Chế độ ăn của mẹ trước mang thai ảnh hưởng gene con
Thực phẩm người mẹ dùng trước khi mang thai có ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe và gene của con cái sau này.
Đây là kết quả một nghiên cứu do Giáo sư Andrew Prentice, Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London (Anh) thực hiện vừa được công bố trênNature Communications.
Nghiên cứu mang tới thông điệp về tầm quan trọng đặc biệt của dinh dưỡng cho người mẹ. Nó giúp phụ nữ có cái nhìn đúng đắn để lưu tâm hơn về cách bổ sung vitamin, các thực phẩm hữu ích khác trước khi mang thai như vitamin B2, B6, B12 cũng như choline, methionine và axit folic. Các chất này có thể tìm thấy trong sữa, rau xanh rậm lá và protein.
Nghiên cứu giúp phụ nữ lưu tâm hơn tới chế độ ăn uống hàng ngày của mình. Ảnh minh họa: Foxnews.
Video đang HOT
Để xác định tác động của thực phẩm người mẹ tiêu thụ, giáo sư Prentice đã nghiên cứu những phụ nữ sinh sống tại vùng nông thôn Tây Phi, nơi thời tiết từng mùa khác biệt hoàn toàn dẫn tới thay đổi rõ rệt về thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày.
Cùng các đồng nghiệp trong Hiệp hội nghiên cứu Y khoa Gambia, ông xác định mức độ các chất dinh dưỡng trong máu của gần 170 phụ nữ mới mang bầu. Một nửa số này có thai vào mùa mưa, số còn lại là vào mùa khô. Ông cũng xem xét kỹ lưỡng ADN của những đứa trẻ sau khi chào đời và phỏng vấn phụ nữ địa phương về chế độ ăn của họ trong từng mùa.
Tổng hợp các thông tin cùng nhau đã cho thấy mối tương quan rõ ràng giữa chế độ ăn tiền sản của người mẹ với gene của trẻ. Trong đó, chính thực phẩm tiêu thụ trước lúc mang thai lại đóng một vai trò quan trọng hơn dẫn tới những thay đổi trong gene mang tính epigenetic hay ngoại di truyền. Những thay đổi này diễn ra ngoài chuỗi ADN, trình tự ADN của bộ gene không biến đổi mà chỉ có sự thay đổi về mức độ các hóa chất ảnh hưởng tới thời điểm gene được kích hoạt và sự kích hoạt đó diễn ra như thế nào. Không phải tất cả các gene trong cơ thể đều được biểu hiện tại mọi thời điểm và nếu hoạt động dưới hay trên mức cần thiết đều gây ra các vấn đề.
Nghiên cứu này không cho biết liệu thay đổi về mặt hóa học như trên có gây ảnh hưởng gì cho sức khỏe hay không. Trong công trình khác của mình, giáo sư Prentice đã chứng minh tương quan giữa chế độ ăn tiền sản với các hóa chất trong gene là nguyên nhân gây béo phì, ung thư và các vấn đề về hệ miễn dịch. Trong số này, một vài thay đổi sẽ biến mất theo thời gian, song một số khác lại tồn tại suốt đời.
Kết quả cho thấy sức khỏe của một đứa trẻ được “lập trình” ngay từ những giai đoạn đầu tiên của sự sống bao gồm khoảng thời gian trong bụng mẹ và thậm chí trước cả khi bào thai hình thành. Tranh luận vẫn đang được đưa ra về tác động của yếu tố này tới bệnh tiểu đường tuổi trung niên hay đau tim khi về già. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng tuổi thọ của một người có thể bắt nguồn ngay từ đây.
Khánh Hà (Theo Trendingnewsroom)
Mẹ nhiễm HIV cần dự phòng sớm để sinh con khỏe mạnh
Phụ nữ mang thai nhiễm HIV nếu không được can thiệp, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 25%-40%. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán sớm và có phác đồ điều trị hiệu quả thì tỷ lệ chỉ còn khoảng 2%-5%.
Ước tính, tỷ lệ phụ nữ mang thai ở nước ta nhiễm HIV chiếm khoảng 0,35%. Trong khi đó, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1,8 triệu phụ nữ sinh con. Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng 5.000-7.000 phụ nữ mang thai có khả năng nhiễm HIV. Trước đây, khi chưa triển khai dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, số trẻ sinh ra bị nhiễm HIV do mẹ mắc bệnh truyền rất lớn, chiếm trên 27% (năm 2008). Từ khi có phương pháp dự phòng, nhiều phụ nữ nhiễm HIV đã có thể sinh con khỏe mạnh.
