[Chế biến] – Món ăn vào thu
Thời điểm giao mùa, đặc biệt là tiết lập thu, luôn mang lại cho tôi niềm cảm hứng mới khi vào bếp. Thời tiết dần thay đổi, những sản vật mới cũng dần xuất hiện, đầy sắc màu và hương vị.
Nhắc đến mùa thu thì không thể không kể đến cốm Hà Nội. Ngoài việc ăn kèm với chuối tiêu, cốm còn được dùng để nấu chè hay làm những viên chả thật ngon cho bữa ăn hàng ngày.
Hoặc, để đổi bữa, bạn có thể thử món bánh trôi với vỏ làm bằng bột nếp và khoai lang (thay vì công thức tuyền gạo nếp) – cách làm này khiến vỏ bánh mềm hơn. Món này tôi học được từ những ngày rong ruổi bên Malaysia…
Và khi tiết trời bớt nóng cũng là lúc cơ thể cần những món ăn có hương vị ấm nóng hơn một chút. Hãy nấu món canh nấm nước dừa kiểu Thái cho gia đình nhé. Nước canh ngầy ngậy, thơm mùi dừa và sả, hơi cay cay… ăn rất vào cơm đấy!
Bánh trôi vỏ khoai lang
Nguyên liệu (cho 2-3 phần ăn)
160g bột nếp 10g bột năng 120g khoai lang
150g nước 100g đường phên, cắt miếng nhỏ cỡ 0,5cm 150g cùi dừa bào nhỏ
Muối
Cách làm
- Hấp cách thủy cùi dừa trắng với 1/8 thìa cà phê muối trong khoảng 10 phút.
- Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng nhỏ. Hấp khoảng 10 phút cho khoai chín mềm, lấy ra, nghiền nhuyễn.
- Trong một bát/tô to, trộn đều bột nếp, bột năng và khoai lang, từ từ thêm nước, nhào kỹ đến khi khối bột đồng nhất. Dùng tay thử bột, nếu thấy khô có thể cho thêm nước, hoặc cho thêm bột nếu hỗn hợp quá ướt.
- Viên bột thành những khối tròn nhỏ (khoảng 10g), ấn dẹt và đặt viên đường vào giữa, vê tròn lại. Làm như vậy cho đến khi hết chỗ bột.
- Đun nước sôi, thả các viên bột vào nồi. Đun trên bếp lửa trung bình đến khi viên bột nổi đều trên mặt nước, để thêm khoảng 1-2 phút thì dùng muôi thủng vớt ra.
Video đang HOT
- Lăn đều các viên bột lên mặt dừa nạo, xếp ra đĩa, dùng khi bánh còn ấm.
Canh nấm vị dừa kiểu Thái
Nguyên liệu (cho 2-3 phần ăn)
2 lon nước cốt dừa 10 nhánh mùi ta
6-7 củ sả 3 củ hành khô 2-4 quả ớt cay (tùy ý)
50g riềng 50g đường
12 lá chanh 1 vốc tay đầy nấm cúc trắng 4 củ tỏi
Nước cốt 2 quả chanh xanh 3 thìa canh nước mắm 250ml nước
Cách làm
- Rau mùi rửa sạch dưới vòi nước, cắt và để riêng phần rễ và lá. Sả cắt bỏ phần lá xanh, giữ phần củ trắng, rửa sạch, đập giập. Hành khô bóc vỏ, thái mỏng. Riềng rửa sạch, gọt vỏ, giã nhỏ. Lá chanh xé thành những miếng nhỏ. Nấm thái lát. Tỏi bóc vỏ, đập nhỏ.
- Lấy nồi đun sốt cỡ nhỡ, đổ nước cốt dừa, thả rễ mùi, sả, hành, ớt, riềng, đường, lá chanh và tỏi vào. Đun trên bếp lửa trung bình đến khi sôi lăn tăn thì hạ nhỏ lửa, đậy nắp và để liu riu trong khoảng 15 phút.
