Chạy thận 8 người chết ở Hoà Bình: Lộ tình tiết chưa có trong kết luận điều tra
Ngày 2/8, trao đổi với báo chí, TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, vụ tai biến chạy thận nhân tạo làm 8 người tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình xuất hiện tình tiết mới, chưa có trong kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hòa Bình.
Bị cáo Trần Văn Sơn, Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc tại phiên tòa liên quan đến sự cố chạy thận. Ảnh: Nguyên Khang
Theo đó, thời gian gần đây các chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế và một số luật sư đã cùng phân tích toàn bộ vụ tai biến chạy thận nhân tạo này. Cụ thể, khi được tiếp cận với ghi âm lời khai của bị cáo Bùi Mạnh Quốc, Bộ Y tế thấy có nhiều tình tiết cần phải làm rõ thêm, đặc biệt là nguyên nhân khoa học khiến 8 nạn nhân tử vong.
Các nhà khoa học trong các lĩnh vực hóa học, trang thiết bị y tế và chuyên gia về thận nhân tạo nhận định, nguyên nhân khiến 8 nạn nhân tử vong không phải do tồn dư hoá chất HF trong quá trình làm sạch hệ thống mà do hệ thống RO1 hỏng 3 van nước, đã nối thẳng nguồn nước ô nhiễm từ hệ thống lọc thô chưa qua màng lọc RO của hệ thống RO1 vào tank RO2 cho máy chạy thận nhân tạo.
Ông Hải cho hay, Viện Trang thiết bị công trình y tế đã vẽ lại bản vẽ của toàn bộ hệ thống xử lý nước RO1, RO2 và phân tích cẩn trọng, tỉ mỉ, khách quan khoa học chỉ rõ 3 van theo kết luận điều tra (K1; K2; K3) thuộc hệ thống RO1 bị hỏng đồng thời trên cùng một con đường là việc rất hiếm khi xảy ra.
Ông Hải phân tích, do sử dụng gần 10 năm, trải qua rất nhiều lần bảo trì, sục rửa bằng hóa chất làm cho quá trình hỏng 3 van diễn ra từ từ, gây rò rỉ nước sinh hoạt thành phố qua 2 cột lọc đầu của RO1 vào tank chứa nước thành phẩm RO2 dùng cho các máy thận.
Ông Hải nhận định, có thể bác sĩ Hoàng Công Lương nhận thấy một số biểu hiện lâm sàng bất thường trên bệnh nhân trong quá trình chạy thận trước đây, từ đó đã yêu cầu bảo trì hệ thống nước. Tuy nhiên bác sĩ Lương và đồng nghiệp không ngờ là hư hỏng từ hệ thống RO1 đã gây ô nhiễm trực tiếp vào vòng tuần hoàn cho chạy thận nhân tạo. Đây là tình tiết mới chưa có trong kết luận điều tra chứ không thể là tồn dư hóa chất HF như đã được cơ quan điều tra đưa ra trước đó.
Nhiều tình tiết chưa sáng rõ
Các chuyên gia phân tích, Bùi Mạnh Quốc dùng axit HF và HCL để vệ sinh cột Inox chứa màng lọc, các đầu bịt cột lọc RO2, sau đó dùng bơm cao áp để đẩy sạch 2 loại hóa chất này ra đường thải nên không thể làm tồn dư hóa chất. Tiếp đó, Bùi Mạnh Quốc khai đã thay van xả đáy bồn RO2, đồng nghĩa tank RO2 không còn nước nên việc kết luận tồn dư hóa chất và con đường ô nhiễm như trong kết luận điều tra và cáo trạng là không phù hợp, trái với thực tiễn và không có cơ sở khoa học.
Video đang HOT
Ông Hải đặt câu hỏi: “Quốc dùng hỗn hợp HCL và HF để lau chùi 2 màng lọc nhưng kết luận điều tra và cáo trạng chỉ kết luận tồn dư HF. Vậy HCL đi đâu?”. Chuyên gia đầu ngành về trang thiết bị y tế phân tích, về mặt khoa học độc học, với liều tồn dư F- lớn gấp 245 – 287 tiêu chuẩn cho phép, các bệnh nhân sẽ bị ngộ độc Florua cấp tính phải có triệu chứng điển hình là rung thất, bệnh nhân mất tuần hoàn và tử vong rất nhanh chứ không thể tới 1 giờ 20 phút sau khi chạy máy lọc thận. Tuy nhiên, không thấy bất kỳ bệnh nhân nào được ghi có biểu hiện rung thất – triệu chứng điển hình của ngộ độc Florua cấp tính.
Hiện nay, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Hòa Bình đã cho phá bỏ toàn bộ hệ thống RO1 và RO2 là vật chứng quan trọng nhất của vụ án khi chưa thực nghiệm hiện trường đầy đủ, khách quan, khoa học.
Vì thế, TS Lê Thanh Hải kiến nghị cơ quan cảnh sát điều tra phục dựng toàn bộ hiện trường và điều tra thực nghiệm lại với sự chứng kiến, phối hợp của các nhà khoa học trong y tế để tìm ra nguyên nhân khoa học khiến 8 bệnh nhân tử vong. Điều này sẽ giúp ngành y tế trong nước kiểm soát rủi ro và nâng cao chất lượng kỹ thuật chạy thận nhân tạo và đóng góp cho y tế thế giới bài học kiểm soát rủi ro đắt giá.
