Chế độ dinh dưỡng giúp người mắc sốt xuất huyết nhanh khỏe
Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng và diễn biến phức tạp, mỗi người dân cần có ý thức phòng chống cho chính mình, người thân và cộng đồng.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, trong tuần vừa qua Hà Nội có 301 trường hợp mắc mới sốt xuất huyết Dengue. So với những tuần trước đó, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) của Hà Nội vẫn đang tiếp tục gia tăng mạnh, tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành, nhất là các quận có tốc độ đô thị hóa mạnh.
Ảnh minh họa
Dấu hiệu của SXH
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, đau đầu, đau mình mẩy kèm các dấu hiệu phát ban, nổi hạch, da xung huyết, xuất huyết dưới da, ra máu cam, chân răng, nên đến bệnh viện khám để xác định sớm SXH và điều trị kịp thời đúng bệnh.
Đặc biệt, với phụ nữ mang thai bị SXH nặng, xuất huyết nội tạng thì có nguy cơ bị sẩy thai hoặc đẻ non.
Video đang HOT
Mỗi người có thể mắc SXH tới 4 lần bởi các tuýp virus khác nhau, mức độ mắc bệnh lần sau bao giờ cũng nặng hơn lần trước với nhiều nguy cơ bị thể bệnh lâm sàng sốc SXH đe dọa đến tính mạng.
Nếu SXH ở những ngày đầu và chưa có dấu hiệu cảnh báo chỉ cần theo dõi, uống thuốc hạ sốt, bù nước đường uống hoặc truyền nếu có chỉ định của bác sĩ…
Nếu người bệnh được chẩn đoán SXH thì cần được làm các xét nghiệm công thức máu, tiểu cầu hằng ngày để bác sĩ có thể đánh giá mức độ bệnh và có hướng điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, tránh tình trạng người bệnh phải vào viện quá muộn, gây những biến chứng đáng tiếc.
Nếu người bệnh đến ở giai đoạn đầu, chỉ cần hướng dẫn họ theo dõi, uống oresol bù dịch.
Nếu người bệnh ở ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, có xuất huyết, tiểu cầu giảm nhiều hoặc tổn thương gan, thận thì phải nhập viện để chăm sóc và điều trị. Lúc đó người bệnh SXH sẽ được truyền dịch để giảm cô đặc máu, theo dõi truyền khối tiểu cầu nếu có chỉ định, được bồi phụ nước và điện giải đầy đủ, đo mạch, huyết áp thường xuyên với sự chăm sóc của các nhân viên y tế.
Dinh dưỡng cho người bị SXH
Đối với trẻ em, theo TS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư, khi bị sốt, rất dễ mất năng lượng và giảm cung cấp dinh dưỡng do ăn uống kém, chán ăn, vì vậy cần cho bé ăn những thức ăn lỏng và mềm như cháo, súp vừa giàu dinh dưỡng lại dễ hấp thu, có thể uống thêm sữa. Đặc biệt với trẻ em bị SXH, sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất, nếu trẻ còn bú mẹ thì nên tiếp tục cho con bú.
Bên cạnh đó, tích cực bổ sung các món ăn giàu chất đạm từ trứng, thịt, sữa… thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm (thịt bò, gà…) tăng sức đề kháng chống lại bệnh SXH. Không nên cho trẻ ăn những loại thức ăn nhiều mỡ béo, các thực phẩm xào rán, có gia vị chua cay vì chúng thường gây khó tiêu.
Quan trọng nhất là bù nước, vì khi sốt, cơ thể dễ mất nước và bị sốc do giảm thể tích máu, bệnh trở nặng rất nhanh. Người mắc SXH nên uống các loại nước như nước sôi để nguội, nước suối, nước quả ép như cam, bưởi, nước chanh, nước dừa… vì chúng chứa nhiều khoáng chất và vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp thành mạch bền tốt hơn sẽ khiến tình trạng bệnh giảm đi.
Nếu bệnh nhân nôn khi uống, cần cho uống lượng nhỏ, uống từ từ và nhiều lần. Trong lúc bị bệnh, không nên cho người bệnh ăn hoặc uống thực phẩm sẫm màu như đỏ, nâu, đen. Mục đích là để nhận biết dễ dàng bệnh nhân có bị xuất huyết dạ dày trong quá trình nôn ói hay không.
Lã Hằng
Theo baonhandao
Lỗ hổng chống dịch
Liên tiếp từ đầu mùa hè tới nay, nhiều dịch bệnh diễn ra rất phức tạp và bất thường, khiến nhiều người mắc và tử vong.
Ảnh minh họa
Thông thường đỉnh dịch sốt xuất huyết (SXH) rơi vào giai đoạn tháng 8 - 9, nhưng năm nay, ngay từ tháng 5, số người mắc SXH đã tăng đột biến. Thống kê mới nhất của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận trên 96.000 người mắc SXH, tăng hơn 3 lần so với cả năm 2018.
Nếu như khu vực phía Nam đang "đau đầu" vì SXH tăng chóng mặt thì nhiều địa phương phía Bắc lại quay cuồng với dịch sởi, ho gà, viêm não, thủy đậu. Đáng lưu ý, dịch sởi và ho gà lại diễn ra bất thường, trái mùa khi tiết trời đang mùa hè nóng bức, ngược quy luật mọi năm là bùng phát vào mùa đông xuân.
Ngoài các yếu tố do thời tiết bất thường, biến đổi khí hậu tác động thì ô nhiễm môi trường, tốc độ đô thị hóa nhanh, điều kiện vệ sinh cá nhân kém, thực phẩm không an toàn... cũng là những nguyên nhân chủ yếu khiến dịch bệnh gia tăng bất thường.
Đáng lo hơn chính là ý thức phòng ngừa của nhiều người vẫn rất chủ quan, trong khi dịch bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine nhưng vẫn không cho trẻ tiêm chủng đầy đủ vaccine trong chương trình tiêm chủng. Thậm chí, kể cả khi dịch bệnh xảy ra, nhiều phụ huynh, hộ gia đình vẫn coi thường, bất hợp tác với cơ quan y tế và chính quyền địa phương trong việc phun hóa chất xử lý ổ dịch.
Về phía cơ quan y tế và chính quyền địa phương, ở nhiều nơi cũng chưa thực sự quan tâm sâu sát và quyết liệt đối với công tác phòng chống dịch. Trong khi đó, các chế tài xử phạt cá nhân, đơn vị làm phát sinh, lây lan dịch bệnh lại rất hạn chế.
Để ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả, ngành y tế cần tăng cường hệ thống giám sát thường xuyên, đảm bảo kịp thời phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên để xử lý ổ dịch. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng trong việc phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, các cấp chính quyền cần coi công tác chống dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
MINH KHANG
Theo SGGP
Sốt xuất huyết mà uống những thuốc này dễ mất mạng Dấu hiệu ban đầu của sốt xuất huyết rất dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh sốt thông thường khác nên nhiều người chủ quan, tự mua thuốc cảm sốt về điều trị. Đây là việc làm cực kỳ nguy hiểm bởi các thuốc này có thể thành 'sát thủ hại chết người'. Ảnh minh họa: Internet Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính,...