[Chế biến]- Đãi cả nhà món chè ba màu ngon tuyệt!
Món chè với tên gọi dễ nhớ: chè 3 màu – với đặc trưng của 3 màu của đậu, đậu đỏ, đậu trắng và đậu xanh. Khi trộn đều lên, các loại đậu ăn mềm, bùi, quyện với đậu xanh và nước cốt dừa ăn béo béo.
Nguyên liệu:
300gr đậu đỏ
300gr đậu trắng
150gr đậu xanh đã cà vỏ
25gr rau câu bột
300gr đường cát trắng
Tinh dầu lá dứa hay phẩm màu xanh
1 lon nước cốt dừa
1 thìa cà phê bột bắp
1 /2 thìa cà phê muối
2 thìa cà phê đường.
Cách làm:
Đậu đỏ, đậu trắng, đậu xanh đãi sạch, nhặt bỏ những hạt nổi và hạt xấu. Đổ riêng từng loại đậu vào 3 thố khác nhau, ngâm qua đêm.
Ngày hôm sau đổ nước lạnh xâm xấp mặt đậu xanh, đun lửa nhỏ đến khi đậu mềm thì thêm khoảng 50gr đường cát trắng. Vì đậu xanh sẽ trộn với hỗn hợp chè đậu khác ngọt hơn nên không cần phải thêm nhiều đường.
Đun đến khi đậu mềm thì chờ đậu nguội bớt, đổ vào máy sinh tố xay mịn.
Đổ đậu ra thố, để nguội hẳn rồi cất vào ngăn mát tủ lạnh.
Đậu đỏ ngâm mềm, cho vào nồi, đổ nước lạnh ngập mặt đậu, đun sôi.
Nếu có nồi ủ (thermo pot) thì bạn đổ đậu vào nồi, đun sôi từ 10 – 15 phút rồi đặt vào nồi ủ, đậy kín nắp. Để từ khoảng từ 3 – 4 tiếng rồi lấy ra, đậu sẽ mềm. Nếu không có nồi ủ bạn có thể dùng nồi áp suất.
Video đang HOT
Khi đậu mềm bạn đổ thêm khoảng 1 bát con nhỏ nước lạnh và 100gr đường vào nồi đậu, đun lửa nhỏ để đường thấm đậu. Nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn rồi tắt bếp, múc đậu ra bát, để nguội và cất vào ngăn mát tủ lạnh.
Đổ đậu trắng vào nồi, chế nước lạnh ngập mặt đậu, đun đến khi đậu mềm thêm từ từ 100gr đường còn lại vào. Lưu ý đậu mềm bạn mới đổ đường vào, đậu chưa mềm bạn đổ đường vào đun thì hạt đậu sẽ bị sượng.
Đun lửa nhỏ đến khi đậu thấm đường thì bạn tắt bếp, đổ đậu ra thố thủy tinh, để nguội rồi cất trong ngăn mát tủ lạnh. Nếu có nồi ủ thì bạn cũng bạn ninh đậu trắng như đậu đỏ nhé!
Đổ lon nước cốt dừa vào nồi nhỏ (nếu không có nước cốt dừa đóng lon bạn có thể mua dừa tươi, bào mịn, vắt lấy nước cốt), thêm bột bắp, đường và nửa thìa cà phê muối; đun lửa với lửa nhỏ, vừa đun vừa dùng thìa khuấy đều để bột bắp tan. Đun đến khi nước cốt dừa sánh lại thì tắt bếp, đổ nước cốt dừa ra bát thủy tinh, để nguội rồi cất vào tủ lạnh dùng dần.
Rau câu đổ vào nồi, thêm 800ml nước lạnh, đặt lên bếp đun lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy để rau câu tan.
Khi nhìn thấy bột rau câu tan hết, bạn đổ từ từ 50gr đường cát trắng còn lại vào nồi, đun lửa nhỏ để đường tan hết thì thêm 1 thìa cà phê nước cốt màu lá dứa hoặc 1 – 2 giọt màu xanh.
Đổ rau câu ra thố thủy tinh sạch, rau câu sẽ từ từ đông lại. Đợi rau câu nguội hoàn toàn bạn cất vào ngăn mát tủ lạnh, khi ăn dùng dao cắt rau câu thành từng sợi ngắn.
