“Chê bánh chưng bị ăn tát”, nghệ sĩ Xuân Bắc đang ám chỉ gì?
Bài đăng trên trang cá nhân “Cái tát của mẹ” của nghệ sĩ Xuân Bắc trong những ngày đầu năm đã dẫn đến phản ứng bởi ngôn từ và nội dung gây tranh cãi.
Nhiều người cho rằng nghệ sĩ mượn chuyện để “mắng” mỏ, dạy dỗ khán giả chê mình là cách ứng xử rất tệ.
Chương trình Gặp nhau cuối năm hay còn được gọi với tên khác là Táo quân, là chương trình được trông đợi nhiều nhất trong đêm 30 tháng Chạp nhưng cũng là chương trình thường xuyên nhận được nhiều bình luận trái chiều, khen chê nhất. Đây vốn dĩ là chuyện hết sức bình thường. Và năm nay, ngay sau khi phát sóng, chương trình nhận nhiều lời chê về nội dung nhạt, câu chuyện cũ, ngôn từ kém duyên, thậm chí thô tục… Câu chuyện “làm dâu trăm họ” những tưởng người của công chúng phải am tường, ấy vậy mà, có nghệ sĩ đã đáp trả khán giả bằng cách mắng người chê với thái độ “hằn học”, ngôn từ kém văn hóa.
Với tựa đề “Cái tát của mẹ”, Xuân Bắc dùng câu chuyện về bánh chưng của mẹ – món mà tết năm nào cũng có để bóng gió nói tới chương trình Táo quân. Xuân Bắc kể câu chuyện một người mẹ tết nào cũng hì hụi gói bánh chưng, mong cái tết ấm tết vui cho cả gia đình. Nhưng con trai bà, một người đàn ông đã đón hơn 50 cái tết, giỏi chữ nghĩa, “gói bánh (chưng) rất ngu” nhưng năm nào cũng chê bánh mẹ mình gói dù vẫn ăn “tụt lưỡi”. Và rằng gói bánh chưng rất vất vả, không biết gói sao cứ đi dạy người khác gói… rồi “không ăn thì mày cút”, có giỏi thì tự đi mà gói…
Hình ảnh trong chương trình Táo quân 2023
Nhiều người khi đọc được những dòng chia sẻ của Xuân Bắc đã không khỏi “kinh ngạc” bởi lời lẽ suồng sã, thô tục kiểu như: “Sử tô – vừa chê phát là bọn nó xúm vào chê cùng mặc dù chưa đứa nào ăn miếng nào!”, “Mày là đồ “Ăn cháo đá bát”, “Mày không ăn bánh chưng mẹ mày gói thì mày ăn… đào lộn hột đi – ai cấm!?”
Khi “Cái tát của mẹ” được Xuân Bắc đăng trên mạng xã hội, nhiều người đã ngay lập tức lên tiếng bày tỏ sự thất vọng trước cách hành xử thiếu chừng mực của nghệ sĩ. Có người viết: “Nghệ sĩ, người của công chúng mà dùng từ ngữ như thế thì thật đáng thất vọng. Chứng tỏ phông văn hóa có vấn đề. Đâu phải là kiến trúc sư thì mới có quyền nhận xét nhà đẹp xấu, ca sĩ, nhạc sĩ thì mới có quyền nhận định ca khúc hay dở hoặc phải là đầu bếp thì mới được phép khen món ăn…”.
