[Chế biến]- Sum vầy bên nồi lẩu dê thơm lừng
Thịt dê có mùi vị thơm ngon, tác dụng bổ dưỡng, giữ ấm rất tốt nên thích hợp ăn trong mùa lạnh vào dịp lễ cuối năm, cả nhà sum họp quây quần bên nồi lẩu dê thơm lừng nghi ngút khói sẽ thật tuyệt vời!
Nguyên liệu:
1kg thịt dê đã được thui da vàng
1 củ khoai môn 300g
200g măng chua vàng
4 miếng đậu phụ chiên vàng, 1 miếng đậu phụ non trắng, cắt miếng vuông vừa ăn
1 bịch mì trứng, tùy theo ăn ít hay nhiều
1 gói gia vị
2 trái dừa
200g củ sen
3 tai nấm mèo
50g lá tí tô
70g đinh, hồi, quế, táo tàu, vỏ quýt (khi mua thịt dê người ta thường bán luôn gói gia vị này)
50g củ gừng
1 bịch ngũ vị hương nhỏ
5 viên chao trắng
200ml rượu trắng
1 miếng tàu hũ ky
Muối, đường, bột ngọt, dầu ăn, tỏi, hành tím
1 bó cải bẹ xanh, 1 bó tần ô, hẹ.
Cách làm:
Thịt dê mua về lau sạch, thái miếng bằng 2 ngón tay.
Rót rượu trắng vào nồi cùng 100ml nước.
Gừng giã nhuyễn.
Ngâm thịt với rượu và gừng khoảng 15 phút để khử mùi hôi.
Vớt thịt ra rổ để ráo. Bạn chú ý không rửa lại thịt bằng nước lạnh nhé!
Sau khi thịt ráo khô thì cho thịt vào tô, thêm hành tím và tỏi bằm nhỏ, 1 thìa cà phê bột ngọt, 1/2 thìa cà phê tiêu, 1 thìa canh hạt nêm, ngũ vị hương và 1 thìa canh rượu.
Video đang HOT
Trộn đều toàn bộ thịt với gia vị, để khoảng 1 tiếng cho thấm.
Măng chua vàng tước sợi.
Nấm mèo ngâm nước với chút muối cho nở rồi rửa sạch thái sợi.
Khoai môn gọt vỏ, rửa sạch, cắt khúc.
Bắt chảo dầu lên bếp, chiên vàng toàn bộ khoai môn.
Đinh, hồi, quế, táo tàu, vỏ quýt rất quan trọng vì gia vị này sẽ tạo ra mùi lẩu dê đặc trưng bạn thường thấy. Tất cả đem rang sơ qua.
Tàu hũ ky xé từ miếng to ra thành các miếng vừa.
Chiên vàng toàn bộ.
Củ sen gọt vỏ, cắt miếng.
Rau tía tô cắt sợi.
Mì trụng nước sôi cho chút dầu ăn vớt ra để ráo.
Chế biến chao: làm nóng ít dầu trong chảo, sau đó cho chao vào đánh tan ra, thêm chút nước, đường, bột ngọt, sa tế vào, nêm vừa ăn thì bỏ ra chén.
Phi thơm hành tỏi bằm trong nồi, cho thịt dê vào xào cho săn lại, thêm nước dừa vào (muốn ngon thì cho nước hầm xương hoặc mua xương dê về hầm lấy nước càng ngon hơn) hầm thịt. Nước sôi hạ nhỏ lửa, vớt bọt, thêm củ sen, nấm mèo và các gia vị thuốc bắc vào nấu chung khoảng nửa tiếng là thịt mềm, khi đó bạn cho rau tía tô vào rồi tắt bếp.
Lưu ý nếu bỏ quá nhiều bỏ nhiều đinh, hồi, quế, táo tàu và vỏ quýt sẽ không ngon. Tốt nhất là khi thấy nước thơm, ngả màu nâu thì bạn nêm muối, đường, bột ngọt vừa miệng rồi vớt các vị thuốc bắc ra, vì khi nấu lâu nồi lẩu nặng mùi thuốc bắc sẽ không ngon nữa.