Khi ăn bạn múc một ít chè đậu đỏ, đậu trắng vào ly, thêm đậu xanh, rau câu đã thái sợi…
… chan vào ly ít thìa cà phê nước cốt dừa; trộn đều lên, thêm đá lạnh tùy thích.
Theo BĐVN
Món ăn may mắn dịp tất niên ở các nước trên thế giới
Ở nhiều nơi trên thế giới, đêm giao thừa và năm mới người dân thường thưởng thức những món ăn được cho là sẽ mang lại giàu sang, khỏe mạnh và may mắn như nho, bưởi, đậu đỗ, thịt lợn...
Nho
Thay vì uống sâm panh vào lúc Giao thừa, bạn hãy ăn nho. Đó là những gì người Tây Ban Nha và người Mexico làm vào lúc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới với hy vọng sẽ có nhiều may mắn.
Truyền thống này có từ đầu thế kỷ 20, khi tiếng chuông đồng hồ từ Puerta del Sol, ở Madrid vang lên thì mọi người bắt đầu ăn. Và cứ mỗi tiếng chuông cất lên, họ lại bỏ một quả nho vào miệng và nhai thật nhanh. Thường khi 12 tiếng kết thúc cũng là lúc họ bỏ hết 12 quả nho vào miệng, lúc đó năm mới bắt đầu. Hầu hết mọi người không thể ăn hết 12 quả nho trong 12 giây. Song nó lại gây vui nhộn vì miệng ai cũng phồng lên đầy nho.
Ngoài ra, người Mexico còn ăn lựu và sung vì hạt lựu tượng trưng cho thịnh vượng, còn ăn sung để giúp cho cơ thể "sung" hơn trong ái ân và tăng khả năng sinh con.
Người Tây Ban Nha, Mexico thường ăn nhiều nho vào đêm Giao thừa với hy vọng có nhiều may mắn.
Thực phẩm hình đồng xu và chiếc nhẫn
Ở nhiều nơi, trong đó có Anh, những thực phẩm có hình giống đồng xu rất được ưa chuộng vào ngày Tết, vì người ta tin rằng nó sẽ mang lại thịnh vượng cho năm mới. Loại bánh hình chiếc nhẫn cũng được nhiều nơi ăn vì họ cho rằng chúng tượng trưng cho chu kỳ vòng đời và năm mới sẽ là chu kỳ đầy đủ.
Người Italia, Ba Lan và Hà Lan thường ăn bánh rán làm bằng bột vào năm mới. Còn người Mexico thường ăn bánh hình chiếc nhẫn cùng trái cây sấy khô với hy vọng gặp nhiều niềm vui và may mắn.
Bưởi
Người Tây Ban Nha thường ăn 12 múi bưởi của những quả bưởi khác nhau trong đêm Giao thừa nếu họ không ăn nho. Mỗi múi bưởi tượng trưng cho 12 tiếng chuông đồng hồ.
Phong tục này có từ năm 1909 khi những người trồng bưởi ở khu vực Alicante của Tây Ban Nha khởi xướng hoạt động này nhằm bảo vệ giá trị của quả bưởi. Ý tưởng đó đã được nhiều người hưởng ứng và lan rộng sang cả Bồ Đào Nha cũng như các nước từng là thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, như Cuba, Venezuela, Mexico, Ecuador và Peru.
Mỗi múi bưởi cũng tượng trưng cho các tháng khác nhau trong năm. Do vậy, nếu múi bưởi thứ ba mà có vị ngọt thì tháng 3 người đó sẽ gặp nhiều niềm vui.
Mỳ sợi
Ở nhiều nước châu Á, mỳ sợi thường được sử dụng trong năm mới vì nó tượng trưng cho trường thọ. Người Nhật đặc biệt khoái món my Soba có sợi dài, được làm từ bột kiều mạch. Họ tin rằng, ăn trong năm mới sẽ giúp sống trường thọ và tránh được nhiều bệnh tật. Các nhà sư Nhật cũng ăn mỳ giòn vào đêm Giao thừa.
Rau xanh
Các loại rau như bắp cải, súp lơ xanh, cải xoăn và rau chard thường được ăn nhiều vào năm mới ở nhiều nước. Lý do đơn giản là vì họ nghĩ rằng rau xanh trông giống như đồng tiền gấp. Họ tin rằng điều này giúp họ may mắn trong kinh tế.
