[Chế biến] – Bánh đúc nóng
Bánh đúc nóng mềm mượt được ăn kèm nhân thịt đậm đà và nước chấm mặn ngọt rất dễ ăn, bạn chỉ muốn dừng lại vì no chứ không phải vì ngán!
Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau để tự làm bánh đúc nóng:
- 200g bột gạo
- 200g thịt heo xay
- 50g vôi tôi
- 20g nấm mèo
- 1.2 lít nước lọc
- 40ml nước mắm
- 6g muối
- 15g bột nêm
- 60g đường
- 2 tép tỏi
- 1 củ hành tím
Video đang HOT
- 5ml dấm
- 5ml dầu ăn
Cho vôi cùng 500ml nước lọc vào tô lớn, khuấy đều. Sau đó để yên khoảng 30 phút để vôi lắng xuống. Vớt lấy khoảng 100ml nước vôi trong trên mặt.
Ngâm nấm mèo cho mềm, cắt bỏ phần gốc cứng và thái nhuyễn. Đập dập, bóc vỏ, băm nhuyễn 2 tép tỏi và 1 củ hành tím. Ướp thịt xay cùng nấm mèo, hành tỏi băm, 3g muối, 10g đường, 15g bột nêm trong 30 phút.
Đặt chảo lên bếp, cho 5ml dầu ăn vào và mở lửa vừa. Đổ hỗn hợp thịt vào xào đến khi thịt chín.
Đổ 200g bột gạo, 500ml nước lọc, 100ml nước vôi trong và 3g muối vào nồi, khuấy đều cho hỗn hợp tan.
Đặt nồi chứa hỗn hợp bột lên bếp, mở lửa nhỏ. Liên tục đảo đều đến khi bột sánh, đặc và trong thì tắt bếp.
Đặt chảo/nồi lên bếp, mở lửa vừa. Pha nước mắm bằng cách cho 200ml nước lọc, 40ml nước mắm, 50g đường và 5ml giấm vào, khuấy đều đến khi đường tan rồi tắt bếp.
Cho bánh đúc nóng ra bát, thêm thịt băm và nước mắm vào ăn cùng. Có thể cho thêm một ít ớt vào để tăng vị cay tùy khẩu vị.
Bánh đúc nóng là món ăn rất được yêu thích ở Hà Nội mỗi khi trời bắt đầu sang thu. Bánh đúc mềm mượt được ăn kèm nhân thịt đậm đà và nước chấm mặn ngọt rất dễ ăn, có thể ăn đến 2 bát mà không hề ngán. Với món này khi nấu bánh bạn cần lưu ý để lửa nhỏ, khuấy liên tục, tránh để bột bị vón cục lại. Ngoài ra ở phần nước chấm bạn có thể dùng nước cốt chanh thay cho giấm, nhưng chỉ thêm chanh vào khi nước mắm đã nguội để chanh không bị đắng.
Chúc bạn thành công và ngon miệng nhé!
Theo Mạnh Lân / MASK Online
Nhớ thương bánh đúc quê nhà
Lâu lắm rồi mới cầm miếng bánh đúc trên tay. Miếng bánh mềm như thạch, ăn đến đâu mát lạnh đến đấy.
Bánh đúc lạc chấm muối vừng ăn nhẹ nhàng, thanh thoát - Ảnh: Thúy Hằng
Ngày còn nhỏ, mỗi lần về quê ngoại chơi, thể nào sáng sớm thức dậy đã thấy trên bàn có mấy tấm bánh đúc gói trong lá chuối. Bà ngoại cầm con dao cắt bánh đúc thành từng thanh, pha thêm nước mắm với ớt, rồi lấy hũ muối vừng ra xới vào một chiếc bát con con.
Bà ăn bánh đúc chấm mắm ớt, cháu ăn bánh đúc chấm muối vừng thơm, bữa sáng trôi đi nhẹ nhàng, yên ả.
Bánh đúc mềm, mượt rất vừa phải, không rắn đanh- dấu hiệu đã được cho thêm hàn the, một chất bị cấm dùng trong thực phẩm. Tôi thích nhất ăn vào phần có thêm lạc (đậu phộng) luộc chín, bùi bùi, giòn sần sật. Muối vừng cũng thơm phưng phức, cứ cầm miếng bánh đúc trên tay mà chấm mà nhai, thấy mát tay, mát ruột, ăn đến no mà không thấy ngán.
Bà bảo bánh đúc làm đơn giản, bà cũng nhiều lần quấy bánh đúc cho cả nhà ăn, đem chia làm quà cho các nhà quanh xóm.
