[Chế biến] – Nước dùng món phở bò
Nước phở ngon trong, ngọt đậm đà, thơm dịu mùi hồi thảo quả, một chút cay nhè nhẹ của gừng quế.
Nguyên liệu cho 6-7 bát nước phở:
1kg xương ống (xương chân bò). 30-50gr gừng nướng thơm, cạo cháy, đập dập.1 củ hành tây, nướng thơm, bóc vỏ cháy bên ngoài.1-3 hành củ, nướng thơm, bóc vỏ cháy (tuỳ thích). 1 hoa hồi, nướng thơm hoặc rang qua.1-2 thảo quả, nướng thơm hoặc rang qua, có thể ép dập.1 sá sùng; 1 thanh quế dài tầm 10-15cm; Nước mắm, muối, đường phèn, bột nêm.
Cách làm:
Làm sạch xương: Xương ống đập dập hoặc cưa/chặt thành khúc, bỏ tuỷ và ngâm vào nước muối dấm ít nhất 1-2 tiếng. Cho vào xoong ngập nước, cho thêm 1 thìa muối (15gr), đun sôi sục trong 3 phút, rồi rửa sạch. Nên bỏ tuỷ xương vì nước dùng có thể bị lợ lợ ngây ngấy chứ không ngọt thanh.
Đun lần 1: Cho 3l nước vào nồi, đun sôi, nêm thêm 1 thìa muối, vặn nhỏ lửa rồi cho xương đã làm sạch vào.
Video đang HOT
Đun liu riu, thi thoảng hớt bọt nổi lên và tiếp thêm nước sôi. Sau 5-6 tiếng, tắt bếp, dùng rổ hoặc rá thoáng đậy lại, để nguội. Dùng nồi cao thì nước phở trong và ngon hơn, cũng ít phải tiếp nước hơn.
Đun lần 2: Cho hai thìa nước mắm vào nồi nước xương, đun dưới lửa vừa phải đến khi sôi thì giảm nhiệt, đun liu diu, 80-90 độ. Bạn nhớ để ý lửa vì lửa to và sôi sùng sục làm nước phở bị đục.
Trong thời gian đấy, bạn chuẩn bị các loại nguyên liệu: gừng, hành, quế, hồi, thảo quả, cho vào đun cùng. Sau hai tiếng thì cho gia vị, đường, muối vào nêm cho vừa, đun thêm 15-30 phút nữa, hớt bọt nổi lên vì trong gia vị cũng có tạp chất. Mùa đông, bạn có thể cho nhiều quế, hồi và gừng hơn để tạo cảm giác ấm cho món phở, tuy nhiên nếu cho nhiều hoa hồi quá sẽ dễ bị hắc.
Vớt gừng ra rồi lọc nước dùng.
Bạn dùng rổ lưới để lọc nước dùng. Làm như vậy, xương sẽ được lọc bỏ hoàn toàn. Bạn có thể lọc lại phần gân bám ở xương để ăn cùng với phở nếu thích. Đối với nước dùng này, bạn có thể cất thành từng hộp (túi) vào tủ đá để dùng dần. 1kg xương sẽ được 3-3,5l nước phở ngon. Nếu không có sá sùng bạn có thể nướng mực cho vào, sẽ có vị ngọt đậm đà hơn. Dùng bột nêm vừa phải nếu không nước sẽ bị lợ. Bạn nên cho theo công thức 2 phần thìa bột nêm với 1-2 phần muối, cũng phụ thuộc vào bạn dùng đường phèn như thế nào nữa mà điều chỉnh.
Phở là một món ăn rất phô biến! Đê có được món phở ngon, trước hêt phải nấu được nước dùng sao cho thanh ngọt, trong, thơm mùi quê, thảo quả… Tuy không cầu kỳ nhưng bạn cần để ý lửa và ninh trong thời gian lâu một chút. Nếu bạn thèm ăn phở nhưng không có điều kiên hoặc không thích ăn ngoài hàng thì có thể tận dùng ngày nghỉ, dọn dẹp nhà cửa, đông thời tranh thủ nâu luôn một nồi nước phở to rồi chia phần cất đi dùng dần, ăn sáng hoặc ăn trưa, vừa ngon lại vừa đảm bảo.
Chúc các bạn thành công!
Theo PNO
Phở Minh: Khoảng lặng giữa Sài Gòn
Từ một món ngon của xứ Bắc, phở đã "Nam tiến" và trở thành một phần quen thuộc trong đời sống ẩm thực miền Nam. Đặc biệt ở Sài Gòn, phở có mặt trong hang cùng ngõ hẻm với đa dạng những biến thể thú vị. Người Sài Gòn có thể ăn phở bất kể sáng trưa chiều tối, không kể là hàng quán lụp xụp hay là quán xá lịch thiệp. Phở, cái tên ngắn gọn mà sao thân thuộc và lưu luyến đến lạ lùng. Chẳng phải Vũ Bằng đã từng thừa nhận "Thật thế, phở đối với một hạng người, không còn là một món ăn nữa, mà là một thứ nghiện như nghiện thuốc lào, thuốc lá, trà tươi, thuốc phiện." đó sao.
