Chè đậu ván và 2 phiên bản đặc trưng hai mùa mưa nắng của người miền Trung
Món chè này sẽ chẳng có gì xa lạ nếu bạn đã từng du lịch đến Huế hay Hội An, nhưng được thử cả hai phiên bản chè đậu ván ứng với hai mùa mưa nắng miền Trung thì không phải ai cũng được thử đâu nhé!
Chè đậu ván nước ở Hội An
Mùa du lịch Hội An thường bắt đầu vào khoảng tháng 3 đến tháng 10, đây là thời điểm có thời tiết đẹp của năm khi thành phố cổ này bước vào mùa nắng. Tuy nhiên, mùa nắng ở Hội An thường rất nóng, vì thế chẳng thực khách nào còn xa lạ với những món giải khát phố Hội như xoa xoa nước đường, tào phớ, nước mót… và đặc biệt là món chè đậu ván nước, đặc sản chẳng tìm đâu được ngoài Quảng Nam.
Chè đậu ván nước ở Hội An được nấu vô cùng đơn giản, đậu ván ngâm mềm qua đêm rồi đãi vỏ, nấu trong nồi ngập nước. Sau đấy người ta cho thêm một ít muối và đường trắng vào, khuấy nhẹ tay đến khi đường tan hết thì tắt bếp. Cách nấu món chè này giống với cách nấu chè đỗ đen hay chè hạt sen vào mùa hè. Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở hương thơm khó tả trong nước đậu ván.
Với vị ngọt giúp giải cảm nắng và chống mất nước rất tốt nên chè đậu ván được nhiều người yêu thích. Đặc biệt, hương thơm đặc trưng của món chè này còn khiến cho nhiều người chỉ chọn uống nước thay vì ăn kèm đậu. Thêm một ít đá lạnh vào cốc chè nước, nhấp một ngụm dài, một cảm giác tươi mới mát lành của hương thơm đậu ván sẽ khiến bạn sảng khoái.
Rất dễ để tìm kiếm một hàng chè đậu ván nước giữa phố Hội vào mùa hè, thậm chí còn có những gánh hàng rong chuyên bán loại chè này. Thế nhưng, vì hạt đậu tròn, nấu lên có màu vàng ươm khá giống hạt ngô nên nếu không để ý, bạn sẽ dễ nhầm đây là món chè ngô.
Ở chợ Hội An, các tín đồ “full topping” sẽ yêu thích món này hơn cả bởi người ta còn thêm cả đỗ xanh xay nhuyễn và xoa xoa, một biến thể thập cẩm của chè đậu ván nước.
Chè đậu ván cốt dừa ở Huế
Video đang HOT
Mùa mưa ở Huế thường đến sớm và kéo dài, vì thế chè đậu ván cốt dừa chính là món ăn vặt giữ ấm nổi tiếng của người dân nơi đây.
Nguồn ảnh: @bepthucduong.
Khác với người Hội An, người Huế thường hấp hạt đậu ván cho chín mềm, sau đó mới cho vào nồi bột năng nấu cùng lá dứa và đường trước đó. Với cách làm này sẽ giữ nguyên được vị bùi bùi và đảm bảo hạt đậu không bị vỡ nát.
Khi ăn, người ta sẽ chan thêm cốt dừa để tạo nên hương vị béo ngậy, bùi bùi mà thơm thoang thoảng đặc trưng của món chè xứ Huế.
Cầu kì hơn trong cách chế biến, chè đậu ván cốt dừa của người Huế vì thế cũng hòa quyện nhiều hương vị và chất tinh túy của nguyên liệu hơn món chè đậu ván nước Hội An. Những ngày tháng 12 trời đổ mưa rét mướt, ôm bát chè ấm trong tay mà cảm thấy vị ngọt bùi thơm thơm thấm thía.
Dù được nấu bằng cách nào, chè đậu ván với hai phiên bản cũng chính là những trải nghiệm thú vị cho các tín đồ ăn uống. Nếu ghé miền Trung, bạn nhớ thử qua hai loại chè này nhé!
Theo Trí Thức Trẻ
Tôn vinh phở theo những cách riêng
Sự tham gia hưởng ứng của đông đảo bạn đọc cho thấy tình yêu với phở Việt luôn bất tận, đa dạng màu sắc, đầy ước vọng đưa phở bay xa, đi khắp năm châu.
Từ hơn 1.000 bài viết, sáng kiến gửi về báo Tuổi Trẻ tham gia hai cuộc thi cho Ngày của phở, ban tổ chức đã chọn 39 tác phẩm vào vòng chung khảo. Cuối cùng 18 tác phẩm được trao thưởng.
Phở Tàu Bay trên đường Lý Thái Tổ, Q.10, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phở - ký ức của no đủ
TS Nguyễn Nhã - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt nam, trưởng đề án Bếp Việt - Bếp của thế giới, thành viên ban giám khảo - cẩn thận lựa những bài viết chia sẻ về ký ức với phở. Ông xúc động khi đọc những bài viết của những người như ông yêu phở từ khi còn tấm bé, gắn với những gánh phở ở làng quê xa xưa.
