[Chế biến]-Mì lạnh Hàn Quốc
Mì lạnh Naengmyeon được biết đến là một món ăn truyền thống của Hàn Quốc, được nhắc đến khá nhiều trong sử ký của triều đại Joseon.
Mì lạnh Naengmyeon có hai loại:
- Mì lạnh Bình Nhưỡng có mì sợi làm bằng bột kiều mạch trộn thêm chút bột khoai tây hay khoai lang ăn với nước kimchi dongchimi lạnh hay nước thịt luộc để lạnh. Khi ăn, người ta cho thêm thịt lợn hay thịt bò luộc thái lát mỏng và trứng gà luộc, cũng có nơi ăn với thịt gà hay gà lôi luộc xé nhỏ.
- Mì lạnh Hàm Hưng có mì sợi làm bằng bột khoai tây hay khoai lang. Đây là sản phẩm nông nghiệp chính của khu vực này. Mì sợi loại này rất dai và dẻo. Trộn ăn kèm với gỏi cá đuối cùng tương ớt.
Ngày nay người Hàn Quốc gọi mì lạnh Bình Nhưỡng là mì lạnh nước còn mì lạnh Hàm Hưng là mì lạnh trộn.
Nguyên liệu: (dành cho 1 suất)
Nguyên liệu chính: 180g mì sợi Naengmyeon, 1/4 quả dưa chuột, 1g muối, 20g lê, 1/2 thìa cà phê đường kính, 20g củ cải.
Nguyên liệu pha chế gia vị: 1/4 thìa cà phê muối, 1/2 thìa cà phê đường kính, 1/2 thìa cà phê ớt bột, 1/2 thìa dấm và 1 quả trứng gà.
Nguyên liệu làm nước dùng: 50g gầu bò, 1/2 cây hành to hoặc vài nhánh hành hoa, 5 nhánh tỏi, 5 cốc nước.
Gia vị pha chế nước dùng: 1/4 thìa nước tương Ganjang, 1/2 thìa muối, 1 thìa đường kính, 1 thìa rưỡi dấm, 1 thìa cà phê mù tạt vàng.
Gia vị:
Sốt mù tạt vàng: 1 thìa mù tạt vàng, 1 thìa cà phê muối, 2 thìa đường kính, 3 thìa dấm, 3 thìa nước dùng ninh từ thịt bò.
Video đang HOT
Cách làm:
Bước 1
Ngâm thịt vào nước lạnh để thịt sạch máu. Sau đó, vớt ra và cho vào nồi nước cùng 5 nhánh tỏi, 1/2 cây hành to hay vài nhánh hành hoa luộc bằng lửa to trong khoảng 20 phút, rồi vặn nhỏ lửa đun lim rim thêm 40 phút nữa.
Vớt thịt luộc ra, để nguội rồi thái với kích cỡ dài 4 cm, rộng 2 cm và dày 0,2 cm. Nước luộc thịt lọc bằng một miếng vải sạch, lấy nước trong để nguội làm nước dùng. Nêm gia vị cho nước dùng.
Bước 2
Khi sơ chế dưa chuột thì dùng muối hạt tuốt sạch gai dưa, bổ đôi, thái chéo dày khoảng 0,2 cm rồi ngâm với nước muối trong vòng 20 phút. Sau khi ngâm, vớt ra dùng tay vắt kiệt nước.
Bước 3
Củ cải gọt bỏ vỏ, thái theo kích cỡ dài 5 cm, rộng 1,5 cm và càng mỏng càng tốt (dày khoảng 0,2 cm) rồi ngâm với 1/4 thìa cà phê muối, 1/2 thìa cà phê đường, 1/2 thìa cà phê ớt bột xay mịn và 1/2 thìa dấm trong 20 phút. Lấy 1/4 quả lê, gọt bỏ vỏ thái mỏng và ngâm vào nước đường.
Cho trứng gà vào nước lạnh với1/2 thìa cà phê muối, vừa đun vừa lăn tròn trong nước để lúc chín lòng đỏ trứng sẽ ở vị trí trung tâm. Trứng chín, ta vớt ra rồi thả vào nước lạnh, bóc vỏ rồi cắt trứng làm đôi.
Bước 4
Mì sợi luộc bằng nước sôi trong vòng 2-3 phút, cho thêm 1/2 thìa muối vào nồi nước luộc. Sau khi mì đã được luộc chín, ta đổ mì ra rổ, hứng rửa ngay dưới vòi nước lạnh đang chảy.
Bước 5
Cho ngay mì vào thau nước đá, vò nhẹ như giặt quần áo và vắt kiệt nước.
Bước 6
Lấy ngón cái và ngón trỏ cuộn mì thành từng nắm, cho vào giữa bát. Bên trên đặt dưa chuột, lê, củ cải đã sơ chế và thịt thái lát, rồi múc nước dùng lạnh đổ vào cạnh bát.