Rau xanh trông giống đồng tiền gấp, nên được nhiều nơi chọn ăn vào dịp đón chào năm mới.
Người Đan Mach thường ăn súp lơ xanh ninh nhừ với đường và quế. Trong khi đó, người Đức thì ăn cải bắp còn người dân vùng phía nam nước Mỹ lại ăn rau collard. Người ta tin rằng, ăn càng nhiều rau này thì họ càng gặp may và giàu có vì mầu xanh có sự tương đồng với đồng tiền.
Đậu
Các loại quả đậu, bao gồm đỗ đũa, đậu hà lan, đậu lăng đều tượng trưng cho tiền bạc vì chúng trông giống đồng xu và thường phồng lên khi được nấu chín. Do vậy, người ta tin rằng ăn nhiều đậu sẽ giúp họ kiếm được nhiều tiền trong năm mới.
Ở Italia, người ta thường ăn món cotechino con lenticchie, tức là ăn xúc xích với đậu lăng đúng vào lúc Giao thừa. Còn người Đức ăn đậu với thịt lợn. Ở Brazil, món ăn đầu tiên của năm thường là súp đậu lăng hoặc đậu lăng nấu với gạo. Ở Nhật, món osechi-ryori (gồm đậu đen nấu với gia vị khác) được ăn trong 3 ngày đầu tiên của năm mới. Còn ở miền nam nước Mỹ, người ta thường ăn đậu đen hoặc đậu đũa để tìm kiếm niềm may trong cuộc sống.
Thịt heo
Phong tục ăn thịt heo trong năm mới dựa trên quan niệm cho rằng, heo tượng trưng cho sự an nhàn và sung túc. Các nước như: Cuba, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hungary và Áo thường ăn lợn sữa quay vào năm mới nếu không thì họ thường có món bánh hình con lợn. Trong khi đó người Thụy Điển thì thích món chân giò lợn, còn người Đức lại thưởng thức món thịt lợn quay với lạp xường. Thịt heo cũng được ăn ở Mỹ và Italia vì lợn có chứa mỡ nên người ta cho rằng nó tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng.
Cá
Cá là lựa chọn số một cho món ăn ngày Tết ở nhiều nơi, theo Mark Kurlansky, tác giả của cuốn Cá tuyết: tiểu sử của loài cá làm thay đổi thế giới. Cá tuyết có mặt trong bữa tiệc đầu năm từ thời trung cổ. Ông ví nó như món gà tây vào ngày lễ Tạ ơn Chúa.
Người Đan Mạch thường ăn cá tuyết luộc, còn người Italia thì ăn cá tuyết rán. Người Ba Lan và người Đức lại ăn cá trích vào Giao thừa để lấy may nắm cho năm mới. Người Thụy Điển thường ăn nhiều món cá với salad. Người Nhật lại ăn trứng cá trích để mong muốn sinh con khỏe mạnh, ăn tôm để trường thọ và ăn cá mòi rán trong năm mới để có được một mùa bội thu.
Không nên ăn gì
Bên cạnh những món ăn được đặc biệt quan tâm trên thì cũng có những món mà nhiều nền văn hóa kiêng vào năm mới. Ví dụ như tôm hùm vì loài này đi giật lùi nên có thể hiểu là sẽ mang lại sự tụt hậu.
Ở Đức có tập tục là để một chút thức ăn trên mỗi đĩa từ đêm giao thừa đến sáng để đảm bảo luôn có sẵn thực phẩm tích trữ trong năm mới. Tương tự, ở Phillippin, người ta cũng thường để nhiều thức ăn trên bàn vào đêm Giao thừa.
Bạn hãy ăn nhiều thực phẩm mang lại may mắn và sung túc như có thể nhưng không nên ăn quá nhiều, kẻo tăng cân.
Theo VNE
[Chế biến]- Xúp rau củ kiểu Ý Nguyên liệu: 20g cà rốt, 20g khoai tây, 20g bí ngòi, 10g đậu trắng, 10g đậu Hà Lan, 20g cải bó xôi, 10g hành tây, một muỗng cà phê rau mùi tây, một muỗng xúp dầu ô liu, 1/2 muỗng cà phê muối. Ảnh: Hoàng Thụy Thực hiện: Cà rốt, khoai tây, bí ngòi gọt vỏ, xắt hạt lựu. Cải bó xôi thái...