con cứ nấu cúng cho mẹ nồi chè trôi nước, khỏi phải thịt thà bánh trái lôi thôi…
Ngoài hai món chè nói trên, thỉnh thoảng mẹ cũng cho xen vài “biến tấu” chè phụ thuộc theo những sản vật quê từ vườn hoặc quà biếu: mít, chuối, khoai môn… Những món ấy mang nấu chè ăn cho lạ miệng nhưng rồi cũng mau ngán hơn cả chè đậu đen. Khổ thân những chén chè quê, nấu với gì cũng cứ phải có nếp cho vô làm “nền tảng”(!?). Thật tình; tôi thích chè nhưng lại ngán cái vụ có nếp. Theo nài nỉ mẹ nấu chè bột có điều ít khi mẹ chiều. Có thể là bột đắt tiền, món chè bột lại ăn hao. Cũng có thể do chè bột nấu không thể để lâu…
Nhưng tôi có thể chắc chắn một điều: trong quan điểm của mẹ, chè nấu với nguyên liệu linh tinh (không có nếp) chỉ là các món chè dùng ăn chơi; còn món chè “chính quy” nấu dành cho cúng kiếng phải luôn luôn có nếp! Phải chăng nếp nghĩ này có cội nguồn thẳm sâu từ nền văn minh lúa nước: lúa gạo luôn xếp hàng “đầu bảng”, luôn là đại diện chính danh trong vô vàn những nông sản chung tay nuôi sống con người?
Sau này khi đời sống đi lên, lâu lâu được dịp ra quán nếm các món chè “hiện đại” tôi mới nhận ra: nó ngon hơn hẳn chè “truyền thống”. Mua về cho mẹ nếm; mẹ lắc đầu chê lạt, chê lạnh (vì trộn đá); thử vài ba muỗng xong đem cho lũ cháu, không ăn! Giờ thì món chè quê mẹ nấu cúng, lũ nhỏ cũng không ăn nên mẹ nấu rất ít. Cúng xong, thằng con trai cũng vô bưng chén ngồi ăn cho vui với mẹ. Ráng hết chén chè mà muốn “lắc lư”: những muỗng chè dẻo quẹo, ngọt lừ cứ tắc ngang trong cổ! Riêng mẹ vẫn móm mém ngồi nhai, muỗng này liền muỗng khác. Vừa nhai vừa tấm tắc: ngon mà…
Theo Người lao động
Mâm cơm quê giản dị đến nao lòng mà chắc hẳn ai nhìn thấy cũng nhớ cũng thương!
Mâm cơm này chỉ toàn là những món ăn vô cùng quen thuộc với mỗi gia đình nhưng mỗi khi thưởng thức vẫn mang lại cảm giác thân thương đến lạ!
Mâm cơm hôm nay gồm có:
- Canh mồng tơi nấu ngao
Video đang HOT
- Cá thu chiên xốt dưa cà
- Mực xào dứa
- Cà pháo muối chua
- Mít tráng miệng
1. Canh mồng tơi nấu ngao
Rau mồng tơi nhặt sạch rồi rửa nhiều lần với nước, để ráo. Ngao mua về ngâm nước tầm 2 giờ đồng hồ cho bở hết đất cát bẩn, sau đó cho ngao vào nồi nước luộc sôi. Khi thấy ngao mở miệng thì tắt bếp rồi gạn lấy nước trong dùng để nấu canh, bỏ riêng thịt ngao ra bát.
Đổ nước luộc ngao vào nồi, cho cả phần ruột ngao rồi đặt lên bếp đun sôi lại, nếu cần có thể thêm nước lọc theo nhu cầu. Khi nước sôi, bạn cho rau mồng tơi vào đảo đều, để nước sôi lại tầm 3 phút thì đảo lại rau, thêm gia vị rồi tắt bếp.
2. Cá thu chiên xốt dưa cà
Cá làm sạch với nước và rượu cho khỏi tanh. Ướp cá với ít riềng, sả, gia vị tầm 10 phút cho ngấm. Cho vào chảo ít dầu ăn rồi đặt lên bếp cho nóng, thả cá vào chiên vàng đều hai mặt rồi gắp ra đĩa.
Vẫn dùng chiếc chảo đó, cho cà chua bổ miếng cau, hành thái lát vào phi thơm, đảo đều cho cà chua nhừ, tiếp theo cho dưa chua vào đảo đều, sau đó cho vào chảo 1 bát ăn cơm nước lọc, đợi nước sôi lên thì cho cá vào chảo. Thêm vào nước xốt cà và gia vị cho vừa ăn rồi để xốt cà chua sôi cho cá ngấm. Khi thấy nước xốt gần cạn thì nêm lại gia vị rồi tắt bếp.
3. Mực xào dứa
Mực sim làm sạch, để nguyên con hoặc bổ đôi. Dứa gọt vỏ, cắt bỏ mắt, thái thành các lát có độ dày bằng nhau (chọn quả dứa không chín quá vì sẽ bị nhũn).
Phi thơm hành với dầu ăn, cho mực vào đảo đều cho chín, tiếp đến cho dứa vào xào thêm 3 đến 5 phút thì nêm nếm lại gia vị cho vừa, rắc hành hoa, hạt tiêu cho thơm rồi tắt bếp.
4. Cà pháo muối chua ăn cùng canh mồng tơi: Mình mua 5.000đ cà pháo ở chợ cho nhanh.
5. Mít tráng miệng
Giá thành của mâm cơm trên cụ thể như sau:
- Ngao: 15 nghìn đồng
- Rau mồng tơi: 5 nghìn đồng
- Cá thu vẩy: 30 nghìn đồng
- Mực sim: 20 nghìn đồng
- Dứa: 7 nghìn đồng
- Dưa chua, hành hoa, gia vị: 10 nghìn đồng
- Cà pháo: 5 nghìn đồng
- Mít: 15 nghìn đồng
Tổng: 107 nghìn đồng.
Theo afamily
Có món xôi mít ngon xuất sắc, khách đến nhà tôi ăn thử ai cũng xin công thức về tự làm! Mít đang vào cuối vụ, vừa thơm vừa ngọt, tranh thủ làm ngay xôi mít lá cẩm vừa ngon vừa đẹp nào! Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau cho món xôi mít: - Gạo nếp cái hoa vàng: 500g - Lá cẩm tím: 1 bó - Mít chín cây: 2kg - Dầu dừa: 2 thìa Cách thực hiện: - Lá cẩm...