- Đổ hỗn hợp qua rây lọc vào một nồi khác và loại bỏ phần bã. Cho nấm, nước cốt chanh, nước mắm, và nước vào đun cho sánh lại. Lưu ý không để sôi bùng. Thêm gia vị vừa ăn và rắc lá mùi thơm, vài lát ớt, lá chanh thái nhỏ. Dùng ngay với cơm trắng.
Nguyên liệu (cho 2-3 phần ăn)
250g giò sống (mọc) 150g thịt xay 100g cốm tươi
1 thìa canh nước mắm ngon
Hạt tiêu Lá sen tươi
Cách làm
- Trộn giò sống và thịt xay cùng với nước mắm và hạt tiêu cho thật đều.
- Vẩy một ít nước vào hạt cốm cho mềm bớt rồi cho cốm vào hỗn hợp giò sống trộn đều.
- Nặn thành viên nhỏ, dẹt, tròn đều khoảng 4cm.
- Đặt các viên chả lên mặt lá sen và đem hấp. Công đoạn hấp giúp chả giữ được độ ngọt và khi chiên không bị ra nước. Hấp khoảng 15 phút đến khi chả chín thì lấy ra bát.
- Chiên chả trong chảo ngập dầu cho vàng đều rồi lấy ra, cắt miếng vừa ăn. Chả cốm ăn cùng với cơm hay bún đều ngon.
Theo Tapchiamthuc
Những món ăn đường phố khi Hà Nội vào thu
Mỗi độ thu sang, trên khắp các con phố Hà Nội lại tấp nập gánh những gánh cốm, chè xôi, chè cốm thoang thoảng trong hương hoa sữa nồng nàn.
Chè sắn nóng
Mùa thu, khi tiết trời se lạnh, bạn có thể gặp đâu đó trên những con phố Hà Nội, từng gánh hàng rong một bên là một chiếc nồi ủ trong chiếc chăn giữ ấm, bên gánh bên kia là bát đĩa, và những thứ linh tinh để phục vụ cho một món ăn đường phố.
Chè sắn có màu rất giản dị, nâu nhè nhẹ, hơi quánh lại, những miếng sắn cắt vuông vức hình bao diêm, một món ăn chân quê nhưng rất nhiều người ưa thích. Điểm đặc biệt của món chè sắn này chỉ ăn nóng, để cảm nhận vị ngọt của đường, vị cay cay của vị gừng tươi quyện với mùi thơm của sắn, quấn quýt nơi đầu lưỡi.
Chè có màu rất giản dị, nâu nhè nhẹ, hơi quánh lại, những miếng sắn cắt vuông vức hình bao diêm, một món ăn chân quê nhưng rất nhiều người ưa thích.
Chẳng biết từ khi nào, cứ vào độ thu sang, giới trẻ lại truyền tai nhau món chè sắn trên phố Lý Quốc Sư. Không cầu kỳ, người ăn sà xuống, quây quần bên nồi chè nóng, những miếng sắn dẻo quyện với nước dùng chế từ bột đao đặc sánh, cho vào miệng như muốn tan chảy.
Cũng có nơi, người bán cho thêm chút cốt dừa, hay những sợi dừa trắng tinh nạo sợi nhỏ, điểm tô lên bát chè màu nâu óng, để cảm nhận được vị bùi béo và hương thơm đặc trưng của sắn.
Bánh trôi tàu
Có lẽ với người Hà Nội, bánh trôi tàu không phải là món ăn lạ lẫm. Không ai không biết đến món bánh trôi tàu nóng của nghệ sĩ Phạm Bằng trên phố Hàng Giầy. Quán dường như đông khách hơn khi những cơn gió heo may ùa về, người Hà Nội lại thèm một chút dư vị của loại bánh được làm bằng bột nếp, đậu xanh và chan thêm chút nước dùng bằng đường mật sóng sánh, thơm chút vị cay cay, thơm thơm của gừng. Rất tiếc, quán giờ không còn bán nữa mà không ai biết tại sao, nhưng mỗi khi đi qua đây, những người nào từng một thời nghiện đều có chút bâng khuâng.
