Cháy túi mùa World Cup
Nhờ có sự kiện World Cup, các cửa hàng cầm đồ lại vào mùa kiếm ăn. Khách tăng, lãi suất cầm đồ cũng tăng, và nhiều người tán gia bại sản vì cầm đồ.
Ảnh minh họa của Phú Khánh
Lãi suất cầm đồ tăng vọt
Khoảng chục ngày nay, cửa hàng cầm đồ nào trên đường Láng, quận Đống Đa cũng nhộn nhịp khách vào ra. Tại cửa hàng cầm đồ L xe máy xếp san sát, tủ kính trước quầy hàng trưng bày vài chiếc smartphone và máy ảnh. Tủ để đồ phía sau cánh cửa kính xếp vài chiếc máy tính xách tay. Chỉ vào chiếc xe SH ở ngoài cùng, chủ cửa hàng cho biết: “Vừa có khách hàng đến đặt chiếc SH này giá 30 triệu đồng do thua độ trận đêm qua. Xe có đủ giấy tờ nên lãi suất là 4.500 đồng/triệu/ngày”. Mặc dù là xe đầy đủ giấy tờ nhưng mức lãi suất này là cao hơn ngày thường. Theo chủ cửa hàng, nhiều tháng qua, cửa hàng cầm đồ “làm chẳng đủ ăn”, có ngày chẳng có khách nào, nhưng gần chục ngày gần đây thì khách đông hẳn.
Đỗ Đình Vương (quê Thái Bình đang là sinh viên tại Hà Nội) cho biết, thỉnh thoảng Vương và bạn cùng phòng cũng phải “cầm đồ” vì lỡ ăn tiêu quá tay. Đối với tài sản đủ giấy tờ thì lãi suất dao động từ 1.500- 4.000 đồng/triệu/ngày. Nếu không có giấy tờ thì khách quen có thể “cầm uy tín” nhưng lãi suất lên tới 10.000 đồng/triệu/ngày. Khách quen sẽ được ưu đãi hơn, trong khi khách lạ có thể được cầm uy tín nhưng rất ít, thường là bị ép giá và đẩy lãi suất cao ngất ngưởng.
Tương tự, tại cửa hàng cầm đồ trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Đống Đa), lãi suất mùa World Cup đã tăng ít nhất 150% so với ngày thường. Bình thường, lãi suất trung bình 3.000-4.000 đồng/triệu/ngày tùy món hàng, nhưng hiện tại, khách cầm đồ thường phải trả lãi rất cao. Theo anh Nguyễn Thành Long (thuê trọ tại tổ 43 đường Hồ Tùng Mậu), anh vừa “cầm” chiếc máy tính Vio mới mua hơn 17 triệu đồng lấy 7,5 triệu đồng với lãi suất 6.000 đồng/triệu/ngày.
Có lãi suất “dễ chịu” hơn, một số cửa hàng cầm đồ tại phố Đặng Dung chỉ tính 2.000-5.000 đồng/triệu/ngày. Cứ 10 ngày khách phải trả lãi cho cửa hàng 1 lần. Nếu khách hàng đúng hẹn sẽ được giữ đồ, và ngược lại, không đúng hẹn sẽ bị thanh lý.
Trên mạng internet, dịch vụ cầm đồ mùa World Cup cũng nở rộ với lãi suất chào mời rất cạnh tranh, điều kiện đơn giản và chấp nhận cả những tài sản giá trị không cao lắm.
Sắp vào dịp cao điểm
Theo chủ cửa hàng L. nói trên, khách cầm đồ những ngày qua có tăng nhưng vẫn chưa phải là dịp cao điểm. “Vài ngày nữa, khi World Cup bước vào những trận quyết đấu cuối cùng thì khách hàng sẽ tăng, hàng cầm mới có giá trị. Giờ khách chỉ cầm điện thoại hay xe máy, thẻ sinh viên, vài ngày nữa còn cầm cả ô tô, xe máy đắt tiền, thậm chí cả sổ đỏ”. Còn đầu mùa giải, chỉ có những “con bạc” ham hố mới lao vào đặt cược.