Trình bày ra một nồi lẩu đặt trên bếp ga mini, khi lẩu sôi cho nấm, khoai môn, đậu phụ trắng và đậu phụ chiên vàng đã cắt vào. Lẩu ăn kèm theo là các loại rau củ trên và mì trụng, chấm với chao.
Thịt dê có mùi vị thơm ngon, tác dụng bổ dưỡng, giữ ấm rất tốt nên thích hợp ăn trong mùa lạnh vào dịp lễ cuối năm, cả nhà sum họp quây quần bên nồi lẩu dê thơm lừng nghi ngút khói sẽ thật tuyệt vời!
Theo BĐVN
Mùa mưa ăn lẩu là nhất
Không nơi nào trong cả nước có nhiều món lẩu đa dạng và phong phú như ẩm thực Sài Gòn.
Từ lẩu dê, lẩu bò, lẩu hoa, lẩu hải sản... và không thể thiếu hai món lẩu ngoại nhập đang được nhiều thực khách ưa thích, đó là lẩu Thái Lan và lẩu Hàn Quốc.
Món lẩu được ưa chuộng vì thú vui vừa xì xụp chén lẩu thơm ngút khói vừa rôm rả chuyện trò cùng bạn bè. Ảnh: Tuyến Nguyễn
Lẩu ngoại truyền thống
Món lẩu chiếm vị trí quan trọng trong thực đơn của các nhà hàng Thái Lan, Hàn Quốc. Các món lẩu được nhà hàng chăm chút một cách đặc biệt, coi như món "độc chiêu" riêng. Theo cô Xuân Anh phụ trách kinh doanh nhà hàng Coca Suki, đa số khách hàng sau khi ăn những món ăn khai vị, thưởng thức món chính thì món cuối thường được chọn là món lẩu. Lẩu vừa có rau, có nước để giải chất dầu mỡ gây ngán ngậy của các món chiên, nướng trước đó, đồng thời thêm tinh bột như bún, mì để bảo đảm vỗ yên bao tử.
Đối với những nhà hàng Thái và Hàn bán theo gu truyền thống thì lẩu phải được nấu theo nguyên bản từ chính quốc. Bà Yoon Sang Sook, chủ nhân kiêm bếp trưởng nhà hàng Hàn Quốc Casya cho biết, đối với món lẩu bò đặc biệt của nhà hàng thì phải tự tay bà nấu từ nước dùng cho đến làm xốt chấm. Tất cả những nguyên liệu như sâm, củ cải, nấm, rong biển và gia vị dứt khoát phải là đồ nhập từ chính quốc. Vì vậy một cái lẩu trong nhà hàng truyền thống giá bao giờ cũng phải cao hơn lẩu cùng loại nhưng được bán ở các nhà hàng bình dân.
Tuy nhiên, những món lẩu theo đúng gu đôi khi cũng hơi kén khách vì khẩu vị của nó. Chẳng hạn lẩu Tom Yam (hay Tom Yum) lúc nào cũng phải chua và cay nồng là hương vị đặc trưng. Nếu có gia giảm cho bớt cay thì cũng ở mức độ nào mà thôi, nếu giảm quá mức thì không còn ra mùi vị đặc trưng nữa, điều này chính các bếp trưởng người bản xứ cũng không đồng ý. Hoặc như lẩu Hàn cũng được đánh giá là khá đậm mùi của các gia vị mạnh như ớt bột, hành, tỏi... và cũng hơi cay so với thực khách xứ nhiệt đới.
Lẩu dành cho số đông
Món lẩu Thái không thể thiếu trong các nhà hàng. Ảnh: Quang Tâm
Đối với các loại lẩu Thái và Hàn dành cho thực khách phổ thông thì có sự thay đổi nhất định trong khẩu vị. Tuy cũng giữ hương vị riêng nhưng những món lẩu Tom Yam, lẩu kim chi đã bớt cay, mùi vị nhẹ hơn để thực khách có thể thưởng thức dễ hơn.