Gạo tẻ ngâm với nước vôi trong rồi đem nghiền thành bột nước, rây bột thật sạch, thật mịn rồi quấy trên bếp cho đến khi bột sánh mịn, không bị bén nồi, thêm một chút xíu mỡ thôi để lớp bột bóng láng. Tùy nơi người ta còn cho thêm cùi dừa hoặc lạc nhân đã luộc chín vào nồi bột, giúp bánh đúc ăn giòn, bùi hơn.
Đổ bánh đúc ra khuôn, đến khi nguội thì bánh cũng đông đặc thành từng tấm. Bánh đúc chỉ dành để ăn sáng, ăn chơi, thi thoảng đổi bữa giữa bún, phở sặc sỡ màu sắc và mùi vị để thấy nó nhẹ nhàng, thanh thoát.
Bánh đúc có nhiều biến thể, không chỉ có bánh đúc lạc thông thường.
Bánh đúc lạc ăn với tương bần, ớt đỏ - Ảnh: Thúy Hằng
Những ngày lang thang ở Hà Nội, tôi mới biết thế nào là bánh đúc nộm, bánh đúc thịt. Ngồi một lúc ở vỉa hè Hàng Cót tầm 4 giờ chiều, cô hàng rong xách hai chiếc làn, bên thì bánh đúc được xắt sợi, bên thì là hỗn hợp sóng sánh nước lạc, vừng nghiền với giá đỗ trần được làm lạnh bằng một túi đá.
Một chút bánh đúc trắng mềm mát mắt, chan thêm nước lạc vừng và giá đỗ, rắc thêm rau kinh giới xanh mơn mởn, thân cây chuối trắng nõn, lá tía tô nửa tím nửa xanh. Miếng bánh đúc ăn đến đâu, thấy mát rười rượi đến đấy.
Tôi còn nhớ, nhà văn Vũ Bằng nhắc đến bánh đúc nộm thì ví von nghe đến sướng tai: "Bánh đúc đã dẻo mề dẻo mệt đi, lại húp cái nước nộm ngầy ngậy mà mềm dịu, thoang thoảng mùi thơm của giá trần, của vừng rang, của chanh cốm- không cái mát đó thực quả là một cái mát Đông phương, thâm trầm và hiền lành, chứ không rực rỡ hay kêu gào ầm ĩ".
Sự thật thì cái "thâm trầm và hiền lành" ấy làm tôi mê mệt dù chỉ đôi lần ăn thử.
Bánh đúc thịt ăn nóng trong một chiều mưa thì ngon đến nhớ - Ảnh: Thúy Hằng
Cũng là bánh đúc, nhưng bánh đúc thịt phải ăn nóng. Bánh đúc được quấy trên bếp than, sóng sánh như bột, chan thêm thịt bằm xào thơm với hành phi, rắc thêm ớt đỏ, rau thơm, thêm một thìa giấm, ăn trong một chiều đông có mưa lắc rắc thì ngon đến nhớ.
Sáng sớm nay, còn đang cố ngủ nướng thì mẹ đã thúc giục cả nhà, có ăn bánh đúc không. Tôi vâng dạ giữa cơn ngái ngủ. Thức giấc, đã thấy đĩa bánh đúc lạc ngay ngắn trên bàn, một chút muối vừng giã dập bùi bùi mùi vị tuổi thơ.
Cắn miếng thứ nhất, thấy cánh đồng lúa bát ngát và hương sen mỗi chiều tháng 7, mấy chị em chèo thuyền ra giữa mương, ngắt sen đến tối muộn, lấm lem bùn đất.
Cắn miếng thứ hai, thấy hình ảnh trên mái hiên trước nhà, bà ngoại vừa bẻ bánh đúc cho các cháu vừa ngâm nga, "mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng", các cháu lại hét lên, không phải, bây giờ nhiều dì ghẻ thương con chồng hơn con đẻ. Bà cười, cháu cười, bánh đúc giòn bùi, hăng hăng mùi nước vôi trong.
Bánh đúc, bao nhiêu năm đã qua, ăn một miếng thôi, cũng thấy ùa về cả trời thương nhớ...
Thúy Hằng
Theo Sài Gòn Ẩm Thực
Tản mạn bữa sáng của người Hà Nội Có nhiều cách để bạn bắt đầu một ngày mới như dậy sớm, hít thở bầu không khí hay hối hả vội vàng trốn ngay vào guồng quay công việc. Dù bắt đầu ngày mới theo cách nào, cũng đừng bỏ qua bữa sáng, đặc biệt khi bạn ở Hà Nội. Người Hà Nội rất coi trọng bữa cơm gia đình, nhưng bữa...