Cháy TTTM Hải Dương: Sơ tán dân khẩn cấp
Sáng 18/9, UBND thành phố Hải Dương đã có công văn khẩn cấp yêu cầu sơ tán nhân dân ở phố Mạc Thị Bưởi và khu vực đằng sau Trung tâm thương mại Hải Dương ra khỏi vùng nguy hiểm.
Ngày 15/9, Trung tâm thương mại Hải Dương, tỉnh Hải Dương bất ngờ bốc cháy đã thiêu đốt toàn bộ hàng hóa của 536 hộ dân kinh doanh. Tòa nhà sau khi cháy cũng xuống cấp trầm trọng, một phần phía sau của tòa nhà bị sụp đổ hoàn toàn. Kết cấu các cột bên trong tòa nhà bị bong tróc lớp vữa, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Phần phía sau của Trung tâm thương mại đã bị đổ sập
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ dân sống xung quanh tòa nhà này, UBNDTP Hải Dương đã có quyết định 2113/QĐ -UBND về việc khẩn cấp thực hiện sơ tán nhân dân sống quanh khu vực Trung tâm thương mại Hải Dương ra khỏi vùng nguy hiểm. Theo quyết định trên, áp dụng các biện pháp sơ tán nhân dân khẩn cấp ở phố Mạc Thị Bưởi và khu vực đằng sau Trung tâm thương mại Hải Dương ra khỏi vùng nguy hiểm.
Những hộ dân thuộc diện buộc sơ tán sẽ được UBND các phường Lê Thanh Nghị,Trần Phú bố trí chỗ ở tạm an toàn. Những hộ dân nào không chấp hành sẽ bị cưỡng chế.
Video đang HOT
Công an thành phố cùng chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng và UBND các phường Lê Thanh Nghị, Trần Phú huy động lực lượng và bố trí địa điểm tạm cư an tàn cho nhân dân.
Ông Đoàn Việt Hùng, Chủ tịch UBND TP Hải Dương cho biết, hiện tại nguy cơ Trung tâm Thương mại Hải Dương bị sập là rất lớn. Nếu điều này xảy ra sẽ đe dọa an toàn, tính mạng của người dân ở gần khu vực tòa nhà. Do đó, việc sơ tán khẩn cấp số hộ dân ở đây là cần thiết.
Quyết định của UBND thành phố Hải Dương về việc sơ tán dân khẩn cấp
Theo ghi nhận của phóng viên, kết cấu hạ tầng của khu trung tâm thương mại đã xuống cấp nghiêm trọng. Đồ đạc bên trong tòa nhà đều bị thiêu rụi. Phần lớn các cột trụ ở tầng 1 đã bị tróc lở, lớp bê tông bảo vệ đã tách ra khỏi cốt thép. Một số dầm bị vọng, phần phía sau của tòa nhà đã đổ sụp ngay sau khi xảy ra cháy được vài giờ.
Xung quanh trung tâm thương mại có khoảng hơn 100 hộ dân sinh sống. Khoảng cách nhà dân với trung tâm thương mại liền kề nhau, do đó nguy cơ trung tâm thương mại sụp đổ ảnh hưởng tới người dân rất cao.
Trước đó, ngày 16/9, ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, đã thị sát hiện trường Trung tâm thương mại Hải Dương. Sau khảo sát, ông Hùng đã cảnhbáo trong trường hợp tòa nhà trung tâm thương mại đổ, phạm vi ảnh hưởng có thể xa vài trăm mét và sẽ tác động đến hàng trăm nhà dân xung quanh. Các cơ quan chức năng cần phải có cảnh báo sớm với công trình nhà dân ở xung quanh trung tâm thương mại.
Khoảng 2h sáng 15/9, một ngọn lửa bất ngờ bốc lên từ tầng 1 của Trung tâm thương mại Hải Dương rồi nhanh chóng lan rộng, cháy dữ dội, cột khói bốc cao hàng chục mét. Đám cháy đã thiêu rụi hoàn toàn đồ đạc, các mặt hàng nhu yếu phẩm của 536 hộ dân, với số tiền gần 400 tỷ đồng. Trung tâm thương mại Hải Dương được khởi công xây dựng năm 1997 và được đưa vào sử dụng cuối năm 2001 với diện tích xây dựng 6.142 m2, quy mô 4 tầng. Công trình có bậc chịu lửa cấp 2, kết cấu chịu lực của tòa nhà là hệ khung bê tông cốt thép, đủ chỗ cho 1.546 sạp hàng, mỗi sạp hàng diện tích 4,86 m2.
Theo Đức Nguyễn (Khampha.vn)
Cháy TTTM: Hệ thống báo cháy đã tê liệt từ 2004
Từ năm 2004, hệ thống báo cháy tự động đã hoàn toàn bị tê liệt. 2/4 bể nước ngầm cứu hỏa thường xuyên khô ráo do bị hư hỏng, 2/4 máy bơm chữa cháy hỏng động cơ...
Ngày 17/9, Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự, Bộ Công an đã phối hợp với cơ quan điều tra Công an tỉnh Hải Dương tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương hôm 15/9.
Sau vụ cháy, chính quyền địa phương đã hỗ trợ các tiểu thương bị thiệt hại mỗi hộ 10 triệu đồng. Sau vụ cháy, các tiểu thương đã kéo lên trụ sở chính quyền để phản ánh và đề nghị làm rõ trách nhiệm của Ban quản lý, sự chậm trễ của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và đòi hỏi quyền lợi của mình.
Vào thời điểm cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường sáng 17/9, hàng trăm người dân cũng như tiểu thương vẫn kéo đến để quan sát. Trên những gương mặt, sự thất thần, xót xa vẫn hiện hữu.
Cảnh tan hoang, đổ nát bên trong Trung tâm thương mại Hải Dương sau vụ cháy
Cuối tháng 3/2013, đoàn kiểm tra của Sở Công Thương Hải Dương đã phát hiện một số sai phạm của Ban quản lý chợ và Trung tâm Thương mại Hải Dương trong quá trình thực hiện Luật Điện lực. Chánh Thanh tra Sở đã ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 30 triệu đồng.
Theo các tiểu thương, họ không biết nguyên nhân cháy từ đâu vì trung tâm đóng cửa lúc 18 giờ 30 phút hàng ngày. Ngày nào cũng vậy, khi đóng cửa thì trung tâm cắt điện hết. Thậm chí, 6 giờ 30 sáng mở cửa nhưng cũng phải 7 giờ - 7 giờ 30 mới đóng điện.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong quá trình hoạt động, Ban quản lý Trung tâm Thương mại Hải Dương đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng nhiều hạng mục công trình làm cho hệ thống phòng, chống cháy nổ bị biến dạng. Công tác an toàn phòng chống cháy nổ tại trung tâm thương mại này bị xem nhẹ.
Từ năm 2004, hệ thống báo cháy tự động đã hoàn toàn bị tê liệt. 2/4 bể nước ngầm cứu hỏa thường xuyên khô ráo do bị hư hỏng, không thể tích nước. Tương tự, 2/4 máy bơm chữa cháy hỏng động cơ, các van điều khiển bị gỉ sét, không thể vận hành...
Theo Thắng Quang (Dân Việt)
Cháy TT Thương mại: Thiệt hại 400 tỷ đồng Ngay sau khi vụ cháy Trung tâm thương mại Hải Dương xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã có cuộc họp với các sở ngành, đại diện tiểu thương. Vào 14h chiều 15/9, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển đã chủ trì cuộc họp nghe UBND TP.Hải Dương cùng các sở, ngành, tiểu thương báo cáo thiệt hại,...