Tô phở Minh lừng danh một thời
Sự kiện 1954 với làn sóng di tản của người Bắc vào miền Nam cùng món phở độc đáo đã mang lại những nét mới lạ cho ẩm thực Sài Gòn. Tô phở Bắc khi vào Sài Gòn cũng thay đổi khá nhiều để phù hợp với gu ẩm thực nơi đây. Tô phở "Nam tiến" thường được bán theo 5 kiểu chín, tái, nạm, gầu, gân tùy theo sở thích của khách. Ngoài ra còn phục vụ thêm tương đen, tương đỏ (một ảnh hưởng của người Hoa chăng?), chanh, ớt tươi, ngò gai, húng quế, giá (trụng qua nước sôi hay ăn sống)... Nước dùng của tô phở miền Nam cũng khác, thường không được bỏ bột ngọt như ở Hà Nội, cũng như màu không được trong mà hơi đục. Món phở sau năm 1954 mang lại thêm nhiều thi vị cho ẩm thực miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng, cũng như dần dần đã khẳng định vị trí của mình bên cạnh những hủ tiếu, mì, hoành thánh... vốn là nét đặc trưng trong ẩm thực Trung Hoa khá phổ biến ở Sài Gòn vào thời điểm đó.
Rạp Casino Sài Gòn những năm 60 thế kỷ trước
Chuyện về tiệm phở Minh nằm cạnh rạp Casino cũng là một đề tài thú vị của ẩm thực Sài Gòn. Rạp Caisno (sau đổi tên thành Đại Quang), ngày nay đã trở thành dự án cao ốc phức hợp đang chờ ngày khởi công, nằm trên con đường Pasteur khúc giao với đại lộ Lê Lợi sầm uất. Rạp Casino Sài Gòn này cùng người "anh em" Casino Đa Kao (nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng khúc gần Cầu Bông) là 2 trong số nhiều rạp chiếu bóng nổi tiếng của Sài Gòn năm xưa. Sát bên cạnh rạp trên đường Pasteur có một lối vào nhỏ hẹp, bề ngang chưa tới 1 mét, dần dần mở rộng về phía trong thành một con hẻm hình chữ L ngược. Xưa kia nơi đây tập trung những món ăn thanh lịch với phong cách Hà Nội xưa như bánh cuốn Bắc, miến gà, xôi gà, phở, bún chả... Cái hẻm nhỏ xíu này ngày ấy rộn rã nam thanh nữ tú ra vào suốt ngày, nhất là những dịp cuối tuần.
Trải qua bao thăng trầm, tô phở Minh trong con hẻm nhỏ này vẫn giữ được chất Bắc thi vị. Dù là chín nạc hay tái vè thì hương vị tô phở vẫn rất nhẹ nhàng, không quá nhiều mùi hồi quế nên dễ mang lại cho người ăn cảm giác thanh cảnh và nhẹ nhõm. Tất nhiên ở đây vẫn có đầy đủ tương đen, tương đỏ cũng như húng quế, ngò gai, giá trụng... như một đặc trưng phải có khi thưởng thức phở ở miền Nam. Có giai thoại kể rằng một ông chủ tiệm giày trên đường Lê Thánh Tôn gần đó nghiện phở Minh và nghiện luôn truyện kiếm hiệp Kim Dung. Tình bằng hữu của ông chủ tiệm giày và ông chủ tiệm phở đã thắm thiết hơn nhờ một bài "thơ phở" của ông chủ tiệm giày mê kiếm hiệp này:
Nổi tiếng gần xa khắp thị thành
Trần Minh phở Bắc đã lừng danh
Chủ đề: tái, chín, nạm, gầu, sụn
Gia vị: hành, tiêu, ớt, mắm, chanh...
Bài "thơ phở" này nghe đâu được ông chủ Trần Minh nhờ người nhái những nét chữ rồng bay phượng múa của Vũ Hoàng Chương để viết bài thơ ấy và treo trong tiệm. Ngày nay tôi đến chỉ còn thấy chữ "PHỞ MINH" với font chữ cũ khá đẹp được gắn trang trọng phía bên trong, cũng không gian cũ kỹ được giữ gìn gần như nguyên vẹn.
Ít ai ngờ giữa trung tâm quận 01 vốn náo nhiệt lại có một góc lặng lẽ như vậy. Có lẽ người ta đến phở Minh không chỉ vì tô phở ngon, mà còn để tìm về những ký ức đẹp của món ăn phổ biến nhất trên mọi vùng miền Việt Nam này.
Phở Minh
63/16 Pasteur, phường Bến Nghé, quận 01
Mở cửa: 6h30 sáng đến 10h trưa
Giá: Phở bò (40.000đ/tô)
Theo SGAT
Phở ngon của Sài Gòn Theo nhà văn Tô Hoài, ở Sài Gòn năm 1940 chỉ có hai chỗ bán phở Bắc. Một là ở hẻm đường Espagne tức là đường Lê Thánh Tôn hiện nay và một ở Chợ Cũ (khu vực đường Hàm Nghi). Tô phở Cao Vân đầy đặn, nhiều thịt, với nước dùng được nấu bằng than củi chứ không bằng than tổ ong...