TS Lê Thanh Hải khẳng định, dù hệ thống RO1, RO2 đã bị tiêu hủy nhưng các chuyên gia về trang thiết bị y tế hoàn toàn có thể phục dựng lại hiện trường và tổ chức thực nghiệm khoa học cần thiết.
Theo Tiền phong
Sự cố chạy thận tại Nghệ An: "Nguyên nhân chưa rõ ràng"
Đang trong quá trình chạy thận nhân tạo tại bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An, 6 bệnh nhân có diễn biến bất thường. Trong đó, có 2 bệnh nhân nặng đã được chuyển ra bệnh viện Bạch Mai.
Ngày 2/8, Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An đã tổ chức họp báo về sự cố chạy thận xảy ra vào ngày 30/7.
Tại cuộc họp báo, Bác sĩ Trần Tất Thắng, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, sau khi nhận được báo cáo của lãnh đạo khoa nội thân, Ban lãnh đạo bệnh viện đã trực tiếp xuống kiểm tra các bệnh nhân. Bệnh viện đã yêu cầu các bệnh nhân ở lại để điều trị nhưng các bệnh nhân nhẹ hơn có nguyện vọng về nhà nên chúng tôi đã để các bệnh nhân về nhà.
Tuy nhiên, còn 2 bệnh nhân có biển hiện nặng hơn có nhu cầu chuyển lên tuyến trên nên bệnh viện đã cho xe cứu thương cùng các nhân viên y tế đưa ra Hà Nội.
Bác sĩ Trần Tất Thắng, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An chủ trì buổi họp
"Nguyên nhân hiện tại chưa rõ ràng, chúng tôi đang chờ kết quả xét nghiệm từ TƯ. Khi có kết quả xét nghiệm chúng tôi sẽ tìm hiểu nguyên nhân như thế nào? Từ đó để qui trách nhiệm cho bộ phận nào, cho cá nhân nào", bác sĩ Thắng nói.
Cũng tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh người trực tiếp điều trị cho hay, khi đang chạy thận 6 bệnh nhân có biểu hiện rét rung, sốt nhẹ 38 độ C. Ngay sau đó, các bác sĩ đã đo huyết áp, cho thuốc hạ sốt. Bệnh nhân nhẹ thì cho trở về nhà bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh, người trực tiếp điều trị
Còn 3 bệnh nhân nặng hơn thì biểu hiện huyết áp thấp, sau khi cho truyền dịch và ngừng chạy thận thì huyết áp ổn định và cho nhập viện.
Theo bác sỹ Linh, các bệnh nhân chạy thận nhân tạo thì có nhiều bệnh lý phối hợp, ngoài bệnh thận ra thì có các bệnh lý như: suy tim, hệ thống toàn thân.. kèm theo các triệu chứng buồn nôn, mệt mỏi,.. Do đó, khi các sự cố này xảy ra thì có rất nhiều nguyên nhân.
Lấy mẫu nước RO để xét nghiệm
Ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, Sở đã có báo cáo sự cố chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An gửi Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), UBND tỉnh Nghệ An.
Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An
Ngay khi nhận được thông tin, Sở Y tế Nghệ An đã chỉ đạo Bệnh viện này ngừng ngay việc chạy thận nhân tạo, tổ chức cấp cứu bệnh nhân, hỗ trợ vận chuyển tiếp nhận bệnh nhân đến các cơ sở chạy thận nhân tạo trong tỉnh, đảm bảo chạy thận chu kỳ cho bệnh nhân. Thành lập tổ công tác xử lý sự cố y khoa làm việc tại bệnh viện.
Hệ thống máy chay thận tại BV HNĐK Nghệ An
Sau khi sự cố xảy ra, Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã dừng chạy thận cho đến khi xác định được nguyên nhân và khắc phục sự cố. Lấy mẫu nước RO gửi viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường Hà Nội. Hoàn tất các thủ tục hành chính để chuyển tất cả bệnh nhân chạy thân nhân tạo chu kỳ còn lại sang các cơ sở lọc máu trong tỉnh. Kiểm tra lại tất cả các quy trình chạy thận, rửa quả lọc, test acid tồn dư, tẩy máy, pha acid citric 30%, acid MDT.
Nguyên nhân do sốc nhiễm khuẩn
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, trong số 21 người chạy thận chiều 30/7 tại bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An, có 6 người có phản ứng bất thường như sốt, buồn nôn, rét run.
Trong đó, có 3 bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, 2 bệnh nhân nữ trong số đó rất nặng, nhiễm toan chuyển hoá, suy đa tạng, được các bác sĩ tại Nghệ An xử trí theo hướng sốc nhiễm khuẩn sau đó chuyển tiếp ra khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai.
Nguyên nhân ban đầu từ kết quả cấy vi khuẩn cho thấy, cả 2 bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Burkholderia Cepacia gây ra.
TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai thông tin, biến chứng trong thận nhân tạo có nhiều nguyên nhân, liên quan nhiều yếu tố như nguồn nước, máy móc, lọc máu ra, đưa máu vào... nên rất khó để xác định chính xác nguyên nhân từ đâu dẫn đến sốc nhiễm khuẩn.
Văn Bình
Theo toquoc
Cảnh báo suy thận từ lý do rất nhỏ Những câu chuyện về bệnh nhân suy thận mãn tính ở "xóm chạy thận" tại Hà Nội khiến không ít người xót xa thương cảm. It người biết, lý do khiến nhiều người bị suy thận chỉ vì bỏ qua những triệu chứng nhẹ của sỏi thận/tiết niệu. Bệnh nhân sỏi thận cần được khám, điều trị kịp thời để tránh biến chứng...