Video đang HOT
Các cửa hàng cầm đồ không chỉ phân biệt khách lạ và khách quen để định mức lãi suất, thời gian cầm cố mà còn phải “trông mặt mà bắt hình dong” để cầm. Ví như người nhìn có tiền, sang trọng thì được cầm đồ với lãi suất ưu đãi hơn và có thể gia hạn. Nếu như trước đây, các loại xe máy không có giấy tờ chính chủ, hợp pháp cũng vay được tiền thì bây giờ, xe máy được coi là mặt hàng có giá trị thấp nên xe không có giấy tờ, khách hàng không trả nổi lãi và gốc không đến nhận lại, cửa hàng thanh lý cũng khó.
Trên thực tế thì không ít người cầm cố máy tính xách tay để lấy vài triệu, nhưng sau đó phải cầm hoặc bán cả xe máy vài chục triệu đồng, thậm chí vay mượn thêm để “đắp” vào trả vốn lẫn lãi cho cửa hàng cầm đồ. Thế nên mặc dù 4 năm mới có 1 lần, nhưng nhiều người giàu lên trông thấy nhờ World Cup, cũng không ít kẻ trắng tay vì những trò cá cược rủi may.
Theo ANTD
Gặp thanh niên trả lại 200 triệu nhặt được cho người TQ
"Người Trung Quốc sang Việt Nam làm việc cũng giống như người Việt sang các nước khác lao động, cuộc sống cũng rất khó khăn, số tiền đó rất đáng giá với họ. Và tôi muốn cho họ thấy người Việt mình rất thân thiện, luôn mong muốn hòa bình" - anh Đào Hữu Ý (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), người trả lại 200 triệu đồng cho một người TQ đánh rơi chia sẻ.
"Mừng vì mình là người nhặt được tiền"
Trong thời gian gần đây, bạn đọc cũng như cư dân mạng hết lời tán thưởng, khâm phục về hành động của anh Đào Hữu Ý (SN 1984, trú tại thôn Hoa Đông, xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), khi nhặt được một túi xách chứa 200 triệu đồng của một người mang quốc tịch Trung Quốc đánh rơi.
Trong một chuyến công tác, vô tình gặp anh Đào Hữu Ý, biết chúng tôi có ý tìm hiểu về hành động trả tiền, anh Ý rất vui vẻ trò chuyện.
Anh Đào Hữu Ý (trái) và Jiang Qin Lin khoác tay nhau, rất thân thiện. Ảnh nhân vật cung cấp
Anh cho biết đang là cán bộ công tác tại Hội đồng bồi thường tái định cư giải phóng mặt bằng của huyện Kỳ Anh.
Nhấp ngụm nước, anh Ý kể tiếp, hôm đó là chiều ngày 11/5, sau khi đi làm về, anh cùng một số người bạn rủ nhau vào quán cafe Phú Sơn (Khu phố Hưng Lợi - Thị trấn Kỳ Anh) uống nước.
Khi ra về, anh phát hiện một túi xách màu nâu đánh rơi trước cổng quán.
Tò mò nên mở chiếc túi để kiểm tra, anh bất ngờ khi thấy bên trong túi có một cục tiền được gói cẩn thận.
Ngoài ra có một hộ chiếu tên Jiang Qin Lin (SN 1990) cùng một số giấy tờ khác. Anh mang túi vào hỏi một số nhân viên trong quán thì được những người này cho biết, cách đó khoảng 30 phút có một người đi chiếc ô tô màu đen vào uống nước.
"Lúc này trong người tôi cũng có tiền vì vừa nhận lương, sợ mọi người nghĩ không đúng nên tôi đã vào quán để nhờ nhân viên xác nhận là tôi không hề đụng tới số tiền trong túi xách" - anh Ý nói.
Anh Ý liền lấy xe máy chạy đuổi theo hướng đi xã Kỳ Hoa (Huyện Kỳ Anh) hơn 5km.
Suốt quãng đường, anh đảo mắt để chiếc xe màu đen mà nhân viên quán miêu tả sơ qua nhưng không thấy. Sau đó, anh lại chạy ngược hướng khu tái định cư xã Kỳ Lợi những cũng không có kết quả.
