Chê khu cách ly Việt Nam ‘bẩn thỉu’, du khách Anh bị đồng hương phê phán dữ dội
Mới đây, 2 du khách người Anh gây chú ý khi chê bai khu cách ly Việt Nam ‘bẩn thỉu’, điều kiện vật chất nghèo nàn trên Sky News. Không chỉ khiến dân mạng Việt tranh cãi, câu chuyện này cũng được người Anh bàn tán sôi nổi.
Du khách Anh nhận ‘gạch đá’ vì du lịch đến Việt Nam thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Việc phàn nàn về cơ sở vật chất của họ khiến dân mạng tại quê nhà cũng phẫn nộ Ảnh: Chụp màn hình Sky News, Twitter
Ngày 10.3, trang Sky News gây chú ý khi đăng tải bản tin với nhan đề: “Coronavirus: British couple say they’ve been abandoned in ‘filthy’ Vietnamese hospital” (tạm dịch: Dịch Covid-19: Cặp đôi người Anh nói rằng họ bị bỏ rơi trong một bệnh viện “bẩn thỉu” ở Việt Nam). Cụ thể, hai du khách được nhắc đến có tên là Glenys và Eric Holmes, họ rời sân bay Heathrow của London đến thủ đô Hà Nội ngày 1.3. Đáng chú ý, cặp đôi này đi chung chuyến bay với những hành khách dương tính với dịch Covid-19 được báo chí đưa tin.
Sau khi được đưa đi cách ly, hai vợ chồng người Anh kể trên đã bày tỏ nỗi thất vọng trước điều kiện ở bệnh viện. Chia sẻ với Sky News, hai du khách này mô tả căn phòng mà họ ở “hoàn toàn kinh tởm”. “Có những con gián trên sàn nhà, giường ngủ thì bẩn và ố màu, phòng vệ sinh và sàn đều dơ dáy. Đó thật sự là một sự thiếu tôn trọng. Chúng tôi đã từ chối ở đó”, ông Holmes nói thêm và khẳng định đây là một điều “không thể chấp nhận được”. Thêm vào đó, hai vợ chồng này phản ánh phòng không có nước nóng và họ không được trang bị khẩu trang sạch. Ông bà Holmes phàn nàn chuyện bị cơ quan chức năng hỏi đi hỏi lại các thông tin của họ nhưng hai bên bất đồng ngôn ngữ. Glenys và Eric Holmes cũng trách móc rằng chính phủ Anh đã “bỏ rơi” họ khi không cử phiên dịch viên đến hỗ trợ hai vợ chồng.
Hai khách Anh không hài lòng với điều kiện cách ly ở bệnh viện Việt Nam Ảnh: Chụp màn hình Sky News
Không chỉ thu hút sự quan tâm từ dư luận Việt, câu chuyện của ông bà Holmes cũng nhận được sự chú ý từ công chúng nước Anh – quê hương của cặp du khách này. Trong các bình luận liên quan trên fanpage của trang tin Sky News hay bài viết do Daily Mail đăng tải, nhiều khán giả Anh đã có những quan điểm khác nhau về trường hợp của hai người đồng hương.
Việt Nam còn an toàn hơn ở Anh
Khi nghe những trải nghiệm của ông bà Glenys và Eric Holmes, nhiều dân mạng Anh đã lên tiếng bênh vực Việt Nam và cho rằng đây là đất nước còn an toàn toàn hơn rất nhiều so với Anh. Cư dân mạng Orlando Harrington bày tỏ: “Có nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 ở London hơn cả Việt Nam khi họ rời đi kìa… Bây giờ ở Anh số người nhiễm bệnh nhiều gấp 10 lần ở Việt Nam. Tôi sợ về nhà hơn là ở Việt Nam nữa”. Chủ tài khoản Giuse Jones lên tiếng: “Tôi đang ở Việt Nam và tôi cảm thấy an toàn hơn. Nhìn vào số trường hợp nhiễm bệnh đi. Tôi biết có khả năng mắc Covid-19 ở Anh hơn ở đây đấy. Nên nhớ rằng bạn đang ở một quốc gia mà tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính, hãy dùng Google dịch đi. Họ nên vui mừng khi họ kiểm tra sức khỏe của bạn, đồ ích kỷ”.
Video đang HOT
Nhiều người cho rằng Việt Nam vẫn an toàn hơn Anh hay châu Âu hiện tại Ảnh: Chụp màn hình Twitter
Tài khoản Simon Young để lại bình luận: “Việt Nam đang đối phó với virus này đúng cách. Họ thận trọng, chuyên nghiệp và chăm chỉ, bất chấp việc cùng biên giới với Trung Quốc. Các trường hợp nhiễm bệnh mới cũng đến từ châu Âu. Các nước phương Tây, bao gồm Vương quốc Anh, có thể học từ cách tiếp cận và xử lý dịch bệnh của họ”.
