Chê 3G đắt, chuyển sang Internet giá rẻ
Từ 16/10, 3 nhà mạng lớn cùng đồng loạt tăng giá cước 3G, điều này khiến một số khách hàng đã hủy dịch vụ 3G và chuyển sang lắp Wi-Fi để tiện sử dụng.
Các “ông lớn” viễn thông đồng loạt điều chỉnh cước 3G vào giữa tháng 10 vừa qua, với nhiều người dùng thì việc tăng giá cước khiến họ phải chuyển sang dùng dịch vụ có giá thấp hơn.
Thậm chí, trên một số trang mạng xã hội hình thành những hội, nhóm “tẩy chay 3G”. Những hội, nhóm này có không ít các thành viên tham gia và bình luận. Trên diễn đàn lamchame, thành viên huongpr cũng cho biết “Mình đã vừa hủy gói 3G đang dùng. Chất lượng 3G chập chờn mà lại bị tăng cước 3G nên mình đã nhắn tin hủy dịch vụ”.
Nguyên nhân tăng cước 3G được cho là bởi giá 3G của Việt Nam rẻ hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới, thậm chí tăng giá cước rồi vẫn chưa bằng mức trung bình trong khu vực.
Trước việc nhà mạng đồng loạt tăng giá cước 3G, nhiều người đã chọn giải pháp kinh tế hơn đó là cắt 3G, chuyển sang lắp Wi-Fi ngay tại nhà để có thể lướt web, vào mạng xã hội mọi lúc mà không phải lo sợ hết dung lượng sử dụng.
Anh Duy Quang ở Tây Hồ chia sẻ: “Trước đây, tôi mua iPhone của nhà mạng và sử dụng gói 3G, nay tôi hủy gói 3G và quyết định gọi hỏi lắp Internet của FPT và CMC. Sau khi cân nhắc, tôi đã lắp Internet CMC tại nhà với giá chỉ 135.000 đồng/tháng lại còn được miễn phí hòa mạng và thiết bị Wi-Fi”.
Video đang HOT
Ngoài việc các gia đình tự trang bị hệ thống Wi-Fi thì các quán cà phê, chủ nhà trọ, chung cư mini ở đã đồng loạt “câu khách” bằng việc lắp đặt ngay hệ thống Wi-Fi. Chủ một quán cà phê trên phố Duy Tân, Hà Nội cho biết: “Trước giờ quán tôi không có Wi-Fi và cũng rất ít khách hàng khi vào uống nước hỏi về dịch vụ này, nhưng từ sau khi nhà mạng tăng giá vào quán ai cũng hỏi có Wi-Fi không, pass là gì. Nếu không có thì họ chỉ đến một lần rồi thôi hoặc có những người mang theo máy tính với dự định vừa uống cà phê vừa làm việc sẽ đi ngay… Vì vậy tôi và hàng loạt quán cà phê trên phố này đã lắp Wi-Fi để “câu” khách”.
Theo ICTNews
Tăng cước 3G là để "bảo đảm cạnh tranh"
Giá cước 3G và lộ trình 4G là những nội dung đáng chú ý nhất trong phần sau phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tại Quốc hội, chiều ngày 20/11 vừa qua.
Tăng cước 3G là để "bảo đảm cạnh tranh"
Tăng giá 3G là phù hợp
Về giá cước 3G, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhắc lại quan điểm chính thức mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra một cách khá nhất quán gần đây, là việc tăng giá hoàn toàn phù hợp với "thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế".
Ông khẳng định thị trường viễn thông ở Việt Nam đã phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, trong khi giá cước viễn thông "từ khi phát triển đến nay hầu như chúng ta không tăng, mà trong các báo cáo thống kê hàng năm thì giá cước viễn thông đều giảm".
Chính vì vậy, theo ông Son, việc tăng giá cước viễn thông là phù hợp với quy định hiện hành như điều 43 của Luật Viễn thông, điều 38 của Nghị định 25 hướng dẫn luật này và đồng thời cũng là phù hợp với điều 5 của Luật Giá, điều 13, điều 19, điều 20 của Luật Cạnh tranh cũng như những cam kết quốc tế của Việt Nam.
"Chúng ta không thể bán dưới giá thành", ông Son nói.
Để các đại biểu Quốc hội hiểu hơn, Bộ trưởng giải thích thêm rằng là một sản phẩm mới, dịch vụ 3G phải trải qua thời kì bắt đầu ra đời, thời kì tăng trưởng, thời kì bão hòa và thời kì suy thoái. Trong thời kì đầu tiên phải giảm giá để thu hút thuê bao và sau đó "tăng giá dần lên", nhưng từ cuối năm 2009 - 2010 đến nay chưa có tăng giá lần nào.
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định số 32 để quy hoạch lại thị trường viễn thông đến năm 2020, trong đó có yêu cầu phải từng bước nâng giá viễn thông, để bảo đảm giá viễn thông bằng và trên giá thành, để bảo đảm cho thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh.
"Giá của chúng ta so với thế giới đã thấp hơn nhiều lần. Cụ thể, giá viễn thông của chúng ta thấp hơn khối ASEAN 34,9 lần, với châu Á-Thái Bình Dương là 34 - 57 %", ông Son nói.
"Năm 2012, VNPT đóng góp khoảng 7.300 tỉ đồng cho đất nước, Viettel đóng góp 11.300 tỉ cho đất nước, trong khi hạ tầng viễn thông hầu như nhập ở nước ngoài, vì vậy nhà mạng không thể thanh toán giá cao mà bán giá thấp được", ông nói thêm.
Dự kiến 4G từ 2015
Về lộ trình 4G, ông Son cho rằng với một công nghệ mới ra đời thì đương nhiên những nước đi sau phải học tập, phải tiếp cận công nghệ đó nếu có đủ điều kiện. Công nghệ 4G hiện nay mới ra đời và đây gọi là "tiền 4G" chứ chưa phải là hoàn toàn 4G theo đánh giá về công nghệ của tổ chức liên minh viễn thông thế giới vừa qua.
"Thực hiện Quyết định số 32 về quy hoạch viễn thông từ nay đến năm 2020, trong đó có nói từng bước chúng ta nghiên cứu các dịch vụ mới để áp dụng vào Việt Nam, tới đây chúng ta sẽ theo lộ trình của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2015 chúng ta sẽ ứng dụng 4G vào Việt Nam, nhưng phải căn cứ vào trong tình hình cụ thể", Bộ trưởng nói.
Ông cũng cho hay hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho một số doanh nghiệp làm thử nghiệm 4G tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay cũng có một lí do là trong khi làm 3G các nhà mạng đã đầu tư khoảng 2 tỉ USD, hiện nay mới có khoảng 19 triệu thuê bao dùng 3G.
"Với mật độ đó chưa đủ điều kiện để các nhà mạng thu hồi vốn, cho nên thời điểm làm 4G chưa tới. Dự kiến chúng ta sẽ làm 4G nhưng khoảng năm 2015", ông nói thêm.
Theo VnEconomy
Nhà mạng nhỏ "phất" nhờ 3G tăng giá Trong khi các nhà mạng lớn đồng loạt tăng giá 3G thì hàng động nói "không" của Vietnamobile đã mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp viễn thông này. Trung thành với cước rẻ Đợt tăng giá cước 3G vừa qua của 3 nhà mạng Vinaphone, MobiFone và Viettel đã gây ra nhiều phản ứng cho dư luận và cộng đồng...