Chạy thận nhân tạo ngay trong khu cách ly tại TPHCM
Đây là khu cách ly tập trung đầu tiên tại TPHCM thực hiện kỹ thuật này.
Khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, những bệnh nhân suy thận có yếu tố phơi nhiễm Covid-19 phải cách ly 14 ngày rơi vào tình thế khó khăn. Sở Y tế TPHCM đã cho phép Bệnh viện Quận 2 thành lập đơn vị thận nhân tạo trong Khu cách ly trung tâm Quận 2. Đây là khu cách ly tập trung đầu tiên tại TPHCM thực hiện kỹ thuật này.
Vừa điều trị, vừa đảm bảo an toàn tránh phơi nhiễm Covid-19
Bà Nguyễn Thị Phương, ngụ Quận 2, TPHCM đang chạy thận nhân tạo tại BV Hoàn Mỹ Sài Gòn (quận Phú Nhuận) thì bất ngờ rơi vào diện cách ly do chung cư nơi bà sinh sống có người mắc Covid-19. Trước tình huống này, Ban quản lý chung cư đã liên hệ với BV Quận 2, sau đó BV Hoàn Mỹ Sài Gòn cùng hội chẩn với BV Quận 2, bà Phương được đưa về lọc thận tại khu cách ly trung tâm Quận 2. Mỗi tuần 2 lần, bà được xe chuyên dụng hỗ trợ di chuyển từ nhà đến Khu cách ly trung tâm Quận 2 chạy thận, sau đó được xe đưa bà quay trở lại nhà để tiếp tục cách ly.
Theo bà Phương, những người bị bệnh suy thận vốn ngày thường đã rất vất vả thì bây giờ phải cách ly lại càng khó khăn hơn. Có khu cách ly tổ chức chạy thận cho người bị cách ly sẽ giúp những người như bà an tâm điều trị bệnh.
“Lúc đầu tôi rất lo lắng vì không biết mình phải chạy thận, di chuyển như thế nào vì cả khu chung cư đều bị phong tỏa. Cuối cùng tôi mới liên lạc cho BV Quận 2, hai bên kết nối với nhau rồi sau đó BV Quận 2 chấp nhận hồ sơ của tôi”, bà Phương cho biết.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2 cho biết, phòng chạy thận nhân tạo tại Khu cách ly trung tâm Quận 2 được bố trí riêng biệt với các tiêu chuẩn an toàn, có hệ thống xử lý nước RO đủ tiêu chuẩn cho phép của Viện Pasteur và được kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ, nhằm đảm bảo an toàn cho cả bệnh nhân lẫn nhân viên y tế trong quá trình lọc máu. Hiện phòng chạy thận nhân tạo có 2 bác sỹ và 4 điều dưỡng túc trực thường xuyên.
Cũng theo BS Khanh, được thành lập từ ngày 6/4, đến nay đơn vị thận nhân tạo tại khu cách ly đã có 18 bệnh nhân đăng ký chạy thận. Đây là người thuộc diện F2, F3, cách ly tại nhà; là bệnh nhân suy thận từ các bệnh viện trên địa bàn TP chuyển sang, như: BV quận Thủ Đức, Bệnh viện phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp ở Quận 8, Bệnh viện Hoàn Mỹ ở Phú Nhuận…
Video đang HOT
Quy trình là BV Quận 2 sẽ liên hệ các tuyến quận/huyện để nắm thông tin bệnh nhân đang chạy thận cách ly, sau đó hẹn bệnh nhân. Khi bệnh nhân tới cửa cách ly, có người hướng dẫn vào phòng cách ly để tiến hành lọc máu. Đồng thời BV cũng đã thống nhất với các địa phương, nơi có bệnh nhân cần lọc máu do suy thận sinh sống để phối hợp, giám sát bệnh nhân chạy thận xong phải về nhà.
Về khả năng thu dung, bác sĩ Khanh cho biết, hiện BV đã đầu tư cho khu cách ly này 2 hệ thống chạy thận RO mini, 4 máy chạy thận, khả năng chạy ngày 3-4 ca, khả năng khoảng 16-20 bệnh nhân mỗi ngày.
Trước đó, ngành Y tế TPHCM đã có chủ trương chăm sóc đối với các bệnh nhân đặc biệt trong quá trình cách ly. Những người có bệnh lý nền mãn tính sẽ được bác sỹ chăm sóc tại chỗ hoặc chuyển qua trung tâm cách ly ở bệnh viện tuyến quận/huyện, trong đó cụ thể là các trường suy thận cần chạy thận nhân tạo… Giờ đây, người tham gia cách ly có thể an tâm hơn, chung tay cùng với cả nước nỗ lực đẩy lùi đại dịch Covid-19./.
Kim Dung
Nguy cơ nhiễm nCoV ở bệnh nhân chạy thận
Bệnh nhân chạy thận thường nhiều bệnh nền, phải ra vào viện thường xuyên, phòng lọc máu sử dụng máy điều hòa... nguy cơ cao nhiễm nCoV.
Ảnh minh họa
Tiến sĩ Nguyễn Bách, Trưởng Khoa Thận Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất TP HCM, cho biết nhiều yếu tố nội tại cũng như những bất lợi từ bên ngoài hiện có thể ảnh hưởng bệnh nhân suy thận mạn.