"Một ký ức về phở hay, trước hết phải có giá trị về lịch sử của một quán phở hay về phở nói chung trong một thời kỳ nào đó, với những chi tiết rất đặc biệt, có thể trở thành tài liệu quý. Ngoài ra, tôi cũng rất trân trọng những cảm xúc hay, những hình ảnh cụ thể, sinh động" - TS Nhã chia sẻ khi chọn những tác phẩm xuất sắc của cuộc thi.
Những ký ức về phở là những thước phim quý giá cho thấy chiều dài lịch sử của phở Việt, gắn với bao cuộc sống của con người Việt. Đó là câu chuyện phở không người lái, vẫn rất quyến rũ dân nghèo dù chỉ có bánh và nước dùng, không có thịt bò hay gà trong thời kỳ khó khăn của chiến tranh. Rồi phở Tư Lùn, thương hiệu phở Hà thành, đã đi vào rất nhiều văn chương và ký ức người yêu phở, hay phở Mụ Liếc, một cách gọi trứ danh của các mệ, o miền Trung với món ăn họ tự hào.
Theo ông Đặng Dũng - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, điều thú vị là các ký ức về phở gửi về đều chia sẻ những kỷ niệm của phở với cha của mình. "Đó phải chăng cũng nói lên một đặc thù lịch sử tiêu biểu của thời kỳ kinh tế khó khăn: muốn ăn phở phải đi ra quán ăn, cửa hiệu, không dễ nấu được món phở ở nhà, nhất là trong điều kiện nguyên liệu nấu phở khá tốn kém" - ông Đặng Dũng nhận xét.
Các tác phẩm về ký ức phở không chỉ là hoài niệm của một lớp người với tình cảm gia đình, quê hương trong một bối cảnh lịch sử nhất định mà còn cho thấy món phở đã đóng một vai trò ẩm thực quan trọng trong đời sống gia đình Việt Nam. Có lẽ vì thế, phở - được xem là món ăn quốc hồn quốc túy của dân tộc - đã tạo được cảm xúc cho nhiều người, từ nhà văn, nhà thơ lẫn cây bút không chuyên cùng gửi bài viết chia sẻ.
Phở Phú Vương trên đường Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Q.Đ.
Hiến kế cho phở bay xa
Với những hiến kế, ấp ủ trong cuộc thi viết Hiến kế phát triển Ngày của phở, các giám khảo cũng đã có tranh luận sôi nổi xoay quanh 18 tác phẩm được chọn. Chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân cho biết bà đánh giá cao những tác phẩm có tính khả thi cao khi đưa vào thực tế, những phát kiến có thể giúp lan tỏa hoạt động Ngày của phở rộng hơn, xa hơn, hướng đến thế giới thay vì chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước.
"Tôi đặc biệt tâm đắc với ý tưởng đưa phở vào điện ảnh, vì đây là công cụ có thể truyền tải những câu chuyện cảm động, đầy màu sắc và hương vị của phở Việt Nam đến với bạn bè quốc tế" - bà Vân chia sẻ. Hầu hết ban giám khảo đều bày tỏ sự thích thú đối với các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo với những ý tưởng vừa đa dạng, sáng tạo vừa mang đậm tính nhân văn.
Chuyên gia Đỗ Hòa, thành viên ban giám khảo, cũng cho rằng các bài hiến kế của độc giả khiến hội đồng chấm giải đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Có tác phẩm hiến kế vừa mang tính kịch bản phác thảo được một ý tưởng hay, vừa chứa đựng tình cảm, tính nhân văn của bát phở Việt trong cuộc sống người Việt như câu chuyện Phố phở hàng rong đong đầy hương sắc Việt.
Các giám khảo khẳng định những hiến kế dự thi phần lớn rất tiềm năng, bám sát thực tiễn và hoàn toàn có thể thực hiện được, nhất là những hiến kế đoạt giải nhất, nhì.
Ban tổ chức cũng kỳ vọng những ý tưởng, hành động từ cuộc thi lần này sẽ không chỉ dừng lại trên giấy bút mà thực sự được đưa vào cuộc sống, góp phần lan tỏa, quảng bá hoạt động Ngày của phở, từ đó mang ẩm thực Việt Nam đi xa hơn trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Theo tuoitre
Ai mà tin được cây xương rồng lại được chế biến thành vô vàn món ngon ở Quảng Nam như thế này Những món ăn từ xương rồng đối với chúng ta có phần lạ lẫm nhưng đấy lại là hương vị quen thuộc trong bữa cơm gia đình ở miền Trung. Trong suy nghĩ của nhiều người, xương rồng là một loại thực vật chỉ dùng để "làm cảnh" hoặc trang trí trong những chậu nhỏ xinh xắn. Nhưng ẩm thực là sự sáng...