“Tôi đã ở Việt Nam hơn 2 năm nay và họ đang cố gắng hết sức để bảo vệ đất nước cũng như người dân khỏi dịch bệnh này. Cần tôn trọng cho những nỗ lực của họ và ngưng phàn nàn”, tài khoản tên Allen Whits ở Liverpool (Anh) bày tỏ dưới bài viết của Daily Mail và nhận được nhiều sự đồng tình của dân mạng.
Một số dân mạng đánh giá cao cách kiểm soát dịch của Việt Nam Ảnh: Chụp màn hình Daily Mail
Biết có dịch sao vẫn đi?
Một trong những câu hỏi mà nhiều người Anh thắc mắc nhất khi nghe về những trải nghiệm của hai du khách trên là: tại sao họ lại đi du lịch trong bối cảnh Covid-19 đang hành hoành mọi nơi?. Nhiều ý kiến tỏ ra khó chịu với sự lựa chọn của ông bà Holmes: “Biết là đang có dịch, vậy tại sao họ còn du lịch nữa chứ?”, “Đó là vấn đề họ phải đối mặt khi đi du lịch thời điểm này”, “Vậy tại sao họ lại đi, họ phải biết rằng có khả năng nhiễm virus”, “Chấp nhận đi, ở đó không có bể bơi hay bất cứ thứ gì đâu”…
Ông bà Glenys và Eric Holmes bị chỉ trích vì đi du lịch giữa mùa dịch Ảnh: Facebook NV
Ngoài ra, một độc giả tên James ở London (Anh) bày tỏ suy nghĩ: “Tại sao phải mạo hiểm và đi du lịch khắp nơi… trong thời điểm như thế này? Bạn sẽ chỉ gặp rắc rối. Bên cạnh đó, bạn đang bị cách ly vì một loại virus khó chịu, vì vậy đừng mong đợi được điều trị ở khách sạn 5 sao!”. “Họ đã mong đợi gì khi đi du lịch vào thời điểm này với tất cả những gì đang diễn ra? Đó luôn là một rủi ro. Họ tham gia một canh bạc và giờ đã thua”, một tài khoản khác nếu quan điểm.
Ích kỷ và ngu dốt
Cùng với những lời trách móc, không ít bình luận chỉ trích nhắm đến hai vợ chồng nhà Holmes. Một độc giả ở Swindon, Wiltshire (Anh) bình luận: “Bất cứ ai mong đợi các tiêu chuẩn y tế tương tự như Vương quốc Anh thì tốt nhất nên quanh quẩn ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ! Đi bất cứ nơi nào khác và phàn nàn về các tiêu chuẩn ấy chỉ cho thấy sự thiếu hiểu biết của bạn!”. Một người khác tiếp tục: “Việt Nam không phải nước Anh, họ không nên so sánh thế này thế kia. Mọi người đi du lịch ngoài châu Âu và Bắc Mỹ sẽ thật ngây thơ nếu như họ cứ kỳ vọng rằng mức độ chăm sóc y tế cũng giống hệt như đất nước họ”. Tài khoản Alex Mantilla đến từ London (Anh) gay gắt: “Họ đang nhận được những gì họ xứng đáng… Họ nên cảm thấy may mắn khi họ vẫn còn sống”.
Nhiều bình luận chỉ trích hai du khách ích kỷ và thiếu hiểu biết Ảnh: Chụp màn hình Twitter
Nhiều người khác cũng hưởng ứng: “Nghe như một lời than thở đầy ích kỷ đúng không? Có phải điều này nghĩa là họ không được điều trị tại bệnh viện 5 sao như khách sạn của họ ư? Đồ ngốc”, “Hay thật, giờ đây cặp đôi này đánh giá những gì người Việt Nam làm bằng cách lăng mạ họ”, “Họ đã đến Việt Nam và phàn nàn rằng bệnh viện không phải là khách sạn 5 sao. Đó là đòi hỏi đáng kinh ngạc. Tôi thật lòng tự hỏi những người này nghĩ họ là ai”, “Bệnh viện ‘bẩn thỉu’ ở Việt Nam hoặc chết ở Anh, bạn chỉ được chọn một”, “Có phải những người rên rỉ này không biết rằng cả thế giới đang hoang mang vì Covid-19? Tại sao họ đi du lịch? Họ chỉ nên trách bản thân vì quá ích kỷ”…
Ngoài những ý kiến tiêu cực, vẫn có một số bình luận bày tỏ sự cảm thông với những gì mà hai du khách người Anh đang trải nghiệm ở Việt Nam và mong mọi người phát ngôn nhẹ nhàng với họ. “Chính phủ và ngành du lịch vẫn cho phép các chuyến bay vì Việt Nam không còn trường hợp nhiễm virus ở thời điểm họ bay đến đó. Nếu họ hủy chuyến đi, họ sẽ mất tiền. Hãy phát ngôn tử tế hơn”, một bạn đọc ở Manchester (Anh) bình luận. Người này cũng tiếp tục: “Họ không được cơ quan chức năng khuyên rằng sẽ không an toàn khi bay và hãng hàng không cũng chẳng đưa ra yêu cầu hủy chuyến, họ không nghĩ đến trường hợp xấu. Làm ơn hãy bớt gay gắt”.
