Chế biến nông sản vì sao ì ạch?
Dù có vị trí rất quan trọng để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp nhưng đến nay ngành chế biến nông sản vẫn còn khá ì ạch, có tới 70% sản phẩm nông sản vẫn phải xuất khẩu thô. Nút thắt nào khiến lĩnh vực này chưa thể phát triển dù tiềm năng và dư địa phát triển là khá lớn?
Hiếm sản phẩm giá trị gia tăng
Là một doanh nghiệp (DN) có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản nhưng cho đến thời điểm này Công ty CP Kim Chính (TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) vẫn chưa thể chủ động được nguồn nguyên liệu do thiếu kho lạnh dự trữ và phụ thuộc quá nhiều vào mùa vụ.
Chế biến xoài ở Nhà máy chế biến rau củ quả và trái cây Tanifood tại huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh). Ảnh: I.T
“Đơn cử như mặt hàng cà rốt, do thiếu các kho bảo quản lạnh nên chúng tôi chỉ có thể xuất hàng cho đối tác Hàn Quốc, Malaysia trong vụ thu hoạch cà rốt, còn hiện tại dù nhu cầu của khách hàng vẫn còn thì chúng tôi cũng lực bất tòng tâm. Vì vậy, đối với những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn nhưng có tính chất mùa vụ như vùng trồng cà rốt ở Hải Dương, rất cần có những kho lạnh bảo quản để kéo dài mùa vụ cũng như giảm áp lực tiêu thụ khi sản lượng tăng cao một cách đột biến” – ông Phạm Ngọc Thức – Giám đốc kinh doanh Công ty CP Kim Chính nói.
Đây cũng là vấn đề của nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản hiện nay. Do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, tỷ lệ chế biến chưa cao đã khiến áp lực tiêu thụ nông sản càng trở nên nặng nề khi vào mùa vụ.
Đơn cử như tại Đồng Nai, toàn tỉnh có khoảng 300 DN chế biến nông sản, trong đó có khoảng 130 DN nằm trong các khu công nghiệp và cụm công nghiệp nhưng chủ yếu là DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động ở các lĩnh vực như: Thức ăn gia súc, bột ngọt, bột nêm, cà phê, mía đường, sữa, hạt điều, bánh kẹo… Ngoài ra, có khoảng 3.000 cơ sở kinh doanh, sản xuất liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm nhưng ở quy mô hộ gia đình, sơ chế là chính nên giá trị chưa cao.
Trên quy mô toàn quốc, hiện, cả nước đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản có công suất thiết kế lên đến 100 triệu tấn nguyên liệu/năm. Có trên 7.500 DN chế biến quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, trong đó có hơn 2.600 cơ sở chế biến nông sản, hơn 760 cơ sở chế biến thủy sản…
Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách thẳng thắn là trình độ công nghệ chế biến nông sản của nước ta chưa cao, tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng cao còn thấp, chủng loại chưa phong phú. Các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 80% sản lượng).
Video đang HOT
Ví dụ như ngành lúa gạo, cả nước hiện mới có 580 cơ sở xay xát quy mô công nghiệp với công suất 10 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong khi đó, ngành rau quả với sản lượng sản xuất trên 25 triệu tấn/năm nhưng hiện mới có 150 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp tập trung với tổng công suất thiết kế 1 triệu tấn sản phẩm/năm. Tương tự, sản lượng sản xuất ngành thủy sản đạt 7 triệu tấn nhưng sản phẩm chế biến chỉ đạt 4,5 triệu tấn.
Tháo gỡ nút thắt
Theo ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), khâu chế biến là vô cùng quan trọng trong quá trình nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, các hàng rào kỹ thuật ngày càng nhiều thì chỉ có đẩy mạnh khâu chế biến thì mới hóa giải được những khó khăn này.
“Trong 2 năm trở lại đây đã ghi nhận một làn sóng DN lớn đầu tư sâu vào công tác chế biến nông sản với tổng đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng với 20 dự án, từ đó giúp giảm tỷ lệ xuất khẩu thô từ 90% trước đây xuống còn 70%. Tuy nhiên, những nút thắt về đất đai, tín dụng đang là những rào cản khiến DN chưa mạnh dạn triển khai các dự án về chế biến. Thực tế, 20 dự án trên chủ yếu là của những DN lớn, giàu nguồn lực, còn những DN nhỏ và vừa tham gia vào quá trình này chưa nhiều” – ông Toản nói.
