[Chế biến]-bánh bột lọc trần
Bánh bột lọc trần là bánh không có gói lá chuối, từng miếng bánh dai, bọc bên trong là tôm, thịt kho rim mằn mặn, ăn kèm với nước mắm pha ớt cay cay ngon tuyệt!
Nguyên liệu:
300g bột năng
Nước sôi
100g tôm
100g thịt nạc hay thịt ba chỉ
Hành lá, đường, nước mắm, muối, tiêu, hành khô.
Cách làm:
Thịt nạc thái lát nhỏ, ướp với ít muối, tiêu, trộn đều.
Tôm lột vỏ, giữ lại gạch tôm để xào, thái nhỏ tôm.
Video đang HOT
Làm nóng nồi, phi thơm hành khô rồi thêm thịt vào xào chín.
Thịt chín bạn đổ tôm và gạch tôm vào xào chung, nêm chút muối, đường, nước mắm, đợi nồi thịt sôi thì thêm ít nước lạnh, đun đến khi thịt mềm thì tắt bếp, rắc tí hạt tiêu và hành lá thái nhỏ, trút ra bát để riêng.
Bột năng đổ ra thố, nêm ít muối.
Châm nước sôi từ từ vào thố bột, dùng muỗng gỗ lớn trộn đều, hỗn hợp bột sẽ nửa sống, nửa chín. Lúc này bạn dùng tay nhồi bột một lúc sau bột sẽ mịn, lưu ý công đoạn này bột rất nóng.
Chia bột thành từng phần nhỏ, ngắt một cục bột bằng đầu lóng tay cái, ấn dẹp tròn ra, múc ít nhân tôm thịt đặt vào giữa miếng bột.
Gấp hai mép lại, hình dạng bột bây giờ giống hình bán nguyệt. Làm lần lượt cho hết bột và nhân.
Đun nồi nước sôi khác, thả các viên bánh vào luộc, khi bánh chín sẽ nổi lên trên bề mặt nước.
Dùng đồ trụng mỳ vớt bánh ra, thả vào thau nước lạnh để từng chiếc bánh không bị dính vào nhau.
Hành lá thái nhỏ, trộn với 1 thìa cà phê dầu ăn, để vào lò vi sóng quay 30 giây cho chín.
Pha nước mắm: pha khoảng 3 thìa cà phê nước lạnh, với 2 thìa cà phê đường, 2 thìa nước mắm, khuấy cho đường tan. Nếu có thời gian bạn có thể nấu nước mắm với tỷ lệ là 3 nước : 2 đường : 2 nước mắm sẽ ngon hơn nữa. Nêm nước mắm hơi ngọt ngọt, mặn mặn, khi ăn thì thêm ớt xắt lát vào. Nước mắm ăn bánh bột lọc không ăn kèm với tỏi.
Khi ăn bạn xếp bánh ra dĩa, dùng thìa múc ít hành lá và dầu ăn quét lên trên bề mặt bánh, chấm với nước mắm cay rất ngon.
Bánh bột lọc trần là bánh không có gói lá chuối, từng miếng bánh dai, bọc bên trong là tôm, thịt kho rim, ăn kèm với nước mắm pha ớt.
Món bánh này so với bánh gói bằng lá chuối thì làm nhanh hơn, dễ hơn. Có người còn thêm cả ít dừa thái hạt lựu vào ăn giòn sựt sựt nghe cũng rất vui tai.
Theo PNO
Gió mùa nấu bát thịt đông
Khi miền Bắc đón những đợt gió mùa đầu tiên cũng là lúc nhà nhà háo hức rục rịch đón Tết. Trong không khí rộn rã đó, nồi thịt đông cầu kỳ chứa đựng tâm huyết của các bà nội trợ đã làm nên nét đặc trưng của mùa đông xứ này.
