Cháy tàu chở hàng tại eo biển Dardanelles
Ngày 25/4, một tàu chở hàng khô đã bốc cháy ở eo biển Dardanelles thuộc tỉnh Canakkale, miền Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, khiến cơ quan chức năng phải đình chỉ hoạt động giao thông hàng hải trên tuyến đường thủy quan trọng này.
Trong một thông báo trên nền tảng mạng xã hội, Tổng cục An toàn ven biển cho biết lửa khởi phát từ phòng máy của con tàu Ak Discovery dài 107m đang trên đường từ Ai Cập đến Bulgaria. Hoạt động cứu hộ nhanh chóng được triển khai với nhiều tàu thuyền được điều động đến hiện trường.
Để đề phòng nguy cơ mất an toàn, giới chức trách tạm thời đình chỉ lưu thông qua eo biển Dardanelles ở cả hai hướng. Sau quá trình ứng phó khẩn cấp, Tổng cục An toàn ven biển cho biết lực lượng chức năng đã dập tắt đám cháy trên tàu. Những nỗ lực làm mát tàu vẫn đang được tiến hành.
Eo biển Dardanelles có chiều dài 61 km và chiều rộng tối thiểu 1,2 km. Eo biển này là tuyến đường thủy chiến lược nối biển Marmara và biển Aegean, đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động hàng hải quốc tế.
Vụ sập cầu ở Mỹ: Chính phủ ưu tiên khôi phục tuyến đường thủy
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết lực lượng đặc trách về chuỗi cung ứng liên bang sẽ nhóm họp trong ngày 27/3 (giờ địa phương) để đánh giá về vụ sập cầu và đóng cửa cảng Baltimore.
Hiện trường vụ sập cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore, bang Maryland (Mỹ), sau khi bị tàu chở hàng đâm trúng, ngày 26/3/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình MSNBC trong chuyến thăm bang Georgia, Bộ trưởng Yellen nhấn mạnh chính phủ sẽ cố gắng để mở lại cảng Baltimore, một trong những cảng quan trọng nhất của Mỹ, sớm nhất có thể. Lực lượng đặc trách của chính phủ sẽ nhóm họp để đánh giá thông tin mới nhất về tình hình cảng Baltimore, từ đó xem xét tác động của vụ sập cầu. Bà nhấn mạnh chính phủ đang theo sát diễn biến sự việc và sẵn sàng triển khai các biện pháp. Khi được hỏi về việc Tổng thống Joe Biden cam kết chính phủ liên bang sẽ cấp kinh phí xây lại cầu, bà cho biết mặc dù bà hy vọng các khoản tiền bảo hiểm sẽ góp phần trang trải chi phí này, song nhấn mạnh chính phủ không muốn vấn đề tài chính làm chậm tiến độ kế hoạch.
Trong khi đó, phát biểu tại họp báo ở Nhà Trắng, Phó Chỉ huy Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, Phó Đô đốc Peter Gautier khẳng định ưu tiên hàng đầu của lực lượng này hiện nay là khôi phục tuyến đường thủy để vận chuyển hàng hóa, sửa chữa tàu Dali và đưa tàu ra khỏi khu vực sau vụ sập cầu ở Baltimore. Ông Gautier nêu rõ trong số 4.700 container trên tàu, có 56 container chứa vật liệu nguy hiểm song không đe dọa đến an toàn của cộng đồng. Tàu cũng đang chở 1,5 triệu gallon dầu nhiên liệu (1 gallon tương đương 3,78 lít).
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Mỹ (NTSB) Jennifer Homendy cho biết các nhân viên của NTSB đã lên tàu để thẩm vấn 2 hoa tiêu cùng 21 thủy thủ. Các nhà điều tra cũng bắt đầu đánh giá thông tin mà hộp đen lưu lại. Dữ liệu cuộc gọi cho thấy vài phút trước khi tai nạn xảy ra, hoa tiêu đã gọi hỗ trợ kéo tàu, tiếp đó là thông báo tàu mất điện hoàn toàn trước khi tàu đến gần cầu.
Thông tin từ thiết bị lưu dữ liệu cũng thể hiện tàu bị mất điện. Tuy nhiên, các hình ảnh video về vụ tai nạn cho thấy đèn của tàu đã tắt, bật trong thời gian ngắn. Do đó, chưa thể xác minh tàu có mất điện thực sự hay không. Bên cạnh đó, bà Homendy xác nhận một số container trên tàu đã bị thủng và bắt đầu xuất hiện váng trên mặt nước.
Các nhà phân tích ước tính số tiền bồi hoàn bảo hiểm sau vụ sập có thể lên hàng tỷ USD. Giám đốc điều hành công ty đánh giá tín nhiệm bảo hiểm toàn cầu Morningstar DBRS, Marcos Alvarez cho biết tùy thuộc vào thời gian đóng cảng và mức độ gián đoạn của hoạt động cung ứng, vận chuyển, tổng số tiền bảo hiểm có thể từ 2-4 tỷ USD. Nếu là 4 tỷ USD, con số này sẽ vượt qua mức bồi hoàn kỷ lục liên quan đến thảm họa du thuyền hạng sang Costa Concordia vào năm 2012.
Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg, có khoảng 8.000 việc làm trực tiếp liên quan đến các hoạt động tại cảng, đem về mức thu nhập 2 triệu USD/ngày.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế và các chuyên gia logistics cho rằng khó có khả năng việc đóng cảng sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng lớn ở Mỹ, hoặc đẩy giá hàng hóa lên cao, do vẫn còn nhiều tuyến đường vận chuyển dọc theo Bờ Đông nước Mỹ.
Số người di cư vượt eo biển Manche cao kỷ lục bất chấp mùa Đông Ngày 27/3, Chính phủ Anh công bố số liệu sơ bộ cho thấy số người di cư vượt biên trái phép từ Pháp vào nước này qua eo biển Manche trong 3 tháng đầu năm nay cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay. Thuyền chở người di cư vượt eo biển Manche hướng đến bờ biển miền Nam nước Anh,...