Thậm chí có ý kiến gay gắt hơn: Khi chương trình bị một bộ phận khán giả chê, năm nào cũng bị chê, thì những người thực hiện chương trình nên tự xem lại bản thân và thay đổi để năm sau tốt hơn năm trước, chứ không phải tỏ thái độ thượng đẳng như thế này. Sóng truyền hình quốc gia là tài nguyên chung, những cái không phục vụ được số đông, nhảm nhí phải loại bỏ để nhường chỗ cho những chương trình khác thiết thực hơn, nghệ thuật và ý nghĩa hơn. Do đó đừng dạy khán giả không thích thì tắt tivi đi…
Video đang HOT
Nghệ sĩ có được vị trí, chỗ đứng cũng là nhờ có khán giả – đó là điều đơn giản nhất mà người làm sân khấu đều hiểu. Mọi lời khen, chê cũng là bởi khán giả còn quan tâm và kỳ vọng ở người nghệ sĩ. Đó cũng là những viên gạch lát đường giúp nghệ sĩ đi đến với thành tựu mới trong nghề. Chính bởi thế, với Xuân Bắc, một người đã nhiều năm gắn bó với sân khấu, đã có thành tựu với nghiệp diễn xuất và giờ đây đang quản lý một nhà hát lớn hàng đầu cả nước, đáng lẽ anh phải hiểu hơn ai hết ý nghĩa và giá trị việc góp ý, nhận định của khán giả đối với một sản phẩm nghệ thuật. Ấy vậy mà…
Nhà văn Trần Sĩ Tuấn viết: “Chính Xuân Bắc mới là người đá bát khi đã phụ lòng của khán giả. Đã “tham ô” thời gian và cả lòng mến mộ của khán giả. Là nghệ sĩ mà không hiểu mình làm gì, nói gì, nghệ thuật phục vụ ai thì thật đáng buồn!”
Nhà văn Sương Nguyệt Minh viết: “… đã chấp nhận đời nghệ sĩ thì phải chịu được tiếng khen chê. Người ta chê mình thì phải xem lại mình trước. Biết nghe lời chê để hoàn thiện lao động nghệ thuật mới là người nghệ sĩ lớn chân chính, chứ không phải thợ diễn mua vui rẻ tiền”. Gay gắt hơn ông cũng cho rằng: “Còn một điều quan trọng nữa là: Người nghệ sĩ còn phải có lòng tự trọng nghề nghiệp, khi thấy cạn duyên thì biết từ chối lời mời, còn thấy mình vẫn “má thắm môi son” duyên mặn nồng, mà không biết mình đã thành cái xác không hồn di động trên sân khấu thì bi kịch chồng bi kịch. Thực ra, phát ngôn của Xuân Bắc cho rằng người chê Táo quân “ăn cháo đá bát” lại là… dấu chấm hết của chương trình này.
Khán giả có quyền khen chê và nghệ sĩ cũng có quyền được thanh minh, phản ứng… song ngôn từ và thái độ “ngạo mạn” không phải là cách hành xử của nghệ sĩ.
Đăng status "chê bánh chưng, không ăn thì cút", NSƯT Xuân Bắc bị dư luận phản ứng dữ dội
Trên Fanpage có 2,4 triệu lượt người theo dõi, NSƯT Xuân Bắc bất ngờ đăng tải bài viết "Cái tát của mẹ" với nội dung và cách sử dụng từ ngữ gây tranh cãi.
Mùng 3 Tết, giữa lúc không khí vui xuân đón Tết còn chưa qua đi thì không hiểu vì lý do gì, Xuân Bắc lại bất ngờ chia sẻ bài viết được cho là khá tâm trạng, nhiều ẩn ý, ẩn ức và gây tranh cãi.
Theo đó, bài viết được Xuân Bắc đăng tải trên Fanpapge với tiêu đề "Cái tát của mẹ" có dung lượng 1193 chữ, bắt đầu bằng việc giới thiệu nhân vật "tôi" với một số đặc điểm: "ngoài 50 tuổi, là người trưởng thành, khá từng trải, tham gia một vài nhóm hội, cộng tác viên cho một số trang tin mạng...". Nhân vật này kể, Tết vừa rồi bản thân vừa bị lĩnh một cái tát lật mặt từ mẹ. Lý do bị "ăn" tát đại khái là vì năm nào ăn bánh chưng mẹ gói, nhân vật này đều chê ngay khi ăn miếng bánh đầu tiên và Tết năm nay cũng vậy. Cái sự chê được lý giải là bởi nhân vật kỳ vọng bánh mẹ mình gói phải vuông, rền, đều, mịn, lá phải đều, phải xanh, miếng thịt phải tươi hồng...
"20h đêm 30 Tết, vừa cắn miếng bánh đầu tiên tôi đã chê. Mồm tôi để chế độ 2 góc- một góc nhai bánh chưng và góc còn lại để chê. Chê không hẳn vì bánh không ngon,cũng không hẳn vì nó quá dở mà vì nó không giống như tôi tưởng tượng,nó không như tôi mong muốn. Tôi chê theo đúng kiểu: Tôi có quyền chê vì Mẹ phải có trách nhiệm nấu bánh theo ý tôi. Và tôi chê túi bụi, chê miệt mài, chê tì tũm. Chê cũng để tôi thể hiện như tôi hiểu về bánh chưng lắm, chê để chứng tỏ tôi cũng có trình độ nhận xét." - nhân vật trong bài viết vừa tả, vừa diễn giải.