Nếu trước đây thịt đông là món ăn bình dân, dùng ăn dần cùng cơm trắng, quả cà trong bữa cơm đạm bạc của người lao động thì không biết từ bao giờ, nó lại trở thành món ăn mùa đông quen thuộc của người miền Bắc nói chung và đặc biệt là người dân Hà thành nói riêng. Sống ở Hà Nội ai cũng nhận thấy, mùa đông là mùa ẩm thực đa dạng nhất. Với vô vàn món ăn nóng hổi, mới nghe tên thôi cũng đủ ấm lòng nào ngô, khoai, sắn nướng, bánh cuốn nóng, hạt dẻ nóng, xôi nóng... Ấy vậy mà, với bao món ăn hấp dẫn đó, nhưng thiếu bát thịt đông nguội lạnh thì lại chưa phải là mùa đông. Càng thiêng liêng hơn, thịt đông còn là món ăn không thể thiếu trong ba ngày Tết của người dân miền Bắc, từ các gia đình khá giả đến những nhà bần hàn.
Thịt đông thực chất là món thịt lợn nấu nhừ để nguội thành đông. Gọi đó là món ăn cầu kỳ cũng đúng mà nói là món ăn đơn giản cũng chẳng sai. Đơn giản là ở chỗ nguyên liệu chính chỉ bao gồm thịt lợn, mục nhĩ, nhưng cũng cầu kỳ không kém bởi để có được nồi thịt đông thành phẩm, các bà nội trợ phải rất kỳ công từ chọn thịt, sơ chế bì lợn, ninh nhừ hớt bọt liên tục cho đến khi từng miếng thịt mềm nhũn, múc ra bát chờ thịt đông. Kỹ thuật làm thịt đông cũng không có phức tạp và hầu hết người Bắc ai cũng biết. Tuy nhiên, bà nội trợ đảm đang phải là người biết cân bằng giữa lượng thịt và bì, số lượng bì lợn vừa đủ để không cần tủ lạnh mà bát thịt vẫn đông sặn, song khi ăn không bị cứng và lượng thịt nạc cần thiết để khiến bát thịt không bị bở tơi khi xắt thành từng miếng...
Thịt đông dễ dàng bảo quản, chẳng cần đến tủ lạnh hay kỹ thuật nào hiện đại, nồi thịt có thể để đến chục ngày mà hương vị vẫn thơm ngon, từng miếng xắt ra vẫn keo dính.... ăn kèm với thịt đông đơn giản chỉ cần bát cơm trắng nóng hổi, gắp dưa, quả cà. Chính bởi vậy, song hành với nồi thịt đông người dân miền Bắc không quên chuẩn bị luôn vại dưa cà vừa để ăn dần trong ngày đông cũng là thêm hương vị trọn vẹn cho món ăn quen thuộc. Trong ba ngày Tết món thịt đông càng trở nên hấp dẫn bởi không quá béo, ăn kèm dưa cà vừa nhẹ nhàng lại rất đưa cơm. Phải chăng vì thế mà ngay đến người Tràng An nổi tiếng sành ăn cũng thích thú và không thể cưỡng lại trước món ăn độc đáo này?
Mỗi vùng đất đều có những đặc sản riêng, mang nét đặc trưng văn hóa của con người nơi đó. Vượt qua mọi ranh giới về địa lý và văn hóa, thịt đông lại trở thành món ăn chung mang nét riêng của toàn miền Bắc. Cao hơn thế, đó còn là món ăn truyền thống gắn liền với Tết cổ truyền dân tộc, là nỗi nhớ của người con Việt mỗi Tết xa quê...
Theo PNO
Cách nấu món thịt đông ngon Thịt đông xưa nay vẫn là món ăn quen thuộc, đặc trưng của miền Bắc trong những ngày mùa đông. Thịt đông phải ăn nguội, lạnh, ăn với cơm nóng mới ngon và sẽ có cảm giác man mát ở đầu lưỡi. Công đoạn chế biến món ăn ngon này cũng tương đối phức tạp, cầu kỳ. Nguyên liệu gồm thịt giò heo...