Nhằm giúp Việt Nam cải thiện tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, Công ty TNHH Roche Việt Nam đã phối hợp đồng tài trợ cho hội nghị khoa học quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS lần thứ V vừa diễn ra tại Hà Nội. Trong hội nghị, bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Vân (đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam), đã công bố kết quả nghiên cứu về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Thái Nguyên từ năm 2008 đến năm 2011. Nghiên cứu được thực hiện trên 163 phụ nữ mang thai nhiễm HIV với kết quả: 136 bà mẹ sinh con âm tính với HIV, 18 trẻ dương tính, 7 trẻ còn lại không rõ có nhiễm HIV hay không do chuyển nơi cư trú. Thái Nguyên là 1 trong 5 địa phương có số người nhiễm HIV cao nhất nước, nhưng sau khi triển khai dự án, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở Thái Nguyên đã giảm từ 27,3% năm 2008 xuống 6,7% năm 2012.
Hiện nay nhiều phương pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thực hiện như uống thuốc ARV, thuốc kháng virus HIV khi mang thai theo phác đồ của bác sĩ, sinh mổ, nuôi con bằng sữa ngoài... Tuy nhiên, để thuốc phát huy tác dụng và bác sĩ có phác đồ điều trị hiệu quả, cần có xét nghiệm chính xác và dự phòng sớm. Tại hội nghị khoa học quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS lần thứ V, các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công cụ chẩn đoán chính xác giúp theo dõi, điều trị và kiểm soát HIV tốt hơn.
2 chủng virus HIV được xác định rõ đặc điểm là: HIV-1 và HIV-2. Trong đó, HIV-1 là chủng virus được phát hiện ban đầu, có độc tính nguy hiểm hơn so với chủng HIV-2 và là nguyên nhân gây bệnh cho phần lớn trường hợp nhiễm HIV trên thế giới. Tuy nhiên, trở ngại khi kiểm tra một chuỗi virus là xét nghiệm phụ thuộc việc nhận dạng những phần nhất định trong bộ gene của virus. Trước đây những lần xét nghiệm này chỉ nhắm vào một vùng của virus, đôi khi đó cũng là vùng mà thuốc điều trị tác động đến, do đó có khả năng ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả xét nghiệm. Phát triển mới nhất trong xét nghiệm đo tải lượng virus là xét nghiệm không chỉ nhắm đến hai vùng độc lập gene của virus, mà nó nhắm tới vùng không bị tác động bởi thuốc, cho kết quả chính xác. Điều này giúp bác sĩ đưa ra quyết định về việc cần thiết phải tăng hay giảm mức điều trị.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một trong những khó khăn lớn nhất khi điều trị cho bệnh nhân HIV là tỷ lệ đột biến cao của virus. Virus HIV có thể sinh sôi rất nhanh và thường xuyên thay đổi trong suốt quy trình, đặc biệt đối với bệnh nhân được điều trị thuốc kháng virus. Do đó, đôi khi xét nghiệm không phát hiện hết được lượng virus HIV có trong máu người bệnh, khiến bác sĩ khó đưa ra phác đồ điều trị chính xác. Tuy nhiên, với xét nghiệm HIV-1 Dual Target do Roche Diagnostics giới thiệu, giúp chọn đoạn đích độc đáo trên bộ gene của HIV-1, vị trí này không bị tác động bởi thuốc và khắc phục được hiện tượng bắt cặp sai do đột biến tự nhiên, cho kết quả chính xác. Việc định lượng chính xác lượng virus trong máu, sẽ giúp bác sĩ đánh giá hiệu quả của việc điều trị, mang lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhân. Do vậy, khuyến cáo đo tải lượng virus trước khi bắt đầu điều trị cho bệnh nhân rất quan trọng và bệnh nhân nên được đo lại 6 tháng sau khi điều trị.
Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến tháng 9, số trường hợp nhiễm HIV còn sống là 218.427 trường hợp, với tỷ lệ nhiễm HIV trên toàn quốc là 243 trên 100.000 dân, trung bình mỗi ngày cả nước phát hiện thêm 34 người nhiễm HIV. Ở TP HCM, từ đầu năm đến nay, có 750 ca nhiễm HIV mới được phát hiện.
Theo VNE