Chú ý:
- Khi chần thịt trong nồi luộc bằng lửa to, mở vung để khử mùi oi của thịt, sau đó mới đậy vung đun nhỏ lửa.
- Sau khi gọt bỏ vỏ của lê, thái mỏng và ngâm vào nước đường. Nếu không miếng lê sẽ bị thâm lại do tác động của không khí.
- Củ cải có tác dụng kích thích tiêu hóa. Nên khi ăn củ cải với mì kiều mạch, men tiêu hóa Amylaza có trong củ cải sẽ tác động tiêu hóa một cách tích cực.
Sau khi vớt ra mì lạnh, được ngâm vào nước đá, mì sẽ trở nên cứng hơn và giữ được lâu hơn.
Cho thêm vào dấm và mù tạt vàng trong nước dùng tùy theo khẩu vị.
Theo ngôi sao
Thịt lợn muối chua ăn nhiều không ngấy
Ngày thường gia đình người Mường nào cũng có vài ống thịt chua, nhưng dùng phổ biến nhất vẫn là dịp có khách đến chơi nhà. Món ăn bình dị đã trở thành niềm tự hào của người dân xứ Mường (Thanh Sơn, Phú Thọ).
Ấn tượng ban đầu khi khách tới nhà là được người dân địa phương nơi đây bê ra một mâm thịt lợn muối chua và một rổ lá, khi ăn phải dùng tay cuộn lá với thịt. Khách phương xa tới chơi cũng không thật khó đoán ra được đây là món ăn truyền thống của người dân địa phương nơi đây.
Thịt chua Thanh Sơn được làm từ hai nguyên liệu chính: thịt lợn và thính gạo. Thịt lợn dùng để làm món thịt chua phải là loại lợn lửng của người Mường. Loại lợn này thường chỉ nặng 15-30kg, thịt ít mỡ và rất thơm. Lợn lửng của người Mường nuôi tự nhiên, quanh năm được thả rông ăn củ và trái cây rừng ngoài rừng nên thịt rất săn chắc và ít mỡ.
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, lợn sau khi làm thịt được treo lên cho ráo kiệt nước. Lòng, thủ, chân được cắt ra để riêng, toàn bộ xương được rút hết. Thịt ráo được đem thái nhỏ từng lát rồi ướp muối và gia vị để có vị đậm đà. Nếu muốn thịt chua nhanh thịt có thể đem luộc tái rồi mới đem thái.
Với món thịt chua, việc làm thính tuy đơn giản nhưng rất quan trọng, quyết định sự khác biệt và tạo nên vị chua cho thịt. Để làm thính người ta đem gạo rang vàng lên, sau đó giã thật nhỏ và trộn đều với thịt.
Công đoạn ủ thịt chua cũng cần đến đôi tay khéo léo và kinh nghiệm của người chế biến. Công đoạn này có thể mất 10 ngày tới nửa tháng. Thịt chua được cho vào những ống tre to, dưới đáy và đầu miệng ống bắt buộc phải có vài lá ổi hoặc lá sung đã rửa sạch. Sau đó thịt được lèn chặt bằng những nẹp tre gài chéo nhau.
Tiêu chuẩn của thịt lợn muối chua là phải giữ được màu sắc tươi của thịt, màu vàng ươm của thính gạo rang ôm chặt lấy từng miếng thịt trông hấp dẫn. Đặc biệt, thịt lợn muối chua Thanh Sơn để lâu vẫn không bị mất màu mà vẫn giữ nguyên được hương vị.
Thưởng thức hương vị thịt chua mới thấy hết cái tài của người dân tộc Mường nơi đây. Mùi vị không lẫn với bất kỳ món ăn nào khác. Cái vị bùi của thịt, giòn giòn của bì, chua chua của thính gạo lên men cùng vị chát lá sung, lá ổi, cay cay của tương ớt, ăn mãi mà không biết ngấy.
Trong những ngày nắng nóng, món thịt chua chín tới ăn kèm với lá sung chấm tương, nhấm nháp cùng chút rượu ngô thì không gì sánh bằng. Và đọng lại trong mỗi du khách sau khi thưởng thức hương vị thịt chua không chỉ là âm vị của món ăn mà còn là cái tình của người dân xứ Mường gửi đến khách du lịch gần xa.
Theo TT
Những món ăn quyến rũ của đất nước Tây Ban Nha Ẩm thực Tây Ban Nha rất đa dạng, độc đáo. Bởi lẽ đó, để có thể thưởng thức được hết tất cả các món ăn ở Tây Ban Nha có lẽ bạn phải mất cả một cuộc hành trình dài trên đất nước được mệnh danh là "Xứ sở bò tót này". Và hãy nhớ, người Tây Ban Nha sẽ nói "Buen provecho!"...