Chạy tội nhờ “kim bài” chứng nhận tâm thần
Nhiều đối tượng hình sự “thủ sẵn” bệnh án tâm thần như vật phòng thân để hòng thoát hoặc giảm tội đến mức thấp nhất.
Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với 1 bác sĩ và 1 kỹ thuật viên tại Bệnh viện (BV) Tâm thần Trung ương 1 để tiếp tục điều tra, xử lý đường dây “chạy” hồ sơ bệnh án tâm thần giả cho hàng chục đối tượng hình sự.
Đột nhiên… bị điên
Cụ thể, đó là bác sĩ chuyên khoa 2 Thân Thái Phong, Phó trưởng Khoa Tâm thần người cao tuổi và ông Nguyễn Tuấn Sơn, kỹ thuật viên trưởng Khoa Dinh dưỡng. Trong đó, ông Sơn có trách nhiệm phân công công việc hằng ngày tại Khoa Dinh dưỡng.
Trên thực tế, trong không ít vụ án nghiêm trọng trước đây, những đối tượng cộm cán đã nhờ giấy chứng nhận tâm thần làm “kim bài miễn tử” sau khi gây án. Ngoài việc giả điên để làm giấy tờ giả, nhiều kẻ phạm pháp còn lấy hồ sơ bệnh án của người bị tâm thần thật rồi dán hình, sửa tên, địa chỉ để làm hồ sơ tâm thần giả nhằm chạy tội.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) phân tích: Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự quy định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong trạng thái mắc bệnh tâm thần hay bị bệnh mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Lợi dụng quy định này, nhiều đối tượng đã “thủ sẵn” bệnh án tâm thần như vật phòng thân để có thể thoát tội hoặc giảm tội đến mức thấp nhất.
Bệnh nhân tâm thần được làm hồ sơ bệnh án trước khi điều trị nội trú. Ảnh: Ngọc Dung
Video đang HOT
Theo bác sĩ Dương Đức Hùng, Viện trưởng Viện Giám định y khoa – BV Bạch Mai (Hà Nội), định nghĩa bệnh lý tâm thần rất rộng và để xác định bệnh thì không thể cân, đo, đong, đếm hay phụ thuộc vào các xét nghiệm cận lâm sàng… mà phải hỏi bệnh nhân rất nhiều. “Có những đối tượng giả điên tài tình, bác sĩ hỏi một đằng, họ trả lời một nẻo, thậm chí còn chửi bới bác sĩ để tỏ ra là người điên thật” – bác sĩ Hùng cho biết.
Bác sĩ La Đức Cương, nguyên Giám đốc BV Tâm thần Trung ương I, cho biết thời ông còn quản lý BV này, hầu như trong các buổi giao ban nào ông cũng đều nhắc nhở nhân viên tuân thủ quy định về giám định pháp y tâm thần. “Không ít lần nhận những lời đề nghị “xin” bộ hồ sơ bệnh án tâm thần nhưng tôi yêu cầu bệnh nhân phải tới khám, nếu bệnh thì phải điều trị mới có hồ sơ” – bác sĩ Cương nhớ lại.
Gây khó khăn, nguy hại
Theo bác sĩ Cương, để tránh tình trạng không có bệnh nhân điều trị nhưng vẫn có hồ sơ bệnh án, nhiều lúc ban lãnh đạo BV Tâm thần Trung ương I đã yêu cầu phải quét ảnh bệnh nhân vào hồ sơ bệnh án. Quy trình quét ảnh này được lặp lại nhiều lần trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, bác sĩ Cương cho rằng cách này cũng không bảo đảm giám sát 100% nếu cấp dưới cố tình làm sai, không tuân thủ quy định.
Theo đại diện Công an TP.Hà Nội, hành vi làm giả bệnh án tâm thần đã tiếp tay, tạo điều kiện để các đối tượng hình sự, ma túy… hoạt động công khai, lộng hành nhưng vẫn trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan công an. Ngoài ra, việc này gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử; gây nguy hại cho xã hội và bức xúc trong dư luận.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án; giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử được chính xác, khách quan. Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các bác sĩ, giám định viên pháp y, pháp y tâm thần có trách nhiệm, bản lĩnh trước công việc hằng ngày. Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định quan điểm của bộ là xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ để vi phạm pháp luật.