Tạo hình Nam Tào của Xuân Bắc trong chương trình "Táo quân"
Sự chê này được nhân vật trong bài viết tự nhận, kết luận là "ngu" và đỉnh điểm của sự ngu đó là khi có nhiều bạn bè vào "comment" đồng tình vì có ý kiến giống mình. Sau đó, nhân vật "tôi" đưa cho mẹ mình xem những câu chê ấy kèm theo những lời nói đầy tính xây dựng kiểu như " đã đến lúc phải thay mới, mãi rồi năm nào cũng món này ăn phát ngán, đã quá nhàm" và "cần phải tìm một mô típ khác, cần phải thay người gói khác". Hậu quả là nhân vật bị mẹ mình "tát cho một phát đầu quay như đĩa hát" kèm theo những lời đay nghiến, răn dạy như: " mấy năm trở đây năm nào mày cũng nói câu này nhưng năm nào mày cũng ăn tụt cả lưỡi", rồi "trước Tết thì mày gào lên là chờ đợi, là mong muốn, mâm cơm 30 thì mày cắm đầu vào ngấu nghiến....rồi mày chê. Mày là đồ "ăn cháo đá bá t" (!?!).
Không dừng lại ở đó, người mẹ trong bài viết còn mắng nhân vật con là: "có lớn mà không có khôn", "mày không ăn thì thôi ai bắt mày", "mày không ăn thì mày cút", "mày nghĩ mày có quyền chê à", "có giỏi năm sau mày gói bánh đi xem nào"... Tiếp đó người bố của nhân vật trong bài viết của Xuân Bắc lên tiếng răn dạy con phải biết chấp nhận và chia sẻ chứ đừng tự cho mình quyền phán xét, không quên kèm câu: "mày không ăn bánh chưng mẹ mày gói thì mày ăn...đào lộn hột đi, ai cấm" (!?!).
Cuối bài viết của mình, Xuân Bắc "nửa đùa nửa thật" đây là câu chuyện mà ông anh Xuân Bắc kể và nhân vật "tôi" ở đây là "tôi" văn học.
Ngay khi vừa đăng tải, bài viết trên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và nhận về nhiều ý kiến phản ứng gay gắt. Chưa rõ "ông anh" mà Xuân Bắc nhắc đến ở câu kết bài là ai, liệu có phải ông anh "văn học" như nhân vật "tôi" không, nhưng nội dung câu chuyện trong bài viết lại gây tranh cãi.
Trước tiên, khách quan mà nói, bài viết kể lại câu chuyện về sự ngu mà đứa con tự nhận khi đi chê bánh do mẹ mình gói và phản ứng cực đoan của cả người mẹ lẫn ông bố. Không hiểu từ bao giờ, việc ăn mãi một món chưa ngon và thẳng thắn góp ý lại bị cho là "ăn cháo đá bát", là "không ăn thì cút" và phải biết cách im lặng chấp nhận, vui vẻ kể cả khi nhai phải sạn, cấm phán xét, nhận xét.
Đứng ở góc độ văn học, bài viết được Xuân Bắc chia sẻ thật sự thiếu tính văn hóa lẫn văn học. Không hiểu anh hay "ông anh" nào đó định cống hiến bài học ý nghĩa sâu xa và nhân văn gì cho mọi người qua bài viết như thế này. Hóa ra không chỉ ở ngoài đường, ngoài chợ mới có nét "văn hóa bún mắng, cháo chửi" và hóa ra không chỉ có khách ăn hàng mới phải nhịn người bán, mà ngay cả trong gia đình, nếu ý kiến gì không vừa lòng cũng có thể bị "mắng, chửi" như thường, thậm chí còn bị bạo lực cả bằng lời nói lẫn hành động. Rốt cuộc, người chê bao giờ cũng là người sai, người có lỗi. Tóm lại, cấm được chê, không ngon cũng phải cố mà nuốt, còn nếu đã không nuốt được thì đừng ăn, thế thôi!