Từ thực tiễn sản xuất của đơn vị, ông Phạm Ngọc Thức cho rằng, đối với những vùng sản xuất mang tính mùa vụ như cà rốt ở Hải Dương, rất cần có các kho lạnh để kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm, điều này vừa giúp giảm áp lực tiêu thụ vừa giúp DN có nguồn nguyên liệu để chế biến quanh năm. “Như thời điểm này, chúng tôi không có sản phẩm rau màu gì để chế biến vì không phải mùa vụ” – ông Thức cho biết.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, đối với những vùng sản xuất có tính chất mùa vụ cần thiết phải xây dựng các kho bảo quản nhằm kéo dài chu kỳ, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương cần có chính sách khuyến khích DN đầu tư công nghệ để chế biến sâu, tập trung vào các sản phẩm chủ lực để nâng cao giá trị gia tăng thay vì chủ yếu là xuất sản phẩm tươi như hiện nay.
Theo Danviet
Sơn La: Xuất khẩu 82.000 tấn nông sản, kim ngạch trên 84 triệu USD
Cùng với việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, sản phẩm nông nghiệp sạch và liên kết theo chuỗi, tỉnh Sơn La còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã xuất khẩu trên 82.000 tấn nông sản các loại, giá trị đạt trên 84 triệu USD.
Đến nay, toàn tỉnh Sơn La đã có 16 sản phẩm xuất khẩu sang thị trường 15 nước như: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, ÚC, Anh, ASEAN, EU...
Trong đó, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng nông sản, sản phẩm trái cây xuất khẩu như xoài, nhãn, thanh long, chanh leo, chuối, mận hậu... đạt trên 11.600 tấn; nông sản chế biến và các loại nông sản khác như chè khô, cà phê, tinh bột sắn, đường, cao su, rau... đạt trên 71.000 tấn. Tổng sản lượng đạt trên 82.000 tấn, giá trị đạt trên 84 triệu USD.
Đoàn công tác Trung ương và tỉnh Sơn La tham một số mô hình trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGap tại huyện Mai Sơn.
Để đạt được kết quả trên, thời gian qua tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, sản phẩm nông nghiệp sạch và liên kết theo chuỗi tỉnh Sơn La còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước; gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ đồng bộ trên cả 3 thị trường (trong tỉnh, trong nước, xuất khẩu). đặc biệt là đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tiêu thụ tại thị trường nhiều nước trên thế giới.
Nông sản Sơn La được quảng bá, giới thiệu tại nhiều hội chợ thương mại trong và ngoài nước.
Sơn La đã ban hành chính sách hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), hộ nông dân trong sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khâu chọn giống, lai ghép, chăm sóc, thu hoạch, thực hiện hiệu quả quy trình sản xuất an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Chanh leo xuất khẩu.
Ở tỉnh miền núi này, các HTX được khuyến khích phát huy vai trò làm cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp. Nhờ đó đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Nhãn một trong những sản phẩm Sơn La kỳ vọng sẽ xuất khẩu với số lượng lớn.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Những năm gần đây, diện tích và sản lượng cây ăn quả của tỉnh Sơn La tăng nhanh, đến năm 2019 diện tích đạt trên 62.000 ha, dự kiến sản lượng trên 400.000 tấn. Để thực hiện tốt chủ trương gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, đảm bảo yêu cầu sản xuất bền vững.
Thời gian vừa qua, tỉnh Sơn La tập đã trung thực hiện các giải pháp như: Xây dựng vùng sản xuất gắn với quy trình sản xuất an toàn, nhân rộng các loại giống chất lượng gắn với yêu cầu dải vụ; đẩy mạnh phát triển các HTX gắn kết với các hộ sản xuất và doanh nghiệp trong tiêu thụ và xuất khẩu; tập trung vào xây dựng các chuỗi giá trị và thương hiệu sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng.
Ngày hội quảng bá sản phẩm nhãn đến với người tiêu dùng tại huyện Sông Mã.
Đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 68 mã số vùng trồng cây ăn quả, nhãn, xoài, thanh long, với tổng diện tích đã được cấp mã 3.290 ha, sản lượng trái cây đạt 47.390 tấn. Hiện có 54 chuỗi sản phẩm (trong đó có 32 chuỗi quả, 15 chuỗi rau an toàn, 2 chuỗi thịt lợn, 1 chuỗi sản xuất mật ong, 4 chuỗi thủy sản.
Đến nay, Sơn La đã có 18 sản phẩm nông sản, thực phẩm có thương hiệu và đang tiếp tục xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm nông sản thế mạnh tại các địa bàn.
Sản phẩm xoài đóng bao bì chuẩn bị phục vụ xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Xuất khẩu là hoạt động đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế xã hội, luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm. Việc đẩy mạnh xuất khẩu đã góp phần giải quyết bài toán đầu ra của sản phẩm, tạo tâm lý an tâm cho người nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Theo Danviet
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Nông sản Việt dễ bị mượn tên? Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú lo ngại, những diễn biến căng thẳng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn tới hàng thủy sản Trung Quốc sẽ được ghi sai nhãn thành xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm của Việt Nam, thậm chí...