Theo cô Mỹ Hạnh, phụ trách tiếp thị của chuỗi nhà hàng Mì Hàn Quốc, nhà hàng có năm loại lẩu Hàn khác nhau như lẩu kim chi, lẩu hải sản, lẩu bò... Tuy cũng là món ăn theo hương vị Hàn Quốc nhưng để phù hợp hơn với số đông, Mì Hàn Quốc đã có một số điều chỉnh. Đặc điểm lẩu Hàn của chuỗi cửa hàng Mì Hàn Quốc là lẩu 2 trong 1. Sau món lẩu ăn với mì tươi năm màu, nhân viên cửa hàng sẽ chiên thêm một phần cơm chiên ngay tại bàn bằng chính cái lẩu vừa ăn xong.
Lẩu của nhà hàng Thái Express có ba loại là Tom Yam nước trong, Tom Yam đỏ và lẩu gà. Lẩu Tom Yam đỏ là lẩu nấu chung với sữa tươi và ít cay. Nếu khách hoàn toàn không ăn cay thì có thể chọn lẩu gà.
Đi ăn lẩu và tụ họp bạn bè
Vì cách chọn khách hàng tiềm năng mà những nhà hàng bán lẩu Thái lẫn lẩu Hàn được chia ra làm hai nhóm khá rõ rệt: loại truyền thống và dành cho giới trẻ. Nhóm đầu thì lẩu là món không thể thiếu trong thực đơn và được xem là món ăn no, nhà hàng nhóm sau thì ngược lại, lẩu trở thành món ăn chơi, vừa ăn vừa vui đùa, họp mặt. Nhất là vào những ngày mưa, lẩu là món được giới trẻ ưa chuộng nhất. Vừa xì xụp chén lẩu thơm nức, ngút khói vừa xuýt xoa trong tiết trời se lạnh, lại vừa rôm rả chuyện trò thì quả là điều thú vị vô cùng.
Nếu so về phần giá cả, đương nhiên lẩu truyền thống sẽ có mặt trong một buổi ăn hoàn chỉnh giá phải cao hơn, khoảng 250.000 - 350.000đ/2 người ăn. Thường khách tiếp tân và gia đình hay chọn loại hình này. Trong khi đó một bữa ăn lẩu tại các cửa hàng bán lẩu bình dân có giá trung bình khoảng 100.000 -
160.000đ/2 người ăn. Chỗ ngồi của những nơi bán lẩu thường mang phong cách trẻ trung, hiện đại. Khách hàng khi đến ăn không cần phải chuẩn bị trước, có thể gọi đúng một món lẩu ăn cho biết rồi ra về. Do đó khách hàng của các nơi bán lẩu Thái, Hàn hiện đại chiếm 70% là giới trẻ và nhân viên văn phòng, phần còn lại là khách gia đình. Những nhân viên văn phòng cũng thường đến ăn lẩu thay cho bữa trưa.
Lẩu Thái, Hàn cho dù truyền thống hay đại chúng đều mang đến khẩu vị ngon, lạ cho dân mê ăn và sành ăn. Nó đã góp phần phong phú thêm danh tiếng của thiên đường ẩm thực Sài Gòn vốn luôn tiếp nhận những gì mới mẻ và hấp dẫn của ẩm thực khắp nơi.
Theo SGTT
Lẩu Dê SOS Làng Hoa Theo y học cổ truyền thịt dê có tác dụng trừ hàn, bổ khí huyêt, tăng thể lực, có lợi cho sức khoẻ. Mọi người thường dùng thịt dê như một vị thuốc có nhiều công hiệu. Nhưng chế biến thịt dê sao đảm bảo vị thuốc của nó mà vẫn ngon miệng thì không đơn giản. Với bề dày kinh nghiệm kinh...