[Chế biến] – Mẹo làm chà bông ngon
Làm chà bông không khó, chỉ cần áp dụng theo những bước dưới đây, bạn sẽ có được món chà bông ngon và hợp khẩu vị.
Chà bông (hay còn được gọi là ruốc) là một món ăn sẵn vô cùng tiện lợi. Buổi sáng, ấm lòng khi có chén cháo trắng lá dứa ăn kèm chà bông, lỡ bữa thì chén cơm nguội với miếng chà bông cũng qua ngày. Với những bé còn ăn cháo, cháo chà bông với rau củ là một món ăn lạ miệng và bổ dưỡng cho bé.
Khéo léo và sáng tạo một chút nữa, bạn có thể đưa chà bông vào nhiều món ăn khác để tạo thêm hương vị và hình thức hấp dẫn như: rau cần trộn dầu giấm chà bông, cơm/xôi cuộn chà bông, bánh bông lan trứng muối chà bông…
Chà bông làm sẵn hiện đang được bán nhiều trên thị trường. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu tự làm lấy ở nhà, vì như vậy bạn sẽ yên tâm khi kiểm soát được vấn đề vệ sinh thực phẩm và có được thành phẩm hợp khẩu vị. Bạn không phải lo đâu vì làm chà bông cũng rất đơn giản.
Bạn có thể chọn thịt heo hoặc gà. Chà bông làm từ thịt heo và chà bông làm từ thịt gà đều ngon và cách làm cũng tương tự nhưng chà bông thịt heo thì phổ biến hơn. Thịt heo làm chà bông là thịt thăn (thịt cốt lết bỏ xương), chọn phần cứng, thịt chắc (phần mềm chỉ dùng cho món nướng, hay ram). Thường 1kg thịt thì làm được khoảng 300-400g chà bông.
Tuy nhiên, nếu làm để ăn trong gia đình, bạn không nên làm nhiều một lần vì công đoạn xé thịt và sao thịt rất mất thời gian, chỉ nên làm mỗi lần một ít khoảng 300g thịt cho khoảng 100g chà bông thành phẩm.
Sơ chế
Thịt mua về lóc bỏ phần mỡ thừa, phần da bên dưới rồi rửa sạch với nước muối. Để có được những sợi chà bông dài bạn nên cắt thịt thành miếng to hình chữ nhật theo chiều dọc.
Đặt một nồi nước sôi, cho thịt vào luộc sơ trong khoảng 2-3 phút, vớt thịt ra, rửa sơ lại với nước lạnh rồi để ráo. Ướp thịt với 4,5 muỗng canh nước mắm ngon và 1/2 muỗng cà phê đường trong 30 phút cho thịt thấm.
Ram thịt
Phi vàng 3-5 củ hành xắt mỏng, khi hành đã vàng, vặn bếp nhỏ lửa vớt củ hành ra (dùng cho món ăn khác) cho thịt heo cùng phần nước ướp vào chảo dầu đã phi hành rồi ram thịt cho đến khi phần nước thấm hết vào miếng thịt, tắt bếp. Với cách làm này, chà bông sẽ thơm ngon hơn là chỉ kho thịt với nước mắm.
Video đang HOT
Đập và xé thịt
Ngay lúc thịt vẫn còn nóng, (nếu để nguội thịt sẽ cứng lại), dùng dụng cụ đập thịt đập nhẹ nhiều lần cho sớ thịt tơi ra. Nếu không có dụng cụ này, có thể dùng chày. Đập xong, dùng tay xé thịt thành từng sợi nhỏ, lưu ý là không cần xé thịt vụn.
Sau khi thịt tơi hoàn toàn bạn có thể ăn thử xem độ mặn đã được chưa, nếu nhạt có thể nêm thêm chút mắm cho vừa khẩu vị.