Món bánh trôi tàu.
Gờ trên nhiều tuyến phố, những gánh hàng rong bán bánh trôi tàu cũng nhiều hơn. Khi khách yên vị trên những chiếc ghế nhựa trên vỉa hè, người bán hàng mới múc ra bát, để món bánh luôn nóng hổi, tỏa ra mùi thơm của gừng, của mật. Một viên có nhân đậu xanh nhuyễn xào dừa, một viên lại có nhân vừng đen, thơm bùi, hòa quyện trong bát nước màu nâu nhạt với nước cốt dừa ngầy ngậy đem lại một hương vị thật đặc trưng và quyến rũ.
Chè cốm
Có thể coi là một món ăn "đặc sản" của người Hà Nội khi thời tiết giao mùa. Mùi thơm cốm non, vị ngọt của đường cát đem lại cho bát chè hương vị thanh tao đến lạ.
Những người ghé qua Hà Nội vào tháng 9, không thể không thử món chè cốm thi vi, đặc trưng cho nét tinh túy của ẩm thực Hà thành. Để nấu được một bát chè cốm không khó. Cốm được coi là "linh hồn" của bát chè, vì vậy việc chọn cốm phải rất cẩn thận, phải là cốm xanh non, thơm dẻo, nổi tiếng của làng Vòng. Cốm được làm từ nếp cái hoa vàng là ngon nhất, hạt to, đều.
Chè cốm luôn hấp dẫn những du khách khi ghé Hà Nội.
Một chút đường cát trắng được hòa cùng với nước, đun sôi rồi thả hạt cốm vào, thêm một chút bột năng đun cho đến khi sánh lại. Những hạt cốm xanh, mềm nở đều quyện thêm chút nước hoa bưởi hoặc va ni dậy mùi thơm. Còn gì thú vị bằng ngồi ngắm phố phường Hà Nội trong nắng thu dìu dịu, và thưởng thức món chè cốm ngọt nhẹ, để thấy cuộc sống thật thi vị.
Cốm xào
Cốm xào hấp dẫn thực khách ngay từ lần đầu thưởng thức với cảm giác dẻo quánh nơi đầu lưỡi, vị thơm thơm của cốm, hòa lẫn vị ngọt của đường và vị thơm ngầy ngậy của vài sợi dừa trắng tạo nên một món ăn hấp dẫn.
Vào mỗi độ thu sang, dường như góc bếp nhà ai cũng không thể thiếu được chút cốm nổi tiếng của làng Vòng. Chế món cốm xào cũng không hẳn cầu kỳ. Người ta hòa đường cát trắng vào chút nước trong chảo cho tan, khi đường sôi cho cốm vào đảo nhẹ, cho đến khi chảo cốm sền sệt, cả đường và cốm đều hòa quyện vào nhau. Nhưng quan trọng phải xào thật đều tay, để hạt cốm hơi ngả màu một chút.
Món cốm xào thơm mùi dừa non với hương vị đặc trưng.
Thêm chút dầu ăn để hạt cốm bóng bẩy, rắc một chút vừng rang vàng và ít dừa non bào sợi. Để nguội, cốm xào cũng có vị đặc trưng riêng, đĩa cốm quánh lại, nhấm nháp thêm cùng chén trà sen nóng, thấy vị ngọt lan tỏa trong miệng.
Theo Tapchiamthuc
[Chế biến] - Bánh trôi Hàn Quốc Bánh trôi nhà mình thì nhân mật ngọt nè, nhưng bánh trôi Hàn Quốc lại có nhân là các loại hạt đấy, bên ngoài lại còn bọc 1 lớp ca cao nữa, nói chung là cũng lạ lạ, hay hay. Nguyên liệu: - 250g bột gạo nếp - 3g muối ; 1 gói bột ca cao - Mật ong; Quả óc chó, hồ...