Tiếp đó, không hiểu có phải vô tình mà trùng hợp không, bài viết nhắc đến chi tiết nhân vật "tôi" cắn miếng bánh chưng đầu tiên vào đúng 20h đêm Giao thừa, trùng thời điểm chương trình "Gặp nhau cuối năm - Táo quân" (do Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) - Đài truyền hình Việt Nam dàn dựng) bắt đầu phát sóng. Điều này khiến nhiều khán giả không khỏi băn khoăn về sự giống nhau giữa chiếc bánh chưng và chương trình "Táo quân".
Lại cũng là trùng hợp, mấy năm trở lại đây nhân vật người con năm nào cũng chê bánh chưng mẹ gói, còn chương trình "Táo quân" thì mấy năm trở lại đây, năm nào cũng nhận về không ít lời nhận xét là chưa hay, chưa được, nhàm, nhạt. Có chăng khác nhau ở chỗ, khán giả chê "Táo quân" thì chưa thấy bị đơn vị sản xuất hay những người trong cuộc công khai mắng câu nào, còn người con trong bài viết của Xuân Bắc thì bị cả bố lẫn mẹ đay nghiến mắng mỏ không thương tiếc. Một sự trùng hợp vô cùng kỳ lạ!
Tính đến thời điểm này bài viết của Xuân Bắc nhận về hàng nghìn lượt bình luận. Trong đó đa phần đều bày tỏ sự thất vọng, phẫn nộ và bức xúc trước câu chuyện mà nam nghệ sĩ này đăng tải:
-"Chương trình năm nay có thể hay hoặc dở. Nhưng Xuân Bắc viết status này quá dở rồi. Hối không kịp nữa rồi"
- "Người trên 50 không ai nói thế"
- "Tôi thật sự sốc khi đọc bài viết về bánh chưng của Xuân Bắc. Tôi không biết chuyện chê bánh chưng là thật hay chỉ là viết lên chuyện. Nhưng dù là thật hay là viết chuyện thì cũng làm tôi bất ngờ và thất vọng vô cùng về Xuân Bắc. Một vị Giám đốc đây sao? Một người mà từ trước đến giờ tôi hâm mộ đây sao?......".
- "Xin phép có vài lời cho chú. Nếu cháu ko nhầm thì chú đang ví chú là cha, là mẹ của khán giả, và vì khán giả không biết diễn hài (không biết gói bánh ạ) nên chú bắt khán giả chịu đựng một tiết mục nhạt nhẽo, nhàm chán và tầm thường như miếng bánh chưng thiếu muối thiếu đậu xanh thịt mỡ vậy. Tóm lại, chú muốn nói "Chúng mày không biết diễn hài, nên tao diễn chúng mày chỉ được phép khen không khen tao tát lật mặt" có phải không ạ?
Chú là người nghệ sỹ rất thành công nhưng sau bài đăng này của chú, mọi ấn tượng tốt của cháu từ những ngày đầu tiên được xem anh Núi đến nay, đều sụp đổ tan tành..."
Trên các diễn đàn và mạng xã hội, bài viết của Xuân Bắc hiện được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Tuy câu chuyện trong bài viết chỉ dừng lại ở mức độ "kể một câu chuyện", nhưng câu chuyện lại khiến tất thảy người đọc đều có sự liên tưởng chính vì thế bài viết đó nhận về nhiều phản ứng thể hiện sự bức xúc từ khán giả, dư luận.
Trước làn sóng phản ứng gay gắt trên, Xuân Bắc vẫn chưa có ý kiến phản hồi. Bài viết vẫn được anh giữ trên Fanpage sau gần 1 ngày đăng tải.
NSƯT Xuân Bắc: "Tôi không nghĩ Táo Quân kéo dài 20 năm, được yêu thích đến thế, dù đôi lúc tôi bị chê mở tivi thấy mặt ông này là muốn tắt" Đằng sau hình ảnh NSƯT Xuân Bắc tỏa sáng trong các vai trò diễn viên sân khấu, danh hài và MC truyền hình là một người nghệ sĩ không chỉ tài năng, say mê nghệ thuật mà còn rất nghiêm khắc với bản thân mình. Nhắc tới Xuân Bắc, khán giả sẽ nghĩ tới anh Núi thăng trầm trong Sóng Ở Đáy Sông,...