Sao thịt
Cho thịt vào một cái chảo sạch (đáy bằng, dày càng tốt, không sử dụng chảo chống dính), bắc lên bếp với lửa thật nhỏ rồi dùng đũa sao thịt cho đến khi thịt khô. Lưu ý là để lửa thật nhỏ, nếu không thịt sẽ cháy sém. Công đoạn này sẽ mất khoảng 30-45 phút và không thể nhanh hơn.
Chà bông
Sau khi sao khô, thịt trong quá trình được đảo trong chảo đã bông lên một phần do đó bạn đã có thành phẩm chà bông và đã dùng được. Tuy nhiên, chà bông lúc này vẫn còn cứng.
Muốn chà bông ngon hơn, mềm hơn, bạn có thể dùng 5 đầu ngón tay sạch bốc từng nhúm thịt đã sao khô chà đi chà lại nhiều lần lên mặt trong của một cái rổ tre hoặc bất kỳ dụng cụ nào có dạng đan lưới càng khít càng tốt. Khi chà như vậy, bạn sẽ thấy thịt được bông lên không khác gì bông gòn nên ăn sẽ rất mềm.
Nếu không có thời gian, bạn cũng có thể làm cho thịt bông lên và mềm (dĩ nhiên là không bông bằng lúc chà lên rổ) bằng cách ngay trong quá trình sao thịt, thay vì dùng đũa, khi thịt còn ướt, bạn hãy dùng một cái vá dẹt bằng gỗ chà xát thịt nhiều lần xuống đáy chảo. Như vậy, sớ thịt cũng sẽ bông lên rồi cuộn lại từng sợi nên cho ra thành phẩm chà bông cũng rất đẹp và mềm.
Ngoài ra, sau khi thịt được sao khô, bạn có thể dùng máy xay cầm tay để xay. Cho từng ít thịt vào chén/tô và bật máy chạy vài giây là thịt sẽ bông, mềm, rất phù hợp cho người lớn tuổi và em bé.
Chà bông làm xong để thật nguội rồi mới cho vào hủ đậy nắp kín và bảo quản ở nhiệt độ phòng. Nếu dùng lâu thì nên trữ trong ngăn mát tủ lạnh để tránh mốc.
Theo PNO
Đến Vũng Tàu thưởng thức bánh bông lan trứng muối
Tọa lạc trên con đường Nguyễn Trường Tộ, quán bánh ở thành phố biển nổi bật và gây tò mò với nhiều người đi đường bởi câu khẳng định "Không ngon miễn trả tiền"
Từng là món ăn vặt "làm mưa làm gió" trong giới trẻ và chị em văn phòng Sài Gòn vài năm trước, hiện nay, cơn sốt bánh bông lan trứng muối đã lan ra tận Hà Nội. Tuy nhiên, ít ai biết, món ăn lạ miệng và có cái tên rất hấp dẫn này lại có xuất xứ từ thành phố biển Vũng Tàu.
Vì mặn mặn, bùi bùi của trứng muối hòa cùng vị thơm ngậy của bánh bông lan khiến không ai nếm món bánh này mà không bị "đốn tim" ngay từ lần đầu tiên. Hơn nữa, giá cho một chiếc bánh nho nhỏ này chỉ tầm 2.000 - 3.000 nghìn đồng khiến bông lan trứng muối càng là món ăn hợp lý cho các chị em dân văn phòng hay giới trẻ và khách du lịch nhấm nháp mỗi buổi chiều.
Bánh bông lan trứng muối được bán dọc khắp các con đường lớn của thành phố biển Vũng Tàu tuy nhiên, một địa chỉ nổi tiếng vẫn được nhiều dân Vũng Tàu rỉ tai nhau, đó chính là cửa hàng bánh bông lan trứng muối có cái tên khá ngộ nghĩnh "Gốc cột điện".