Các yếu tố nội tại do chính bản thân người bệnh đã có sẵn, không thể thay đổi được. Các bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường lớn tuổi, khoảng trên 60 tuổi với nhiều bệnh nền như đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, phổi mạn tính, viêm gan, xơ gan, ung thư... Người bệnh có sức đề kháng kém, khả năng miễn dịch yếu do suy thận gây ra nên dễ nhiễm bệnh và khi nhiễm bệnh rất dễ xảy biến chứng nặng.
Yếu tố bất lợi từ bên ngoài, gồm:
- Bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải thường xuyên ra vào viện để lọc máu 2-3 lần mỗi tuần. Môi trường bệnh viện dễ mắc bệnh truyền nhiễm. Bệnh nhân phải tiếp xúc với nhân viên y tế, các người bệnh khác nên dễ lây chéo.
- Môi trường phòng lọc máu thường sử dụng máy điều hòa, phòng kín và lưu thông không khí kém. Trong điều kiện Việt Nam hiện tại, các trung tâm lọc máu luôn đông, quá tải, giường lọc máu gần sát nhau nên dễ xảy ra lây nhiễm.
- Nguy cơ lây nhiễm bệnh từ người chăm sóc. Những bệnh nhân già yếu không tự sinh hoạt phải nhờ người chăm sóc, tắm giặt, vệ sinh cá nhân, đưa đi lại bệnh viện, cho ăn uống... Người chăm sóc có thể nhiễm bệnh không triệu chứng và trở thành nguồn lây cho bệnh nhân lọc máu.
Tại Việt Nam, ước tính khoảng 5 triệu người bị suy thận và 8.000 bệnh nhân mới mỗi năm. Khoảng 800.000 người bị suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu, chiếm 0,1% dân số.
Số liệu của các tác giả F. He và G. Xu tại Vũ Hán, Trung Quốc, trong thời kỳ dịch bùng phát có đến 10% bệnh nhân lọc máu tại các trung tâm thận nhân tạo nhiễm nCoV.
Bác sĩ Bách khuyến cáo 10 điều bệnh nhân chạy thận nhân tạo ngoại trú cần lưu ý trong đại dịch:
1. Chủ động tự cách ly tại nhà, hạn chế hoặc không tiếp xúc trực tiếp với bên ngoài, ngay cả người thân trong gia đình như con, cháu vì những người này thường ra ngoài, tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Phòng ở thông thoáng, mở cửa sổ, sử dụng quạt vào mùa nóng, không nên dùng điều hòa.
2. Chủ động khai báo y tế, tiền sử tiếp xúc, khu vực đang sinh sống có bị cách ly hay không để được hướng dẫn và giúp đỡ. Tuyệt đối không giấu thông tin này. Các bệnh viện đã có phương án giải quyết cho bệnh nhân nhiễm nCoV lọc máu đúng chu kỳ.
3. Báo ngay cho nhân viên khoa thận nhân tạo những triệu chứng như sốt, đau họng, khó thở, nhức mỏi cơ thể, ngửi không nghe được mùi. Bệnh nhân yên tâm sẽ được lọc máu đúng lịch vì các bệnh viện đã có khu lọc máu riêng cho người nghi nhiễm hoặc mắc bệnh.
4. Di chuyển đến bệnh viện lọc máu nên dùng xe cá nhân như xe máy, ôtô riêng của gia đình với cửa xe được mở thông thoáng. Luôn đeo khẩu trang khi vào viện lọc máu.
5. Trong phòng lọc máu luôn đeo khẩu trang, hạn chế tối đa nói chuyện. Không ăn uống, không mang bất kể đồ dùng cá nhân vào phòng lọc máu. Khi ho, hắt hơi cần che miệng, khạc đàm dùng khăn giấy lau miệng và cho vào túi nilon bỏ vào rác y tế. Các phòng lọc máu cần đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ, lưu thông không khí bằng quạt hút, điều hòa và mở cửa sổ.
6. Lọc máu xong nên đi thẳng về nhà, giặt ngay áo quần đã mặc ở bệnh viện, tắm bằng nước ấm và mặc áo quần mới.
7. Tắm nắng 30 phút mỗi buổi sáng hàng ngày, đồ dùng cá nhân như áo quần, chăn màn cần phơi nắng.
8. Tuân thủ chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân lọc máu, tránh uống nước quá nhiều trong mùa nắng nóng, tăng kali máu do ăn trái cây nhiều.
9. Hạn chế tối đa phải nhập viện nội trú trong giai đoạn dịch bệnh.
10. Liên lạc với nhân viên y tế qua điện thoại với các trung tâm đang lọc máu, thường xuyên báo cáo về tình trạng sức khỏe, tư vấn sử dụng sử dụng thuốc, chế độ ăn. Hạn chế đi vào bệnh viện để khám bệnh, chỉ đi khám khi thật sự cần thiết.
Lê Phương
Da mặt bỗng đổi sang những màu sắc bất thường này nghĩa là nội tạng của bạn đang "cầu cứu": Số 3 rất nhiều người chủ quan bỏ qua! Da có vai trò trong việc điều tiết, điều hòa thân nhiệt và hô hấp, đây cũng là nơi biểu hiện sớm sự thay đổi của các cơ quan khác trong cơ thể. Việc khám bệnh sớm giúp phát hiện một số bệnh lý tiềm tàng và nếu không can thiệp kịp thời có thể gây tác hại nặng nề cho cơ thể....