[Chế biến] – Khô trâu món ngon cho dân nhậu đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất không những cá tôm hào sảng mà còn dồi dào về gia súc gia cầm. Do đó, ngoài cá thịt tươi sống bà con còn chế biến ra nhiều món ngon vật lạ như khô cá, khô lươn, khô rắn, khô bò… và còn có cả khô trâu.
Đặc biệt, khô trâu từ lâu đã có một sức hấp dẫn lạ kỳ nhờ thịt ngon, ngọt và bổ dưỡng không thua gì thịt bò. Theo Đông y, thịt trâu mát, hiền, ăn thường xuyên có thể trị được bệnh tê thấp. Do đó, nhiều quán ăn, quán nhậu bình dân đã chế biến thịt trâu thành nhiều món ăn dân dã, tuy đậm chất quê mùa nhưng không kém phần cầu kỳ, tinh tế, chẳng hạn như khô trâu, trâu luộc mẻ, trâu hầm sả, trâu trộn gỏi…
Thật ra, khô trâu chỉ mới có mặt trên thị trường từ chín mười năm nay, phổ biến nhất là ở Thạnh Trị (Sóc Trăng), Giá Rai (Bạc Liêu), Tân Hồng (Đồng Tháp), Cà Mau…
Khô trâu đang phơi
Khô trâu sau khi nướng chín
Cách làm khô trâu cũng giống như khô bò nhưng muốn cho miếng khô thơm, ngon, mùi vị hấp dẫn, người làm phải chọn cho được thịt đùi, đùi sau càng tốt rồi thái (lóc) bỏ hết gân trước khi đem xắt thành lát nguyên vẹn, dầy khoảng 1,5 cm. Kế đến là khử tanh thịt với gừng, rượu trắng, muối. Xong đem ướp sả, tỏi, ớt bằm nhuyễn hoặc giã nát, trộn thêm ít muối cho thấm độ 30 phút trước khi đem phơi nắng và thường xuyên trở bề. Nắng càng tốt thịt càng ngon. Bình quân cứ 3 kg thịt tươi có thể làm được 1 kg khô, do đó giá khô phải cao gấp ba lần giá thịt.
Video đang HOT
Nếu phơi một nắng đem nướng ăn liền gọi là khô một nắng. Khô trâu một nắng rất thơm ngon, mềm và ngọt dịu. Còn như phơi nhiều nắng gọi là khô trâu, có thể bảo quản ăn cả tháng mà chất lượng vẫn không thay đổi.
Muốn cho thịt ngon, mềm chúng ta nên đem khô ngâm nước độ 5 phút, sau đó đem nướng trên bếp than hồng và trở qua trở lại cho đến khi nghe tiếng nổ lách tách, mùi thơm bốc lên nức mũi, lúc đó khô đã chín đều. Xong, chúng ta dùng chày đâm tiêu dần (đập ) cho miếng khô tơi ra. Đập càng mạnh, sớ khô càng mềm và dễ nhai.
Sớ thịt trâu to hơn sớ thịt bò nhưng thơm và ngọt đậm hơn. Món này ngon nhất là xé nhỏ ra, chấm với nước cơm mẻ chua cay hoặc nước mắm me chua – cay – ngọt. Thưởng thức món khô trâu hãy nhai từ từ và nuốt chậm chậm mới có thế mới cảm nhận hết hương vị đậm đà và quyến rũ của nó.
Khô trâu, ngoài món nướng ra còn có thể chế biến thành món gỏi khô ngon đáo để. Muốn làm món này, người ta xé khô nướng ra thành miếng nhỏ rồi trộn chung với đu đủ bào, cho thêm giấm, ớt, đường, đậu phọng đâm nhỏ, đặc biệt là rau răm để nguyên lá sẽ giúp cho món gỏi vừa nồng, vừa thơm tuyệt hảo.
Khô trâu có thể dùng trong các bữa cơm, cũng có thể biến thành món nhậu có “thương hiệu”. Khác hơn khô bò, khô trâu rất hiền, nhiều đạm nhưng ít cholesterol. Vì vậy mà thị trường hiện nay tiêu thụ rất mạnh, làm không đủ bán.