Tọa lạc trên con đường Nguyễn Trường Tộ, quán bánh bông lan trứng muối này nổi bật và gây tò mò với nhiều người đi đường bởi câu khẳng định "Không ngon miễn trả tiền". Tò mò bước vào mua thử, mình như hoa mắt với hàng trăm chiếc bánh bông lan trứng muối nhỏ nhỏ, xinh xinh màu vàng ươm như những chú gà con đang nằm trong giỏ chờ tay chủ quán thoăn thoắt xếp vào hộp cho khách.
Những chiếc bánh bông lan vàng ươm đầy mời gọi
Mới sáng sớm nhưng lượng bánh bán được đã khá nhiều do khách du lịch đến mua làm quà.
Ngay bên cạnh đó, một khu bếp chế biến bánh được đặt ngay gần cửa để khách hàng có thể trực tiếp chứng kiến qui trình làm bánh. 2 cô thợ làm bánh luôn tay múc từng thìa bột bánh đổ vào từng khuôn nướng nho nhỏ như khuôn đổ bánh khọt rồi nướng trực tiếp trên bếp than đỏ hồng. Chỉ 5 phút là đã có một mẻ bánh mới ra lò.
Cầm trên tay một miếng bánh bông lan trứng muối mới nướng cắn nhẹ, mùi thơm bơ trứng lan tỏa khắp miệng, bánh vừa béo ngậy lại vừa có vị ngọt mặn hòa quyện vô cùng thú vị. Nếu "điệu" thêm một chút, thực khách có thể bỏ thêm 5 nghìn đồng là đã có một hộp bánh bông lan trứng muối kèm cả ruốc (chà bông) thịt heo.
Giỏ đựng những viên trứng muối được luộc chín, cắt làm tư nhìn vô cùng bắt mắt.
Bột bánh bông lan cũng được làm theo công thức đơn giản: bột mì trứng bơ sữa đường... nhưng lại rất thơm và xốp
Khuôn nướng bông lan là những vỉ nhỏ có rãnh tròn trông như khuôn đổ bánh khọt.
Bánh nướng ngay trên bếp ngoài đường để thực khách có thể thoải mái quan sát.
Bánh sắp chín người thợ mới nhanh tay bỏ trứng muối lên trên.
Mùi thơm của bơ và sữa khiến không ai có thể kiềm lòng.
Bà chủ tiệm bánh tự hào cho biết cửa hàng đã là cơ sở bánh bông lan trứng muối có mặt đầu tiên tại Vũng Tàu từ năm 1968. Các nguyên liệu ở đây đều được bà tuyển chọn vô cùng kỹ càng, thậm chí cả ruốc (chà bông) ăn kèm cũng do bà một tay tự làm. Tại tiệm bánh này còn có món bánh kẹp cũng rất được thực khách ưa chuộng.
Bên cạnh hải sản tươi sống, bánh khọt, mứt hạt bàng, cá thu một nắng,... bánh bông lan trứng muối đang trở thành một đặc sản không ai không biết ở Vũng Tàu. Một hộp bánh bông lan trứng muối chỉ 25.000 nghìn đồng cho 10 chiếc và 30.000 cả ruốc (chà bông) sẽ là món quà lý tưởng cho bất cứ khách du lịch nào muốn mua chút kỷ niệm Vũng Tàu về cho người thâm và gia đình.
Bà Út Xứ khoe hộp ruốc chà bông do chính nhà tự làm.
Bông lan trứng muối sẽ là món quà lý tưởng cho bất cứ khách du lịch nào muốn mua chút kỷ niệm Vũng Tàu về cho người thâm và gia đình
Theo Eva
Bánh mì ngon và đông nhất Sài Gòn Phải chờ khá lâu để có được một ổ bánh mì với giá bán lên đến 30.000đ/ổ, điều đó chắc chỉ có thể xảy ra ở xe bánh mì Huỳnh Hoa trên con đường nhỏ Lê Thị Riêng ở quận 01. Nghịch lý, nhưng cũng phần nào phản ảnh sức hấp dẫn của ổ bánh mì nức tiếng mà nhiều người quen gọi...