Nghĩ người này khi phát hiện mất tiền sẽ quay lại quán tìm nên anh Ý trở lại quán café Phú Sơn. Chờ hơn 30 phút thì thấy một người đàn ông dáng vẻ hốt hoảng nhu đang tìm kiếm thứ gì đó.
"Lúc đó khoảng hơn 19h, tôi trong thấy một người đàn ông đang dáo dác tìm thứ gì đó. Nhìn lại bức ảnh in trên hộ chiếu thấy giống. Tôi liền qua hỏi, người này nói tiếng Việt rất rõ. Qua trao đổi thì đúng là người đã đánh rơi chiếc túi. Khi ấy, họ mừng lắm, cứ cảm ơn rối rít. May mà tôi là người nhặt được túi xách" - anh Ý nhớ lại.
Nhân viên quán café Phú Sơn, Đào Thị Minh Huệ (SN 1995) cho hay, khoảng 17h ngày 11/5, anh Ý mang túi xách vào kiểm tra thì thấy có tiền, ai cũng hốt hoảng.
Sau đó, anh Ý chạy xe đi tìm rồi chờ người đánh rơi để trả lại. Và đó là một người Trung Quốc.
Tôi muốn cho họ biết: Người Việt rất thân thiện
Nói chuyện thì anh mới biết, người này tên là Jiang Qin Lin (SN 1990), là người Trung Quốc, hiện đang làm việc tại dự án Formosa - KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Và khi đó anh mới biết số tiền trong túi là khoảng 200 triệu đồng. (100 triệu đồng và 50 ngàn nhân dân tệ, tương đương 100 triệu đồng tiền Việt).
"Không chỉ anh Jiang Qin Lin mừng khi nhận được lại tiền mà ngay bản thân tôi cũng rất vui. Tiền thì ai cũng cần nhưng không phải do công sức mình làm ra thì lấy cũng không được gì. Niềm vui ấy không kéo dài được, trong khi người mất lại suy sụp" - anh Ý nói.
Sau khi nhận lại số tiền từ tay anh Ý, Jiang Qin Lin đã nhỏ ý đưa cho anh Ý cùng một số nhân viên trong quán cafe 1 triệu đồng để cảm ơn nhưng anh đã từ chối.
Ngày hôm sau (12/5), anh Đào Hữu Ý đã có một bữa ăn trưa với anh Jiang Qin Lin, nhờ đó mà anh Ý mới biết được, khi quay lại quán tìm chiếc túi xách thì hy vọng tìm được tiền là không có mà chỉ muốn xin lại hộ chiếu.
Tuy nhiên, nghĩ trong túi có tiền nên việc xin lại hộ chiếu cũng không còn.
Và anh Jiang Qin Lin cũng rất bất ngờ trước việc làm của anh Đào Hữu Ý, Lin chỉ biết gật đầu, bắt tay rối rít cảm ơn.
Cũng trong bữa ăn, 2 người đã trao đổi về việc Trung Quốc lắp đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng lãnh hải Việt Nam một cách rất cởi mở.
Theo anh Ý, anh Jiang Qin Lin cũng như người dân Trung Quốc không hề đồng ý về hành vi của nhà cầm quyền.
"Đó là việc của chính quyền, chứ Lin cũng như người dân Trung Quốc luôn mong muốn hòa bình, cùng hợp tác, thỏa thuận bằng con đường ngoại giao để cùng nhau phát triển", anh Ý nhắc lại lời của Jiang Qin Lin.
Nói về việc làm của mình, anh Đào Hữu Ý chia sẻ:"Tôi làm việc này không phải để nhận tiền hay lời cảm ơn từ họ mà chỉ muốn nói với họ là con người Việt Nam rất thân thiện, môi trường làm việc ở Việt Nam rất tốt, đáng để đầu tư".
Văn Đức
Theo_VietNamNet
Biển Đông: Căn bệnh "ung thư bành trướng" của Trung Quốc Trung Quốc đặt cược vào nước cờ mở màn này quá lớn nhưng không có yếu tố bất ngờ nào ở đây cả. Bây giờ hoặc không bao giờ! Có thể nói muốn Biển Đông thành "ao nhà" không chỉ là âm mưu mà đã trở thành chiến lược "chiếm trọn Biển Đông" của Bắc Kinh. Để thực hiện mục tiêu chiến lược...