Theo VNE
Bún chả cá
Vừa xuống máy bay, cô bạn xa quê lâu ngày đã vội vã hối thúc tôi: "Dắt ta đi ăn bún chả cá! Nhớ, thèm quá xá rồi". Dù không đi xa quê lâu ngày như bạn, nhưng nghe nhắc đến bún chả cá, vị giác của tôi cũng bị kích thích dữ dội, cứ như là lâu ngày lắm không được thưởng thức món ăn đặc sản này.
Bún chả cá - món ăn vô cùng phổ biến ở Đà Nẵng. Sẽ vô cùng dễ dàng bắt gặp một quán bún chả cá để ăn bữa sáng, buổi trưa, thậm chí buổi tối. Từ những quán bún sang trọng đến bình dân, thậm chí những quán vỉa hè đều lúc nào cũng nườm nượp khách. Bún chả cá hút khách, không chỉ bởi đây là món ăn gần gũi, mà bởi nó rất kích thích vị giác của người dùng, nên có thể ăn hoài mà không biết chán. Là món ăn quen thuộc với người dân địa phương bởi hợp khẩu vị, bún chả cá cũng vô cùng hút du khách các nơi khi đến tham quan du lịch tại đây.
Chả cá được làm bằng cá tươi rói từ vùng biển Đà Nẵng, vị ngọt, thanh. Cá mối, cá nhồng, cá thu hay được chọn để làm chả. Để có chả ngon, người ta lóc thịt cá, trộn với tỏi, ớt, tiêu, bột ngọt, chút muối cùng da heo xay nhuyễn. Sau đó quết thật đều tay, đến khi tất cả thành một khối đồng nhất. Lúc này, cá đã xay được chia thành từng mảnh nhỏ, mỏng, hoặc từng viên tròn, vừa miệng, cho vào chảo dầu chiên vàng. Một phần khác đem cho vào khuôn để hấp cách thủy, khi ăn sẽ cắt nhỏ thành từng miếng.
Xong phần chả là đến công đoạn nấu nước bún, thường dùng xương cá hầm cho ngọt nước. Sau khi hầm xong, lọc lấy nước trong, cho thêm các loại củ quả như: bí đỏ, bắp cải, thơm, cà, măng nấu nhừ lên, cho thêm một ít màu dầu. Khi tất cả các loại củ quả vừa chín tới, thì nêm nếm gia vị. Loại gia vị không thể thiếu khi nấu món bún chả cá đó chính là mắm ruốc. Để nêm đúng cách, thì mắm ruốc phải được khuấy trong nước lạnh, sau đó để lắng cặn xuống, lọc lấy phần nước trong bên trên. Khi nồi nước bún đang sôi sùng sục, thì cho nước ruốc vào, nước sẽ vô cùng ngọt mà không có vị tanh của ruốc.
Khi có khách vào quán thì chủ quán mới lấy chả cá đã chiên hoặc hấp cho vào nồi nước, chừng 2 phút đợi cho chả nóng, ngấm nước thì múc ra tô. Tô bún thường có một chút thơm, cà chua, bắp cải, măng, hành lá và những lát chả cá hấp dẫn. Khách ăn kèm với rau sống gồm giá, rau thơm, xà lách. Hầu hết các quán bún chả cá ở Đà Nẵng đều giã sẵn một chén tỏi, ớt cùng một hũ mắm ruốc để phục vụ khách. Phải thêm một chút tỏi, ớt và mắm ruốc vào tô thì tô bún mới có thể ngon trọn vẹn.
Theo Thanhnien
Khô trâu món ngon cho dân nhậu Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất không những cá tôm hào sảng mà còn dồi dào về gia súc gia cầm. Do đó, ngoài cá thịt tươi sống bà con còn chế biến ra nhiều món ngon vật lạ như khô cá, khô lươn, khô rắn, khô bò... và còn có cả khô trâu. Đặc biệt, khô trâu từ lâu đã...