Theo Ngọc Dung – Nguyễn Hưởng (Người Đưa Tin)
Làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần bị xử lý thế nào?
Tùy cách thức, thủ đoạn làm giả mà cơ quan tố tụng xác định có hay không hành vi phạm tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ hay Làm giả con dấu tài liệu.
Công an Hà Nội vừa thông tin về việc điều tra vụ án làm giả bệnh án tâm thần để trốn tránh việc xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Theo đó, có 78 hồ sơ bệnh án tâm thần được làm giả. Trong số này có 41 hồ sơ mang tên các đối tượng giang hồ.
Việc làm giả hồ sơ bệnh án không phải là vấn đề mới phát sinh, chỉ vì muốn trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan thực thi pháp luật mà nhiều đối tượng đã sử dụng thủ đoạn nhờ đến các cá nhân hỗ trợ làm hồ sơ bệnh giả. Vậy, hành vi này bị xử lý thế nào?
Nhiều kẻ gây án thoát tội nhờ có bệnh án tâm thần giả. Ảnh minh họa.
Trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM), ông cho biết với hồ sơ bệnh án tâm thần giả do các bệnh viện tâm thần địa phương làm ra, cần phải làm rõ cách thức, thủ đoạn làm giả, người làm giả để có căn cứ xác định có hay không có tội phạm và phạm tội gì.
Theo luật sư Dũ, với loại hồ sơ do giám định viên, bác sĩ được phân công kiểm tra, xác nhận thì hành vi của người làm giả sẽ thuộc vào trường hợp thi hành công vụ, nhiệm vụ. Lúc này, họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, trái công vụ được giao.
"Nếu người này đã nhận hoặc có hứa hẹn sẽ nhận được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất để làm giả hồ sơ bệnh án, thì việc làm giả của họ có dấu hiệu của tội Nhận hối lộ (Điều 354 BLHS 2015), người đưa tiền có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ (Điều 364 BLHS 2015)", luật sư Dũ phân tích.
Còn nếu không chứng minh được tình tiết đã hoặc sẽ nhận lợi ích thì người phạm tội có thể bị xem xét về tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356 BLHS 2015); hoặc tội danh Giả mạo trong công tác (Điều 359 BLHS 2015).
Trong trường hợp người làm giả là những cá nhân không được phân công công việc đó, luật sư Dũ cho rằng sẽ xác định họ không có chức vụ, quyền hạn đối với việc làm giả. Do đó, họ sẽ bị không định tội danh đối với nhóm về chức vụ, mà có thể xem xét theo tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 341 BLHS 2015).
Về trách nhiệm đối với người sử dụng hồ sơ giả, nếu họ có mục đích dùng hồ sơ để trốn tránh việc bị xử lý về hành vi vi phạm pháp luật (không chứng minh được có tội Đưa hối lộ), thì có thể bị xem xét theo tội danh Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Việc làm giả giấy tờ trên thực tế không chỉ do những người trong các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện mà còn do những người khác thực hiện. Trường hợp này được xác định là giả về nội dung và hình thức.
"Việc làm giả giấy tờ diễn ra rất phức tạp trong thực tế và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Việc làm giả không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức mà còn gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác cho xã hội. Các ngành, các cấp và mọi người dân cần chung tay đấu tranh, ngăn chặn, tạo môi trường xã hội bình đẳng, văn minh", luật sư nói thêm.
Trong số 78 hồ sơ bệnh án tâm thần giả được cơ quan công an phát hiện, có đến 41 hồ sơ của những kẻ giang hồ cộm cán.
Hoài Thanh
Theo Zing
8 người suýt chết vì bị người tâm thần khóa cửa, đốt nhà Nhà bị phát lửa cháy, bánh xe đạp nổ gây tiếng động lớn nên một thành viên trong gia đình chị Bích kịp thời thức giấc kêu cứu... Ngày 31-7, TAND TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Lương Đức Hảo (35 tuổi) 13 năm tù về tội giết người. Ngoài ra, tòa công nhận việc gia đình bị hại...