Theo thanhnien.vn
'Nếu không chặn kịp thời, sẽ có phức tạp như bệnh nhân 34'
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định quyết tâm ngăn chặn Covid-19 xâm nhập, bởi nếu không chặn kịp thời, bệnh sẽ lan rộng khiến y tế khó đáp ứng.
Về chiến lược phòng chống, Việt Nam kiên trì, kiên định những chiến lược đã đề ra, nhưng có những thay đổi để phù hợp hơn với tình hình dịch, ông nói trong một hội nghị y tế sáng 15/3. Điểm mạnh của Việt Nam là xác định được bệnh nhân số 0, từ đó, ngành y tế kiểm soát được vùng có dịch, ngăn chặn lây lan.
"Đặc biệt, quyết tâm ngăn chặn ca xâm nhập. Nếu tiếp tục để những ca bên ngoài vào lây lan trong cộng đồng thì khả năng đáp ứng của chung ta hết sức khó khăn", thứ trưởng nhấn mạnh.
Việc thực hiện cách ly y tế với những hành khách ở các nước có dịch đã được kiểm soát tốt. Người về từ hoặc đi qua khu vực Schegen sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm.
"Hôm qua, có những chuyến bay nếu không ngăn chặn kịp thời, sẽ có các trường hợp phức tạp như bệnh nhân 34", ông Long cho biết.
Thành công nhất của Việt Nam là cách ly, như WHO hôm qua đưa ra đánh giá. Phương pháp cách ly của Việt Nam có nhiều điểm khác các nước. Chẳng hạn một số nước cách ly tại nhà và chri áp dụng với đối tượng tiếp xúc gần (F1), nhưng Việt Nam cho cách ly tại các cơ sở tập trung, đó là điểm rất khác, ông phân tích.
"Nếu những trường hợp F1 này cách ly rồi thì khả năng lây nhiễm ra cộng đồng rất thấp. Thực tế có nhiều ca cách ly tập trung rồi mới phát hiện dương tính", ông Long nói.
Ngành Y tế tới đây sẽ có điều chỉnh trong việc cách ly, mức độ khoanh vùng sẽ nhỏ hơn, vậy mới vừa đảm bảo đời sống cho người dân vừa phòng chống được dịch bệnh. "Có vất vả nhưng chúng ta phải làm", thứ trưởng Long nói.
Về điều trị, Việt Nam vẫn tiếp tục phân tuyến để điều trị các bệnh nhân Covid-19, kể cả tuyến xã sẽ theo dõi những ca có triệu chứng lâm sàng rất nhẹ. "Quan điểm của chúng ta là không tập trung mà phân tán tất cả các tuyến, ca nặng điều trị tuyến trên", ông Long nói. Phác đồ luôn luôn thay đổi phù hợp tiến bộ thế giới và kinh nghiệm các nước.
Công suất xét nghiệm nCoV cũng được đẩy nhanh hơn, tất cả đơn vị xét nghiệm được yêu cầu trả kết quả trong 24h. Tới đây thời gian sẽ phải rút ngắn hơn.
Một thay đổi lớn trong chiến lược chống dịch lần này là ứng dụng khoa học công nghệ. Các ngành đã tận dụng triệt để công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc, quản lý các trường hợp tiếp xúc với trường hợp F0.
"Trước đây, với chuyến bay VN54. chúng ta mất 4 ngày mới kiểm soát được tất cả hành khách trên chuyến bay. Nhưng đến chuyến bay sau mất 2 ngày, nay mất nửa ngày, sắp tới phấn đấu rút ngắn thời gian dưới 30 phút", ông cho biết.
Tính đến sáng 15/3, Việt Nam ghi nhận 53 bệnh nhân, trong đó 16 người khỏi và ra viện; 37 bệnh nhân đang điều trị. 3.584 ca nghi nhiễm đã được loại trừ. Tổng số người tiếp xúc gần bệnh nhân và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là 35.221.
Lê Nga (vnexpress.net)
Nữ bệnh nhân Covid-19 thứ 52 có ý thức cách ly, ít nguy cơ lây nhiễm Bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 52 của Việt Nam là nữ du học sinh từ Anh trở về. Người này được đánh giá là có ý thức cách ly nên nguy cơ lây nhiễm không cao. Sức khỏe nữ bệnh nhân Covid-19 thứ 52 đang có chuyển biến tích cực Ảnh N.H Ngày 15.3, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh...